Sự kiện

Điện lực Ninh Bình triển khai thực hiện giá điện 2009

Thứ ba, 10/3/2009 | 10:35 GMT+7
Ngày 12-2-2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg về việc quy định giá bán điện năm 2009 và các năm 2010-2012, theo cơ chế thị trường. Tiếp đó ngày 26-2 Bộ Công thương có thông tư số 05/2009/TT-BCT quy định giá điện năm 2009 và hướng dẫn thực hiện. Theo đó, giá điện sẽ được điều chỉnh từ ngày 1-3. Để hiểu rõ thêm về vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Minh Đức (LMĐ), Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình.

Cán bộ Công ty Điện lực Ninh Bình kiểm định công tơ điện.
P.V: Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg quy định giá bán điện năm 2009 và các năm 2010-2012 theo cơ chế thị trường. Theo đó, giá điện tăng so với trước đây. Vậy mục tiêu của việc điều chỉnh giá điện lần này là gì? 

Đồng chí Lê Minh Đức: Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ 1-3-2009, giá bán lẻ điện bình quân là 948,5 đồng/KWh (chưa gồm thuế VAT), tăng 8,92% so với mức điện bán lẻ bình quân năm 2008. Từ năm 2010 trở đi giá bán điện được thực hiện trên cơ sở giá thị trường. 

Mục tiêu chính của việc điều chỉnh giá điện lần này nhằm từng bước làm cho giá điện phản ánh đúng chi phí của quá trình sản xuất, kinh doanh điện; kích thích việc thu hút đầu tư vào ngành Điện; khuyến khích các doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất nhằm tiết kiệm điện… Trên cơ sở đó mà từng bước đảm bảo sự cân bằng về cung-cầu trong toàn bộ hệ thống; đáp ứng được tốc độ tăng nhu cầu điện hàng năm và đảm bảo an ninh cung cấp điện lâu dài.  

Cụ thể với điện sinh hoạt điều chỉnh theo giá bậc thang, gồm: 7 bậc (50 KWh đầu tiên; 51-100 KWh; 101-150 KWh; 151-200 KWh; 201-300 KWh; 301-400 KWh và từ KWh thứ 401 trở lên). ứng với mỗi bậc thang trên là giá bán cho 1 KWh điện. ở bậc thang 1 (50KWh đầu-chủ yếu là các hộ nghèo, thu nhập thấp tiêu thụ điện ở mức này), Chính phủ thực hiện hỗ trợ bù giá bằng 35-40% giá bán điện bình quân 2009; ở bậc thang 2 (từ 51KWh-100 KWh/tháng) giá bán bằng giá thành bình quân, không có lợi nhuận. áp dụng biểu giá điện bậc thang cho điện sinh hoạt thống nhất trong cả nước mà ở vùng đó được cấp điện từ lưới điện Quốc gia. 

Với điện cho sản xuất và khu vực hành chính sự nghiệp (tuỳ theo cấp điện áp và thời điểm sử dụng điện) mà đơn giá có sự khác nhau. Ví dụ ở lĩnh vực sản xuất: Cấp điện áp 110 KV trở lên: giờ cao điểm là 1.690 đồng/KWh, thì giờ thấp điểm là 455 đồng/KWh; cấp điện áp dưới 6 KV: giờ cao điểm 1.900 đồng/KWh, giờ thấp điểm 450 đồng/ KWh… Biểu giá như vậy sẽ hạn chế các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng điện vào giờ cao điểm; chống quá tải, giảm sự sụt áp. 

Giờ cao điểm được quy định từ 9h30 đến 11h30 và từ 17h đến 20h; trong các ngày từ thứ 2 đến thứ 7. Giờ thấp điểm từ 22h đến 4h sáng ngày hôm sau, ở tất cả các ngày trong tuần. Giờ bình thường, từ 4h đến 9h30, từ 11h30 đến 17h30, từ 20h đến 22h các ngày từ thứ 2 đến thứ 7 và 4h đến 22h ngày chủ nhật. Như vậy, riêng ngày chủ nhật không có giờ cao điểm. 

Từ 1-1-2010, giá bán điện sẽ được thực hiện trên cơ sở giá thị trường và căn cứ theo tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành điện và mặt bằng giá chung mà Bộ Công thương và Bộ Tài chính quyết định điều chỉnh tăng hay giảm. 

P.V: Việc tăng giá điện lần này có ảnh hưởng nhiều tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất của nhân dân? 

Đồng chí Lê Minh Đức: Các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn đã tính toán với tỷ lệ tăng giá 8,92% so với năm 2008 như trên sẽ không gây tác động lớn đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.  

Đối với hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp, thường tiêu thụ điện ở mức dưới 50 KWh/tháng, Chính phủ thực hiện hỗ trợ giá và giữ giá ở mức thấp hơn giá thành. Đối với những hộ sử dụng điện ở mức từ 51 -100 KWh/tháng là những hộ cận nghèo, thu nhập không cao nên giá mới quy định cho bậc thang này giữ ở mức bằng giá thành bình quân sản suất, kinh doanh điện-ngành điện không có lãi. Chính phủ cũng đang nghiên cứu, từ năm 2010 áp dụng cơ chế bù giá trực tiếp cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, tiêu thụ điện dưới 50 KWh/tháng. 

Về điện cho sản xuất, dự kiến với giá điện tăng 6-7,5% (tuỳ theo cấp điện áp và đối tượng sử dụng) bằng khoảng 0,35% giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp và chi phí tăng thêm từ sự tăng giá điện của các ngành sản xuất phổ biến ở mức dưới 1% giá thành. 

Về tác động đến đời sống người dân: Do giá điện ở 50 KWh đầu giữ ở mức thấp hơn giá thành và các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp hàng tháng chỉ phải chi trả thêm tối đa khoảng 2.500 đồng/tháng; đối với các hộ sử dụng dưới 100 KWh/tháng điện thì tối đa phải trả thêm khoảng 18.000 đồng/tháng; hộ sử dụng dưới 200 KWh/tháng trả thêm khoảng 22.000 đồng/tháng… khi áp dụng biểu giá mới. Như vậy các hộ gia đình sinh hoạt, sử dụng điện ở mức thấp thì không bị ảnh hưởng nhiều. 

P.V: Với chức năng là cơ quan kinh doanh, dịch vụ điện trên địa bàn, Công ty đã triển khai như thế nào? 

Đồng chí Lê Minh Đức: Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo các công ty điện lực tiến hành tập huấn cho tất cả các CB-CNV có liên quan đến công tác thực hiện giá bán điện nắm vững nội dung Quyết định số 21 và Thông tư 05. Trước đó, Công ty Điện lực Ninh Bình đã niêm yết công khai Quyết định số 21 và thông tư 05 tại tất cả các điểm giao dịch với khách hàng, tại trụ sở Công ty, trụ sở các chi nhánh trực thuộc.

Đúng ngày 1-3-2009, Công ty đã huy động toàn bộ lực lượng tham gia chốt số các công tơ của các khách hàng sản xuất, khách hàng bán buôn, khách hàng kinh doanh dịch vụ có trạm biến áp chuyên dùng. Còn những khách hàng sinh hoạt, hộ gia đình, cá nhân vẫn tổ chức ghi số theo phiên; máy tính, chương trình in hoá đơn sẽ nội suy tính ra số ngày phải trả giá điện mới, số ngày phải trả giá điện cũ và được in ngay trên hoá đơn để khách hàng theo dõi. 

Cũng cần phải nói thêm rằng: Trên địa bàn tỉnh hiện đang tồn tại nhiều loại hình tổ chức kinh doanh, dịch vụ điện bán lẻ. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mọi loại hình kinh doanh điện trên đều phải áp dụng biểu giá điện bậc thang cho điện sinh hoạt trong năm 2009. Muốn vậy các loại hình kinh doanh điện bán lẻ ở nông thôn cần phải điều chỉnh lại quy trình quản lý, hạch toán kinh doanh bán điện đạt chuẩn.

Từ ngày 1-3, các xã chưa bàn giao lưới điện hạ thế nông thôn, phải tập hợp số hộ sử dụng điện sinh hoạt nông thôn sau công tơ tổng là số hộ có hộ khẩu thường trú và tạm trú hiện có ký hợp đồng mua bán điện trong phạm vi cung cấp điện của công tơ tổng và sự xác nhận của UBND xã.  

Giá bán buôn điện sử dụng cho mục đích khác (xay sát, hàn xì, kinh doanh dịch vụ)… trước ngày 1-9 hai bên thoả thuận; sau ngày đó nếu không đủ điều kiện, đơn vị kinh doanh điện nông thôn phải lắp đặt hệ đo đếm. Nếu không đáp ứng được yêu cầu phải bàn giao cho Công ty Điện lực thuộc EVN quản lý. 

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Theo Báo Ninh Bình