Sự kiện

Trạm biến áp 220 kV Hòa Khánh: 10 năm - 2,2 tỷ kWh điện cho công nghiệp Đà Nẵng

Thứ năm, 3/9/2009 | 10:49 GMT+7

Trạm biến áp 220 kV Hòa Khánh (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) là một trạm nút quan trọng nhận điện từ Trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng và Nhà máy Thủy điện A Vương để cấp điện cho khu công nghiệp Hòa Khánh, hầm Hải Vân, khu du lịch sinh thái Bà Nà, khu vực Bắc Đà Nẵng và truyền tải điện cho tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sau mười năm vận hành an toan liên tục, Trạm đã cung cấp hơn 2,2 tỷ kWh cho phụ tải phía 22kV thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

 

Trạm biến áp 220kV Hòa Khánh tiến hành thay thế máy biến áp 110kV – 25 MVA bằng máy biến áp 110kV – 63 MVA.

Năm 2002, Trạm biến áp 110kV Hoà Khánh chính thức vận hành với các cấp điện áp 220/110/22 kV và được Công ty Truyền tải điện 2 đổi tên thành Trạm biến áp 220 kV Hòa Khánh trực thuộc Truyền tải điện Quảng Nam – Đà Nẵng. Trong suốt mười năm hoạt động, mặc dù thời tiết khu vực miền Trung diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài; thiết bị phụ kiện của nhiều hãng chế tạo, không đồng bộ do nhiều lần nâng cấp, cải tạo; nhiều thiết bị đang trong quá trình lão hoá, xuống cấp... nhưng CBCNV Trạm 220 kV Hoà Khánh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục nhiều khó khăn để giữ cho trạm vận hành an toàn liên tục, đáp ứng nhu cầu điện cho các địa phương phát triển sản xuất và đời sống.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Trạm trưởng Trạm biến áp 220kV Hoà Khánh: Hiện nay, đơn vị chúng tôi có 01 máy biến áp 220 kV và 2 máy biến áp 110 kV với tổng dung lượng là 213 MVA và đang được nâng cấp, mở rộng thêm 01 máy biến áp 220kV và 08 ngăn lộ 220 kV, hoàn thiện hệ thống 02 thanh cái phía 110kV đồng thời đưa hệ thống điều khiển tích hợp vào làm việc. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, với sự giúp đỡ, chỉ đạo thường xuyên của Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) nói chung và Truyền tải điện Quảng Nam Đà Nẵng nói riêng, ngay từ ngày đầu thành lập cho đến này, tập thể CBCNV Trạm biến áp 220 kV Hoà Khánh luôn chú trọng công tác quản lý kỹ thuật. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng quy trình vận hành cho công nhân vận hành trạm, qua đó từng bước làm chủ thiết bị, công nghệ hiện đại. Thực tế cho thấy, sau 10 năm vận hành nhờ làm tốt công tác bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị, duy trì và bảo đảm tốt công tác vệ sinh công nghiệp, chăm sóc cây xanh và thảm cỏ trong khuôn viên trạm; thực hiện theo dõi giám sát thi công mở rộng trạm, để khắc phục các tồn tại trong các đợt thi công trước và phát sinh trong quá trình quản lý vận hành theo quy trình Công ty đề ra nên Trạm đã đảm bảo tốt công tác quản lý và vận hành trạm an toàn, không có sự cố xảy ra do chủ quan. Bên cạnh đó vào hai ngày cuối tuần và sau những lúc thời tiết thay đổi đột ngột hoặc mưa kéo dài Trạm đã tiên hành tổng kiểm tra tình hình vận hành của thiết bị, đo nhiệt độ mối nối và kết hợp các đợt cắt điện đo điện trở tiếp xúc để kịp thời xử lý các bất thường của thiết bị, không để xảy ra trường hợp cắt điện khẩn cấp gây gián đoạn cung cấp điện; phân công quản lý từng ngăn thiết bị đến từng kíp, từng công nhân vận hành. Trong mỗi đợt cắt điện, trạm đã tổ chức cho công nhân thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa xử lý tiếp xúc đầu cốt, thay thế bu lông rỉ, bảo dưỡng quạt mát MBA, siết chặt hàng kẹp, kiểm tra cơ cấu tích năng lò xo máy cắt…Trong 2 năm gần đây Trạm đã thực hiện sửa chữa lớn 06 công trình đặc biệt trong số đó là đại tu bộ bộ điều áp dưới tải (OLTC) máy biến áp 110kV – 25 MVA và 220kV-125MVA.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngày 08/08/1999 Trạm đã tiến hành đóng điện thành công và đưa vào vận hành  MBA (T1) 110 kV – 25 MVA nhận điện qua thanh cái C11,  được cấp điện bởi ngăn lộ 173 ( Huế ) và ngăn lộ 171 (Đà Nẵng). Nhằm tăng khả năng cung cấp điện, Công ty Truyền tải điện 2 đã tiến hành nâng công suất và lắp đặt thêm MBA (AT4) 220 kV – 125 MVA đã đóng điện thành công vào ngày 05/11/2002; Trạm tiếp tục được lắp máy biến áp (T2) 110kV - 25MVA và đóng điện thành công và ngày 27/04/2004. Mới đây sau 10 năm vận hành liên tục, để đáp ứng phụ tải  ngày càng tăng, ngày 12/07/2008, MBA T1- 25 MVA được tách khỏi vận hành để thay thế máy biến áp 110 kV - 25 MVA bằng máy biến áp 110 kV - 63 MVA, ngày 28/08/2008 đã hoàn thành công trình này. Đến ngày 26/09/2008, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã đóng điện đường dây 220 kV A Vương 1 – Hòa Khánh, từ thời điểm này, trạm đã có thêm nguồn điện để cung cấp cho các phụ tải, làm tăng độ tin cậy cao hơn trong truyền tải điện. Hiện nay, Trạm được lắp đặt MBA 220 kV thứ 2 AT3 220 kV – 125 MVA và đang hoàn tất để chuẩn bị đóng điện máy biến áp này. Không chỉ tập trung cho công tác quản lý vận hành, thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật an toàn điện, TBA 220kV Hòa Khánh đã tập trung xây dựng các phương án phòng chống cháy nổ, vệ sinh lao động, công tác phối hợp tốt với Công an PCCC thành phố Đà Nẵng và các đơn vị lân cận lập phương án huấn luyện, diễn tập và sử dụng thành thạo trang thiết bị PCCC, thường xuyên kiểm tra dụng cụ phương tiện phòng cháy chữa cháy theo định kỳ; có phương án phòng chống bão lụt và tổ chức diễn tập theo quy định, sẵn sàng huy đông 100 % CBCNV để xử lý khi có tình huống xảy ra. Đây là một trong những điển hình của của trạm, ông Sơn cho biết thêm sở dĩ Trạm biến áp 220 kV Hoà Khánh có được kết quả như vậy, trước hết đó là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Công ty cũng như Truyền tải điện Quảng Nam Đà Nẵng, cùng với phương pháp tổ chức khoa học, nghiêm túc trong quá trình triển khai nhiệm vụ của trạm. Tổ chức bố trí các ca trực hợp lý, thực hiện tốt công tác an toàn bảo hộ lao động, hoạt động hiệu quả của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên, tạo cảnh quan môi trường làm việc giúp cho người lao động thư thái hơn sau những giờ làm việc căng thẳng, nhờ đó, trong những năm qua, Trạm luôn vận hành an toàn, đảm bảo cung cấp điện liên tục không để hậu quả nào đáng tiếc do thiên nhiên gây ra.

10 năm vận hành với 2,2 tỷ kWh điện cấp cho phụ tải là một thành quả đáng ghi nhận của tập thể CBCNV trạm biến áp 220kV. Nhưng có lẽ cái được nhất của trạm đó là 10 năm quản lý vận hành đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị là thành quả đáng trân trọng. Đây cũng là cơ sở để tập thể trạm không tự mãn với với thành tích tiếp tục phấn đấu nhiều hơn để tiếp tục thể hiện vài trò của mình là một trong những trạm nút quan trọng tham gia thúc đẩy quá trình phát triển công nghiệp, dịch vụ của thành phố Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung.

 

 

Những nét chính của các phụ tải quan trọng của Trạm biến áp 220kV Hòa Khánh

   * KCN Hòa Khánh mở rộng (bao gồm KCN Hòa Khánh và Liên Chiểu) có tổng diện tích là 316,52 ha, nằm cách sân bay quốc tế Đà Nẵng 10km, cảng biển Tiên Sa 20km, cảng Sông Hàn 13km, cảng biển Liên Chiểu 5km. Ước tính, hàng năm mức tăng trưởng bình quân 15%.

   * Khu du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ mới đây đã được Tổ chức Guinness World Records đã chính thức công nhận tuyến cáp treo Bà Nà - Suối Mơ đạt 2 kỷ lục Guiness thế giới đó là: Tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới (5.042,62m) và có độ chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới (1.291,81m).

    *Hầm đường bộ Hải Vân trong đó đường hầm chính: dài 6.280 m, rộng 10 m, độ cao xe cho phép đi qua là 7,5 m; đường hầm thoát hiểm: dài 6.280 m, rộng 4,7 m, cao 3,8 m và đường hầm thông gió: dài 1.810 m, rộng 8,2 m, cao 5,3 m.

     * Quận Liện Chiểu là quận cửa ngõ phía Bắc của TP Đà Nẵng có diện tích: 82,37 km2, với 70.441 người. Là trung tâm đầu mối giao thông quan trọng với Bến xe Đà Nẵng là nơi tập trung nhiều nhất các trường Đại học Bách Khoa, trường Đạ học Sư phạm, trường Đại học Ngoại Ngữ, trường Cao đẳng Giao thông Vận tải, trường Trung học Xây dựng Miền Trung (Bộ Xây dựng), trường Cao đẳng Kinh tế Kế hoạch...

 

Quang Thắng