Sự kiện

“Không dừng máy, huy động tối đa công suất cho hệ thống”

Thứ năm, 27/5/2010 | 10:35 GMT+7

Khô hạn nghiêm trọng khiến các nhà máy thủy điện rơi vào cảnh thừa công suất thiết kế, thiếu công suất khả dụng, cộng với sự gia tăng đột biến của phụ tải đã và đang đặt áp lực bù công suất lên các nhà máy nhiệt điện. Là một trong những nguồn nhiệt điện chủ lực của miền Bắc, Nhiệt điện Phả Lại đã và đang thực hiện trọng trách cung cấp điện như thế nào? Tạp chí Điện và Đời sống đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Xuân Cường – Phó TGĐ Công ty Nhiệt điện Phả Lại.

PV: Xin ông cho biết rõ hơn về vai trò của Nhiệt điện Phả Lại?

Ông Vũ Xuân Cường: là một trung tâm nhiệt điện đốt than lớn ở miền Bắc, Nhiệt điện Phả Lại chiếm sản lượng lớn trong hệ thống điện (khoảng 10% tổng công suất toàn hệ thống và khoảng 30% công suất của miền Bắc), nên những năm qua, đặc biệt là khi tình hình thiếu điện ở miền Bắc và trên cả nước diễn ra nghiêm trọng, đơn vị luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phương thức vận hành, đảm bảo cân bằng năng lượng của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (Ao). Năm nay, trước tình hình phụ tải tăng cao vào mùa khô, trong khi các nguồn mới vào chậm và chưa ổn định, nguồn thủy điện huy động chỉ đạt khoảng 40% công suất do thiếu nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã yêu cầu Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại chấp hành nghiêm túc lệnh huy động phát hết công suất các tổ máy để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống.

PV: Nhiệt điện Phả Lại đã thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó ra sao, thưa ông?

Ông Vũ Xuân Cường: Công ty đã sắp xếp, bố trí nhân lực trực ca, vaanh hành tại các bộ phận một cách hợp lý và xây dựng phương thức vận hành đặc biệt . Theo đó, hạn chế tối đa can thiệp, sửa chữa thiết bị và hoãn toàn bộ các kế hoạch trung, đại tu các tổ máy như sửa chữa tuabin số 2 dây chuyền 1 và một số danh mục phải sửa chữa khác. Với các thiết bị, tổ máy có khiếm khuyết, Công ty vừa tiếp tục vận hành vừa khắc phục tạm thời trên cơ sở đảm bảo phát điện, nhưng vẫn giữ an toàn cho hệ thống thiết bị, tranh thủ thời giờ thấp điểm để tách thiết bị sửa chữa và đưa thiết bị vào vận hành trở lại trong thời gian ngắn nhất. Mặt khác, lãnh đạo Công ty còn chỉ đạo sát sao các bộ phận xây dựng kế hoạch chuẩn bị đầy đủ các phương án tiếp nhận than, dầu, vật tư hóa phẩm, hóa chất … để luôn đảm bảo sẵn sàng phục vụ công tác vận hành phát điện các tổ máy. Đội ngũ hơn 800 cán bộ, kỹ sư và công nhân trực tiếp tham gia vận hành tại hai dây chuyền đang ngày đêm tích cực bám sát thiết bị, quyết tâm không dừng máy, huy động tối đa công suất cho hệ thống. Với những nỗ lực đó, Công ty đã đáp ứng được yêu cầu huy động của hệ thống, góp phần quan trọng giảm căng thẳng cung cấp điện năng. Tính đến ngày 9/5/2010, Công ty đã phát đạt 2,67 tỷ kWh (đạt 44,86% kế hoạch năm). Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật như điện tự dùng, tổn thất, suất tiêu hao than, dầu kèm … đều đảm bảo tốt.

PV: Quá trình phát cao như vậy đặt ra cho đơn vị thách thức gì không?

Ông Vũ Xuân Cường: Như tôi đã nói, vì phảo đảm bảo phát hết công suất, kể cả với một số thiết bị tổ máy tồn tại khiếm khuyết những vẫn phải “chạy cố” hoặc vừa chạy vừa khắc phục nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ thiết bị. Đó chính là khó khăn lớn, thách thức nhất trong quá trình vận hành sản xuất của chúng tôi. Tuy nhiên, đây là việc “bất khả kháng”, nếu không tình hình thiếu điện sẽ thêm trầm trọng. Tôi cho rằng, để “giảm tải” cho Nhiệt điện Phả Lại cũng như khắc phục tình trạng thiếu điện, điều quan trọng là cần đẩy mạnh phát triển các nguồn điện mới và thực hiện tiết kiệm điện triệt để.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo: Tạp chí Điện & Đời sống số 133 T5/2010