Sự kiện

Tăng giá điện góp phần khuyến khích tiết kiệm điện

Thứ hai, 9/3/2009 | 10:37 GMT+7
Ngoài mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, từng bước chuyển sang cơ chế thị trường đưa giá điện phản ánh đúng chi phí của quá trình sản xuất kinh doanh điện, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành điện, việc tăng giá điện theo quyết định số 21/2009/QĐ-TTG còn nhằm khuyến khich doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng bằng cách bố trí hợp lý đèn chiếu sáng. Ảnh: Báo Đà Nẵng
Các doanh nghiệp vẫn có thể tiết kiệm điện được 8-30%

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào, ảnh hưởng của việc tăng giá điện đến các ngành kinh tế không cao, chủ yếu đều tăng chi phí dưới 1% giá thành. Tuy nhiên, các DN vẫn có cơ hội để kiểm soát giá bằng cách tiết kiệm năng lượng vì khả năng tiết kiệm điện còn rất cao. Nếu các DN triệt để áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện thì có thể giảm được từ 8 – 30% mức tiêu thụ so với bình thường. Hiện tại, các DN ngành Công Thương cũng đang ráo riết áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện.

Được đánh giá là ngành chịu ảnh hưởng không nhiều của việc tăng giá điện (tăng giá thành khoảng 0,35-0,4%, tức là khoảng 5000 đồng đến 7.000 đồng/tấn sản phẩm), nhưng các DN Thép cũng đang tính toán bố trí lại sản xuất để giảm thời gian luyện thép, giảm tiêu hao năng lượng. Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, hiện nay những vật tư phục vụ sản xuất, đặc biệt trong sản xuất thép của lò điện có chi phí khá lớn, khâu chuẩn bị nguyên liệu cho sản xuất phôi thép cũng hết sức quan trọng để giảm thời gian luyện thép, giảm tiêu hao điện và giảm chi phí điện. Một trong những động thái góp phần giảm tiêu hao năng lượng là việc áp dụng sản xuất sạch hơn, kiểm toán năng lượng trong các DN ngành Thép. Vừa qua, Bộ Công Thương đã thông qua dự án Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI) do Đan Mạch tài trợ trên cơ sở giới thiệu về công nghệ SXSH, kinh nghiệm chuyển đổi, cải tiến công nghệ trong sản xuất thép của các quốc gia khác cho các DN Việt Nam. Dự án sẽ khảo sát thực tế và quyết định lựa chọn mô hình cho hợp lý. Hiện nay, Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên và Nghệ An cùng Hiệp hội Thép Việt Nam triển khai dự án sản xuất sạch hơn cho một số DN sản xuất gang thép trên địa bàn hai tỉnh trên.

Các ngành phân bón, dệt may cũng tính toán về việc giá thành sản phẩm sẽ tăng khi giá điện tăng. Tuy nhiên, việc phải tăng giá bán sẽ phải tính toán kỹ để tránh rơi vào tình trạng tăng giá theo hiệu ứng dây chuyền. Nhưng đối với DN sản xuất hàng xuất khẩu sẽ khó hơn, bởi hợp đồng và giá đã ký từ trước nên khó thay đổi giá. Vì vậy, các DN phải cơ cấu lại sản xuất. Các DN ngành dệt may cũng đang cố gắng tăng năng suất lao động, rút ngắn thời gian sản xuất ra 1 sản phẩm để tiết kiệm chi phí, bù đắp vào phần giá điện tăng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về cách tính giá điện giờ cao điểm như hiện nay sẽ gây khó cho doanh nghiệp. Nhiều DN cho biết, trước đây, EVN chỉ quy định giờ cao điểm từ 6h chiều đến 10h tối, nhưng nay biểu giá điện mới quy định giờ cao điểm nhiều hơn, từ 9h30 đến 11h sáng và từ 5h - 8h tối.. Về vấn đề này, Thứ trưởng thường trực Bộ Công thương Bùi Xuân Khu khẳng định:  Trong quá trình sản xuất nếu các DN thấy cách tính điện sản xuất trong giờ cao điểm là chưa phù hợp và không khuyến khích được sản xuất thì gửi công văn kiến nghị lên Bộ Công Thương. Bộ sẽ xem xét các đề xuất đó, nếu thấy phù hợp sẽ xem xét điều chỉnh để DN đảm bảo sản xuất và không phải chịu chi phí sản xuất quá lớn.

Điện sinh hoạt: Góp gió thành bão

Mặc dù Chính phủ chủ trương tỷ lệ tăng giá điện sinh hoạt sẽ giữ ở mức cao hơn tỷ lệ tăng giá điện bình quân nhưng việc tăng giá điện lần này cũng chưa tác động mạnh đến các gia đình. Theo tính toán của Bộ Công Thương, biểu giá điện mới sẽ làm tiền điện của các hộ gia đình trung bình tăng khoảng 2,64% lên 3% trong tổng chi tiêu. Tuy nhiên, do 50kWh đầu tiên vẫn được bù giá điện nên các hộ nghèo và hộ có thu nhập thấp có mức sử dụng điện dưới 50 kWh/tháng sẽ chỉ phải tăng chi phí tiền điện tối đa khoảng 2.500 đồng/tháng. Người nghèo và các hộ chính sách vẫn yên tâm, bởi cơ chế bù giá cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp có mức tiêu thụ điện ít hơn hoặc bằng 50 kwh/tháng được áp dụng bằng cách khấu trừ trực tiếp từ hóa đơn tiền điện hàng tháng. Vấn đề là “góp gió thành bão”, bởi lẽ không phải chỉ tăng ở hóa đơn tiền điện mà sẽ tăng giá ở tất cả các mặt hàng có sử dụng điện. Mỗi thứ một ít cũng sẽ làm tăng mức chi tiêu trong gia đình. Vậy thì tại sao mỗi gia đình không tính đến việc tiết kiệm chi phí ngay từ khâu sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Theo Công Thương