Sự kiện

Dân đi tới đâu, điện theo tới đó

Thứ ba, 1/6/2010 | 09:51 GMT+7

Vốn chỉ quen với trồng lúa trên nương, bắt cá dưới suối, chưa bao giờ anh Lò Văn Nhiên (bản Mường Chiên, xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, Sơn La) lại nghĩ rằng có ngày mình sẽ đi trồng chè hái mận, lại càng không bao giờ nghĩ đến chuyện chế biến chè để bán. Thế mà chỉ sau 2 năm từ Mường Chiên, Quỳnh Nhai về đây lập nghiệp theo chương trình di dân tái định cư để nhường đất cho lòng hồ Thủy điện Sơn La, anh đã thành thạo tất cả mọi việc. Vừa phụ anh sao chè, vợ anh vừa khoe: ở đây sướng lắm, có xe đến tận bản mua mận, mua chè, không phải leo đồi đi chợ bán như trước nữa. Hàng ở đây cũng bán được giá hơn, thích lắm.


Khu TĐC Hát lót - Mai Sơn -Sơn La

Tương lai về một vùng nguyên liệu

Trưởng bản Lò Văn Lự tự hào dẫn chúng tôi lượn 1 vòng quanh bản, nhà nào cũng có vườn mận quả sai trĩu cành, những rặng chè xanh đang cho búp, những nương cà phê vối thấp lè tè như đứa trẻ lên 3 nhưng cành nào cũng lúc lỉu lứa quả đầu tiên đầy triển vọng. Thấy tôi ngạc nhiên vì bà con mới về đây từ tháng 4/2008 mà đã có cơ ngơi vườn tược khang trang, ông Vũ Huy Hùng, trưởng ban quản lý di dân huyện Thuận Châu giải thích: Vùng này vốn là bản của đồng bào Thái Bình di cư từ những năm 1960- 1961. Vườn tược nương rẫy ở đây là của họ trồng. Nay họ nhượng một phần đất đai vườn tược cho ban tái định cư để chia cho bà con di dân. Nhờ đó, bà con đến đây có ngay sản phẩm để thu hoạch nên giai đoạn bỡ ngỡ qua rất nhanh. Tiếp lời ông Hùng, bà Lường Thị Ử khoe luôn: ở bản cũ khí hậu nóng lắm, bà con chỉ biết trồng lúa nước, tắm nước suối, bây giờ lại trồng cà phê, chế biến chè, dùng nước máy, đêm phải đắp chăn. Ban đầu rất khó chịu nhưng nay quen rồi, chẳng muốn về nơi cũ nữa. Thích nhất là thanh niên có xe máy đi chợ, người già được xem ti vi, trẻ em có điện học bài, những thứ mà ở nơi cũ chẳng bao giờ mơ tới. Đường đi ở đây cũng dễ lắm, không phải vượt sông tăng bo như trước (trưởng bản ghé tai tôi nói nhỏ: trước đây cả bản không ai có xe đạp vì không có đường đi, bây giờ nhà ai cũng có xe máy rồi).  Đúng là cuộc sống ở đây đang được hiện đại hóa với những dãy nhà đều tăm tắp như khu phố mới được quy hoạch, nhà nào cũng có vệ sinh tự hoại, bể nước to với vòi nước tự chảy trong vắt. Con đường cấp phối giữa bản sạch sẽ thênh thang, 2 bên có rãnh thoát nước, những hàng cột điện  ngay ngắn, quanh nhà có đủ các loại rau mùa nào thức ấy. Chỉ khác là tất cả đều là nhà sàn làm bằng gỗ, trong các ngôi nhà vẫn được bài trí theo kiểu người Thái với góc bếp ấm cúng ngay trên sàn. Được biết, mỗi hộ tái định cư được phân 400m2 đất nhà ở, còn đất sản xuất chia theo nhân khẩu. Các bản đều có trường học cấp cơ sở và mẫu giáo. Phấn khởi nhất là bà con ở đây không chỉ biết trồng mận, chè, cà phê mà còn biết chế biến. Nhà nào cũng có máy sấy chè. Vùng này đất tốt, khí hậu thích hợp nên cây chf, cà phê phát triển rất tốt. Công ty cà phê và cây ăn quả Sơn La và công ty chè Bình Nguyên đã về đây đầu tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm nên bà con không còn phải lo đi bán hàng nữa. Trong tương lai nơi đây sẽ trở thành vùng nguyên liệu chè, cà phê rất có giá trị.

Sự hy sinh của bà con phải được đền đáp

Ông Lò Ngọc Ón, Phó trưởng ban quản lý dự án tái định cư tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh Sơn La phải di chuyển 12.479 hộ dân; ổn định đời sống và tổ chức sản xuất cho trên 7.000 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án. Rút kinh nghiệm từ mô hình của Tân Lập, một cách làm mới được áp dụng trong công tác di dân TĐC ở Sơn La là bà con được tự lựa chọn nơi tái định cư. Những hộ phi nông nghiệp thường chọn khu tái định cư đô thị gần thành phố Sơn La, các hộ còn lại chọn những vùng có đất để canh tác. Nhà ở của bà con sẽ được tháo dỡ và chuyển đến lắp ghép ở nơi ở mới. Nhà lắp ghép lại sẽ không tốn kém như xây mới. Số tiền đền bù thì bà con đầu tư vào sản xuất, gửi ngân hàng… Riêng tiền hỗ trợ sản xuất thì Ban quản lý dự án chia thành nhiều đợt để ổn định sản xuất. Điểm quan tâm nhất của tỉnh Sơn La là cân đối đất sản xuất và nước, sau đó mới làm đường giao thông và đưa dân đến. Hộ có 1 khẩu được đền bù 30 triệu đồng, hộ có 2-4 người/hộ là 50 triệu đồng. Sau đó cứ thêm 1 khẩu được cộng thêm 10 triệu đồng. Ngoài ra, bà con còn được hỗ trợ lương thực bằng tiền có giá trị tương đương 20kg gạo/người/tháng trong thời gian 2 năm, được hỗ trợ sản xuất với mức 10 triệu đồng/nhân khẩu, hỗ trợ 5 triệu đồng/lao động cho chi phí đào tạo, chuyển đổi ngành nghề, mua sắm phương tiện lao động. Ông Ón khẳng định, đến giờ phút này đời sống và phát triển sản xuất của bà con ở các khu điểm tái định cư nhìn chung là tốt và ổn định hơn nơi ở cũ. Còn ông Nguyễn Minh Đức, chủ tịch UBND huyện Thuận Châu không giấu nổi tự hào: Kế hoạch di dân đã hoàn thành với sự đồng tâm nhất trí của tất cả các hộ dân, không trường hợp nào phải cưỡng chế. Để có thành công này không chỉ nhờ công tác dân vận tốt mà quan trọng là phải có chính sách hỗ trợ thiết thực, bà con nhìn thấy sẽ tin. Nhiệm vụ còn lại là phải ổn định được cuộc sống người dân sau khi tái định cư. Bà con biết hy sinh, chính quyền phải biết đền đáp. Nhớ lại hôm chuẩn bị nút cống dẫn dòng, chúng tôi gặp từng đoàn bà con các dân tộc nườm nượp kéo nhau lên đài quan sát để được tận mắt được nhìn thấy công trình thủy điện. Một chị dân tộc Thái trắng cho biết, chị muốn quay lại đây để nhìn lần cuối vùng đất của ông bà tổ tiên tới đây sẽ vĩnh viễn chìm sâu dưới nước. Khi tôi hỏi chị có thấy tiếc không, chị cười  “Có phải mất hẳn đâu, có nhà máy điện lớn thế này thì còn tiếc gì nữa. Nhớ lắm, thương lắm nhưng không tiếc”.

Dân đi tới đâu, điện theo tới đó

Chúng tôi đến nhà ông Hoàng Văn Định, trưởng bản Quỳnh Sơn (thành phố Sơn La) khi ông đang “buôn” chuyện với đứa cháu ở Hà Nội bằng chiếc điện thoại EVN telecom treo trên tường. Khi chúng tôi hỏi về cuộc sống tái định cư, ông hồ hởi: về đây cuộc sống đầy đủ, lại có điện thoại liên lạc với người thân, thích lắm. Được biết, một trong những yêu cầu quan trọng nhất ở các điểm tái định cư là dân đi đến đâu, điện, nước, thông tin phải lập tức theo đến đó. Với tinh thần đó, năm 2007, sau khi được giao làm chủ đầu tư triển khai dự án cấp điện cho các khu, điểm tái định cư, Điện lực Sơn La đã thành lập Ban quản lý dự án cấp điện cho các khu tái định cư. Yêu cầu của tỉnh là 100% hộ di dân phải có điện lưới quốc gia. Đây cũng là một thách thức không nhỏ, buộc Điện lực Sơn La phải huy động mọi nguồn nhân lực, vật tư để đáp ứng nhiệm vụ được giao theo phương án thiết kế đến đâu, thi công ngay đến đó nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Khó khăn lớn nhất của ngành điện là điều kiện thi công phức tạp do các điểm tái định cư hầu hết cách xa trung tâm huyện, xã,  địa hình hiểm trở nên việc vận chuyển thiết bị khó khăn. Trình độ dân trí của bà con còn thấp nên nguy cơ mất an toàn điện khá cao nếu không hướng dẫn tốt. Hơn nữa, kinh doanh điện ở những khu vực này xét về góc độ kinh tế thì cầm chắc là… lỗ. Tuy nhiên, Điện lực Sơn La đã huy động tối đa nguồn nhân lực, vật lực để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Bàn giao điện đến đâu, các anh hướng dẫn ngay bà con cách sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, hưởng ứng chiến dịch 55 ngày đêm (từ 10/12/2009 đến 25/2/2010) của tỉnh Sơn La nhằm hoàn thành di chuyển hơn 1000 hộ dân về nơi ở mới, Điện lực Sơn La đã huy động nguồn vốn của đơn vị chuẩn bị vật tư, thiết bị, phối hợp với chính quyền các địa phương hoàn thành cấp điện đúng tiến độ tới 7 điểm tái định cư không nằm trong quy hoạch. Tổng cộng, Điện lực Sơn La đã thực hiện gần 40 công trình phục vụ dự án di dân với giá trị tổng dự toán khoảng 207 tỉ đồng, hoàn thành cấp điện cho 100% hộ dân tái định cư trên địa bàn 8 huyện, thành phố với 191.785 m đường dây trung thế 35 kV; 191.000 m đường dây hạ thế 0,4 kV; 102 trạm biến áp phân phối 35/0,4 kV;  6.930 công tơ 1 pha cấp cho các hộ dân, góp phần quan trọng vào hoàn thành tiến độ công trình thuỷ điện Sơn La.

Ngọc Loan