Sự kiện

Đến cửa đập lớn nhất Đông Nam Á

Thứ hai, 28/9/2009 | 10:50 GMT+7
Trước đây, Việt Nam làm đập thủy điện, toàn ra nước ngoài mua thiết bị về lắp, nhưng Tổng Công ty Cơ điện xây dựng Nông nghiệp và Thủy lợi (Agrimeco) đã thiết kế, chế tạo 100% thiết bị cơ khí thủy công cho cả công trình thủy điện Sông Ba Hạ tỉnh Phú Yên.

Trong đó, cửa van cung đập tràn hiện lớn nhất Đông Nam Á. Công trình "made in Việt Nam" này đã tiết kiệm nhiều tỷ đồng cho Nhà nước.

Bão

Nắng càng ngày càng chói gắt rồi sầm sập cắn xé con người trong bức bối.

Thấy tôi hổn hển vừa đi vừa thở không ra hơi, phó Ban dự án Vũ Trọng Thể cười: "Thế này thì không làm thủy điện được rồi. Anh em làm thủy điện, lúc mới lên đây, làm gì đã có điện có nước đâu. Đối phó với nắng nóng như thế này, là lấy khăn mặt, dấp nước, rồi đắp lên mặt ngủ.

Đập tràn thủy điện Ba Hạ nhìn từ phía hạ lưu
Lúc cao điểm, hàng chục ngàn công nhân hối hả làm việc ngày đêm. Thời điểm đắp đập chính (đập đất) chỗ cửa tràn 12 van, cứ 12 giây lại một chuyến xe chở đất lao qua cầu. Nhân viên phòng thí nghiệm phải lập lán, ngủ ngay tại công trường để lấy mẫu thử nghiệm theo kịp tiến độ".

Khi chúng tôi từ đập tràn trở về "căn cứ" của Ban quản lí dự án thủy điện Sông Ba Hạ, những giọt mồ hôi còn chưa kịp ráo thì ông trời đã "giở mặt". Mây đen ùn ùn kéo đến đen kịt. Gió, mưa sồng sộc kéo về.

Tiếng mưa dội lên mái tôn rầm rầm như những chiếc xe ben khổng lồ trút đá. "Ùng", "Xoẹt". Thần sét giáng một đòn xuống ngay hiên nhà. Ai đó chạy ra kêu ối lên một tiếng, rồi lao xao: "Sét lại đánh hỏng cái gì rồi?",  "Ác quá".

Đóng được cánh cửa này, thì cánh kia lại bị gió giật tung ra. Căn nhà mái tôn oằn oại, nghiêng ngả, kêu răng rắc trong gió. Nước mưa tràn vào căn nhà từ mái, lan xuống bức tường ướt nhèm, đồ vật trong phòng bị gió cuốn bay lung tung.

Anh Thể bảo: Bao nhiêu máy móc của dự án từng bị sét đánh tan tành hết cả. Mái nhà cũng bị gió tốc không biết bao nhiêu lần. "Bão rừng mà. Anh em ở đây quen rồi. Chứ bão mà cũng sợ thì không làm thủy điện được đâu" - anh Thể lại cười, khuôn mặt đen nhèm vì nắng gió.

Nước chảy, mất tiền

12 cửa đập tràn nằm sừng sững ở công trình đầu mối. Muốn giữ được đủ mực nước phát điện thì phải đóng cửa van. Để điều tiết nước hồ chứa, khi có lũ về thì phải mở các cửa van, tính toán xả, có xả được lũ, mới bảo vệ được các hạng mục công trình.

Tôi hỏi ông tổng giám đốc Agrimeco Lê Văn An: "Lúc đó ông có gì mà dám nghĩ đến việc tự thiết kế, chế tạo trong nước?". Ông An, giơ một ngón tay trỏ, chỉ vào đầu mình. Cái điệu bộ vô cùng kiêu bạc ấy, hình như cũng "lây" sang cả đám nhân viên của ông.

Văn Thành Tâm, phó phòng thiết kế kể: "Sếp An bảo với chúng tôi: Hãy nhìn vào con số tiết kiệm được cho Nhà nước mà làm đi, động não đi. Rồi các cậu sẽ thấy chả thua kém gì nước ngoài".

Phải tìm cho ra phương án tối ưu về thiết kế. Anh em mang luôn chăn màn đến cơ quan để tranh thủ thay phiên nhau chợp mắt lúc nửa đêm. Vì cửa đập này rất lớn, anh em phải tính toán làm sao vừa phải đảm bảo về mặt kỹ thuật, vừa phải tiết kiệm nguyên vật liệu.

Sếp An lúc nào cũng lẩm bẩm: "Lo mà đúng tiến độ đấy nhé. Chậm phát điện ngày nào là thiệt hại ngày đấy. Nước còn lãng phí chảy đi ngần nào là mất tiền ngần ấy. Đừng để tiền của trôi đi vô ích", nên càng làm cho anh em bị áp lực tiến độ.

Một kết cấu tại thủy điện Ba Hạ

Càng to, càng nhỏ

Khi chế tạo các cửa van cung, giai đoạn tổ hợp tại nhà máy chế tạo, khi tổ hợp đến phân đoạn càng van, câu chuyện "càng to, càng nhỏ" (càng cửa van), không những khiến nhân viên phòng thiết kế mất ăn mất ngủ, mà nhiều lúc còn cảm thấy bế tắc.

Nhiều người phản hồi, sao lại phải làm cái càng to thế, tốn kém quá. Từ trước đến giờ, chưa có cái càng cửa van nào to như thế này, đồ sộ như tòa nhà 5 tầng. Vậy là lại trăn trở.

Đến khi tổ hợp hoàn thiện cửa van thì tất cả đều thấy rằng: À, với  cửa van to, đồ sộ như thế thì càng van phải hoành tráng là phải thôi.

Công tác tổ hợp ở nơi chế tạo phải làm sao để vừa thực hiện được một cách đơn giản, chính xác, ổn định, lại vừa phải chịu được gió bão, vì nó giống như một cánh buồm hứng gió. Lại "bò" ra tính toán, xem xét lại. Câu chuyện của anh em cả ngày lúc này chỉ còn là "càng to, càng nhỏ". Nhiều "ông" về nhà với vợ vẫn loay hoay câu chuyện "Càng" và câu chuyện "To" hay "Nhỏ" làm các bà vợ cũng phát hoảng.

Sau khi hoàn thành xong phần thiết kế, lại phải lao vào công nghệ chế tạo. Làm thế nào để chế tạo được một công trình có kết cấu, kích thước cửa van lớn nhất ở Việt Nam từ trước đến nay và vào loại lớn của thế giới, đảm bảo mọi yêu cầu kỹ thuật bằng những máy móc, những con người mình hiện có.

Lại là hội thảo liên miên... cuối cùng là quyết định táo bạo đến bất ngờ: Toàn  bộ quy trình công nghệ được hình thành mà còn nội địa hóa 100%, kể cả những bộ phận quan trọng nhất, chịu lực lớn nhất.

Đến khi tích nước hồ chứa đến cao trình thiết kế để phát điện, thấy cửa van đảm bảo, lúc này, anh em không phải thở phào nữa mà là thở hắt ra nhẹ nhõm.

Tổng thầu là Agrimeco đã trực tiếp thi công bê tông đập tràn lớn nhất ở Việt Nam. Toàn bộ 12 cửa van cung, van phẳng, ống áp lực, cầu trục… đều được  thiết kế, chế tạo 100% trong nước. Kỷ lục đắp đập chính đạt gần 30.000m3/ngày đêm.

 "Chờ em nhé, công trình còn chưa xong"

Từ trên đập tràn thủy điện Ba Hạ, nhìn về phía dòng sông Ba, thấy dòng sông này thật hiền hòa, uốn mình ôm lấy toàn khu vực thủy điện.

Chị Lê Thị Dương, nhân viên Phòng thí nghiệm của Agrimeco, bóng hồng trên công trình thủy điện, cứ chớp chớp mãi đôi mắt, để ngăn không cho những giọt nước mắt trào ra khi tôi hỏi chuyện.

Hơn 4 năm lăn lộn với công trình thủy điện này, giờ thì "yêu lắm, hết công trình này, tôi sẽ lại xin đi những công trình thủy điện khác nữa". Dù chồng có vào tận nơi thuyết phục... bỏ nghề, chị vẫn: "Chờ em nhé, công trình còn chưa xong". Chiều chiều, nhớ chồng, nhớ con, người con gái Quảng Bình này vẫn lên đập tràn, lén khóc.

Đập thủy điện Ba Hạ

Lúc chia tay, tôi bảo: "Xin chào các anh, hẹn gặp lại ở...". Thấy tôi ngập ngừng, anh chàng người Hà Nội Nguyễn Quang Vũ bảo: "Hẹn gặp lại ở những công trình thủy điện tiếp theo".

Thủy điện Ba Hạ, một tổ máy đã phát điện hòa lưới Quốc gia, một tổ máy nữa đang gấp rút hoàn thành để phát điện vào cuối tháng 10/2009.

Theo: Bee.net.vn