Sự kiện

Thủy điện Đa Nhim : Gian nan những ngày đầu tiếp quản

Thứ ba, 18/5/2010 | 11:12 GMT+7

Ấn tượng đầu tiên khi tôi bước chân vào phòng khách của gia đình ông là bức ảnh đen trắng khá đặc biệt được đặt trang trọng trong tủ kính. Trong ảnh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ân cần khoác vai người chủ nhà đang đứng cạnh tôi (khi ấy còn khá trẻ) đi trong khuôn viên một nhà máy. Để giải tỏa câu hỏi “ở đâu, khi nào?” có lẽ hiện rõ trên khuôn mặt tôi lúc ấy, ông với tay lật mặt sau của bức ảnh, chỉ cho tôi dòng chữ ngay ngắn: “Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm Đa Nhim ngày 6/7/1975”.

Và như thế, nguyên Thứ trưởng Bộ Điện lực Vũ Hiền bắt đầu câu chuyện với tôi về những ngày đầu tiếp quản điện lực miền Nam nói chung và tiếp quản Nhà máy Thủy điện Đa Nhim nói riêng, chính từ bức ảnh ấy. Cuộc trò chuyện dài hơn 3 tiếng đã tạo nên một mảnh ghép khá hoàn chỉnh của ngành Điện lực Việt Nam trong những ngày đầu thoát khỏi chiến tranh để bước vào “kỷ nguyên mới” sau giải phóng Sài Gòn.

“Trong niềm vui chung của đất nước những ngày tháng 4 năm 1975 lịch sử ấy - ông Vũ Hiền kể lại - lúc đó tôi là Giám đốc Công ty Điện lực miền Bắc, chính tôi cũng không ngờ mình lại được giao nhiệm vụ quan trọng và tự hào đến thế. Điện báo khẩn của Bộ trưởng Bộ Điện và Than - Nguyễn Chấn yêu cầu tôi chuẩn bị tham gia cùng đoàn công tác đặc biệt vào miền Nam kiểm tra hệ thống điện sau giải phóng.

“Sáng 14/5/1975, đoàn đã có mặt tại Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Ai nấy đều rạng rỡ với bộ quần áo giải phóng quân. Thủy điện Đa Nhim là nhà máy do Nhật Bản viện trợ cho chính quyền Sài Gòn cũ, nằm trên địa bàn 2 tỉnh là Tuyên Đức (Lâm Đồng ngày nay) và Ninh Thuận. Nhà máy có công suất thiết kế 160 MW với 4 tổ máy, cung cấp điện cho Sài Gòn - Gia Định. Trước giải phóng, nhà máy được bảo vệ bởi một tiểu đoàn quân tinh nhuệ của Mỹ - Ngụy với những bãi mìn điện tử rải dày đặc theo 2 đường ống thuỷ áp chạy từ trên đỉnh núi xuống. Trong một đêm đông tháng 11/1967, nhằm làm tê liệt hoạt động của quân địch, du kích của ta đã vượt qua được bãi mìn, kích nổ bộc phá làm hỏng cả hai đường ống thủy áp, buộc nhà máy phải ngừng sản xuất trong 5 năm. Năm 1974, Nhà máy lại tiếp tục bị đánh hỏng đường ống thủy áp số 2.  Đến khi miền Nam được giải phóng, chính quyền về tay cách mạng thì chúng tôi có nhiệm vụ sửa chữa đường ống này để nhà máy hoạt động trở lại nhằm phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân...”

Câu chuyện diễn ra đã gần 35 năm, vậy mà từng chi tiết, từng tên họ các “đồng đội” vẫn được ông kể lại một cách say sưa, liền mạch như mới xảy ra ngày hôm qua. Chất giọng sang sảng không biểu hiện dấu hiệu của ông cụ đã ngoài 80 nếu tôi không được ngồi đối diện với ông. Ngưng vài giây nhấp ngụm nước, ông kể tiếp: “Khi ấy, đích thân Bộ trưởng Nguyễn Chấn, đã chỉ định tôi làm Trưởng ban và ông Phạm Công Lạc làm Phó ban quân quản Nhà máy Thủy điện Đa Nhim với nhiệm vụ trọng tâm là tập hợp lực lượng kỹ sư, công nhân viên lập kế hoạch sửa chữa đường ống thủy áp số 2. Yêu cầu mà Bộ trưởng Nguyễn Chấn đặt ra là đến tháng 12/1975, Thủy điện Đa Nhim phải cung cấp điện cho Sài Gòn, thay cho việc phát điện bằng dầu từ Liên Xô viện trợ qua...”

Thấp thoáng trong câu chuyện ông kể với tôi, mặc dù bộn bề những gian nan và cũng đầy âm hưởng của sự tự hào với công việc, song không chỉ có vậy, đâu đó vẫn có hình bóng của một người phụ nữ - vợ ông, cũng chính là người đang ngồi cạnh và thi thoảng thêm nước vào cốc cho ông và tôi. Với ông, bà là người phụ nữ toàn vẹn từ nhan sắc cho đến tính cách. Giờ đây, trong không gian yên ắng của căn nhà nằm sâu trong phố Vạn Bảo yên bình, ánh mắt ông vẫn nhìn bà trìu mến. Ông nói: “Ngày đó, ở lại nhận nhiệm vụ tiếp quản, sửa chữa Thủy điện Đa Nhim, tôi không biết làm cách nào để thông tin về cho vợ con ngoài này. Đợi mãi không thấy tôi về, bà ấy đạp xe lên thẳng Bộ xin gặp bằng được Bộ trưởng Nguyễn Chấn quyết tâm đòi trả chồng về với gia đình. Mọi người trong Bộ phải giải thích, động viên mãi bà ấy mới chịu về.”
Nóng lòng với vợ con, gia đình là thế, song nhiệm vụ quan trọng và trách nhiệm nặng nề không cho phép ông nghĩ đến việc riêng. Là cán bộ địch hậu trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và có thời gian công tác giáo vụ khá lâu tại  trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, ông Hiền hiểu, muốn hoàn thành được nhiệm vụ lần này, ông cần tập hợp trí tuệ, sức lực của nhiều người, ngoài nhân lực của phía mình ra, phải cần đến cả những công nhân, kỹ sư ở phía chính quyền cũ.

“Cuối tháng 5/1975, chúng tôi tổ chức một hội nghị, quy tụ đầy đủ các chuyên gia, kỹ sư của cả phía ta lẫn những người có kinh nghiệm công tác trong ngành điện của chính quyền cũ. Khó khăn ở chỗ đường ống này nằm cheo leo trên dốc núi, có 22 đoạn ống bị hỏng, thép dầy 10 ly, phi 2m, mỗi đoạn nặng trên 3 tấn, tổng cộng dài 112 m gần phía đỉnh núi, nên không làm cách gì để đưa các ống mới lên đến chỗ hỏng để thay thế. Tại hội nghị, phía CDV (Công ty điện lực miền Nam thuộc chính quyền Sài Gòn cũ) đã nhắc đến phương án trước ngày giải phóng là nhờ phía đối tác Nhật Bản trực tiếp thi công với thời gian 13 tháng và tổng chi phí vào thời điểm đó là 2,1 triệu USD.”

Nhắc đến số tiền khổng lồ và thời gian thi công “bất khả thi” ấy, ông Vũ Hiền lắc đầu, nét mặt căng thẳng: “Một số tiền quá lớn so với ngân sách dành cho Thủy điện Đa Nhim. Chưa kể, Bộ trưởng giao tháng 12 phải xong, Ban quân quản nhà máy biết ăn nói thế nào với Bộ trưởng, với nhân dân miền Nam đây…”

Tan hội nghị, ông được tin đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Chấn vừa vào Sài Gòn. Ngay trong đêm, ông Hiền tức tốc đi xe ôtô ngược lên Sài Gòn, ngồi trên xe, thức trắng, ông viết xong lá thư gửi Bộ trưởng Nguyễn Chấn báo cáo tình hình, trong đó có đề xuất cấp bách là xin bổ sung thêm cho Đa Nhim một số cán bộ, kỹ sư, công nhân của Công ty Điện lực miền Bắc có kinh nghiệm sửa chữa các nhà máy thủy điện, nhiệt điện.

Yêu cầu của ông Hiền được chấp thuận. Chỉ 3 ngày sau đó, các kỹ sư Hoàng Nam Phương, Bùi Quang Cơ và công nhân bậc 7/7 Trần Minh Ngó đã có mặt tại Thủy điện Đa Nhim.

Đúng một tuần khảo sát kỹ lưỡng, 3 người đã có phương án giải quyết sự cố “gai góc” này: Đó là sử dụng con đường tạm do người Nhật làm trong quá trình xây dựng nhà máy để cho xe ô tô chở các đoạn ống lên tận đỉnh núi rồi dùng tời điện thả xuống chỗ đoạn ống thủy áp bị hỏng. Bước tiếp theo là hàn từng đoạn ống với nhau ráp vào thay thế cho đoạn bị hư hỏng. Theo kiến nghị của kỹ sư Phương, Cơ và Ngó thì cần phải thuê thêm nhà máy Cơ khí CARIC của Pháp xử lý công đoạn uốn 22 ống thép khổng lồ này, vì công nghệ của ta thời bấy giờ chưa cho phép. Lực lượng trực tiếp tham gia thi công sẽ là công nhân từ Công ty Điện lực miền Nam. Thời gian cả chuẩn bị và thi công mà các ông dự tính tổng cộng chỉ 6 tháng.

Trong không khí khẩn trương, với tinh thần nỗ lực tuyệt vời, hạng mục cuối cùng của việc sửa chữa đường ống thủy áp số 2 ngày ấy đã hoàn thành đúng ngày 18/12/1975. Như vậy, nhiệm vụ đã được hoàn thành hơn cả mong đợi. Ông còn nhớ, tổng chi phí cho việc sửa chữa lúc bấy giờ chưa đến 100 triệu đồng. “Đó thực sự là công sức chung của toàn bộ anh em cán bộ, công nhân, kỹ thuật của 3 miền Bắc, Trung, Nam hội tụ làm một” - ông Vũ Hiền tự hào nói.

Tròn 35 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2010), đến nay Thuỷ điện Đa Nhim cùng các nhà máy thuộc hệ thống bậc thang thuỷ điện trên sông Đồng Nai là Thuỷ điện Hàm Thuận và Đa Mi vẫn liên tục đóng góp lên lưới quốc gia khoảng hơn 2,2 tỉ kWh/năm. Trong đó, riêng Thuỷ điện Đa Nhim nhờ tận dụng lợi thế nguồn thuỷ năng đổ xuống từ độ cao 800 m nên suất tiêu hao rất thấp và hiệu quả đạt cao nhất trong các nhà máy thuỷ điện ở nước ta. Chỉ với công suất 160 MW nhưng nhà máy luôn vận hành vượt công suất thiết kế với sản lượng trung bình hơn 1 tỷ kWh/năm.

35 năm qua, không ai có thể phủ nhận công sức lớn lao của những “chiến sĩ kiên cường và dũng cảm” như ông Hiền, ông Lạc, các kỹ sư Phương, Cơ, Ngó và đặc biệt là sự quyết đoán của Bộ trưởng Nguyễn Chấn thời bấy giờ. Hai đường ống thuỷ áp lịch sử, dốc 45 độ, dài 2040 m và có một không hai ấy đến nay vẫn kiên cường như hai con trăn khổng lồ bằng thép bạc nằm vắt từ đỉnh núi xuống chân đèo. Trong ký ức và cả hiện tại của những người làm điện, Thuỷ điện Đa Nhim vẫn luôn giữ một vị trí quan trọng và là một dấu ấn lịch sử của ngành Điện Việt Nam.

Theo: TCĐL số 4/2010