Sự kiện

Giá dầu mỏ không ổn định, nguồn Thủy năng lên ngôi

Thứ năm, 5/3/2009 | 10:45 GMT+7
Tốc độ tăng đến chóng mặt của giá dầu mỏ trên thế giới vào những tháng cuối năm 2007, đầu năm 2008 và rồi lại sụt giảm mạnh vào cuối năm 2008 đã làm không chỉ ngành công nghiệp  thế giới lao đao mà ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế và đời sống xã hội. Tuy nhiên, các quốc gia không thể khoanh tay đứng nhìn mà đã và đang nỗ lực tìm ra các nguồn năng lượng để thay thế, trong đó có Việt Nam.

Thủy năng ở Việt Nam có giá trị sử dụng tổng hợp rất cao

Thuỷ năng - sạch, rẻ, đa hiệu ích

Hiệu quả rõ nét nhất của công tác quy hoạch nguồn thuỷ năng là sự hiện diện các công trình điện đã, đang xây dựng. Bởi đó không chỉ là nguồn năng lượng phục hồi, sạch và bền vững, mà còn mang lại hiệu quả to lớn cho phát triển công, nông nghiệp và dân sinh. Ðồng thời, là giải pháp quan trọng giảm nhẹ thiên tai (chống lũ, chống hạn) góp phần giảm khí thải hiệu ứng nhà kính – nguyên nhân chính gây ra sự thay đổi khí hậu toàn cầu.

Một đặc điểm quan trọng của thuỷ năng Việt Nam là giá trị sử dụng tổng hợp rất cao. Nền kinh tế Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đến nay cơ bản là nền kinh tế nông nghiệp, nông dân chiếm gần 80% dân số, nên nhu cầu nước cho nông nghiệp và phát triển nông thôn chiếm phần lớn nhu cầu nước quốc gia. Ðồng thời, đất nước lại nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thiên tai hạn hán, lũ lụt thường xuyên đe dọa. Vì vậy, đối với một số công trình thuỷ điện lớn, đôi khi mục tiêu chống lũ, cấp nước lại quan trọng hơn nhiệm vụ sản xuất điện, chẳng như các công trình thuỷ điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Thác Bà… ở miền Bắc; Trị An, Ðại Ninh… ở miền Nam và một số công trình khác ở miền Trung, Tây Nguyên… Nguồn lợi từ việc khai thác thuỷ điện ở những công trình tổng hợp trên đến nay vẫn được đánh giá là hiệu quả nhất và có khả năng bù đắp được chi phí cho sản xuất điện nói chung. Chính vì vậy, chính sách năng lượng quốc gia đã lấy phương châm “ưu tiên phát triển thuỷ điện” làm cơ sở cho mục tiêu toàn cục.

Theo các chuyên gia chuyên ngành năng lượng, với giá cả nhiên liệu như hiện nay, đặc biệt là ở vào những thời điểm dầu khí thế giới tăng cao, thì hiệu ích của các nhà máy thuỷ điện là rất lớn. Căn cứ vào số liệu của Tổng sơ đồ điện VI, từ năm 2010 đến 2025, phần tham gia của thuỷ điện sẽ từ 40 tỷ kWh đến 66,5 tỷ kWh, thì  khả năng tiết kiệm sẽ được khoảng từ 10-20 triệu tấn than hàng năm (tương đương với nhiều tỷ USD). Ngoài hiệu ích nhiên liệu, thuỷ điện còn có hiệu ích về dịch vụ hỗ trợ đối với hệ thống năng lượng rất lớn, đó là dịch vụ điều chỉnh tần số, điện thế, dự trữ…

Mặc dù đã có nhiều tranh luận, nhưng đến nay người ta đã nhận thức được lợi ích môi trường hữu ích của thuỷ điện cao hơn nhiều so với nguồn phát điện hóa thạch. Trong khi đó, chi phí môi trường ở thuỷ điện thấp hơn nhiều so với phương án năng lượng khác. Ðơn cử, chi phí môi trường ở các dự án thuỷ điện tại Na Uy khoảng 0,3 euro/kWh; than là 3-15 euro/kWh; dầu là 3-11 euro/kWh; khí thiên nhiên là 1-4 euro/kWh.

Hầu hết các dự án thuỷ điện đều tạo nguồn cung cấp nước phục vụ tưới tiêu ở các địa phương. Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên ngành, tối thiểu 55% sản lượng lương thực phụ thuộc vào hệ thống tưới được tạo nguồn từ các dự án thuỷ điện. Vì vậy, hiệu ích cấp nước cho sản xuất lương thực cũng là hiệu ích xóa đói, giảm nghèo mà các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đang quan tâm.

Giá điện và vấn đề tận dụng nguồn thuỷ năng

Cho đến nay, công tác quy hoạch các dòng sông chính của nước ta đã được thực hiện tương đối đầy đủ, chiến lược phát triển nguồn thuỷ điện đã định hình, làm cơ sở phát triển hàng loạt các nhà máy thuỷ điện (NMTÐ). Từ cuối năm 1999, thực hiện chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp ngoài Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) tham gia phát triển dự án NMTÐ, chủ yếu qui mô vừa và nhỏ (công suất dưới 30 MW), vì vậy, công tác qui hoạch thuỷ điện vừa và nhỏ trở nên cấp thiết.

Dự án NMTÐ trong giai đoạn 2006-2010-2015-2020 dự kiến phát triển theo 2 hướng: Hướng chủ đạo do EVN chủ trì, sử dụng nguồn vốn tự có, vốn vay ưu đãi, vốn tài trợ, vốn vay ngân hàng. Hiện nay, kế hoạch phát triển nguồn đã được dự kiến đến 2020, với tổng công suất 7.694 MW. Ðồng thời, một số dòng sông đang tiếp tục được qui hoạch, lập dự án, nên có thể đưa vào kế hoạch phát triển 2.997 MW. Hướng hưởng ứng là các dự án NMTÐ BOO và BOT do các đơn vị ngoài EVN thực hiện.  Với qui hoạch, dự kiến các dự án NMTÐ ngoài EVN chiếm tỷ trọng 11-15% về công suất mùa mưa của hệ thống và 6-8,5% về năng lượng ở tần suất 75%.

Do chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ngoài EVN tham gia phát triển các dự án nguồn điện đã tạo ra làn sóng đầu tư rầm rộ vào các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ, chủ yếu theo hình thức nhà máy điện độc lập (IPP) hay xây dựng - sở hữu - khai thác (BOO). Theo danh sách đăng ký tại cơ quan quản lý, hiện có trên 300 dự án đang được các nhà đầu tư đưa vào kế hoạch phát triển. Bên cạnh đó, nhiều dự án đã đi vào vận hành.

Tuy nhiên, giá điện là một vấn đề nhạy cảm, vì yếu tố này có nhiều ảnh hưởng trong suốt quá trình thực hiện dự án. Hiện nay, giá điện nằm trong sự kiểm soát của Nhà nước. Nếu khung giá điện không phù hợp sẽ gây ra 2 lãng phí lớn ảnh hưởng tới an ninh cung cấp điện. Lãng phí thứ nhất, xảy ra khi giá điện tương đối thấp so với giá năng lượng khác như khí đốt, dầu hỏa… dẫn đến người tiêu dùng sẽ sử dụng điện để thay thế các nguồn năng lượng khác trong sinh hoạt. Lãng phí thứ 2 đến từ phía các dự án thuỷ điện BOO. Hiện tại, giá mua điện phát lên từ các dự án này là khá thấp, chỉ khoảng 3,7 - 4,1 USC/kWh ở cấp điện áp thông thường là 22 - 35 kV. Nếu so sánh với giá mua điện ở cấp điện áp 110 kV hay 220 kV với giá 4,5 USC/kWh, thì thấy giá bán của các dự án thuỷ điện BOO là thấp.

Do giá bán khó có hy vọng đạt được ở mức cao, các dự án thuỷ điện BOO phải lựa chọn các giải pháp hạ chi phí xây dựng, để hạ giá thành sản xuất điện năng. Do đó, những dự án nào có giá kỳ vọng vượt quá 4,3 USC/kWh đều phải tạm loại bỏ ra khỏi danh sách dự kiến phát triển. Ðể hạ chi phí xây dựng, giải pháp đầu tiên của các dự án thuỷ điện BOO hướng đến là làm hồ chứa nhỏ, nhỏ đến mức chỉ đủ điều tiết ngày đêm về tháng kiệt nhất. Do đó, hồ chứa không có khả năng giữ nước mùa mưa để chuyển sang mùa khô. Và như vậy, sẽ lãng phí một lượng thuỷ năng đáng kể, chiếm từ 20 - 45%, thậm chí đến 50% lượng nước về phải xả thừa qua đập tràn.

Giải pháp thứ 2 mà các dự án thuỷ điện BOO lựa chọn là chọn tuyến năng lượng (tuyến đường dẫn) sao cho ngắn nhất có thể, để đạt mục tiêu cực tiểu hóa giá thành sản xuất điện. Ðiều này sẽ dẫn đến phải bỏ một phần cột nước phát điện giữa các bậc thang, đồng nghĩa với việc bỏ phí một lượng thuỷ năng, mặc dù biết rằng thuỷ năng là nguồn năng lượng tái tạo, giá trị sử dụng rất lớn, nhưng nếu không dùng sẽ bị loại bỏ.   Ðứng trên góc độ năng lượng chung của quốc gia, để xảy ra sự lãng phí như trên là rất đáng tiếc và với hàng trăm dự án thuỷ điện BOO hiện nay, sự lãng phí đó chắc chắn phải là con số đáng quan tâm.

Theo tính toán của các chuyên gia chuyên ngành Ðiện, lấy bình quân công suất đặt cho mỗi dự án thuỷ điện BOO là 16,9 MW với 140 dự án đang triển khai, tổng công suất đặt sẽ là 2.365,6 MW. Giả sử tận dụng thêm 20% lượng nước xả thừa và 10% cột nước phát điện, thì tổng công suất có thể tận dụng là 757 MW. Nếu tính cả trên 300 dự án đã đăng ký, chắc chắn con số này còn có ý nghĩa hơn.

Theo TCĐL số 1/2009