Điện về Xía Nọi.
Nhưng cũng chính nơi ấy, biết bao người ngậm ngùi, chờ đợi mong điện về bản để “Đất mở mùa tiếng máy reo vang/ Điện sáng lên quê mình đổi mới/ Người ơi! điện về bản em”.
Pù Đứa, bản Mông xa xôi nhất tỉnh Thanh Hóa, nằm biệt lập, cách xa trung tâm xã Quang Chiểu (Mường Lát). Cả bản có 73 hộ với 402 nhân khẩu, vài tháng trước, nhìn thấy cây cột điện cao cao, với chằng chịt dây điện, bà con ai cũng vui. Đặc biệt, 30-11-2022 là ngày không ai quên vì từ đầu bản trang trí rực rỡ cờ hoa, người dân quét dọn từ nhà đến đường sạch sẽ, bà con ăn mặc trang phục truyền thống xúng xính chờ điện sáng. Ngày 30-11, sau khi chiếc công tơ cuối cùng được lắp lên trụ, công đoạn cuối cùng cũng đã hoàn tất, ánh sáng đồng loạt tỏa ra từ các căn nhà, như xua tan cái giá lạnh nơi rừng hoang, núi cao. Dân bản Pù Đứa sung sướng, nhiều hộ chung nhau mổ lợn, mổ gà ăn mừng có điện. Cùng với Pù Đứa, các bản: Piềng Kít, Chà Lan 1, Mau, Chà Lan 2, Xa Lao, Pá Búa 2, Cúm là 8 bản của huyện Mường Lát có điện lưới quốc gia trong năm 2022.
Trưởng bản Pù Đứa, anh Lâu Văn Pó cho biết: Từ năm 1965, khi những người lính Đồn Biên phòng Quang Chiểu đã vượt núi, băng rừng lên đỉnh núi Pù Ngố vận động đồng bào Mông chúng tôi chuyển về bản Pù Đứa sinh cơ, lập nghiệp đến nay sau gần 60 năm, bản đã có điện. Không còn phải dùng đèn, tua bin nước hay điện năng lượng mặt trời, có điện bà con vui lắm, sắm đủ thứ.
Tính đến nay Mường Lát còn 15 bản chưa có điện, tập trung ở các xã Trung Lý (7 bản), Quang Chiểu (4 bản), Mường Lý (4 bản). Ông Lương Văn Liêm, Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Mường Lát, cho biết: Dự kiến trong năm 2023 huyện Mường Lát sẽ đầu tư 13 trạm trên 11 bản (riêng Tà Cóm và Sài Khao mỗi bản có 2 trạm); còn lại 4 bản thuộc diện di dời, tái định cư chờ khi đầu tư khu tái định cư thì sẽ đầu tư cả hạ tầng, trong đó có điện. Huyện Mường Lát phấn đấu đến năm 2025, 100% số thôn, bản trên địa bàn có điện lưới quốc gia.
Chẳng riêng gì người dân bản Xía Nọi (xã Sơn Thủy) mà toàn huyện Quan Sơn vui mừng vì thời điểm này 100% thôn, bản trên địa bàn đã có điện. Nằm ở núi Đá Hoa, Xía Nọi là bản xa nhất của xã Sơn Thủy. Bản hiện có 35 hộ/183 nhân khẩu. 100% thuộc diện hộ nghèo, thu nhập của người dân dựa vào kinh tế rừng nên mỗi tháng chỉ chừng 1,5 triệu đồng/người. Nếu ai đã từng đi qua bản Ché Lầu, Mùa Xuân rồi lên Xía Nọi đều biết cung đường đến đây thật vất vả. Đường không có, điện không có, những điểm trường tạm bợ chỉ với vài ba học sinh.
Anh Chá Văn Súa, trưởng bản Xía Nọi, cho biết: Do chưa có điện lưới nên đời sống bà con khó khăn lắm; kinh tế chủ yếu tự cung, tự cấp. Khổ nhất là các cháu học sinh và giáo viên tại các điểm trường nơi đây luôn trong tình trạng thiếu thốn về thiết bị dạy học cũng như phương pháp học tập mới. Cô giáo Thao Thị Sua, người ở bản Mùa Xuân, hiện là giáo viên duy nhất của Trường Mầm non Sơn Thủy, điểm Xía Nọi, cho biết: “Điểm trường có 14 em nhỏ, từ 3 - 5 tuổi. Dạy cả ngày, đường lại xa, nhiều khi nhớ con mà tôi không dám về. Ở núi, trời tối nhanh lắm, lại không có điện, nên cả một màu đen bao trùm”. Còn thầy Ngô Văn Hùng, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Thủy, điểm Xía Nọi chia sẻ: “Tôi vào dạy tại điểm trường bản Xía Nọi đến nay là 5 năm. Cả 5 năm ấy, vì không có sóng điện thoại và điện lưới quốc gia nên chúng tôi rất khó khăn trong việc chuẩn bị giáo án, cũng như việc học tập của các em học sinh. Giờ có điện, tôi tin là sẽ sớm thôi, học sinh sẽ được học trên màn hình tivi, máy tính”.
Trước bản Xía Nọi, bản Xa Mang (xã Sơn Điện) nơi có 34 hộ dân đồng bào dân tộc Thái sinh sống đã rộn ràng khi điện về bản. “Có điện bà con trong bản sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững. Chúng tôi mong Nhà nước tiếp tục đóng điện ở các bản nghèo còn lại. Phấn khởi lắm, xuân này bản ta có điện rồi. Đây là sự kiện người dân đã chờ đợi 28 năm nay rồi”, ông Phạm Bá Tiệp, bí thư chi bộ, kiêm trưởng bản Xa Mang chia sẻ.
Chẳng ai tin là đến cuối năm 2022, cụm dân Khe Tre, thôn Khe Xanh ở xã Phượng Nghi cách trung tâm huyện Như Thanh chỉ hơn 10km mới có điện sáng. Năm 2002, xã này đã được lắp 3 trạm biến áp, song cụm này chỉ có 10 hộ dân, đời sống rất khó khăn nên không thể thực hiện đồng bộ cùng xã, thôn. Sau 20 năm, dân cư trong cụm Khe Tre đã tăng lên là 31 hộ dân. “Khi bắt tay vào xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021, điều chúng tôi lo lắng nhất là nếu cụm dân Khe Tre không có điện thì các tiêu chí sẽ không đảm bảo. Tuy nhiên, rất mừng là đến nay xã đã hoàn thành 18/19 tiêu chí và mừng nhất vẫn là cụm dân này đã có điện, bà con sẽ đỡ khổ”, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Nghi, cho biết.
Điện về bản mang theo ánh sáng của đời sống kinh tế mới, mang theo niềm tin về sự đổi thay. Theo Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, với việc đầu tư các công trình điện tại 20 thôn, bản ở 6 huyện: Như Thanh, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát trong năm 2022, đến nay toàn tỉnh chỉ còn không đến 20 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia. Dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành.
Tôi nhớ rất rõ câu nói của anh Chá Văn Súa, trưởng bản Xía Nọi: “Vậy là sau mấy chục năm sống trong ánh đèn dầu leo lắt, người dân chúng tôi đã có điện rồi. Chỉ qua có một ngày có điện mà cuộc sống đã thấy khác hôm qua nhiều lắm”.
Xuân này, chắc hẳn là mùa xuân đáng nhớ đối với nhiều người dân ở các vùng cao xứ Thanh.
Link gốc