Sự kiện

Tỉnh Trà Vinh tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn: Còn nhiều vướng mắc

Thứ hai, 6/10/2008 | 09:59 GMT+7
“Với nhiều mô hình quản lý điện nông thôn đã phát sinh các tồn tại: Người dân phải mua điện với giá 700 đ/kWh, cao hơn giá mua điện cho mục đích ánh sáng sinh hoạt từ ngành Điện (giá 605 đ/kWh có thuế VAT cho 100 kWh đầu tiên). Các tổ chức điện nông thôn hưởng lợi trên sự bù lỗ của ngành Điện và thiệt hại của người dân. Ước tính hàng năm các hộ dân nông thôn thiệt hại khoảng 6,5 tỷ đồng (từ tiền chênh lệch giá điện ) và ngành Điện lỗ trên 10 tỉ đồng”.

Hiện trạng

Tỉnh Trà Vinh hiện có 3 mô hình quản lý điện nông thôn (ĐNT): Điện lực Trà Vinh bán lẻ trực tiếp đến hộ sử dụng điện và các Công ty Cổ phần, các HTX điện mua điện của ngành Điện, bán lẻ đến hộ sử dụng điện. Các Công ty Cổ phần, HTX điện được hình thành theo chủ trương đa dạng hoá, huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển điện nông thôn theo chủ trương của tỉnh ủy, UBND tỉnh. Điện lực Trà Vinh là đơn vị có hệ thống quản lý kinh doanh bán điện trên từng huyện, thị với các Chi nhánh điện bán điện đến 90/102 xã, phường, thị trấn, trong đó bán điện trực tiếp 07 xã, 07 thị trấn 09 phường với tổng số 85.015 khách hàng và bán điện cho các tổ chức ĐNT trên địa bàn 68 xã, 02 thị trấn, với tổng số 118.471 khách hàng. Các tổ chức quản lý điện nông thôn gồm 2 Công ty: Cty Cổ phần Phát triển Điện nông thôn Trà Vinh, Cty Cổ phần Tiến Phát và 05 Hợp tác xã. Theo chủ trương Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng sử dụng điện là người nghèo, có thu nhập thấp và các hộ sinh sống ở nông thôn (chiếm 80% dân số cả nước) với giá bán điện có thuế VAT là 605 đ/kWh (cho 100 kWh đầu tiên). Nhưng trên thực tế người dân nông thôn phải trả tiền điện cho các tổ chức ĐNT với giá cao hơn giá bán điện ngành Điện 95 đ/kWh. Từ chính sách giá điện, các Tổ chức ĐNT đã hưởng lợi từ phần lỗ của ngành điện và phần thiệt hại của người dân. Chỉ tính trong 2 năm gần đây, năm 2006: Hộ dân nông thôn thiệt hại 6,18 tỷ đồng và ngành Điện chịu lỗ 10,41 tỷ đồng; năm 2007: Hộ dân nông thôn thiệt hại 6,5 tỷ đồng và ngành Điện chịu lỗ 10,84 tỷ đồng.

Khó khăn, vướng mắc

Các Công ty Cổ phần, HTX được thành lập theo chủ trương đa dạng hóa các thành phần kinh doanh bán điện của tỉnh ủy, UBND tỉnh. Trong đó Công ty phát triển Điện nông thôn (nay là Công ty Cổ phần phát triển ĐNT) chiếm thị phần rất lớn khoảng 80% trong các tổ chức ĐNT, được hỗ trợ lãi suất vay và các Tổ chức ĐNT còn lại cũng được cấp giấy phép hoạt động. Vốn của các Tổ chức ĐNT là vốn góp của cổ đông, xã viên, vốn vay ngân hàng. Trong thời gian qua việc quản lý lưới điện ở khu vực nông thôn vẫn còn nhiều vấn đề phải quan tâm, phát sinh nhiều khiếu nại của người dân về: điện kế chạy nhanh; chi phí đầu tư cao; tổn thất tăng; chất lượng điện áp không đảm bảo đúng quy định... Phấn đấu vì lợi ích của người sử dụng điện, nhằm đảm bảo chất lượng điện, tăng độ an toàn cấp điện ở khu vực nông thôn, Điện lực Trà Vinh xây dựng đề án thực hiện trong quý 4/2008 và giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2010 để từng bước tiếp nhận các HTX có lưới điện đang xuống cấp, chất lượng dịch vụ không tốt, có nhiều phản ánh kiến nghị của cử tri. Điện lực Trà Vinh dự kiến tiếp nhận 07 Tổ chức ĐNT với tổng chiều dài đường dây hạ thế là: 1.319 km, cấp điện cho hơn 118.471 hộ dân, tổng chi phí đầu tư gần 41 tỷ đồng (lắp đặt điện kế 20 tỷ đồng, sửa chữa lưới điện 21 tỷ đồng). Trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, đề án triển khai chậm so với tiến độ. Điện lực Trà Vinh xin ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo UBND tỉnh, tỉnh ủy và làm việc với các tổ chức ĐNT, để tiếp nhận không hoàn vốn bán điện trực tiếp đến hộ dân, về phía các Tổ chức ĐNT không đồng ý bàn giao.

Hiệu quả của đề án tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn

Khi đề án tiếp nhận bán lẻ đến tận hộ dân khu vực nông thôn hoàn thành, ngành Điện đạt các mục tiêu: Đảm bảo về an toàn điện, chất lượng điện và việc quản lý hệ thống điện nông thôn chất lượng, hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, phát triển kinh tế xã hội ở khu vực nông thôn. Thực hiện công bằng về giá điện và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người sử dụng điện, người dân nông thôn được mua điện theo đúng giá quy định của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Người dân được giảm chi phí đầu tư kéo nhánh điện vào nhà. Giảm chi phí cho người dân trong việc chi trả tiền điện; giảm tổn thất điện năng để tăng thương phẩm, phục vụ cho sinh hoạt, SXKD, dịch vụ. Giảm tổn thất điện năng xuống còn 5% (tổn thất bình quân của các tổ chức ĐNT hiện nay là 9,59%), tiết kiệm điện được khoảng 3,86 triệu kWh/năm tương ứng với số tiền trên 2,7 tỷ đồng. Việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn do ngành Điện quản lý, đây là một chủ trương đúng, vì mục tiêu phát triển lâu dài trong quá trình công nghiệp hóa - điện khí hóa nông nghiệp, nông thôn. Tiếp nhận lưới điện nông thôn để bán lẻ đến hộ tiêu dùng xuất phát từ lợi ích trực tiếp, chính đáng của người sử dụng điện, nhằm cho mọi người được hưởng mức giá thống nhất của Chính phủ và các quyền lợi khác, nhưng xem ra không dễ dàng. Chính vì vậy, cần có sự đồng thuận từ phía các tổ chức quản lý điện nông thôn và sự hỗ trợ, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh Trà Vinh.

Theo Bản tin CĐ T9/2008