Sự kiện

Phát triển các dự án CDM trong ngành Điện: Tiềm năng và rào cản

Thứ hai, 16/3/2009 | 10:09 GMT+7
Các hoạt động theo Cơ chế phát triển sạch (CDM) ở Việt Nam đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Ðối với riêng ngành Ðiện, với mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, ngành Ðiện có nhiều  tiềm năng trong triển khai các dự án CDM.
Trong hai thập kỷ tới, ước tính các mức phát thải khí nhà kính (KNK) của các nước đang phát triển sẽ vượt các nước phát triển. Cơ chế phát triển sạch - CDM có thể đóng góp vào việc giảm phát thải ở các nước đang phát triển bằng cách đưa ra khuôn khổ để thực hiện các dự án hợp tác giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển. Các nước đang phát triển có thể nhận được lợi ích từ các hoạt động dự án CDM như chuyển giao công nghệ và tài chính từ các nước đầu tư, giúp họ đạt được sự phát triển bền vững, còn các nước phát triển có thể sử dụng các chứng chỉ giảm phát thải (CERs) để đạt được các chỉ tiêu giảm phát thải KNK.

Ngành Ðiện với cơ chế phát triển sạch

Text Box: Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất điện, góp phần làm giảm đáng kể phát thải khí nhà kính  
 Có nhiều dự án tiềm năng trong ngành Ðiện có thể triển khai áp dụng CDM như: Cải tạo nâng cao hiệu suất các nhà máy nhiệt điện than cũ; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất điện; chuyển đổi nhiên liệu trong SX điện; giảm tổn thất trong truyền tải và phân phối điện; chương trình đèn chiếu sáng hiệu suất cao; phát triển SX điện từ các dạng năng lượng tái tạo…

Các nhà máy nhiệt điện cũ của Việt Nam hầu hết đã được xây dựng cách đây trên 20 năm, công suất cho một đơn vị tổ máy nhỏ, các thông số hơi mới của các tổ máy đều thấp, suất tiêu hao nhiên liệu cao, tỷ lệ điện tự dùng lớn, hiệu suất cháy không cao… Thêm vào đó, sau một thời gian dài vận hành, nhất là nhiều lúc do yêu cầu đáp ứng công suất, nên nhiều thiết bị phải vận hành trong tình trạng quá tải dẫn đến việc các thiết bị chính xuống cấp. Mặc dù thường xuyên được bảo dưỡng, sửa chữa, nhưng không tránh khỏi giảm hiệu quả trong vận hành. Những nguyên nhân dẫn đến sự vận hành không hiệu quả là do: Các tổn thất nhiệt từ lò hơi bao gồm tổn thất nhiệt theo khói thải, tổn thất cháy không hết về cơ học và hoá học, tổn thất qua bảo ôn và xỉ dẫn đến hiệu suất thực tế của các lò hơi giảm so với thiết kế. Các tổn thất nhiệt từ tuabin gồm tổn thất trong phần truyền hơi, tổn thất nhiệt theo nước làm mát bình ngưng lớn do sự xuống cấp của các ống đồng và tổn thất do ma sát trong cơ cấu của tuabin, máy phát, máy kích thích. Ngoài ra, còn có các tổn thất của hệ thống gia nhiệt và hệ thống hơi tự dùng; tổn thất nhiệt trên đường ống do sự suy giảm chất lượng bảo ôn; tỷ lệ điện tự dùng cao; các tổn thất nhiên liệu và nhiệt khác. Chính hiệu suất vận hành thấp đã dẫn đến tiêu hao than lớn và phát thải lớn. Ðể giảm thiểu phát thải khí nhà kính, có thể áp dụng các biện pháp tiết kiệm và sử dụng năng lượng thông qua việc nâng cao hiệu suất lò hơi và các thiết bị phụ bao gồm tối ưu hoá chế độ cung cấp không khí cho lò trong từng giai đoạn đốt, cải tạo vòi đốt than và hệ thống chế biến than, lắp đặt các thiết bị thổi bụi buồng lửa và đường khói, đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng nước cấp; sửa chữa hệ thống bảo ôn, cải tạo thuyền xỉ, vít xỉ; giảm tổn thất hơi nước, đảm bảo chất lượng nước bổ xung tốt, đảm bảo chế độ xả định kỳ hợp lý, bảo dưỡng, cải tạo đường ống, van và nghiên cứu thu hồi nhiệt nước xả v.v.. Mặt khác, thực hiện pha trộn nhiên liệu tối ưu; nghiên cứu chế độ đốt hỗn hợp than/dầu; nâng cao hiệu suất tua bin và các thiết bị phụ: Vệ sinh các tầng cánh, vành chèn hơi, đảm bảo chỉ tiêu chất lượng hơi, khôi phục chế độ làm việc của hệ thống ngưng hơi, các bình gia nhiệt; nâng cao hiệu suất các thiết bị điện và giảm tỷ lệ điện tự dùng; sửa chữa, bảo dưỡng các hệ thống đo lường, điều khiển tự động, xử lý nước v.v..

Việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất điện gồm ứng dụng công nghệ đốt tầng sôi nhằm tiết kiệm năng lượng do hiệu suất chuyển hoá năng lượng cao, đồng thời giảm phát thải các khí tạo mưa axít; ứng dụng chu trình hỗn hợp trong các nhà máy điện  sử dụng tuabin khí. Việc chuyển các tuabin khí chu trình đơn hiệu suất 25-33% sang chu trình hỗn hợp hiệu suất khoảng 50% sẽ làm giảm đáng kể phát thải khí nhà kính từ các nhà máy này.

Bên cạnh đó, chuyển từ nhiệt điện đốt dầu sang khí hay chuyển từ tua bin khí chạy dầu DO sang chạy khí tự nhiên cũng sẽ làm giảm phát thải nhà kính. Tuy nhiên, công việc này không dễ áp dụng trong thực tế ở Việt Nam bởi các lý do về cung cấp nhiên liệu và chuyển đổi công nghệ.

Còn đối với truyền tải và phân phối điện, thực chất là không phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, quá trình này lại ảnh hưởng khá nhiều tới mức giảm phát thải chung của khâu cung ứng năng lượng. Một hệ thống lưới điện vận hành ổn định, ít sự cố do quá tải, đảm bảo chất lượng điện và các chỉ tiêu kỹ thuật sẽ làm giảm thiểu tổn thất điện, tiết kiệm năng lượng sơ cấp dẫn đến giảm phát thải KNK. Qua thực tế phát triển lưới điện cho thấy, bằng những biện pháp kỹ thuật và quản lý vận hành, kinh doanh mà ngành Ðiện đang áp dụng như cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện, tăng cường các thiết bị đo đếm và giám sát điện năng, tăng cường công tác quản lý và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sử dụng điện… có thể giảm tỷ lệ này nhanh hơn so với mục tiêu đặt ra.

Về vấn đề đầu tư và phát triển sản xuất điện từ các dạng năng lượng tái tạo: Sinh khối, gió, mặt trời, địa nhiệt và thuỷ điện nhỏ, có thể phân thành 2 nhóm: Có phát thải KNK trong quá trình sử dụng (sinh khối, thuỷ điện nhỏ) và không phát thải KNK trong quá trình sử dụng (gió, mặt trời, địa nhiệt). Ðối với sinh khối, việc sử dụng trong giới hạn cho phép sẽ đảm bảo trung hoà phát thải CO2, tức là lượng phát thải trong quá trình đốt chuyển hoá thành nhiệt năng sẽ cân bằng với lượng CO2 hấp thụ từ không khí trong quá trình quang hợp giúp cây sinh trưởng.

Thị trường CDM Việt Nam và những rào cản

Các hoạt động dự án CDM ngày càng phát triển mạnh tại Việt Nam khi số lượng dự án được phê duyệt đã và đang tăng lên một cách đáng kể. Trong khi chỉ có hai văn kiện thiết kế dự án (PDD) được phê duyệt năm 2004 và hai PDD với 5 ý tưởng dự án (PIN) được duyệt năm 2005, số thư phê duyệt (LoA) và thư tán thành (LoE) được cấp trong năm 2006 lần lượt là 5 và 3. Năm 2007, Cơ quan thẩm quyền quốc gia (DNA) đã cấp tổng cộng 16 LoA  và 7 LoE . Kỷ lục là năm 2008, có 19 PDD và 1 PIN được phê duyệt chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm.     

Tuy nhiên, số lượng dự án được thẩm định thành công và được phê duyệt là rất ít so với tiềm năng.  Theo DNA Việt Nam, hiện có khoảng 10 nhà phát triển dự án cung cấp dịch vụ tư vấn và chuyên môn về phát triển dự án CDM tại Việt Nam.

Hiện nay, nhận thức về CDM và lập dự án CDM đối với các chủ đầu tư đã dần được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về việc nắm bắt thông tin, sự hiểu biết và quy trình thực hiện. Tổ chức tư vấn về CDM còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đối với các dự án lớn, có tính đặc thù cao hoặc dự án ở lĩnh vực mới. Một trong những rào cản lớn nhất khiến nhiều dự án CDM ở Việt Nam không được thẩm định thành công là thiếu đường cơ sở thống nhất cho lưới điện quốc gia do không có số liệu chính thức. Các tính toán chủ yếu dựa trên số liệu của Tổng sơ đồ quy hoạch phát triển điện lực quốc gia chứ không phải là số liệu thực tế. Bởi quy hoạch thường được điều chỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển của điện lực Việt Nam, nên tồn tại nhiều phiên bản khác nhau của tổng sơ đồ, dẫn đến tình trạng mỗi đơn vị phát triển dự án lại có một hệ số phát thải đường cơ sở riêng. Việc này khiến Cơ quan tác nghiệp thẩm tra (DOE) lúng túng khi thẩm định các dự án CDM khác nhau ở Việt Nam vì có nhiều các hệ số phát thải đường cơ sở khác nhau, mặc dù chúng cùng dựa trên một nguồn số liệu. Hơn nữa, các số liệu chỉ là trong kế hoạch, không phải là số liệu thực tế của hệ thống điện, rất khó để DOE chấp nhận đường cơ sở do các đơn vị xây dựng dự án đưa ra. 

Ngoài ra, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của dự án CDM là chứng minh tính bổ sung về tài chính, nghĩa là cần biện luận rằng dự án sẽ không khả thi về mặt tài chính nếu không có thu nhập phụ từ lượng tích sản các-bon. Theo yêu cầu của Ban chỉ đạo cơ chế phát triển sạch (CDM EB), phân tích tài chính trong báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (FSR) phải bao gồm cả phần thu nhập phụ từ doanh thu các-bon. Tuy nhiên, vẫn chưa có một hướng dẫn cụ thể nào liên quan đến vấn đề này cho những cơ quan lập FSR cũng như các chủ dự án - những người mong muốn áp dụng CDM cho dự án của mình. Do vậy, chủ dự án và cơ quan lập FSR thường do dự trong việc có bao gồm thu nhập từ CDM trong tính toán tài chính của dự án tại FSR. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt chuẩn tài chính cụ thể cho các dự án ở Việt Nam cũng dẫn đến khó khăn trong quá trình cung cấp cho DOE và CDM EB (Ban chỉ đạo cơ chế phát triển sạch) các luận điểm thuyết phục và bằng chứng đáng tin cậy liên quan đến tính bổ sung tài chính của các dự án. Do các yêu cầu tuân thủ của Liên minh Châu Âu, phần lớn người mua tích sản các-bon thường chỉ quan tâm đến các dự án thuỷ điện có công suất lớn hơn 20 MW khi chúng phù hợp với các tiêu chí của Uỷ ban Ðập thế giới (WCD). Ðiều này đặt ra thách thức cho các chủ dự án và đơn vị phát triển trong việc thu thập và cung cấp những chứng liệu cần thiết cho DOE…

Trước bối cảnh khó khăn chung đó, mặc dù ngành Ðiện có tiềm năng lớn trong việc triển khai các dự án CDM, nhưng đến nay vẫn trong giai đoạn “khởi đầu nan”. EVN đã, đang tiếp tục   khai thác tiềm năng này bởi việc áp dụng cơ chế phát triển sạch sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư về mặt kinh tế, bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển bền vững.

Theo TCĐL số 2/2009