Mô hình điện mặt trời áp mái.
Ngày 10/4, hội thảo "Năng lượng mặt trời tại Việt Nam: Tích hợp với mạng lưới điện: Cơ hội và thách thức" tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia Việt Nam và Bỉ đã chia sẻ các nghiên cứu, giải pháp thực tiễn mới nhất về công nghệ thu thập và lưu trữ năng lượng mặt trời, những thách thức trong tích hợp với mạng lưới điện và các khía cạnh kinh tế của nguồn năng lượng này.
Tính toán của các chuyên gia, TP.HCM có khoảng 1,5 triệu mái nhà. Với cường độ nắng cao, lắp đặt trên 7m2 diện tích mỗi mái nhà một trạm điện mặt trời công suất tối đa 1kW có thể sản xuất được điện với công suất khoảng 1,5GW, (xấp xỉ công suất của nhà máy thủy điện Hòa Bình - khoảng 1.6GW).
Ở Hà Nội, cường bộ nắng thấp hơn, pin điện mặt trời áp mái trên diện tích 10 – 12m2 của 1 triệu mái nhà sẽ tạo ra điện với công suất 1GW (gấp 1.5 lần công suất của nhà máy thủy điện lớn thứ 4 của Việt Nam - nhà máy điện Yaly - khoảng 720MW).
Theo TS Lê Hải Hưng, Đại học Bách khoa Hà Nội, tại TP.HCM, mỗi gia đình lắp đặt điện mặt trời áp mái có thể tiết kiệm được khoảng 4 triệu đồng/năm. Như vậy, trong vòng tuổi thọ dự kiến là 25 năm của tấm pin mặt trời áp mái, trừ chi phí đầu tư, mỗi gia đình tiết kiệm được 79 triệu đồng.
Đã áp dụng trực tiếp tại gia đình (Định Công, Hà Nội), TS Nguyễn Văn Khải chia sẻ: Với hệ điện thống trời áp mái trên diện tích 70m2 cung cấp cho chiếu sáng, quạt, tivi, mỗi tháng gia đình ông tiết kiệm được 200 nghìn đồng tiền điện (giá điện mặt trời 9.35cent/kWh tương đương 2.150 đồng/kWh). Sau 13 năm sử dụng (từ 2006 đến nay), hiệu suất của hệ thống sản xuất điện mới giảm 15%.
Mặt khác, nếu tận dụng khai thác điện mặt trời áp mái chỉ tại hai thành phố là Hà Nội và TPHCM, Việt Nam có thể cắt giảm gần 100 triệu tấn khí nhà kính, 10% lượng khí thải Việt Nam cam kết cắt giảm đến năm 2030 với Liên Hợp Quốc về môi trường (xấp xỉ 1 tỷ tấn khí nhà kính).
Theo: VnExpress