Sự kiện

Cung cấp nguồn điện năng cho huyện đảo Cô Tô bằng năng lượng tái tạo

Thứ hai, 7/9/2009 | 10:36 GMT+7

Dự báo nhiều khả thi


Hoạt động chế biến hải sản tại Cô Tô rất cần có nguồn điện năng ổn định

Cô Tô là một huyện đảo nằm ở phía Đông Bắc, cách TP Hạ Long 110 hải lý về phía Đông bao gồm hơn 40 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó có 3 đảo lớn là Cô Tô, Thanh Lân, đảo Trần. Dân số trên đảo hiện nay có khoảng 5.600 người, ngoài ra còn có khoảng 400 lao động thường xuyên hoạt động trên đảo.

Trong số 14 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, Cô Tô là địa phương duy nhất chưa có điện lưới quốc gia. Do vậy, mọi sinh hoạt của người dân rất khó khăn, nguồn điện năng chủ yếu phụ thuộc vào các thiết bị sản xuất điện công suất nhỏ. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nguồn điện năng với mức lớn nhằm phục vụ du lịch, chế biến thuỷ hải sản… đang trở nên rất cấp thiết. Chính vì vậy, việc nghiên cứu để tạo nguồn cung cấp năng lượng ổn định, với giá thành hợp lý phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội trên đảo đang thực sự trở thành nhu cầu bức thiết.

Một trong những giải pháp hiện nay được nhiều nhà khoa học quan tâm đến, đó là sử dụng năng lượng tái tạo để sản sinh ra nguồn điện phục vụ cho đời sống. Thông qua đề tài hợp tác khoa học công nghệ giữa Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam với UBND tỉnh Quảng Ninh về quy hoạch tổng thể cung cấp năng lượng bền vững tại Cô Tô, các nhà khoa học đã chỉ ra những khả năng khai thác các nguồn năng lượng bền vững cho huyện đảo Cô Tô là hoàn toàn khả thi.

Thị trấn Cô Tô, có điện điêzen năm 1999, đến năm 2004 chỉ còn máy 240KVA hoạt động. Cuối năm 2007 Ngân sách tỉnh đã cấp để cải tạo, nâng cấp hệ thống điện điêzen cho trung tâm thị trấn Cô Tô. Hiện nay hệ thống điện tại Cô Tô gồm: Thị trấn Cô Tô có 2 trạm phát điện điêzen; Trạm 1 công suất 400+250KVA, trạm 2 công suất 250+135 KVA; xã Đồng Tiến có điện năm 2001, hiện có 12 trạm máy phát điêzen với tổng công suất 95KW; Xã Thanh Lân có điện năm 2001, hiện có 3 trạm với tổng công suất 35KW. Ngoài ra, Cô Tô còn có 53 trạm pin sử dụng năng lương mặt trời với tổng công suất 15KW lắp đặt năm 2001 bằng nguồn vốn Biển Đông - Hải đảo. Năm 2007 Vinaphone đã đầu tư hệ thống điện mặt trời và gió cung cấp điện cho trạm BTS thuộc Đài viễn thông của huyện Cô Tô, tổng công suất 10,2KW. Nhìn chung hệ thống điện điêzen ở Cô Tô hoạt động hiệu quả không cao, hay hỏng hóc, sự cố.

(Theo: Khảo sát của Sở Công Thương)

Để có thể tạo nguồn điện năng từ năng lượng tái tạo, hiện nay các chuyên gia đã hoàn thành việc lắp đặt 2 trạm đo trên đảo. Với hệ thống trạm đo hiện đại này, không những có thể xác định, đánh giá tiềm năng kỹ thuật 2 nguồn năng lượng chính là gió và mặt trời mà còn có thể xác định nguồn năng lượng gió, mặt trời, biogas, thuỷ triều, sóng biển để phục vụ cho những nghiên cứu sau này. Trên cơ sở nghiên cứu nguồn năng lượng tái tạo cũng như dựa vào đặc điểm dân sinh trên đảo và nhu cầu sử dụng năng lượng có thể phân chia giải pháp cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo thành một số nhóm, bao gồm: Cấp điện cho hộ gia đình phân tán; cấp điện cho cụm dân cư (khu trung tâm xã, đồn biên phòng…); cấp điện quy mô công nghiệp. Đối với cấp điện quy mô công nghiệp là giải pháp nhằm mục đích cung cấp năng lượng một cách bền vững, có khả năng đáp ứng tối đa yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đảo trên cơ sở tận dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo và giảm thiểu chi phí đầu tư. Với đặc điểm công nghệ và chi phí hiện nay việc sử dụng tua - bin gió có nhiều ưu điểm trong việc khai thác nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn. Do vậy giải pháp cấp điện quy mô công nghiệp cho đảo Cô Tô là sử dụng tuabin gió công suất lớn kết hợp với các nguồn năng lượng truyền thống. Đối với cụm dân cư nằm tại trung tâm có đặc điểm nhu cầu sử dụng lớn, cần đảm bảo ổn định, gần khu vực nguồn cấp. Do vậy giải pháp cấp điện là sử dụng hệ thống nguồn hỗn hợp và quy mô hợp lý, tối ưu các thành phần, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nhằm đảm bảo nhu cầu đồng thời giảm thiểu chi phí đầu tư. Riêng với giải pháp cấp điện cho hộ gia đình độc lập có đặc điểm nằm tại những vị trí hẻo lánh, cô lập trên đảo, cách xa khu cấp điện trung tâm, việc cấp điện khó khăn hoặc chi phí quá lớn trong khi nhu cầu sử dụng nhỏ (200W-1KW). Đối với nhóm này có thể sử dụng hai phương án cấp điện phổ biến. Một là sử dụng năng lượng mặt trời với cấu trúc gồm dàn pin, ắc quy, inverter (nếu dùng điện AC), dây dẫn… quy mô trong khoảng 200W đến 600W, vận hành đơn giản, chi phí hợp lý. Ngoài ra, với những hộ có nhu cầu năng lượng cao hơn từ 300W đến 1KW và có tiềm năng gió tốt có thể sử dụng tua bin gió thay thế cho dàn pin mặt trời sẽ đảm bảo yêu cầu đồng thời giảm được chi phí so với pin mặt trời (pin mặt trời có chi phí cao hơn tuabin gió).

Theo ông Nguyễn Hải Bắc, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ (Viện KH&CN Việt Nam) cho biết: Qua hai năm nghiên cứu trên huyện đảo Cô Tô đã cho thấy việc tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó nổi bật nhất là năng lượng gió và mặt trời tại huyện đảo để tạo ra nguồn điện năng phục vụ đời sống là rất khả quan. Nếu tính đến hiệu quả lâu dài của đề tài thì những chi phí ban đầu cho việc đầu tư lắp đặt, vận hành thiết bị là không lớn. Ngoài khai thác hai nguồn năng lượng tái tạo chính chúng ta hoàn toàn có thể kết hợp với phát triển các nguồn ổn định khác như: Nguồn điêzen (hiện có), nhà máy nhiệt điện (dự kiến xây dựng trong thời gian tới), nối lưới quốc gia (bằng cáp ngầm), các nguồn tái tạo khác (thuỷ triều, sóng biển)… để tạo ra nguồn điện năng dồi dào và thực sự ổn định cho huyện đảo.

Được biết, trong thời gian tới đề tài cung cấp năng lượng bền vững tại Cô Tô của Viện Khoa học năng lượng (Viện KH&CN Việt Nam) sẽ hoàn thiện để trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Hy vọng, trong một tương lai không xa, việc được sử dụng nguồn điện năng ổn định không còn là mơ ước xa vời của người dân huyện đảo Cô Tô.

* Đồng chí Hoàng Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô: Nhu cầu sử dụng điện năng trên đảo hiện nay đang ngày một trở nên bức thiết. Đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch và chế biến hải sản do thiếu điện nên đã bị hạn chế rất nhiều. Theo thốngkê, trong 3 tháng qua lượng khách đăng ký đến Cô Tô đã lên tới hơn 10.000 người, trong khi đó với khả năng của huyện thì chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 con số này. Ngoài các nguyên nhân về nhà nghỉ, dịch vụ ăn, uống thì còn có nguyên nhân thiếu điện phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi cho khách du lịch. Bên cạnh đó, hiện nay với sản lượng khai thác hải sản, đặc biệt là sứa đang tăng nhanh thì nguồn điện tạm thời không đủ sức tải nâng công suất chế biến. Do đó, đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo rất cần có sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo để có thể đẩy nhanh những ứng dụng hiệu quả khai thác nguồn điện năng bền vững.

* Đồng chí Bùi Huy Phùng, Viện Khoa học năng lượng (Viện KH&CN Việt Nam): Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã ước lượng nhu cầu thực tế sử dụng điện năng trên đảo dựa trên việc tính toán lượng điện tiêu thụ hàng ngày hiện nay. Với số lượng người thường xuyên trên đảo khoảng 6.000 người, hoàn toàn có thể sử dụng năng lượng tái tạo để tạo nguồn điện bền vững, không những đảm bảo được sinh hoạt mà còn có thể phát triển nhiều ngành nghề hiện vẫn được cho là tiềm năng thế mạnh của huyện đảo. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu đề tài để hoàn chỉnh các nội dung dựa trên ý kiến của các cấp ngành, lãnh đạo ở Quảng Ninh. Hy vọng trong tương lai gần, đề tài có thể hiện thực hóa tại Cô Tô.

* Đồng chí Trần Khắc Tuyến, Giám đốc Trung tâm năng lượng mới và tái tạo: Thực tế, tại Cô Tô có rất nhiều “nguyên liệu” để có thể tạo ra nguồn điện năng phục vụ cho sinh hoạt của nhân dân và các nhu cầu khác. Các nguồn nguyên liệu này hầu hết lại có sẵn, khá dồi dào. Tuy nhiên, từ trước đến nay có thể nói chúng ta chưa tận dụng và khai thác được nguồn nguyên liệu này. Để tạo ra nguồn điện cần phải có những nghiên cứu, quy hoạch và đánh giá nguồn nguyên liệu cấp điện từ đó mới có những phương án khả thi cho từng địa phương. Với Cô Tô, hiện nay chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu để có những phương án thiết lập hệ thống cung cấp điện một cách tối ưu nhất. Để đề tài có thể sớm đi vào cuộc sống, rất mong có sự quan tâm, tham gia ý kiến để bổ sung hoàn thiện.

* Đồng chí Phạm Quang Thái, Phó Giám đốc Sở Công Thương: Đã có nhiều dự án như ứng dụng, thử nghiệm về điện gió và mặt trời nhưng quy mô rất nhỏ, công nghệ không bền vững, và không có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo Cô Tô. Một trong những nguyên nhân cơ bản là chưa được đầu tư đúng tầm cho nghiên cứu khoa học, chưa có dữ liệu khoa học tin cậy và đầy đủ về tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo, chưa có những giải pháp khoa học công nghệ khả thi được nghiên cứu, áp dụng. Chúng tôi rất hoan nghênh những nghiên cứu, đánh giá mang tính khả thi cao của chuyên gia Viện Khoa học năng lượng đồng thời sẽ tạo điều kiện giúp chuyên gia hoàn thành đề tài, sớm triển khai tại Cô Tô.

Theo: Báo ĐT Quảng Ninh