Dân TP.HCM nhận tiền bán điện mặt trời từ ngành điện

Thứ sáu, 10/5/2019 | 11:26 GMT+7
Ngày 9-5, người dân đầu tư điện mặt trời trên địa bàn TP.HCM lần đầu tiên được trả tiền điện sau thời gian dài phát điện lên lưới. Nhiều hộ đang "rục rịch" nâng công suất để vừa xài vừa bán thêm cho ngành điện.
 
Hệ thống điện mặt trời có công suất 6kWp tại nhà ông Nguyễn Đắc Thọ ở P.14, Q.3, TP.HCM giúp ông vừa nhận hơn 4,3 triệu đồng từ ngành điện - Ảnh: Đ.T.
 
Các công ty, đơn vị cung cấp thiết bị điện mặt trời cũng đưa ra nhiều giải pháp tài chính để những trường hợp chưa đủ điều kiện cũng có thể lắp đặt điện mặt trời.
 
Đã có thu nhập, tính đầu tư thêm
 
Cầm tờ giấy chốt số lượng điện mặt trời phát lên lưới hơn 2.000kWh - tương ứng số tiền hơn 4,3 triệu đồng, ông Nguyễn Đắc Thọ (đường Lê Văn Sỹ, P.14, Q.3) cười nói: "Bao lâu nay hằng tháng mình phải trả tiền điện, đây là lần đầu tiên được ngành điện trả lại tiền. Sắp tới, tôi sẽ đầu tư nâng thêm công suất điện mặt trời để bán điện nhiều hơn nữa...".
 
Theo Công ty Điện lực Sài Gòn (thuộc Tổng công ty Điện lực TP), ông Thọ là một trong những hộ dân đầu tiên lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên địa bàn quận 3 với công suất lắp đặt ban đầu 3kW từ năm 2016.
 
Đến cuối năm 2017, hệ thống này được nối lưới điện quốc gia. Nguồn điện mặt trời này phục vụ ngôi nhà 4 tầng và 5 phòng trọ.
 
"Với công suất như trên nhưng nhiều hôm tôi thấy điện kế cơ nhà mình ngưng quay, điều này có nghĩa lượng điện sản xuất từ hệ thống điện mặt trời có lúc đủ cho nhà tôi sử dụng nên không phải lấy thêm từ điện lưới" - ông Thọ nói.
 
Thấy được tính hiệu quả của điện mặt trời, ông Thọ quyết định nâng cấp công suất nhà mình lên 6kW được khoảng 4 tháng nay.
 
"Nhà tôi có 6 máy lạnh, 5 tủ lạnh, hệ thống bếp điện từ và nhiều thiết bị điện khác của 5 phòng trọ... Mùa nóng này nhu cầu sử dụng điện cũng cao hơn, nhưng với hệ thống điện mặt trời đã đầu tư không những đủ xài mà vẫn còn dư để bán lại cho ngành điện" - ông Thọ chỉ tay vào phiếu chốt chỉ số nói.
 
Điện mặt trời chỉ sản xuất ban ngày, ban đêm nhà ông Thọ vẫn sử dụng điện lưới nhưng lượng điện xài giảm đáng kể.
 
"Trước chưa đầu tư hệ thống điện mặt trời thì mỗi tháng nhà tôi trả 1,5 - 1,6 triệu đồng, giờ chỉ phải trả một nửa" - ông Thọ nói và cho biết sắp tới sẽ đầu tư thêm hệ thống điện mặt trời, nâng tổng công suất lên 7,5kW và tự tin tiền điện nhận được từ EVN sẽ tăng, khoảng 4-5 năm sẽ thu hồi vốn.
 
Tương tự, anh Nguyễn Đình Ái Huyên (đường Lý Chính Thắng, Q.3) cho biết đang tính nâng công suất lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại nhà mình từ 3kW lên 6kW.
 
Hệ thống điện mặt trời của anh Huyên nối lưới từ tháng 8-2018 đến nay, sử dụng thường xuyên 2 máy lạnh, tủ lạnh, quạt, hệ thống chiếu sáng... nhưng vẫn còn dư để bán lên lưới.
 
Theo phiếu chốt chỉ số, hệ thống điện mặt trời nhà anh Huyên phát lên lưới hiện đạt 2.338kWh, tương ứng số tiền Công ty Điện lực Sài Gòn phải trả cho anh gần 5 triệu đồng.
 
Nhiều giải pháp tài chính điện mặt trời
 
Nhiều công ty, doanh nghiệp cũng đầu tư hệ thống điện mặt trời và thu kết quả tích cực. Ông Lê Văn Trung - chủ tịch HĐTV Công ty Nơ Xanh đặt tại KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) - cho biết đã đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng gần 1.500m², tổng mức đầu tư hơn 4,2 tỉ đồng (vay ngân hàng đến 70% số vốn đầu tư).
 
"Mỗi năm trả 320 triệu tiền lãi, trong khi đó bình quân khoản tiền tiết kiệm được từ điện mặt trời là 720 triệu đồng. Như vậy tính ra mỗi năm vẫn còn dư ra gần 400 triệu. Nhưng đây là mức giá của điện sản xuất, còn nếu mức giá của điện kinh doanh thì số tiền tiết kiệm được sẽ còn lớn hơn" - ông Trung nói.
 
Theo ông Thái Huy Đức - giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Điện Xanh, hiện không chỉ hộ gia đình, doanh nghiệp có sẵn tiềm lực tài chính đầu tư hệ thống điện mặt trời mà ngay cả những hộ, doanh nghiệp chưa có đủ tài chính vẫn có thể lắp điện mặt trời.
 
Cụ thể, Công ty cổ phần đầu tư Điện Xanh đã liên kết với một số ngân hàng cho vay 70-80 triệu đồng/suất đầu tư điện mặt trời. Khách hàng có thể dùng chính hệ thống điện mặt trời đã đầu tư làm tài sản thế chấp.
 
Ông Huy Đức đánh giá đây là điều kiện mở để các doanh nghiệp đầu tư hệ thống điện mặt trời nhằm tiết kiệm tiền điện trong sản xuất kinh doanh, bởi giá điện (từ điện lưới) dành cho đối tượng này cao hơn điện sinh hoạt.
 
Ngoài ra, công ty này cũng liên kết với Công ty cổ phần Năng lượng điện mặt trời VN (SPUC) triển khai loại hình kinh doanh ESCO.
 
Theo đó, các đơn vị trên sẽ bỏ toàn bộ chi phí đầu tư điện mặt trời tại các trụ sở công ty, doanh nghiệp (có sẵn mặt bằng - PV) và bán điện sản xuất được từ hệ thống đó cho chính công ty, doanh nghiệp.
 
Chia sẻ vấn đề này, ông Huỳnh Đình Hiệp - giám đốc đầu tư SPUC - cho biết giá bán điện mặt trời cho các nhà xưởng rẻ hơn 7-10%.
 
Với các trung tâm thương mại, giá có thể thấp hơn 15% so với giá của EVN (việc duy tu, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống được các đơn vị đầu tư thực hiện luôn).
 
Tuy vậy, theo ông Hiệp, hình thức đầu tư này cũng có "khoảng mở" để khách hàng đàm phán nếu muốn nhận lại, vận hành hệ thống điện mặt trời này trong thời gian nhất định.
 
Cũng theo ông Hiệp, không chỉ áp dụng cho các nhà xưởng, doanh nghiệp, hiện SPUC và Công ty cổ phần đầu tư Điện Xanh đang nghiên cứu triển khai mô hình kinh doanh ESCO cho các hộ dân sinh hoạt.
 
Nhận hơn 16 triệu đồng bán điện mặt trời
 
Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, đến nay đã có hơn 1.400 trường hợp lắp đặt điện mặt trời áp mái nối lưới. Lượng điện phát lên lưới hiện đạt hơn 4,2 triệu kWh, nếu nhân với đơn giá năm 2019 là 2.134 đồng/kWh, số tiền ngành điện phải trả cho khách hàng gần 9 tỉ đồng.
 
Tính đến ngày 8-5, đã có hàng trăm trường hợp được các công ty điện lực chốt chỉ số làm cơ sở thanh toán tiền điện mặt trời. Theo phiếu chốt chỉ số, có nhiều trường hợp chỉ đầu tư điện mặt trời với công suất 3-10kWp nhưng số lượng điện đưa lên lưới là 2.000 - 7.752kWh, tương ứng số tiền khách hàng được ngành điện chi trả từ 4 triệu đến hơn 16 triệu đồng/trường hợp.
 
Theo: Tuổi trẻ