Sự kiện

Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn: “Vướng” nhưng không “mắc”

Thứ sáu, 12/6/2009 | 11:18 GMT+7
Tính đến nay, ngành Điện đã tiếp nhận xong 47% lưới điện hạ áp tại các xã và bán điện trực tiếp cho 64% số hộ dân nông thôn. Mốc cần hoàn thành chương trình TNLĐHANT là tháng 6/2010, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết.

Khi ngành Điện tiếp nhận LĐHANT, người dân sẽ thực sự được hưởng lợi từ cơ chế giá điện của Chính phủ.
Khó khăn nhiều bề

Tại một số tỉnh, các tổ chức điện nông thôn chưa sẵn sàng bàn giao hoặc bàn giao kèm theo các điều kiện khắt khe như đòi hỏi phải hoàn vốn theo giá thị trường, tiếp nhận số nhân lực hiện có (đa số không đáp ứng được về văn hóa lẫn chuyên môn kỹ thuật – nghiệp vụ). Một số hợp tác xã kinh doanh điện nông thôn, công ty cổ phần… đang hưởng lợi lớn từ cơ chế giá điện của Chính phủ đã tỏ ra cương quyết không chịu bàn giao lưới điện ngay cả khi đã có chủ trương chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, huyện.

Về phía ngành Điện, từ kết quả kinh doanh tại các đơn vị thuộc Công ty Điện lực 1 (PC1) đã hoàn thành tốt việc tiếp nhận như Điện lực Sơn La, Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên… cho thấy, mức sử dụng điện bình quân chỉ đạt thấp, khu vực miền núi còn thấp hơn rất nhiều. Mặc dù giá bán lẻ bình quân có tăng so với bán tại công tơ tổng, nhưng do tỷ lệ tổn thất điện năng phần lớn trên 20%, nên chênh lệch doanh thu giữa bán lẻ và bán tổng đạt thấp. Đến nay, với 592 xã đã tiếp nhận trên địa bàn quản lý, chênh lệch doanh thu của PC1 chỉ là 3,357 tỷ đồng. Theo tính toán của PC1, nếu tiếp nhận xong tất cả các xã vào tháng 6/2010 và tính chênh lệch doanh thu được để lại trong 3 năm (năm đầu tổn thất điện năng 25%, năm thứ 2 về 13 - 15%, năm thứ 3 về 8 - 10%), thì tổng chênh lệch doanh thu đạt khoảng 1.590 tỷ đồng. Trong khi đó, để đưa được tổn thất điện năng về 8%, mức đầu tư cần trên 1 triệu đồng cho mỗi hộ, tương ứng số tiền cần trên 3.600 tỷ đồng. Đây là mức đầu tư rất lớn, trong khi việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư đang rất khó khăn.

Bên cạnh đó, vấn đề thay thế và kiểm định công tơ sau tiếp nhận cũng là một vấn đề lớn, đòi hỏi các công ty điện lực, điện lực cần tập trung một lượng lớn nhân tài vật lực để giải quyết. Do khối lượng công việc rất lớn, lực lượng mỏng, vừa phải đảm bảo sản xuất kinh doanh, vừa tiếp tục thực hiện chương trình tiếp nhận tại các địa phương còn lại, nên nhiều đơn vị chưa kịp thời ký kết hợp đồng mua bán điện với các hộ dân sau khi tiếp nhận. Mặt khác, do tiếp nhận nguyên trạng, chưa có điều kiện cải tạo ngay, nên lưới điện hạ áp ở nhiều khu vực không đảm bảo an toàn, gây tâm lý lo lắng cho các đơn vị về trách nhiệm nếu xảy ra các trường hợp tai nạn điện trong dân. Một số công ty điện lực, điện lực còn lúng túng trong việc điều động, bố trí nhân lực quản lý lưới điện tại địa bàn tiếp nhận, đặc biệt là việc tổ chức lực lượng làm dịch vụ bán lẻ điện nông thôn…

Chủ động tháo gỡ vướng mắc

Trong khi chờ hướng dẫn của liên Bộ Công Thương và Tài chính về việc giao nhận, xác định giá trị tài sản và cơ chế hoàn trả vốn lưới điện hạ áp nông thôn, Lãnh đạo EVN đã thu thập các kiến nghị của các đơn vị và có ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn để từng bước tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình. Theo đó, về việc hoàn trả vốn khi thực hiện bàn giao, do tài sản bàn giao có tính chất đa dạng về hình thức sở hữu và nguồn vốn đầu tư công trình, nên trong hồ sơ bàn giao, EVN yêu cầu các đơn vị phải đánh giá xác định giá trị tài sản và nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình như đã thực hiện khi tiếp nhận lưới điện trung áp nông thôn trước đây. Khi tiếp nhận LĐHANT, không đưa vào đánh giá giá trị tài sản còn lại đối với những nhánh dây hạ áp, hệ thống công tơ điện mua trôi nổi trên thị trường do người dân và địa phương tự xây dựng bằng cột tự tạo. Những tài sản này trước mắt cho phép tồn tại để duy trì cấp điện cho người dân, khi điện lực bố trí được vốn đầu tư cải tạo, thay thế thì sẽ tháo dỡ và trả lại cho dân.

Đối với chi phí tiếp nhận (thay thế củng cố hệ thống công tơ, sửa chữa tối thiểu lưới điện hạ áp sau tiếp nhận, thuê dịch vụ bán lẻ…), Tập đoàn đã chỉ đạo các công ty điện lực tính toán để đưa thành khoản mục riêng trong kế hoạch năm 2009. Vốn hoàn trả cho các tổ chức quản lý điện nông thôn sẽ chờ hướng dẫn của liên bộ Công Thương – Tài chính. Còn đối với vốn đầu tư cải tạo nâng cấp lưới điện hạ áp sau tiếp nhận, trước mắt, các công ty cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn vay ưu đãi của WB và ADB trong các dự án điện nông thôn (Cty Điện lực 1, 2, 3, Hải Dương, Hà Nội). Tập đoàn đang tiếp tục làm việc với các tổ chức quốc tế để thu xếp các nguồn vay ODA cho các dự án điện nông thôn. Về phía các đơn vị, cần chủ động lập trước các dự án đầu tư để có sẵn hồ sơ giới thiệu với các tổ chức cho vay vốn.

Cùng với đó, một số công ty điện lực kiến nghị để lại phần chênh lệch doanh thu từ 4 - 5 năm (PC1 kiến nghị từ 5 - 7 năm) nhằm chi phí cho cải tạo, thay thế và giảm tỷ lệ tổn thất. Về vấn đề này, EVN sẽ sẽ căn cứ vào thực tế để quyết định. Trường hợp EVN cho phép giữ lại phần chênh lệch doanh thu thì sẽ xem xét điều chỉnh thời gian cho hợp lý nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện tốt chương trình. Còn đối với vấn đề bố trí lao động sau tiếp nhận, EVN cho rằng, không thể tách riêng công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp để kiến nghị xem xét giải quyết vấn đề này, mà cần được đặt chung trong tổng thể sản xuất kinh doanh của toàn đơn vị, đảm bảo bố trí sắp xếp lao động hợp lý. Các công ty điện lực cần chủ động xây dựng phương án và quyết định những việc thuộc phạm vi quyền hạn của mình.

Ngoài ra, về hoạt động của dịch vụ bán lẻ điện năng, EVN cho phép giám đốc công ty điện lực, điện lực chịu trách nhiệm quyết định việc lựa chọn hình thức đảm bảo thực hiện hợp đồng dịch vụ trên nguyên tắc của quy chế, quy định của pháp luật. Đối với việc thuê dịch vụ bán lẻ, EVN đã có quyết định nêu rõ danh mục công việc điện lực giao cho bên nhận làm dịch vụ bán lẻ điện. Do vậy, các điện lực cần lựa chọn trên địa bàn mình số lượng bên nhận làm dịch vụ sao cho doanh thu giữa các bên nhận làm dịch vụ là hợp lý. Các đơn vị cần chủ động vận dụng cách tính tiền công cho bên nhận làm dịch vụ để áp dụng phù hợp với tình hình cụ thể của địa bàn, đặc thù vùng nông thôn – miền núi; mở rộng thêm các công việc khác phù hợp với điều kiện và trình độ của bên nhận làm dịch vụ để áp dụng cách tính tiền công phụ thêm, tránh hiện tượng hủy bỏ hợp đồng dịch vụ đã ký và không tiếp tục ký được hợp đồng mới với điện lực.

- Năm 2009, EVN sẽ TN LĐHANT tại 2930 xã.

- 2 tháng đầu năm 2009, đã tiếp nhận xong 153 xã (156.563 hộ).

 

 

Một số chỉ đạo của EVN về công tác TNLĐHANT trong năm 2009

- Yêu cầu các đơn vị nỗ lực thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu tiếp nhận Tập đoàn giao; chuẩn bị tốt phương án xử lý tình huống các tổ chức quản lý điện nông thôn cấp tập bàn giao vì không đủ điều kiện bán điện theo quy định mới.

- Công tác TNLĐHANT phải gắn chặt với chủ đề năm 2009 là năm củng cố thương hiệu và xây dựng văn hóa doanh nghiệp của EVN.

- Ưu tiên thực hiện tốt các công việc tối thiểu: Chốt chỉ số công tơ trước khi bàn giao; ký hợp đồng mua bán điện với toàn bộ khách hàng mới; kiểm định toàn bộ công tơ khách hàng.; xử lý các yêu cầu tối thiểu về an toàn lưới điện.

 - Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình TNLĐHANT trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 - Chủ động sắp xếp nhân lực hiện có, đảm bảo yêu cầu quản lý vận hành lưới điện mới tiếp nhận, tiếp tục nghiên cứu đề xuất với EVN về chi phí, lao động tiền lương, nhu cầu vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện…

Theo Tạp chí Điện lực