Sự kiện

Đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng các dự án nhiện điện than: Điều kiện Cần và Đủ

Thứ tư, 18/3/2009 | 10:07 GMT+7
Ðiện năng có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc phát triển kinh tế -xã hội, an ninh quốc phòng và đời sống của nhân dân. Do đó, việc tập trung mọi nguồn lực để phát triển hệ thống điện quốc gia là nhiệm vụ cấp thiết nhằm đảm bảo “điện phải đi trước một bước”.  Ðó không thể chỉ là nhiệm vụ của riêng Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam mà còn cần sự quan tâm của toàn xã hội.

Nhiệt điện Quảng Ninh 2

Cho dù các Tập đoàn lớn trong nước đang gặp khó khăn về nguồn vốn và nước ta cũng chịu ảnh hưởng của tình trạng biến động tài chính theo chiều hướng suy thoái của một số cường quốc trên thế giới, Chính phủ vẫn khẳng định quyết tâm không dừng triển khai việc đầu tư xây dựng các dự án phát triển nguồn điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025 (gọi tắt là Quy hoạch điện VI). Văn phòng Chính phủ có công văn số 7269/VP-KTN ngày 03/11/2008 về  việc: Giao chủ đầu tư thực hiện các dự án nhiệt điện than :

Công văn còn đề cập đến khả năng tiếp tục xem xét các dự án Duyên Hải 3, Long Phú 2 và Long Phú 3 trên cơ sở thực hiện các dự án trong các Trung tâm điện lực nói trên. Như vậy, các chủ đầu tư đã được xác định cho từng dự án. Vấn đề còn lại là triển khai như thế nào đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình. Kết hợp hài hoà hai tiêu chí này, xem ra có rất nhiều vấn đề phải bàn. Ðiều kiện cần là sự hỗ trợ của Chính phủ, sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch điện VI và các Bộ, Ngành, các địa phương liên quan, cộng sự quyết tâm của các chủ đầu tư trong việc thu xếp đủ nguồn vốn cho các dự án, còn điều kiện đủ lại không phải chỉ có một.

TT

Tên Dự án

Vị trí xây dựng

Công suất lắp máy (MW)

Chủ đầu tư

Thời gian đưa vào VH

1

Duyên Hải 1

Trà Vinh

2 x 600

TÐ Ðiện lực Việt Nam (EVN)

Tổ máy 1: năm 2013

2

Duyên Hải 2

Trà Vinh

2 x 600

Tập đoàn Janakusa (Malaixia)

2014-2015

3

Long Phú

Sóc Trăng

2 x 600

TÐ Dầu khí Việt Nam

Năm 2013

4

Vĩnh Tân 1

Bình Thuận

2 x 600

TÐ Lưới điện Phương Nam-CSG (Trung Quốc)

2011-2012

5

Vĩnh Tân 2

Bình Thuận

2 x 600

TÐ Ðiện lực Việt Nam

Tổ máy 1: năm 2013

6

Vĩnh Tân 3

Bình Thuận

2 x 1.000

CTCP: EVN-One Energy và CTCP Ðầu tư & Dịch vụ Thái Bình Dương

Năm 2013

7

Vũng Áng 1

Hà Tĩnh

2 x 600

Tổng công ty Lắp máy Việt Nam

Tổ máy 1: năm 2013

8

Vũng Áng 2

Hà Tĩnh

2 x 600

CTCP: LILAMA, REE & One Energy

Tổ máy 1: năm 2013

9

Hải Phòng 3

Hải Phòng

4 x 600

TÐ Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam

Tổ máy 1: năm 2014

Cộng 1 - 9

12.800

 

 

Thứ nhất: Nguồn than

Chỉ có Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản mới biết rõ trữ lượng than của các vùng than lớn như: Uông Bí, Hòn Gai, Cẩm Phả, khả năng khai thác, sàng tuyển ra lượng than đạt các yêu cầu kỹ thuật, để cung ứng cho vận hành các nhà máy hiện hữu: Phả Lại 1 & 2, Uông Bí, Uông Bí mở rộng, Ninh Bình, Na Dương, Cao Ngạn…; các nhà máy đã khởi công xây dựng chuẩn bị đưa vào vận hành: Uông Bí mở rộng 2, Hải Phòng 1, Hải phòng 2, Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2; Nghi Sơn 1, Thái Bình1,  Sơn Ðộng..... và các dự án nhiệt điện than khác đã có trong Quy hoạch điện VI, lần lượt đưa vào vận hành từ 2011-2015.

Ðó là vấn đề thứ nhất mà Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch điện VI và các Bộ, Ngành cần quan tâm, để biết được lượng than thiếu hụt cho sản xuất điện giai đoạn 2010 – 2025. Nói cách khác, cần có Tổng sơ đồ phát triển, khai thác nguồn than trong nước được Chính phủ phê duyệt để gắn cùng Tổng sơ đồ phát triển Hệ thống điện Việt Nam.

Thứ hai: Kinh nghiệm và năng lực của các đơn vị Tư vấn thiết kế, Tư vấn thẩm định, Tư vấn giám sát trong nước

Nếu theo quy định và tiêu chuẩn để đánh giá, thì số người được cấp chứng chỉ đạt yêu cầu làm Chủ nhiệm thiết kế sẽ rất ít. Có quá nhiều dự án phát triển nguồn điện được triển khai đồng thời, nên các đơn vị tư vấn thiết kế trong nước bị quá tải. Trước đây chỉ làm tư vấn phụ cho tư vấn nước ngoài, nay trở thành tư vấn thiết kế chính, còn tư vấn nước ngoài trở thành phụ, cho nên chất lượng các hồ sơ thiết kế cứ bắt buộc phải theo một trình tự: Lập - trình duyệt - thẩm định - hiệu chỉnh - sửa đổi - trình duyệt lại - thẩm định lại, mới có thể xem xét để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau đó mới có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Quỹ thời gian cho công việc này khá nhiều. Các dự án đều có tư vấn kỹ thuật giám sát tại chỗ, nhưng trình độ và khả năng tham mưu cho các ban quản lý dự án vẫn còn hạn chế.

Thứ ba: Kinh nghiệm và năng lực quản lý của các Ban quản lý dự án

Xây dựng cơ bản cũng là một nghề. Người làm xây dựng cơ bản nói chung (cả lãnh đạo và nhân viên) đều phải có kiến thức về quản lý dự án và nắm chắc các quy định, quy chế, quy trình hiện hành của Nhà nước, của các Bộ Ngành liên quan đến lĩnh vực này. Nếu không hiểu biết và không được trải nghiệm qua thực tế, sẽ rất khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Thành lập đơn vị mới, cần phải có cán bộ lãnh đạo, có trình độ thực sự, am hiểu về xây dựng cơ bản, về thiết bị công nghệ các nhà máy nhiệt điện than. Tuy nhiên, thực tệ hiện nay, đội ngũ này cũng không nhiều.    

Thứ tư: Lựa chọn thiết bị công nghệ

 Ðối với các nhà máy nhiệt điện than, thiết bị công nghệ chiếm khoảng  70 - 75 % tổng mức đầu tư của dự án. Nghĩa là bao gồm rất nhiều chủng loại thiết bị công nghệ, có độ phức tạp và yêu cầu kỹ thuật cao. Phải có các chuyên gia có kinh nghiệm để chỉ đạo, giám sát chặt chẽ ngay từ giai đoạn đấu thầu cung cấp và trong suốt quá trình lắp đặt, tổ hợp, thí nghiệm hiệu chỉnh, bàn giao và chuyển giao công nghệ.

Thứ năm : Năng lực của các nhà thầu thi công xây - lắp và trách nhiệm của các nhà thầu cung cấp thiết bị công nghệ.

Thời gian qua, phần lớn các dự án xây dựng nguồn điện được thực hiện theo cơ chế 797/CP-CN ngày 17/6/2003 và 400/CP-CN ngày 26/3/2004 của Chính phủ là áp dụng hình thức Tổng thầu xây lắp. Một vài dự án khác thì thực hiện theo hình thức EPC. Không ai phủ nhận sự cố gắng của các nhà thầu thi công xây lắp trên mọi công trình, nhưng chính các nhà thầu này cũng bị quá tải. Thiếu cán bộ lãnh đạo có năng lực, thiếu máy móc và các phương tiện thi công, lực lượng lại phải rải khắp nơi, cho nên họ lâm vào tình trạng “lực bất tòng tâm”.

Còn các nhà thầu nước ngoài cung cấp thiết bị công nghệ cũng đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm với chủ đầu tư: Thi nhau xin thay đổi nhà thầu phụ, sau khi hợp đồng đã ký được cả năm, thời hạn giao hàng đã cận kề, họ còn tự ý thay đổi nguồn gốc, xuất xứ của thiết bị hoặc cung cấp vật tư, thiết bị không đúng với yêu cầu kỹ thuật của Hồ sơ mời thầu, tạo ra “việc đã rồi” và buộc chủ đầu tư phải chấp nhận, nếu không tiến độ bị phá vỡ. Một số nhà thầu phụ trong nước không đủ năng lực tài chính và kỹ thuật cũng được chọn để cung cấp vật tư, thiết bị cho dự án, để rồi mọi hậu quả đều dồn cho Chủ đầu tư.

Thứ sáu: Nguồn nhân lực, kinh nghiệm và năng lực quản lý vận hành-sửa chữa.

Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam đã có trên 50 năm kinh nghiệm quản lý vận hành - sửa chữa các nhà máy phát điện nói chung và các nhà máy nhiệt điện than nói riêng (kể từ năm 1954). Ban đầu chỉ là các nhà máy nhiệt điện than, có quy mô và công suất lắp máy/1tổ máy nhỏ (6 - 12 MW), như : Hòn Gai, Hải Phòng, Nam Ðịnh, Yên Phụ, Việt Trì, Thái Nguyên, Ðạm Hà Bắc, Vinh, Lạng Sơn, Uông Bí giai đoạn 1, sau đó là Ninh Bình (25 MW), Uông Bí giai đoạn 2 (50 MW), Phả Lại 1 (110 MW). Và mãi đến năm 2000 mới có tổ máy 300 MW  là Phả Lại 2, năm 2006 có thêm Uông Bí mở rộng 300 MW. Lực lượng vận hành, sửa chữa có kinh nghiệm phần đông tuổi đã cao, chưa theo kịp sự phát triển của thiết bị công nghệ tại các nhà máy nhiệt điện than, đặc biệt đối với các lò hơi cao áp. Vì vậy, không chỉ Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam phải tổ chức đào tạo lại, chuẩn bị thêm nguồn nhân lực có chất lượng để tiếp quản các tổ máy có công suất lắp máy 600 MW và 1.000 MW, có công nghệ hiện đại hơn, mà các chủ đầu tư khác cũng phải có các động thái tương tự ngay từ bây giờ. Tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng trong một thời gian ngắn sẽ vô cùng khó khăn. Cần lưu ý rằng: Lao động là nhân tố quyết định việc tổ chức sử dụng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực khác.

Vấn đề đặt ra là, nếu không đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn về công tác quản lý các dự án phát triển hệ thống điện nói chung và thiếu sự nhìn nhận thẳng thắn, khách quan của cả những người có trách nhiệm, cũng như không có các giải pháp giải quyết hữu hiệu những vấn đề còn tồn tại nêu trên, thì vấn đề chất lượng và tiến độ xây dựng các dự án nhiệt điện than vẫn là một bài toán chưa có lời giải đúng. Ðiều này gây bất lợi cho hệ thống điện quốc gia trong việc đảm bảo cân bằng cung cầu điện năng, phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội và các nhu cầu thiết yếu của nhân dân trong giai đoạn sau năm 2010,  đồng thời có ảnh hưởng rất lớn đến thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, cản trở tiến trình đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2020.

Theo TCĐL số 2/2009