Sự kiện

Sự cố vỡ đê quai công trình thủy điện Ia Krel 2: Lời cảnh báo về an toàn thủy điện

Thứ năm, 7/8/2014 | 08:25 GMT+7
Ngay sau sự cố ở một số công trình thủy điện xảy ra vào cuối năm 2013, tháng 2 năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, tiếp đó Bộ Công Thương ra Quyết định số 2046/QĐ-BCT và Chỉ thị số 07/CT-BCT yêu cầu các Sở Công Thương, tập đoàn, tổng công ty, chủ đập công trình thủy điện tăng cường công tác quản lý an toàn hồ đập thủy điện. Ngày 1-8, công trình thủy điện Ia Krel 2 (xây dựng tại huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) bị vỡ đê quai thượng lưu. Đây là lần thứ 2 liên tiếp trong 2 mùa mưa năm 2013 và 2014, thủy điện này xảy ra sự cố nghiêm trọng. Lại tiếp tục gióng lên hồi chuông về an toàn thủy điện.


Sự cố vỡ đê quai công trình thủy điện Ia Krel 2(Gia Lai) gây thiệt hại lớn. Ảnh: Tin Gia Lai

Theo báo cáo của Tổng Cục năng lượng, trên cơ sở kết quả rà soát đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6-Quốc hội khóa XIII, Bộ Công thương đã phối hợp với UBND các tỉnh có dự án thủy điện tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện (DATĐ), kể cả các dự án tạm dừng có thời hạn, các công trình thủy điện đang vận hành khai thác trên địa bàn cả nước. Mục tiêu là tiến tới hoàn thiện và đồng bộ quy hoạch thủy điện trong tổng thể quy hoạch phân ngành năng lượng, trong đó đánh giá xem xét loại bỏ, điều chỉnh hợp lý quy mô và sơ đồ khai thác đối với các dự án có hiệu quả thấp, quy mô nhỏ chưa có nhà đầu tư quan tâm đăng ký, tác động tiêu cực lớn đến môi trường xã hội, ảnh hưởng đến các quy hoạch khác, không thuận lợi về giao thông và đấu nối điện...; đối với các công trình thủy điện đang vận hành khai thác phải đảm bảo sử dụng tài nguyên nước hợp lý, an toàn, bảo vệ đa dạng sinh học…Mặt khác, trong quá trình thẩm định phê duyệt quy hoạch thủy điện, Bộ Công thương cũng xem xét kỹ để kiên quyết loại bỏ hoặc điều chỉnh hợp lý các dự án nằm trong các tiêu chí trên.

Tính đến thời điểm này, đã có 36/38 tỉnh, thành phố có báo cáo kết quả rà soát . Nội dung tập trung rà soát trên cơ sở 3 tiêu chí: Sự đầy đủ của hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong việc đáp ứng nhu cầu thực tế trong quá trình thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý khai thác vận hành các công trình thủy điện; sự phù hợp, tính khả thi giữa các nội dung của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các hoạt động  áp dụng trên thực tế trong quá trình thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý khai thác vận hành; tính thống nhất giữa hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong lĩnh vực thủy điện. Và điều đáng tiếc là sự cố vỡ đê quai thủy điện lại rơi và 1 trong 2 tỉnh chưa có báo cáo rà soát thủy điện (Gia Lai và Thừa Thiên Huế).

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, từ ngày 15-3-2014 đến 30-6-2014, Bộ Công thương đã thực hiện kiểm tra, rà soát điều kiện năng lực các đơn vị tư vấn liên quan đến lĩnh vực thủy điện ở khu vực phía Bắc, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và đã thực hiện kiểm tra được 48/65 đơn vị tư vấn, theo đó, đã yêu cầu loại bỏ 3 đơn vị và sẽ thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực đối với 11 đơn vị thay đổi trụ sở mà không thông báo với cơ quan cấp phép theo quy định.

Hiện nay, Bộ Công thương đang tiến hành kiểm tra, rà soát năng lực các đơn vị tư vấn liên quan đến thủy điện tại khu vực Miền Trung và Miền Nam. Qua kiểm tra thực tế, bước đầu cho thấy, phần lớn các đơn vị tư vấn mới thành lập còn thiếu kinh nghiệm; nhà thầu thi công thiếu năng lực và thiết bị; Chủ đầu tư các dự án thủy điện nhỏ (chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân) thiếu đội ngũ chuyên môn có kinh nghiệm đầu tư xây dựng thủy điện nên việc quản lý chất lượng chưa được chặt chẽ. Trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng, một số chủ đầu tư DATĐ tự điều chỉnh quy mô, thay đổi thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công so với hồ sơ thiết kế đã được cấp có thẩm quyền tham gia ý kiến nhưng không báo cáo cơ quan quản lý nhà nước; quá trình thi công không báo cáo tình hình triển khai xây dựng cho các cơ quan chức năng theo quy định.

Xuất phát từ tình trạng trên, Bộ Công thương đang chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương lập kế hoạch, rà soát, kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình trong công tác khảo sát, thiết kế thi công, nghiệm thu, quản lý an toàn, giải quyết sự cố khi thi công công trình và cam kết về môi trường đối với các DATĐ trên địa bàn cả nước; xem xét chưa cấp hoặc thu hồi giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực thiết kế công trình thủy điện đối với cơ quan tư vấn có năng lực yếu…

Bộ Công thương cũng đã có văn bản số 7049/BCT-ATMT gửi UBND các tỉnh, thành phố về đảm bảo an toàn cho hồ, đập thủy điện, theo đó, đề nghị UBND các tỉnh đôn đốc các chủ đập khẩn trương thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý an toàn đập thủy điện và kiên quyết xử lý các vi phạm đối với những chủ đập không thực hiện đúng thời hạn quy định. Riêng đối với quy định về kiểm định an toàn đập, nếu chủ đập không thực hiện, sẽ phải yêu cầu ngừng tích nước phát điện hoặc thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực (theo thẩm quyền) cho đến khi chủ đập thực hiện các quy định về kiểm định an toàn đập.

Sự cố vỡ đê quai thượng lưu công trình thủy điện Ia Krel 2 vừa xảy ra vào đầu mùa mưa như một lời cảnh báo cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, môi trường mà hơn hết phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc Chủ đầu tư các nhà máy thủy điện thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn đập, quản lý chất lượng công trình, quy trình vận hành hồ chứa…/
 
Thanh Mai / ICON.com.vn