Sự kiện

Ngành Điện nhìn lại sau hơn nửa thế kỷ ánh sáng

Thứ sáu, 28/8/2009 | 09:23 GMT+7

Năm nào cũng vậy, dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9 là thời gian hối thúc ngành ngành, người người Việt Nam lập thành tích chào mừng ngày đại Lễ của đất nước, hơn 12 vạn CBCNV ngành Điện cũng đang trong vòng quay đó. Thấm thoát mà đã 64 năm, một thời gian không dài, đủ để cho ngành Điện Việt Nam có thể nhìn lại quá khứ của mình để tự hào và vươn lên; một thời gian không ngắn đủ có cơ hội thay đổi tư duy để đáp ứng thị trường.


Đứng dậy từ  nghèo nàn, lạc hậu

Với cơ sở vật chất nghèo nàn và lạc hậu tiếp quản từ chế độ thực dân Pháp, cán bộ công nhân viên ngành Điện vừa sửa chữa, khôi phục máy móc vừa duy trì sản xuất điện để phục vụ cho công cuộc khôi phục đất nước sau chiến tranh, vừa khẩn trương xây dựng các công trình nguồn và lưới điện mới như nhà máy điện Vinh (8MW), Lào Cai (8MW), Việt Trì (16MW), Thái Nguyên (24MW), Hà Bắc (12MW), Uông Bí (48MW) cùng hàng trăm kilômet và hàng chục trạm biến áp (TBA) truyền tải, trong đó có những tuyến đường dây và TBA 110kV đầu tiên được xây dựng ở nước ta.

Đến năm 1965- thời điểm hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, công suất nguồn điện của Việt Nam đã gấp 5,6 lần so với năm 1954, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 21%/năm; sản lượng tăng 11,7 lần, đạt tốc độ tăng trưởng 31,35%/năm.

Mùa xuân năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, đất nước được thống nhất, lại một lần nữa, ngành Điện nhận được chỉ thị của Đảng và Nhà nước khẩn trương chuẩn bị lực lượng tiếp quản, quản lý điều hành lưới điện miền Nam. Đến cuối năm 1975, tổng công suất các nguồn điện trong cả nước đạt  hơn 1.326 MW (tính riêng miền Bắc gấp 14,5 lần so với năm 1954); sản lượng điện phát gấp 24 lần.

Đặc biệt từ năm 1995 đến nay, ngành Điện Việt nam đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện phát triển kinh tế-xã hội và đời sống sinh hoạt nhân dân. Riêng 7 tháng đầu năm 2009, sản lượng điện thương phẩm đã đạt 41 tỷ KWh.

Điện đã thắp sáng các miền quê

Cũng chỉ các đây vài năm, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa có chủ trương tiếp nhận lưới điện hạ thế để bán điện trực tiếp đến hộ dân khu vực nông thôn thì được mua giá điện theo giá như khu vực đô thị là niềm mơ ước của người dân rồi. Bởi vì, tiếng là Chính phủ có qui định giá bán điện cho khu vực nông thôn với giá trần 700đ/kWh, nhưng có mấy hộ dân ở khu vực này được trả tiền điện đúng giá ấy đâu, vì điện nông thôn là do các “ông cai” quản lý, quản lý tốt thì người nông dân chỉ trả vừa phải, còn thông thường gấp vài ba lần. Việc chuyển giao lưới điện hạ áp cho ngành Điện bản lẻ đến từng hộ dân đã làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa người sử dụng điện nông thôn với người bán điện. Địa phương nào tiếp nhận xong lưới điện hạ thế đều được triển khai đầu tư nâng cấp, vừa là để nâng cao chất lượng sử dụng điện cho khách hàng, vừa là để giảm tổn thất điện năng cho ngành điện. Chất lượng điện áp ở những khu vực này tốt lên rất nhiều, vào các giờ cao điểm, không còn cảnh tối thui tối mù hay mất điện do quá tải máy biến áp nữa.

Năm 2005, 100% số huyện đã có điện và đến năm 2009, 97,74% số xã và 94,43%  số hộ nông dân sử dụng điện lưới quốc gia. Chỉ tiêu này cao hơn nhiều nước trong khu vực, kể cả các nước có thu nhập đầu người dân cao hơn nước ta, như: Indonesia (53%), Ấn Độ (43%), Pakistan (53%)…

Nhìn lại để hướng tới tương lai

Khi bị mất điện thì dù vì bất kể lý do nào: do “ông cai bà thầu”, chủ quan hay khách quan, thậm chí do chính người dùng điện gây ra…phản xạ đầu tiên của người sử dụng là nghĩ ngay đến lỗi của “ông điện”. Nguyên nhân chính là do trong suốt nhiều chục năm, điện là một trong những ngành độc quyền. Quan niệm về ngành độc quyền ắt có cửa quyền đã gây ra không ít bất lợi trong hoạt động kinh doanh của ngành điện. Vì vậy, trong những năm gần đây, ngành điện đã nỗ lực trong việc xóa bỏ độc quyền và đã có những bước tiến rõ rệt. Không chỉ ở đô thị, mà đến nay ở cả khu vực nông thôn, người dân sử dụng điện đã được hưởng lợi từ các dịch vụ trong ứng dụng hoạt động từ các tổng đài giải đáp thắc mắc liên quan đến hoạt động điện lực và sử dụng điện. Như vậy, bất cứ khách hàng nào cũng đều có thể báo sửa chữa điện, yêu cầu giải đáp thắc mắc hoặc đề nghị tư vấn về những vấn đề có liên quan đến điện 24/24h. Thậm chí khách hàng có thể kết nối mạng internet đến các địa chỉ trang Web của các Công ty Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt nam để tra cứu các thông tin về lịch cắt điện, biểu giá bán điện hiện hành, chi phí lắp đặt cấp điện, thủ tục xin cấp điện , số lượng điện tiêu thụ hàng tháng  của khách hàng…cùng với những dịch vụ trên, ngành điện đã gửi hàng triệu bức thư xin ý kiến khách hàng, từ đó có thông tin hai chiều để cải tiến dịch vụ; thường xuyên báo cáo với các đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc để nghe ý kiến phản ảnh của cử tri, từ đó khắc phục khuyết điểm nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu dùng điện của khách hàng.

Từ năm 1981, ngành Điện đã được ghi nhận bằng một loạt sự kiện nổi bật khi thực hiện  Tổng sơ đồ phát triển điện và thu được nhiều thành tựu to lớn với hàng chục nhà máy sản suất điện lớn và hàng nghìn kilomet đường dây cao thế được đưa vào vận hành.

Để tăng cường hội nhập quốc tế và khu vực, EVN đã xây dựng Dự án đấu nối lưới điện khu vực các nước ASEAN. Hiện nay, đã bán điện cho một số vùng của Lào, Campuchia và mua điện Trung Quốc./

Thanh Mai