Sự kiện

Để chương trình điện khí hóa nông thôn sớm về đích

Thứ ba, 10/3/2009 | 13:54 GMT+7
Để góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, điện khí hóa nông thôn là một trong những bước đầu tiên, tạo cơ sở thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn, miền núi phát triển, với mục tiêu đến năm 2050, 100% hộ dân nông thôn được sử dụng điện. Theo nhiều chuyên gia, đạt được mục tiêu này không khó, điều quan trọng là làm sao để bà con được sử dụng điện với giá hợp lý, đảm bảo chất lượng và an toàn.

Bán điện trực tiếp

Điện đã về bản người Mông xã Hồ Thầu (Tam Đường - Lai Châu).
Bên cạnh sự nỗ lực của ngành điện, các địa phương ở khu vực nông thôn cũng tham gia vào việc quản lý và bán điện cho dân. Tuy nhiên, chính điều này khiến hoạt động bán điện ở nông thôn càng khó quản lý, gây nhiều bức xúc cho người dùng điện. Nhiều người cho rằng, thực chất, giá bán của ngành điện cho nông dân rất thấp, nhưng do hệ thống mua buôn rồi bán lẻ tại các địa phương gây thất thoát nên đẩy giá điện lên cao. Ông Doãn Văn Tỏa, Phó trưởng ban Chính sách và Phát triển (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) cho rằng: “Hiện, nông dân đang phải chịu giá điện cao hơn so với giá Nhà nước quy định do tổn thất điện năng ở khu vực nông thôn lớn. Nếu tổn thất điện năng từ 25% giảm xuống còn 15% thì mỗi năm, cả nước tiết kiệm được trên 6 tỷ kWh. Vì vậy, cần xóa bỏ hình thức trung gian, cai thầu điện và thực hiện bán điện trực tiếp cho các hộ dân”.

Hiện, Hà Nội có thêm 345 xã, phường, thị trấn được cấp điện từ lưới điện nông thôn nhưng có tới 572 tổ chức quản lý điện làm trung gian đứng ra mua điện của Công ty Điện lực Hà Nội, bán lại cho 537.133 hộ dân. Giá bán điện sinh hoạt của các xã này hầu hết vượt mức giá trần 700 đồng/kWh. Trong khi đó, ngành điện chỉ thu về 429 đồng/kWh (kể cả thuế giá trị gia tăng). Theo báo cáo của UBND thành phố, năm 2008, thất thoát khoảng 168 tỷ đồng do tổn thất điện năng.

Mới đây, TP. Hà Nội đã chính thức thông qua Đề án điện nông thôn giai đoạn 2008 - 2012 với tổng kinh phí khoảng 354 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó chủ tịch UBND thành phố, mục tiêu của Đề án là phát triển hệ thống điện nông thôn theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, giảm tổn thất điện năng xuống còn 18% vào năm 2010. Cũng theo Đề án, thành phố sẽ đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ thế tại 13 xã miền núi với số vốn 75 tỷ đồng. Sau khi đầu tư xong, sẽ giao cho Công ty Điện lực Hà Nội quản lý và bán điện trực tiếp cho các hộ dân. Với các xã, phường, thị trấn còn lại, Công ty Điện lực Hà Nội sẽ tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, tổ chức ký hợp đồng bán điện trực tiếp đến từng hộ theo đúng giá quy định của Nhà nước. Nếu đúng lộ trình, đến năm 2010, Hà Nội sẽ không còn tồn tại các hình thức trung gian, cai thầu điện.

Không chỉ riêng Hà Nội, ngành điện Quảng Nam cũng đã và đang tích cực đổi mới tổ chức quản lý điện nông thôn nhằm hạn chế hao hụt, giảm giá thành, tạo sự công bằng về giá điện giữa nông thôn và thành thị. Hiện, Điện lực Quảng Nam đã nhận bàn giao toàn bộ lưới điện trung áp nông thôn, triển khai thực hiện bán lẻ điện cho hơn 34.000 khách hàng theo giá quy định và đang xây dựng Đề án tiếp nhận bán lẻ đến hộ tiêu thụ điện nông thôn vào năm 2010.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2009 EVN sẽ tiếp nhận điện lưới hạ thế của 2.421 xã trên toàn quốc để bán điện trực tiếp đến các hộ nông dân và sẽ hoàn thành vào tháng 6/2010 nhằm tạo công bằng hơn giữa người sử dụng điện ở nông thôn và thành thị.

Sử dụng năng lượng gió?

Mặc dù EVN đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng thiếu và cắt điện như điều chỉnh lịch sửa, bảo dưỡng các nhà máy điện; tăng cường mua điện của Trung Quốc... nhưng xem ra, những giải pháp đó chỉ mang tính tạm thời chứ không thể là liều thuốc chữa “cơn khát” điện một cách lâu dài. Dự kiến đến năm 2020, khi nhà máy điện nguyên tử đầu tiên ở Việt Nam đi vào hoạt động, sản lượng điện cả nước mới đáp ứng 80% nhu cầu. Nhiều ý kiến cho rằng, một giải pháp có thể nhanh chóng nâng cao sản lượng điện là xây dựng các trạm phong điện (điện bằng sức gió). Trên thực tế, các máy phát điện lợi dụng sức gió đã được sử dụng nhiều ở châu âu, châu Mỹ và các nước phát triển. Công suất hiện nay của toàn thế giới là gần 50.000 MW, xấp xỉ công suất của 50 nhà máy điện hạt nhân. Ngành công nghiệp phong điện đã thu về hơn 9 tỷ USD/năm.

Điện bằng sức gió có nhiều ưu điểm như không tốn nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường, dễ chọn địa điểm, tiết kiệm mặt bằng xây dựng. Các trạm phong điện có thể phát điện khi tốc độ gió đạt 11km/h và tự ngừng phát điện khi tốc độ gió vượt quá 90km/h. ở Việt Nam, năm 2007, Nhà máy Phong điện Phương Mai được khởi công xây dựng ở Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) trên mặt bằng 140ha, tổng vốn đầu tư 575 tỷ đồng, công suất 21 MW/năm. Mới đây, Công ty TNHH Năng lượng tái tạo Aerogie.plus (Thụy Sỹ) đã triển khai các bước cơ bản để xây dựng nhà máy sản xuất điện từ sức gió tại Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và ký hợp đồng nguyên tắc mua bán điện với huyện đảo này. Nhà máy có công suất 7,5 MW/năm, theo kế hoạch, năm 2010, sẽ đi vào hoạt động.

Theo tính toán, chỉ cần 500 trạm điện bằng sức gió loại 4.800kW sẽ có công suất 2,4 triệu kW, bằng công suất Nhà máy Thủy điện Sơn La, trong khi tổng chi phí ước tính 1,875 tỷ USD (Nhà máy Thủy điện Sơn La khoảng 2,4 tỷ USD). Điều đó chứng tỏ, sản xuất điện bằng sức gió là giải pháp có hiệu quả cao, có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu điện năng của cả nước.

Biogas, giải pháp thích hợp?

Nhóm nghiên cứu thuộc Phân viện Kỹ thuật công binh và Phòng robot CAPIT (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Trung tâm Nhiệt thủy khí động học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tính toán, khí sinh học có nhiệt trị 4.700 - 6.500 kcal/m3, nhiệt lượng hữu ích của 1m3 tương đương 0,96 lít dầu hoặc 4,7kWh điện. Chính vì thở, từ năm 2003, khí sinh học đã được triển khai ở Việt Nam và ngày càng phát huy hiệu quả. Theo kỹ sư Bùi Hoàng Lang, người sáng chế ra máy phát điện bằng khí biogas, đối với các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, thậm chí những nhà máy chế biến xay xát, mát phát điện bằng biogas có thể cung cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất 24/24 giờ với giá thành chỉ bằng một nửa so với điện thông thường.

Thông qua sự hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan, hiện nước ta đã có khoảng 28.000 công trình biogas được xây dựng ở 24 tỉnh, thành phố. Dự kiến, năm 2010 sẽ tăng lên 167.000 công trình, thay thế khoảng 200.000 tấn củi hoặc phế thải nông nghiệp/năm. Từ năm 2000 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn VACVINA (Hội Làm vườn Việt Nam) đã triển khai xây dựng 10.000 hầm biogas cải tiến trên cả nước dưới sự tài trợ của hãng Toyota. ông Phạm Văn Thành, Giám đốc Trung tâm cho biết, năm 2009 Trung tâm sẽ triển khai xây dựng khoảng 600 hầm thí điểm trên toàn quốc để bà con học tập và nhân rộng. Theo GS.TSKH Bùi Văn Ga, Giám đốc Trường Đại học Đà Nẵng, một hầm biogas tiết kiệm được khoảng 2,3 tấn củi đun, tương đương 0, 03ha rừng/năm. Các công trình biogas đã góp phần giảm thiểu 107.000 tấn CO2, tiết kiệm 13.000 tấn than, gần 3.300 tấn dầu, 208.022 bình gas,...

Trang trại của ông Cao Huỳnh Lâm ở huyện Mang Thít (Vĩnh Long) nuôi 120 heo nái. Cách đây 4 năm, ông Lâm xây 5 hầm biogas (20m3/hầm) nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, thế nhưng ngay sau đó, ngoài việc sử dụng khí biogas thay chất đốt, ông Lâm còn sử dụng nguồn năng lượng này vào nhiều công đoạn khác như chạy môtơ máy phát điện, máy nghiền thức ăn cho cá tra; sưởi ấm cho heo con bằng thiết bị chuyên dùng... ông Lâm cho biết: “Việc sử dụng khí biogas để vận hành các thiết bị liên quan tới hoạt động nuôi cá, nuôi heo giúp tôi tiết kiệm 4 - 5 triệu đồng tiền điện /tháng”. Theo ông Lâm, ngoài những hiệu quả xã hội như bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng thì việc sử dụng hầm biogas là giải pháp tốt để giải quyết tình hình khó khăn về năng lượng hiện nay.

Tuy nhiên, hạn chế của những hầm khí biogas này là mới chỉ dừng lại ở những gia đình có chăn nuôi.

Mới đây, Chính phủ đã chính thức phê duyệt đề án tăng giá điện, theo đó, từ ngày 1/3/2009, giá điện bình quân tăng lên 950 đồng/kWh. Việc tăng giá điện là lộ trình tất yếu nhằm tăng thu ngân sách để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, giảm bao cấp và chuyển sang cơ chế thị trường vào năm 2010. Điều này đang được hy vọng là sẽ góp phần kích thích sự phát triển của ngành điện, hạn chế tình trạng độc quyền, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia nhằm nâng cao chất lượng điện, để chương trình điện khí hóa nông thôn sớm về đích.

Theo Kinh tế nông thôn