Sự kiện

Chính thức vận hành nhà máy thuỷ điện Đăk Pô Ne 2

Thứ sáu, 6/3/2009 | 09:47 GMT+7
Sau hơn 2 năm, chúng tôi mới có dịp trở lại công trường thủy điện Đăk Pô Ne 2. Con đường từ ngã rẽ của thị trấn Đăk Rờ Ve huyện Kon Rẫy, vào hướng núi của Lâm trường Măng Đen trước kia lách hoang vu, giờ đây mọi thứ đã đổi thay. Đường mở rộng nhiều hơn, vùng đất hoang vu heo hút ngày nào nay đã “thay da đổi thịt”. Công trình xa dân, nằm sâu trong núi, các công trình đầu mối  nằm trên suối Đăk Pô Ne. Từ đằng xa chúng tôi đã thấy thấp thoáng tuyến kênh và bể áp lực của nhà máy nằm vắt ngang trên triền đồi ràn rạt gió. Băng qua dãy nhà nghỉ của công nhân và nhà vận hành, một đoạn đường ngắn đã thấy nhà máy thủy điện hiện ra dưới chân đồi, sát bên mép suối. Nhà máy đã chính thức vận hành. Tiếng máy phát, tiếng suối reo làm cho không khí lao động như rộn ràng hơn nơi đầu nguồn suối Đăk Pô Ne.

 

Các tổ máy của nhà máy thuỷ điện Đăk Pône 2.

Công trình thủy điện Đắk Pô Ne 2 được Bộ Công nghiệp thỏa thuận phê duyệt theo công văn số 4621/BCN-NLDK ngày 29-8-2005. Dự án này do Trung tâm thiết kế Điện thuộc Công ty Điện lực 3 lập tháng 6-2005 có tổng công suất lắp máy 3,6 MW, gồm 3 tổ máy với sản lượng điện sản xuất trung bình hàng năm là 15,78 triệu kWh. Tổng mức đầu tư  cho công trình: 87,6 tỷ đồng, do Công ty TNHH Gia Nghi làm chủ đầu tư.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Gia Nghi Nguyễn Thị Huệ Lý, Nhà máy thủy điện Đăk Pô Ne 2 được xây dựng theo hình thức (BOO) nằm trên địa phận xã ĐăkPNe, huyện Kon Rẫy nhằm tăng sản lượng và chất lượng điện cho khu vực và mở đầu cho việc khai thác tiềm năng về thuỷ điện trên địa bàn tỉnh, do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Các dự án thủy điện được ưu đãi đầu tư (chỉ sau trồng rừng), nên công ty được tỉnh tạo điều kiện khai thác mặt bằng, không phải trả tiền thuê đất, nhưng những vướng mắc về đền bù giải tỏa, đơn vị phối hợp với địa phương giải quyết. Chị nói tưởng đơn giản nhưng cũng lắm gian nan. Gọi là rừng nhưng chỉ cần một mét dây điện chạy qua một rẫy mì cũng phải đến nhà từng người dân thương lượng, để cho mọi việc được nhanh chóng suôn sẻ. Về tài chính, công trình thủy điện Đắk Pô Ne 2 đã được Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam chấp thuận cho vay 46,3 tỷ đồng. Thực hiện chủ trương này, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Kon Tum cùng Công ty TNHH Gia Nghi đã ký kết Hợp đồng tín dụng ngày 3-4-2007 cam kết cho Công ty TNHH Gia Nghi vay 46,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, để vay được vốn ngân hàng, phải hội đủ nhiều điều kiện theo cơ chế cho vay vốn của ngân hàng.

Gần hai năm trời quần quật triển khai xây dựng, có lúc công ty phải huy động cả 100 nhân công làm đường, đào mương, đắp đập, phá đá nổ mìn bạt núi lấy mặt bằng xây nhà máy. Đến đầu năm 2008 tình hình thị trường bị biến động trên phạm vi toàn cầu và ở Việt Nam bị ảnh hưởng lớn: giá cả vật tư vật liệu, nhiên liệu tăng vọt so với trước đó trên 30%, có loại  trên 50% như sắt thép, xi măng; lãi suất ngân hàng lên đến 21%/năm.... kinh phí để xây lắp cho công trình tăng cao. Nhưng toàn thể công ty vẫn ra sức cố gắng phấn đấu, một lòng quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn, mạnh dạn chọn giải pháp đột phá, kết hợp giữa phần xây và phần lắp đặt thiết bị, thi công xen kẽ giữa xây và lắp... Công trình thủy điện Đăk Pô Ne 2 cuối cùng cũng hoàn thành với 3 tổ máy công suất lắp máy 3,6 MW. Ngày 10-1-2009, nhà máy đã chính thức hòa mạng lưới điện quốc gia tại xuất tuyến 472/E45-Kon Tum, với sản lượng điện trung bình hàng năm 15,78 triệu kWh.

Công trường thuỷ điện Đăk Pô Ne 2 trong những ngày này vẫn còn bề bộn bao nhiêu công việc. Hàng chục lao động là người đồng bào dân tộc địa phương được công ty thuê thu dọn mặt bằng, tổng vệ sinh, chuẩn bị cho ngày khánh thành nhà máy 6-3-2009. Là người nhiều năm công tác trong ngành thủy lợi thủy điện, kỹ sư Nguyễn Quyết cho biết:  Quá trình xây dựng của một công trình thuỷ điện có 3 cái mốc trọng đại. Thứ nhất: động thổ, khởi công. Thứ hai: đắp đập ngăn sông. Thứ ba: bắt đầu phát điện và khánh thành. Anh có mặt có mặt trên công trường từ những ngày đầu thi công, lắp đặt các tổ máy, chứng kiến, theo dõi những thao tác của các chuyên gia Trung Quốc về công tác lắp đặt, thử tải rồi hồi hộp chờ đợi thời khắc nhấn nút hòa lưới điện quốc gia và chia sẻ sự vui mừng từ ánh mắt sáng ngời của những người thợ trẻ, sau khi các thông số kỹ thuật do các đồng hồ báo dòng điện đã ổn định.

Công trình thuỷ điện Đăk Pô Ne 2 là công trình thuỷ điện do doanh nghiệp tư nhân đầu tư và phát điện đầu tiên của tỉnh Kon Tum. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành điện, đây là công trình hiệu quả, có thời gian xây dựng nhanh và có vai trò quan trọng trong việc phát điện để khai thác tối đa lượng nước, cột nước trên sông Đăk Pô Ne. Đặc biệt nó sẽ rất hiệu quả khi thuỷ điện Đăk Pô Ne 1 đi vào vận hành. Công trình thuỷ điện Đăk Pô Ne 2 đã hoàn thành và phát điện, hy vọng từ hiệu quả của công trình này sẽ kích thích và tác động lớn đến các doanh nghiệp khác trong việc đầu tư làm thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.

Theo PC3