Sự kiện

Công trình Thủy điện Sơn La những ngày nước rút: Củng cố niềm tin vào nội lực

Thứ ba, 19/10/2010 | 10:43 GMT+7

Những ngày này trên công trường thủy điện Sơn La, gần 4.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân thuộc các đơn vị Ban quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La  và các nhà thầu vẫn duy trì chế độ làm việc 3 ca, 4 kíp liên tục và khẩn trương, nhằm đảm bảo tiến độ thi công các hạng mục, phấn đấu phát điện tổ máy số 1 vào cuối tháng 12/2010. 

Chạy đua với thời gian

Chặn ngang dòng sông Đà hung dữ là khối đập bê tông cao sừng sững trên 138 m với chiều dài gần 1000 m đang được những người thợ Sông Đà đổ những khối bê tông đầm lăn cuối cùng hoàn thành tuyến đập của Nhà máy Thủy điện Sơn La. Những khối nước cuộn tròn, tung bọt trắng xóa qua các cửa xả là minh chứng cho con sông Đà bị khuất phục bởi những người thợ thủy điện Việt Nam. Chỉ hơn 100 ngày nữa, dòng điện sáng nơi đây sẽ được chạy dài trên những mạch đường dây 500 kV của hệ thống điện quốc gia đi khắp mọi miền Tổ quốc.

Năm năm trước đây, công trình được khởi công với những viên đá đầu tiên được đổ xuống dòng sông Đà. Đến hôm nay, những hạng mục của Nhà máy đã lên hình hài vững chãi, đồ sộ, nằm trên mảnh đất xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Để có được kết quả đó, những công nhân lao động của tất cả các đơn vị thi công đã phải nỗ lực lao động, quên mình chạy đua với thời gian hoàn thành các dấu mốc đặt ra. Những con số như, 800 ngàn tấn bê tông các loại, trên 12.387 tấn thiết bị lớn nhỏ, hàng vạn tấn sắt thép... tưởng như rất khô khan, nhưng lại thấm đẫm mồ hôi, công sức và những nỗi vất vả của người thợ thi công. 

Anh Đào Xuân Vệ, công nhân bậc 5/6 của Công ty cổ phần LILAMA 10, cho biết: Tôi đã từng tham gia lắp đặt thiết bị trên 10 công trình thủy điện lớn nhỏ của Việt Nam. Nhưng việc lắp đặt thiết bị tổ máy của Thủy điện Sơn La khó khăn hơn nhiều do 1 tổ máy có đến 260.000 tấm tôn mỏng 0,5 li phải tổ hợp và trên 1.500 thanh dẫn phải lắp ráp lại. Vì thế, mọi công việc yêu cầu phải tuyệt đối an toàn và chính xác đến từng chi tiết nhỏ.

Tại công trình này, anh Đào Xuân Vệ và các đồng nghiệp đã hoàn thành phần lắp đặt các thiết bị khổng lồ như: Máy treo cáp nặng đến 210 tấn, hầm tubin và bánh xe công tác 176 tấn, trục tubin 106 tấn, rotor nặng 971 tấn, stato 470 tấn... là những thiết bị đồ sộ nhất mà từ trước đến nay đơn vị được thi công. Với tinh thần tích cực, hăng say, các anh luôn cố gắng hết mình thay nhau làm việc cả ngày lẫn đêm, thực hiện theo đúng tiến độ thi công và đảm bảo tuyệt đối an toàn, đảm bảo chất lượng để đưa công trình về trước tiến độ.

Dự kiến tổ máy 1 sẽ phát điện vào tháng 12/2010, sau đó đơn vị của anh sẽ khẩn trương hoàn thành lắp đặt tổ máy số 2 trước quý I của năm 2011. Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, anh và hàng ngàn công nhân lao động khác đã xác định cho mình sẽ sẵn sàng đón thêm một cái Tết trên công trường để đảm bảo nhiệm vụ vinh quang do Nhà nước giao phó. 

 

Đập Thủy điện Sơn La đang được hoàn thiện những hạng mục cuối cùng

Điểm hẹn cuối năm

Ông Nguyễn Hồng Hà - Trưởng Ban quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La cho biết: Trải qua những khó khăn do tình hình thời tiết khắc nghiệt của những tháng đầu năm 2010, đến thời điểm này, đã hạ thành công rotor máy phát tổ máy số 1. Đây là thiết bị được ví như “trái tim” của Nhà máy. Với sự chỉ đạo sát sao của EVN, sự nỗ lực hết mình của các đơn vị thi công và UBND 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên, một khối lượng lớn công việc của dự án Thủy điện Sơn La đã được hoàn thành: Di dân, thu dọn vùng lòng hồ, bảo tồn di sản văn hóa và tận thu khai thác khoáng sản lòng hồ tạo điều kiện cho công tác đóng cống tích nước hồ chứa; Thi công bê tông đập không tràn, đập tràn để lắp đặt thiết bị chuẩn bị cho đóng cống dẫn dòng; Hoàn thành tổ hợp và lắp đặt tua bin, stator, rotor máy phát tổ máy số 1. Hiện nay, các thiết bị cơ khí thủy lực của toàn bộ tổ máy 1 và một phần của tổ máy số 2 đã được tập kết đầy đủ tại công trường đáp ứng tiến độ lắp đặt. Đặc biệt là vốn cho dự án, đến nay việc thanh toán cho các nhà thầu đã được đảm bảo. Nhờ vậy mà các hạng mục thi công đều đã đạt tiến độ đề ra.

Thủy điện Sơn La

- Công trình thủy điện có đê đầm lăn cao và dài nhất:  cao: 138 m, dài 1.000m.
- Khối lượng bê tông đã sử dụng: 756.700 tấn bê tông đầm lăn.
- Tổ máy 400 MW lớn nhất tại Việt Nam;
- Trạm 500 kV lần đầu tiên được các chuyên gia và kỹ sư Việt Nam lắp đặt.
Điều tự hào nhất của công trình Thủy điện Sơn La không chỉ ở tiến độ, quy mô dự án mà đây còn là công trình do đội ngũ cán bộ kỹ sư người Việt Nam đảm nhận vai trò chính. Từ khâu chủ trì thiết kế quy hoạch, công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật cho đến thi công đều do kỹ sư, chuyên gia, công nhân lao động Việt Nam thực hiện. Bên cạnh đó, việc phát huy nội lực trong nước đó là ưu tiên sử dụng các thiết bị cơ khí, máy móc của các nhà thầu sản xuất trong nước. Các công ty lắp máy trong nước đã chế tạo thành công thiết bị cơ khí thủy công, trong đó có cẩu trục gian máy hơn 1.000 tấn được sử dụng trong quá trình thi công lắp đặt các tổ máy của thủy điện Sơn La. Công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị 100% là người Việt Nam đảm nhận. Các chuyên gia nước ngoài chỉ đóng vai trò giám sát. 

Theo: TCĐL số 9/2010