Công nhân Cty TTĐ4 kiểm tra bảo dưỡng thiết bị trạm biến áp.
Ngoài ra, để hỗ trợ các đơn vị, Công ty cũng bố trí thêm lực lượng bảo trì thí nghiệm kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng thiết bị, cài đặt chỉnh định trị số rơle; đội cơ động yểm trợ khi có sửa chữa, xử lý sự cố lớn trên tuyến. Vì thế, mặc dù lần đầu tiên vận hành thiết bị cấp điện 500 kV song Công ty đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần huy động tối đa công suất của hệ thống. Sau 15 năm vận hành 183km đường dây 500 kV Pleiku (mạch 1) và 5 năm vận hành 308km đường dây 500 kV Phú Lâm – Tân Định – Di Linh - Pleiku ( mạch 2) và 5 trạm biến áp 500kV, Công ty Truyền tải điện 4 đã truyền tải an toàn, liên tục gần 40 tỷ kWh điện, cung ứng điện kịp thời cho các ngành kinh tế, an ninh, quốc phòng và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân 21 tỉnh, thành phố miền Nam.
Theo ông Nguyễn Xuân Hòa - Phó giám đốc Công ty Truyền tải điện 4, sau khi đường dây 500 kV Bắc Nam được đưa vào vận hành, đã lập tức phát huy hiệu quả rõ rệt, nhất là giai đoạn 1994 - 1997. Với một lượng lớn công suất và điện năng được truyền tải vào để cung cấp cho nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội tại miền Nam và miền Trung, đã chấm dứt tình trạng thiếu điện triền miên, phải cắt điện luân phiên. Riêng khu vực TP. Hồ Chí Minh, trước đó cứ 4 ngày/tuần phải cắt điện từ 6h - 18h thì giai đoạn này đã được cải thiện đáng kể. Từ năm 1998 - 2005, đường dây 500 kV đã thực sự đóng vai trò là đường dây liên kết hệ thống, truyền tải công suất và điện năng theo cả 2 chiều Nam - Bắc, tạo điều kiện khai thác tối ưu các nguồn phát điện trong hệ thống, tạo ra lợi ích kinh tế lớn cho đất nước, trung bình mỗi năm lưới điện miền Nam giao nhận 1,5-2,2 tỷ kWh với các nguồn điện miền Bắc thông qua đường dây 500 kV mạch 1. Tuy nhiên, đến năm 2002, miền Nam có Trung tâm Nhiệt điện Phú Mỹ nên dư công suất, hàng năm cung cấp 2.800 MW trong khi miền Bắc thiếu điện mà không đủ nguồn, đường dây 500 kV mạch 1 đã quá tải. Chính vì vậy, tháng 12/2003, đường dây 500 kV mạch 2 được gấp rút khởi công xây dựng để chống quá tải và cung cấp điện cho sự phát triển kinh tế, xã hội bình thường của miền Bắc và mặt khác là nâng cao độ tin cậy của hệ thống khi có đường dây mạch kép 500kV Bắc – Nam. Đường dây 500 kV mạch 2 đi vào vận hành đã giải quyết ngay tình trạng thiếu điện ở miền Bắc từ giữa năm và cuối năm 2005 và kể từ 2005 đến nay cả 2 mạch đường dây 500 kV liên tục phải truyền tải công suất cao, có thời điểm đến 1.600 MW nhằm đảm bảo cung cấp điện mùa nắng nóng. Sản lượng truyền tải từ miền Nam ra qua 2 mạch đường dây chiếm từ 29 - 36% sản lượng điện cung cấp cho toàn miền Bắc. Bên cạnh đó, khi đường dây 500kV mạch 2 vào vận hành đã nâng cao sự ổn định của hệ thống trước đây hệ thống dễ bị mất điện trên diện rộng thì thời điểm này đã đảm bảo an toàn hơn trong cung ứng điện và vận hành đảm bảo được 2 tiêu chí quan trọng là tính phù hợp và an toàn hệ thống điện, mặt khác đảm bảo được sự hợp lý về mặt kinh tế. Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc Công ty cho biết thêm: “Đến nay, Công ty đã trang bị khá nhiều trang, thiết bị hiện đại để giám sát online các máy biến thế đang vận hành, sử dụng các máy đo vầng quang để kiểm tra sứ, kiểm tra đường dây... Việc nhanh chóng nắm bắt và áp dụng công nghệ mới vào quản lý đường dây đã góp phần đảm bảo vận hành an toàn, ổn định lưới điện truyền tải trong những năm qua..
Thực tế lưới điện 500 kV do Công ty quản lý hầu hết đi qua các khu vực núi cao, rừng sâu, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp, cây cối trong và ngoài hành lang rậm rạp, phát triển tái sinh rất nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe doạ sự cố. Để đảm an toàn và ổn định cho lưới điện, ngoài các giải pháp kỹ thuật, Công ty cũng rất chú trọng đến công tác tuyên truyền, giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong hành lang lưới điện, xã hội hoá công tác bảo vệ đường dây… Đồng thời phối hợp chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ hành lang lưới với người dân nơi có đường dây đi qua, tăng cường kiểm tra hành lang tuyến, các đoạn có nguy cơ sự cố do vi phạm hành lang, đào tạo và hướng dẫn lực lượng bảo vệ, nhân dân địa phương học tập, nâng cao kiến thức về điện, công tác phòng cháy chữa cháy, an ninh nhân dân… Vì vậy, các vi phạm có thể dẫn đến gây sự cố đường dây giảm hẳn qua các năm. Nếu giai đoạn 1994-2001, Công ty có tới 116 vụ vi phạm hành lang, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Bình Phước, một số tổ chức, cá nhân tự ý khai thác đất, đá trong và gần hành lang bảo vệ đường dây 500 kV rất dễ gây sự cố lưới điện hay móc đất đá gây sạt lở móng trụ có nguy cơ đổ tại các khoảng trụ 3161 – 3162, 3180- 3181- 3182- 3183, 3191-3192… thì từ năm 2001 đến nay, tuy hiện tượng người dân đốt rừng ngoài hành lang gây nguy cơ mất an toàn cho đường dây vẫn còn, song về cơ bản tình trạng vi phạm đã giảm hẳn, các hiện tượng mất mát phụ kiện, lấn chiếm hành lang vi phạm Nghị định 106 hầu như không còn. Theo anh Đào Viết Trường, Đội Truyền tải điện Bình Phước, đất đai hiện nay càng ngày càng khan hiếm và có giá nên nhiều bà con vào gần đường dây để trồng, đặc biệt là việc trồng cây cao su. Để đảm bảo an toàn hàng lang đường dây, đội của anh đã phải đi vận động bà con trồng những cây ngắn ngày như: cà phê, cây tiêu cọc chết – bê tông hay gỗ, đặc biệt khuyến khích người dân trồng cây mì. Đơn vị cũng phải tạo quan hệ tốt với chính quyền, các nông lâm trường để họ tạo điều kiện cho việc quản lý, vận hành đường dây được thông suốt.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề cũng đang có ảnh hưởng rất lớn đến Công ty là vấn đề ảnh hưởng của điện từ trường đến dân cư sinh sống gần đường dây, hiện tượng cảm ứng tĩnh điện của đường dây điện cao áp tác động đến môi trường. Tuy chưa có tác động lớn song nguy cơ bất lợi cho các dự án xây dựng đường dây truyền tải điện trong tương lai là khó trách khỏi nếu không có biện pháp giải quyết hữu hiệu. Theo ông Nguyễn Xuân Hòa-Phó Giám đốc Công ty, đây là vấn đề phức tạp, rất khó có thể giải quyết dứt điểm song các cấp ngành cần sớm chú trọng tổ chức thực hiện các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng của điện từ trường đặc biệt là hiện tượng cảm ứng tĩnh điện theo các quy định hiện hành; chuẩn hoá thiết bị và phương pháp đo điện trường, tiếp đất theo quy định cho các bộ phận kim loại nằm trong vùng ảnh hưởng của điện trường; các phương tiện truyền thông đại chúng cần tăng cường các biện pháp thông tin tuyên truyền đến cộng đồng...
Phát huy thành quả đã đạt được trong suốt 15 năm qua, tiếp tục đảm bảo lưới điện truyền tải vận hành an toàn, liên tục góp phần không nhó vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội đất nước, ngoài sự nỗ lực của đơn vị, chính quyền các địa phương có đường dây đi qua cần phối hợp hỗ trợ Công ty ngăn chặn tình trạng đốt rẫy gây cháy từ ngoài hành lang, tạo điều kiện cấp đất các đường vào tuyến, những nơi rất khó đi lại, mất nhiều công sức cho công tác duy tu bảo dưỡng. Đặc biệt là đối với đường dây 500 kV Di Linh - Tân Định, khu vực tỉnh Lâm Đồng (đường dọc tuyến ở khu vực Đam Rông, Lâm Hà, đèo Bảo Lộc, đèo Chuối). Đồng thời, kiến nghị các nông trường trồng cây cao su gần hành lang lưới điện cho phép được chặt tỉa những cây vi phạm hành lang.