Sự kiện

Sẵn sàng đồng hành cùng ngành Điện

Thứ sáu, 13/3/2009 | 08:46 GMT+7
Tiềm năng phát triển các dự án theo Cơ chế phát triển sạch – CDM ở nước ta được đánh giá là rất lớn, nhất là trong lĩnh vực năng lượng. Giải pháp nào để biến tiềm năng này thành hiện thực đã và đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư khi triển khai các dự án. Tạp chí Ðiện lực đã có cuộc trao đổi với Ông Hoàng Anh Dũng - Giám đốc Công ty Tư vấn INTRACO - một trong số rất ít các đơn vị chuyên ngành về tư vấn, phát triển dự án CDM ở Việt Nam xung quanh vấn đề này.

PV: Nên hiểu Cơ chế phát triển sạch (CDM) thế nào cho đúng và cơ chế này mang lại lợi ích gì, thưa ông?

Ông Hoàng Anh Dũng: Cơ chế phát triển sạch là một trong 3 cơ chế được xác định trong Nghị định thư Kyoto mà Liên hiệp quốc thông qua năm 1997, nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện phát triển bền vững thông qua các hoạt động đầu tư một cách thân thiện với môi trường của các nước công nghiệp. Mục tiêu cơ bản nhất của CDM là hướng tới phát triển bền vững bằng các cam kết cụ thể về hạn chế và giảm lượng phát thải khí nhà kính của các nước trên phạm vi toàn cầu. Nhìn lại lịch sử, CDM ra đời trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí thấp nhất, nhưng vẫn tăng cường hiệu quả cải thiện môi trường. Ðể đạt được điều này, Nghị định thư Kyoto đã đưa ra 3 cơ chế gồm: Mua bán quyền phát thải quốc tế (IET), đồng thực hiện (JI) và CDM.

CDM cho phép các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân ở các nước công nghiệp thực hiện các dự án giảm phát thải tại các nước đang phát triển và đổi lại, các doanh nghiệp này nhận được chứng chỉ dưới dạng “giảm phát thải được chứng nhận” (CERs) và được tính vào chỉ tiêu giảm phát thải của các nước công nghiệp. Như vậy, thay vì cố gắng thực hiện giảm phát thải ngay tại nước mình bằng các biện pháp như đầu tư, đổi mới, cải tiến công nghệ… với chi phí tốn kém hơn và hiệu quả thường không cao, các nước công nghiệp sẽ tiến hành các dự án CDM đầu tư vào các nước đang phát triển chưa bị ô nhiễm môi trường nặng, trình độ công nghệ chưa cao để giảm phát thải với hiệu quả cao hơn. Nhờ thế, các nước công nghiệp hoá triển khai các dự án CDM cũng được coi là đã thực hiện các cam kết của mình về giảm phát thải định lượng theo Nghị định thư Kyoto, góp phần vào mục tiêu chung là giảm nồng độ khí nhà kính trong khí quyển, hạn chế sự biến đổi khí hậu trái đất theo hướng bất lợi cho loài người. Bằng cách này, các dự án CDM đem lại lợi ích môi trường và kinh tế cho cả hai phía - phía các nước công nghiệp (các nhà đầu tư dự án CDM) và phía các nước đang phát triển (các nước tiếp nhận dự án CDM). Về mặt kinh tế, nguồn tài trợ từ các dự án CDM sẽ giúp các nước đang phát triển đạt được mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và phát triển bền vững, chẳng hạn như giảm ô nhiễm không khí và nước, cải thiện sử dụng đất, nâng cao phúc lợi xã hội, xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm hay giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hoá thạch… Ở mức độ toàn cầu, thông qua các dự án giảm phát thải, CDM có thể khuyến khích đầu tư quốc tế, thúc đẩy cung cấp nguồn lực cần thiết cho tăng trưởng kinh tế ở nhiều nơi, nhiều khu vực trên thế giới.

PV: Ðến thời điểm hiện nay, nước ta đã triển khai cơ chế này ra sao?

Ông Hoàng Anh Dũng: Việt Nam phê chuẩn Nghị định thư Kyoto năm 2002 và đã hoàn thiện các văn bản pháp lý thúc đẩy việc thực hiện các dự án CDM. Hiện nay, Việt Nam có 03 dự án CDM đã đăng ký thành công với Liên hiệp quốc, hơn 50 dự án đã đệ trình, đang được Liên hiệp quốc thẩm định và 78 dự án khác được Ban chỉ đạo CDM Quốc gia cấp Thư phê duyệt. Năm 2008, Việt Nam được Liên hiệp quốc đánh giá là một trong 5 quốc gia đứng đầu thế giới về sản lượng tín dụng giảm phát thải, trong đó riêng dự án khí mỏ đồng hành Rạng Ðông đã mang lại hơn 4 triệu đơn vị CERs. Ngoài ra, nước ta còn có tiềm năng CDM rất lớn từ các lĩnh vực khác như: Năng lượng tái tạo, khí sinh học, trồng rừng… Trong đó: Công suất thủy điện nhỏ trên cả nước mới đạt 300 MW, tiềm năng là 6.000 MW; về phong điện tại Việt Nam chỉ có 1 cột gió tại Bạch Long Vĩ hoạt động với công suất 850 kW, 135 cột gió khác do Trường Ðại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh lắp đặt ở trên 20 tỉnh và 50 cột gió do Pháp hỗ trợ lắp đặt tại Cần Giờ. Tuy nhiên, những cột gió này có công suất thấp, chỉ sử dụng cho hộ gia đình, và ít thành công do không được bảo dưỡng. Hai dự án lớn xây nhà máy phong điện tại Bình Ðịnh và Khánh Hòa với tổng công suất 55 MW đang thực hiện. Tiềm năng điện gió ở nước ta (tốt nhất Ðông Nam Á) có thể đạt hơn 400 MW vào năm 2020; Về sinh khối, hiện cả nước có 33 nhà máy sử dụng hệ thống phát nhiệt điện từ bã mía với công suất 130 MW. Nguồn sinh khối chủ yếu ở Việt Nam từ trấu, bã mía, sắn ngô, rỉ đường, quả có dầu, gỗ, phân động vật, rác sinh học đô thị... có thể lên tới trên 350 MW. Tiềm năng của biogas có thể lên tới 10 tỉ m3/năm (1m3 khí tương đương với nửa kg dầu)… Với năng lượng mặt trời, do suất đầu tư điện mặt trời cao nên chưa được dùng rộng rãi. Hiện nay chỉ có các hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời được ứng dụng. Tiềm năng bức xạ mặt trời tính trung bình trên toàn quốc là 4 - 5 kWh/m2 mỗi ngày.

PV: Ðể đạt yêu cầu, cấp chứng nhận dự án CDM, và mang lại nguồn lợi kinh tế, thách thức đối với các dự án điện là gì?

Ông Hoàng Anh Dũng: Ðể đáp ứng được những yêu cầu cũng như việc chứng nhận giảm phát thải cho CDM, Liên hiệp quốc cũng đã thiết lập các yêu cầu đặc biệt đối với CDM. Vì vậy, các dự án điện phải đáp ứng được những yêu cầu này và phải được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ðồng thời, các dự án này phải đóng góp vào quá trình phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, việc xây dựng các dự án điện tại Việt Nam thường kéo dài và đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nên quá trình xây dựng dự án sẽ gặp không ít khó khăn. Hơn nữa, việc đăng ký lên Liên hiệp quốc đòi hỏi nhiều thủ tục phức tạp.

PV: Tiềm năng thuỷ điện ở Việt Nam rất lớn, triển vọng sẽ có bao nhiêu dự án thành công, thưa ông?

Ông Hoàng Anh Dũng: Tại Việt Nam, với sự đa dạng về địa hình đã có tới hơn 1000 dự án thuỷ điện, tuy nhiên không phải tất cả các dự án thủy điện đều có thể triển khai CDM do những yêu cầu khắt khe của Liên hiệp quốc. Ðể có thể phát triển thành dự án CDM thì dự án thuỷ điện cần phải được cân nhắc thật kỹ lưỡng với nguồn thu từ CDM mang lại có thực sự hỗ trợ trong việc đầu tư dự án và các yếu tố như tác động về môi trường phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Một dự án thủy điện với công suất 10 MW nếu phát triển dự án CDM thành công có khả năng tạo ra 20.000 - 25.000 tấn giảm phát thải/năm thì ngoài nguồn thu bán điện, CDM sẽ giúp tổng doanh thu tăng thêm khoảng 20 - 25%.

PV: Ðối với lĩnh vực truyền tải điện, khả năng thu được tín dụng cacbon ra sao? Cần có điều kiện gì để khả năng đó thành hiện thực, thưa ông?

Ông Hoàng Anh Dũng: Ðối với lưới điện truyền tải, khả năng thu tín dụng là rất cao, đặc biệt là các dự án nâng cao hiệu suất truyền tải áp dụng công nghệ hiện đại giảm thiểu được tổn thất trong truyền tải điện. Ngoài ra, việc thay thế khí gây hiệu ứng nhà kính như SF6 đang sử dụng trong các máy cắt cũng có thể là dự án CDM và nhận được một lượng rất lớn tín dụng giảm phát thải, vì 1 tấn khí SF6 có mức độ nguy hại tương đương 23.900 tấn CO2. Trên thế giới đã có nhiều quốc gia đăng ký thành công các dự án CDM trong lĩnh vực truyền tải, còn đối với Việt Nam, để triển khai được dự án CDM, đơn vị quản lý vận hành hệ thống lưới truyền tải điện cần xác định rõ những yêu cầu và phương pháp có thể xây dựng thành dự án CDM. Theo tôi, nếu đơn vị truyền tải phối hợp chặt chẽ với một đơn vị tư vấn chuyên nghiệp về phát triển dự án CDM để xác định và phát triển các dự án này thì chắc chắn nguồn thu tín dụng giảm phát thải từ lĩnh vực truyền tải điện sẽ rất lớn. Với năng lực và kinh nghiệm trong hoạt động tư vấn dự án CDM, chúng tôi tin rằng, INTRACO sẽ đồng hành cùng ngành Ðiện phát triển thành công các loại hình dự án này. 

PV: Xin cảm ơn ông!

Chỉ tiêu giảm khí phát thải là gì?

Chỉ tiêu giảm khí phát thải được hiểu như sau: Ðể sản xuất ra một 1 kWh điện bằng than hoặc dầu, thì lượng khí thải CO2 do than và dầu bị đốt sinh ra là khoảng 600g khí CO2. Nếu số điện này được sản xuất bằng thủy điện, hoặc phong điện, thì sẽ không sinh ra 600g khí CO2 kia. Vậy có nghĩa là cứ sản xuất ra bao nhiêu số điện "sạch" bằng thủy điện và phong điện, thì giảm được bấy nhiêu kg khí CO2 thải vào không khí. Chỉ tiêu sản xuất ra điện "sạch" cũng tương ứng với chỉ tiêu giảm khí phát thải. Các nước sản xuất điện "sạch" có quyền đem bán chỉ tiêu giảm khí phát thải này (tương ứng với số điện sạch họ đã sản xuất ra) cho một nước khác để bù vào lượng khí thải phải cắt giảm thực tế.

Theo TCĐL số 2/2009