Sự kiện

Có nên thu thuế tài nguyên nước ?

Thứ hai, 8/12/2008 | 10:11 GMT+7

Lai Châu được đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển thuỷ điện lớn nhất cả nước. Với hệ thống sông suối dày đặc có độ dốc lớn như sông Đà, Nậm Mu, Nậm So, Nậm Mạ, Nậm Củm...trên địa bàn tỉnh có 4 công trình thuỷ điện lớn, khoảng 20 công trình thuỷ điện nhỏ đang thi công hoặc trong giai đoạn thiết kế. Tiềm năng lớn là vậy, song cách nào để "vốn hoá" được nguồn tài nguyên nước, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương vẫn là câu hỏi lớn đối với Lai Châu.

Trong đề tài "Hoàn thiện hệ thống chính sách tạo động lực phát triển đột phá và bền vững kinh tế xã hội Lai Châu giai đoạn 2008- 2015 tầm nhìn 2020", Giáo sư- Tiến sĩ Đàm Văn Nhuệ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Chủ nhiệm đề tài đã đề cập: "Trong khi tất cả các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hoá đều phải nhập nguyên liệu đầu vào để sản xuất thành hàng hoá đưa ra thị trường, thì một nghịch lý là ngành sản xuất thuỷ điện sử dụng tài nguyên nước, song lại không phải trả tiền phí tài nguyên...Địa bàn Lai Châu có sông Đà với 3 chỉ lưu lớn là các sông Nậm Na, Nậm Mạ, Nậm Mu và nhiều sông suối lớn nhỏ khác với mật độ 5,56 km sông suối/km2. Tài nguyên của Lai Châu, nhưng người sử dụng không chỉ ở Lai Châu mà còn cả vùng đồng bằng Bắc bộ và cả nước. Nhà nước và ngành Điện lực đang đầu tư xây dựng hàng loạt các nhà máy thuỷ điện lớn như Hoà Bình, Sơn La, Huổi Quảng, Bản Chát, Nậm Nhùn...trên sông Đà và các chỉ lưu của sông Đà. Với công xuất 6.000 MW, Tây Bắc thực sự trở thành nguồn cung cấp năng lượng điện cho cả nước và nguồn thuỷ sinh cho đồng bằng Bắc Bộ...Việc đảm bảo nguồn nước lâu dài cho thuỷ điện và đồng bằng, nhiệm vụ bảo đảm ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, biên giới chủ quyền quốc gia buộc Chính phủ phải bảo vệ rừng, đất đầu nguồn...Như vậy trong dự toán xây dựng các công trình thuỷ điện cần trích khoản vốn giành cho bảo vệ nguồn sinh thuỷ, với các nhà máy thuỷ điện đã hoạt động thì chi phí đầu tư cho bảo vệ nguồn nước được tính vào giá thành điện." Theo Giáo sư Đàm Văn Nhuệ, mỗi năm ngành Điện lực có thể khấu hao tới 36% vốn đầu tư xây dựng các công trình thuỷ điện khi đã đưa vào vận hành, đây là khoản lợi nhuận mà không ngành sản xuất nào có được. Trong khi đó các tỉnh thuộc khu vực đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước là nguyên liệu cho các nhà máy thuỷ điện đều là những tỉnh nghèo. Điển hình như Lai Châu trong năm 2008 có tổng nguồn thu nội địa chỉ đạt 165 tỷ đồng, trong đó có tới khoảng 50 tỷ đồng tiền sử dụng đất, tỷ lệ đói nghèo còn tới gần 35%. Theo Giáo sư nên đánh thuế tài nguyên nước và các loại phí môi trường tương ứng.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Lai Châu đến năm 2010, cùng với việc triển khai xây dựng các nhà máy thuỷ điện Lai Châu, Bản Chát, Huổi Quảng, tỉnh sẽ tiến hành khảo sát, qui hoạch và thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ, nhất là trên các sông, suối Nậm Mở, Nậm Kim, thượng nguồn Nậm Mu, Nậm So, Nậm Na, Nậm Mạ... với khoảng 20 trạm thuỷ điện có công xuất từ 1- 30 MW, đưa Lai Châu trở thành tỉnh có sản lượng thuỷ điện lớn của quốc gia. Ông Nguyễn Hồng Hà, Gám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh đã làm một phép tính: Sau khi triển khai các công trình này, diện tích mặt nước của địa phương sẽ lên tới trên 2.000 km2 trên tổng số 9.000 km2 diện tích tự nhiên toàn tỉnh, với cao độ từ 215m đến 295m. Như vậy mỗi năm sẽ có khoảng 20 tỷ m3 nước sử dụng làm nguyên liệu cho các công trình thuỷ điện. Nếu thu được thuế tài nguyên nước với giá chỉ 1đồng/m3 thì số tiền trên đã là 20 tỷ đồng, một nguồn thu đáng kể cho địa phương mà tổng thu ngân sách cả năm chỉ đạt trên 100 tỷ đồng như Lai Châu. 

Để xây dựng các nhà máy thuỷ điện tại địa phương, từ năm 2006 - 2010, Lai Châu sẽ phải di dời 9.158 hộ dân (gần 1/7 dân số toàn tỉnh) ra khỏi vùng lòng hồ, 1/4 diện tích tự nhiên bị ngập. Các vùng bị dâng nước lại là những khu vực bằng phẳng, đất đai phì nhiều màu mỡ thuận tiện cho đồng bào sinh sống, canh tác. Những hộ tái định cư đang phải dời bỏ những cánh đồng màu mỡ phì nhiêu, dời bỏ những ngôi bản khang trang từ nhiều đời cha ông sinh sống để leo lên những sườn núi treo leo, làm ruộng bậc thang hay chuyển đổi sang ngành nghề khác. Về lâu dài, khó có thể nói rằng họ đến nơi ở mới sẽ có điều kiện canh tác tốt hơn nơi cũ, mặc dù trước mắt, với số tiền bồi thường ban đầu họ có thể xây dựng những căn nhà khang trang hơn. Để bảo vệ rừng, hiện nay những hộ dân ở vùng đầu nguồn 21 xã biên giới Lai Châu chỉ được hưởng một khoản kinh phí quá ít ỏi là 200.000 đồng/ha rừng/năm. Nghĩa là mỗi hộ dù có bảo vệ tới 50ha, thì mỗi năm cũng chỉ nhận được 10 triệu đồng, số tiền này liệu có đủ cho đồng bào chuyên tâm giữ rừng mà không hề được canh tác gì khác trên mảnh đất đó.

"Bán nước" cho nhà máy thuỷ điện, mới nghe thì có vẻ nực cười. Nhưng nếu nhìn ngược lại thì sẽ nhận ra vấn đề: Để xây dựng những công trình thuỷ điện, đã có hàng chục nghìn hộ dân phải di dời khỏi vùng lòng hồ. Không những thế, họ còn phải dốc sức bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước cho các công trình thuỷ điện, nguồn sinh thuỷ cho miền xuôi. Có lẽ sẽ công bằng hơn nếu ngành Điện bỏ ra một phần lợi nhuận để đầu tư lại cho những người, những địa phương đã “hy sinh” vì mình./.

Xuân Mai