Sự kiện

Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn ở Trà Vinh: Cần sớm tháo gỡ những vướng mắc

Thứ tư, 1/10/2008 | 09:40 GMT+7
Từ hiện trạng…
 

Trẻ em nông thôn vui mừng khi lưới điện kéo về nông thôn

Tỉnh Trà Vinh hiện có 3 mô hình quản lý điện nông thôn (ĐNT): Điện lực Trà Vinh bán lẻ trực tiếp đến hộ sử dụng điện, các công ty cổ phần và các HTX điện. Hai mô hình quản lý còn lại mua điện của ngành Điện và bán lẻ đến hộ sử dụng điện. Các công ty cổ phần, HTX điện được hình thành theo chủ trương trước đây của Tỉnh về đa dạng hoá các thành phần kinh tế tham gia phát triển điện nông thôn, nhằm đóng góp tích cực trong việc phát triển số hộ dân nông thôn sử dụng điện.

Điện lực Trà Vinh là đơn vị có hệ thống quản lý kinh doanh bán điện trên từng huyện, thị với các Chi nhánh điện bán điện đến 90/102 xã, phường, thị trấn. Trong đó, bán điện trực tiếp tại 07 xã, 07 thị trấn, 09 phường với tổng số 85.015 khách hàng; bán điện cho các tổ chức ĐNT trên địa bàn 68 xã, 02 thị trấn với tổng số 118.471 khách hàng. Sản lượng điện mua của ngành Điện bình quân là 6,2 triệu kWh/tháng, chiếm tỷ lệ 35% tổng điện thương phẩm.

… và bất cập của các tổ chức điện nông thôn  

Hiện nay, giá điện bán lẻ của Điện lực Trà Vinh cho 100 kWh đầu tiên là 605 đồng/kWh. Các tổ chức quản lý ĐNT mua điện của ngành Điện với giá 429 đồng/kWh và bán điện cho hộ dân với giá 700 đồng/kWh. Nhờ có chủ trương trợ giá của Nhà nước cho các đối tượng sử dụng điện là người nghèo, có thu nhập thấp và các hộ sinh sống ở nông thôn, nên giá bán điện (đã gồm VAT) là 605 đồng/kWh (cho 100 kWh đầu tiên). Tuy nhiên trên thực tế, hộ dân nông thôn phải trả tiền điện cho các tổ chức ĐNT với giá cao hơn giá bán của ngành Điện là 95 đồng/kWh. Dựa vào chính sách giá điện của Nhà nước, các tổ chức ĐNT đã hưởng lợi từ phần lỗ của ngành Điện và phần thiệt hại của người dân. Theo tính toán, năm 2006, đối tượng hộ dân nông thôn phải chịu thiệt hại từ sự chênh lệch giá điện là 6,18 tỷ đồng và ngành Điện chịu lỗ 10,41 tỷ đồng. Năm 2007, thiệt hại của hộ dân nông thôn là 6,5 tỷ đồng và ngành Điện chịu lỗ 10,84 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, việc quản lý lưới điện ở khu vực nông thôn vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc, đặc biệt là tình trạng nhiều khiếu nại của người dân về điện kế chạy nhanh; chi phí đầu tư cao; tổn thất tăng; chất lượng điện áp không đảm bảo đúng quy định ... Một đặc điểm rất nổi bật gây nên khó khăn cho công tác quản lý điện là vùng nông thôn tại Trà Vinh thường có mật độ dân cư thưa thớt, các hộ sử dụng điện thường có khoảng cách xa so với lưới trục hạ áp, do đó tồn tại nhiều hộ dùng chung một công tơ.

Đến... Đề án

Trước thực trạng đó, Điện lực Trà Vinh đã xây dựng Đề án thực hiện trong quý 4/2008 và giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2010 về từng bước tiếp nhận các HTX lưới điện chất lượng dịch vụ không tốt, có nhiều phản ánh, kiến nghị của khách hàng. Khi Đề án này hoàn thành, ngành Điện sẽ đạt được các mục tiêu: Đảm bảo về an toàn điện, chất lượng điện và việc quản lý hệ thống điện nông thôn có chất lượng, hiệu quả cao hơn, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, phát triển kinh tế xã hội ở khu vực nông thôn; đảm bảo công bằng về giá điện và quyền lợi chính đáng của người sử dụng điện, cụ thể là người dân nông thôn được mua điện theo đúng giá quy định của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Mặt khác, người dân được giảm chi phí đầu tư kéo nhánh điện vào nhà, giảm chi phí trong việc chi trả tiền điện; góp phần giảm tổn thất điện năng để tăng thương phẩm, phục vụ cho sinh hoạt, SXKD, dịch vụ. Mức tổn thất điện năng dự kiến sẽ giảm xuống còn 5% (tổn thất bình quân của các tổ chức ĐNT hiện nay là 9,59%), tiết kiệm điện được khoảng 3,86 triệu kWh/năm, tương ứng với số tiền trên 2,7 tỷ đồng.

Đề án trên có chủ trương tiếp nhận tài sản không hoàn vốn và tập trung sửa chữa lưới điện để bán điện trực tiếp đến tận hộ dân. Với việc cố gắng tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương trong việc vận động các Tổ chức quản lý ĐNT bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện quản lý và bán điện trực tiếp đến hộ dân, Điện lực Trà Vinh dự kiến tiếp nhận 07 Tổ chức ĐNT với tổng chiều dài đường dây hạ thế là 1.319 km, cấp điện cho hơn 118.471 hộ dân. Tổng chi phí đầu tư dự kiến gần 41 tỷ đồng (bao gồm: Lắp đặt điện kế 20 tỷ đồng; sửa chữa lưới điện 21 tỷ đồng).

Cần sớm tháo gỡ vướng mắc  

Mặc dù việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn do ngành Điện quản lý là một chủ trương đúng, vì mục tiêu phát triển lâu dài trong quá trình công nghiệp hóa - điện khí hóa nông nghiệp nông thôn, xuất phát từ lợi ích trực tiếp, chính đáng của người sử dụng điện, đảm bảo mức giá thống nhất của Chính phủ. Tuy nhiên, thời gian qua, Điện lực Trà Vinh đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Đề án tiếp nhận, tiến độ đạt chậm so với kế hoạch. Mặc dù Điện lực Trà Vinh đã xin ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo Tỉnh và làm việc, thương thảo với các tổ chức ĐNT nhằm tiếp nhận không hoàn vốn, bán điện trực tiếp đến hộ dân, nhưng các tổ chức ĐNT không đồng ý bàn giao với nhiều lý do khác nhau. Để sớm tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tiến độ thực hiện Đề án tiếp nhận lưới điện nông thôn, thiết nghĩ, Điện lực Trà Vinh rất cần có sự đồng thuận, hợp tác từ phía các tổ chức quản lý điện nông thôn và sự hỗ trợ, quan tâm sát sao hơn nữa của lãnh đạo Tỉnh.

Theo: TCĐL số 8/2008