EVN và cuộc cách mạng 4.0

Đáp ứng nhu cầu phát triển lưới điện thông minh

Thứ hai, 12/8/2019 | 14:14 GMT+7
Việc vận hành hệ thống điện một cách ổn định đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế -xã hội của mỗi một quốc gia. 
Hệ thống VTDR đang được vận hành tại 11 Cửa Bắc, Hà Nội.
 
Với Việt Nam, kể từ khi hệ thống điện được hình thành, đặc biệt là khi hệ thống điện quốc gia được liên kết với nhau thông qua đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam, yêu cầu triển khai hệ thống thông tin viễn thông dùng riêng, hệ thống SCADA đã được đặt ra.
 
Nỗi ám ảnh khi vào mùa mưa bão
 
Đối với Trần Tuấn Trung, chuyên viên phòng Điều hành của Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin, cơn bão số 10 năm 2017 gắn liền với một kỷ niệm khó quên của nghề nghiệp. Dù đã được dự báo trước, nhưng mức độ nguy hiểm của cơn bão vẫn khiến cho cáp quang của cả mạch 1 và mạch 2 của hệ thống truyền tải điện quốc gia đoạn ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) bị đứt. Điều ấy đồng nghĩa với hệ thống điện bị tê liệt.
 
Chưa bao giờ, căn phòng nhỏ trực của anh Trung lại đông người đến vậy! Từ lãnh đạo, cán bộ của các bộ phận liên quan đều đến để nắm thông tin xem việc khắc phục sự cố được tiến hành đến đâu, bao nhiêu lâu nữa có thể thông được dòng điện.
 
Một trong những điều giúp cho sự cố được khắc phục nhanh nhất có thể chính là sự đóng góp của việc vận hành lưới điện thông minh và hệ thống viễn thông dùng riêng. Cùng với việc đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc-Nam từ năm 1994, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đầu tư hệ thống viễn thông dùng riêng để điều độ quá trình sản xuất, truyền tải và cung cấp điện năng. Đây là một hệ thống đặc thù, riêng biệt mà EVN đầu tư xây dựng, vận hành, bảo dưỡng, khai thác và xử lý sự cố.
 
Tiếp đó, Quyết định số 26/2006/QĐ-TTG của Thủ Tướng Chính phủ ngày 26-1-2006 về việc phê duyệt lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam đã yêu cầu EVN phải thiết lập hệ thống quản lý vận hành và hệ thống đo đếm điện năng từ xa hoàn chỉnh tới các đơn vị phát điện thuộc EVN, tới các nút quan trọng trong lưới truyền tải và chịu trách nhiệm thiết lập hệ thống thông tin phục vụ quản lý vận hành và giao dịch thanh toán trên thị trường phát điện cạnh tranh.
 
Để thực hiện được nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao, EVN đã tập trung xây dựng hệ thống viễn thông dùng riêng đi cùng với việc cung cấp trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng được một số yêu cầu. Đó là bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ điều hành sản xuất; bảo đảm đo lường tín hiệu từ xa tại các nhà máy điện, trạm biến áp phục vụ công tác tự động bảo vệ đường dây điện, điều hành an toàn lưới điện; truyền các thông tin tín hiệu từ các nhà máy điện, trạm biến áp về các đơn vị điện lực, Trung tâm Điều độ hệ thống điện tại các miền, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia nhằm bảo đảm nắm bắt kịp thời thông tin lưới điện, phục vụ cho điều hành hệ thống an toàn, tin cậy; truyền thông tin điều hành bảo đảm tính trong suốt giữa các đơn vị và bảo đảm công tác an ninh, an toàn, bảo mật cho công tác vận hành, điều hành trên lưới điện.
 
Do đặc thù riêng biệt, các thiết bị viễn thông hầu hết đều được lắp đặt và sử dụng tại các nhà máy điện, trạm biến áp, cán bộ và nhân viên vận hành hệ thống viễn thông dùng riêng của EVN bắt buộc phải hiểu, nắm rõ quy trình vận hành về điện, quy trình an toàn lao động khi thực hiện thao tác, đồng thời phải bảo đảm an toàn và xử lý nhanh sự cố phát sinh. Vì vậy, EVN không thể thuê ngoài ngành mà phải tự đầu tư và vận hành hệ thống. Ngoài ra, chi phí đầu tư một hệ thống viễn thông dùng riêng, bảo đảm được các yêu tố an toàn bảo mật về lâu dài là tiết kiệm hơn với việc thuê hạ tầng, tài nguyên của đơn vị khác. Chính vì vậy, EVN đầu tư xây dựng một mạng lưới thông tin đồng bộ với sự phát triển của hệ thống điện.
 
Hiện, EVN đang tiếp tục đầu tư mới để hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết phục vụ hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh. Ngoài việc kết nối các kênh nghiệp vụ thực hiện đo đếm điện năng và truyền tải dữ liệu hệ thống từ xa trên mạng viễn thông dùng riêng, EVN đã và đang xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu kết nối, lưu trữ, cập nhật số liệu của các đơn vị có tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.
 
Phát triển lưới điện thông minh
 
Để phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam, EVN đã xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông và tăng cường hệ thống giám sát, điều khiển tự động cho hệ thống điện, hệ thống đo đếm từ xa. Đề án được chia làm ba giai đoạn. Từ năm 2012 đến năm 2016, EVN đã triển khai các ứng dụng nhằm tăng cường độ tin cậy, tối ưu vận hành lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối, giảm tổn thất điện năng, bảo đảm an toàn truyền tải trên hệ thống điện 500 kV.
 
Để phục vụ lộ trình phát triển lưới điện thông minh, nhất là mô hình Smartgrid, EVN đầu tư một hệ thống viễn thông dùng riêng đáp ứng được các tiêu chí kỹ thuật, nhu cầu phát triển của hệ thống điện năng.
 
Mạng viễn thông dùng riêng EVN đang vận hành trên đường dây cao thế từ 110 kV trở lên và cung cấp đường kết nối tới các nhà máy điện, trạm biến áp 500 kV, trạm biến áp 220 kV và trạm biến áp 110 kV.
 
EVN có các đơn vị thành viên trên toàn quốc, do đó, công tác quản trị doanh nghiệp rất cần thiết. Hệ thống mạng dùng riêng kết nối tất cả các đơn vị thành viên của EVN tạo thành một mạng WAN dùng chung, là nền tảng cơ sở cho các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành. Hiện tại, các đơn vị thành viên của EVN đều đã tham gia vào hệ thống mạng WAN EVN, sử dụng các dịch vụ chủ yếu như thư điện tử, các phần mềm quản trị như FMIS, CMIS, phần mềm quản lý văn bản E-office.
 
Hệ thống viễn thông dùng riêng của EVN còn cung cấp cơ sở hạ tầng kết nối cầu truyền hình đến trụ sở các Tổng công ty, Công ty thuộc EVN. Việc này đã giảm nhiều chi phí tổ chức họp, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác điều hành đến cơ sở của EVN. Hệ thống viễn thông dùng riêng của EVN còn cung cấp đường truyền kết nối để truyền dữ liệu về tài chính doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu khách hàng ngành điện. Từ đó tạo thành một dữ liệu đồng nhất, cung cấp, phân phối điện năng và thanh toán cho khách hàng dùng điện.
 
Hệ thống tổng đài dùng riêng kết nối các đơn vị với trụ sở, kết nối các nhà máy điện, trạm biến áp tới trung tâm điều độ hệ thống điện. Hệ thống này tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều hành sản xuất của EVN. Hệ thống tạo kết nối nhanh, tiết kiệm chi phí và bảo đảm an toàn thông tin trong điều hành đóng, ngắt lưới điện.
 
Được thiết lập từ hơn 30 năm nay, hệ thống thông tin liên lạc dùng riêng của EVN phục vụ mục đích điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang tiếp tục được đầu tư, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về phát triển lưới điện thông minh và điều hành sản xuất.
Mai Linh/Icon.com.vn