Tin trong nước

Dòng điện mang lại sự phát triển bền vững

Thứ tư, 30/3/2022 | 09:42 GMT+7
Từ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo trên cả nước, giai đoạn 2009 – 2015, tỉnh Lai Châu, đặc biệt là 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ đã “thay da đổi thịt”, đời sống người dân ngày càng cải thiện. 

Điện lực Tân Uyên hỗ trợ người dân sử dụng điện an toàn trong sản xuất.
 
Kết quả đó có được nhờ sự chung tay, góp sức của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc cải tạo hệ thống lưới điện, đầu tư nguồn lực cho giáo dục, hỗ trợ đời sống người dân nơi đây.
 
Nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục
 
Từ thành phố Lai Châu về đến Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoang Thèn (xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ) cũng mất gần 1h xe chạy. Nói là trường nhưng nơi đây vẫn còn sơ sài, chỉ một dãy nhà 2 tầng, còn lại 3 khu là nhà tạm cấp 4. Sân trường mới san bằng phẳng, chưa được láng xi măng nên lớp đá dăm vẫn lổn nhổn. Tuy nhiên, khi trao đổi với cô giáo Lò Thị Hiền (dân tộc Thái), người có hơn 20 năm gắn bó với nghề dạy học, vẫn thấy ánh lên nét vui mừng. Cô Hiền cho biết, có được ngôi trường như vậy là ước mơ của rất nhiều giáo viên nơi đây. Bởi hiện giờ, các em học sinh đã được ăn học tập trung. Tại lớp học, cùng với bàn ghế đầy đủ còn được trang bị máy chiếu và màn hình giúp cho việc tiếp thu của các em hiệu quả. Đặc biệt, dãy nhà bán trú gồm 5 phòng do EVN đầu tư xây dựng đã giúp các em ổn định khi ăn, ngủ tại trường, giáo viên không còn lo chuyện các em bỏ trường, bỏ lớp.
 
Tâm sự thêm về điều này, thầy giáo Nguyễn Đức Giỏi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm, so với trước thì bây giờ các em và cả đội ngũ thầy cô giáo đỡ vất vả hơn rất nhiều. “Ngôi trường được đưa vào sử dụng tháng 12-2020, đến nay, chúng tôi có 21 lớp học với 259/479 học sinh bán trú. Nếu như trước đây, trường là tập trung ở 9 điểm bản, lớp học trong nhà dân tỷ lệ con em dân tộc bỏ học cao thì nay điều này đã không còn. Người dân yên tâm gửi gắm con em ở ngôi trường mới, bởi vậy, chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt” – Thầy Giỏi nói.
 
Thực tế, không chỉ riêng huyện Phong Thổ, theo EVN, trong giai đoạn 2009-2021, riêng trong ngành giáo dục, Tập đoàn đã hỗ trợ cho 3 huyện Phong Thổ, Than Uyên, Tân Uyên trong việc xây dựng 56 “nhà bán trú dân nuôi” trên địa bàn 16 xã, với tổng kinh phí 28,6 tỷ đồng. Tập đoàn cũng hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho 24 điểm trường mầm non tại trung tâm 13 xã với tổng giá trị là 21,1 tỷ đồng; xây dựng 4 trường dân tộc nội trú và bán trú học với tổng kinh phí 40,5 tỷ đồng. Các hoạt động hỗ trợ của EVN, đã giúp cho khoảng 9.000 học sinh mỗi năm được sử dụng điều kiện cơ sở vật chất tốt, nâng cao chất lượng giáo dục cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa.
 
Đánh giá về điều này, Phó chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Trần Bảo Trung nhấn mạnh, sự đóng góp của EVN với địa bàn huyện miền núi này đã mang lại sự đổi thay rõ rệt. Hệ thống lưới điện được đầu tư trên địa bàn huyện đã giúp 99,6% hộ gia đình được sử dụng lưới điện quốc gia. Từ việc đầu tư này đã giúp thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt, đời sống của người dân; việc cơ giới hóa vào sản xuất đã giúp đời sống người dân ngày một cải thiện. Thay đổi rõ nhất là hệ thống trường, lớp của huyện. Nếu như trước kia, số trường có nhà học bán trú chỉ chiếm 20% thì nay con số này nâng lên rất nhiều. Các trường đã cơ bản được đầu tư cơ sở bán trú, tỷ lệ học sinh đi học tăng cao, chất lượng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo thông qua hỗ trợ cũng giảm nhanh, bình quân 8,7% năm trong giai đoạn 2009-2015 và đến giai đoạn 2015-2021 là 5%.
 
Thúc đẩy cho phát triển bền vững

Bữa ăn của các cháu Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoang Thèn.
 
Khác với Phong Thổ, tại thị trấn Tân Uyên, huyên Tân Uyên thì lại rộn rã không khí sản xuất chè Kim Tuyên và Tuyết Shan. Anh Nguyễn Xuân Khá, chủ doanh nghiệp tư nhân Đức Hạnh (tổ dân phố số 5, thị trấn Tân Uyên) chia sẻ, có mặt trên đồng đất Tân Uyên từ rất sớm, nhưng cây chè chỉ thực sự phát triển và được ví như “vàng xanh” ở vùng đất này khoảng 10 năm trở lại đây. Theo anh Khá, ngày trước, nguồn điện khu vực này chỉ đủ để thắp sáng nên công việc thu hái chè và sản xuất thủ công, manh mún, chất lượng không cao. Nhưng gần 10 năm trở lại đây, ngành Điện đã đầu tư, cải tạo hệ thống điện, nâng cấp các trạm biến áp, đủ nguồn điện cho sản xuất nên nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất. Bản thân gia đình anh Khá đã đầu tư dây chuyền sản xuất gần 2 tỷ đồng, giúp mỗi ngày sản xuất từ 20-25 tấn chè tươi, nâng cao chất lượng sản phẩm mang lại nguồn lợi mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.
 
Thông tin thêm về điều này, anh Phạm Quang Hòa, Điện lực Tân Uyên, Công ty Điện lực Lai Châu, ở thị trấn này, cùng với hộ gia đình ông Khá còn có gần 20 hộ gia đình khác cũng đã đầu tư dây chuyền sản xuất mang lại nhiều nguồn lợi cho gia đình và giúp cải thiện đời sống người dân nơi đây. Số hộ giàu ngày một tăng cao.

Giờ ra chơi của các cháu Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoang Thèn.
 
Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ do EVN hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Lai Châu của Công ty Điện lực Lai Châu cũng nhấn mạnh rõ hơn về điều này. Theo đó, tính đến hết 30-12-2021 toàn tỉnh Lai Châu đã có 106/106 xã, phường, thị trấn trong tỉnh được sử dụng điện lưới Quốc gia, đạt tỷ lệ 100%; Số hộ có điện là 102.568/104.959 hộ, đạt tỷ lệ trên 97,7%. Đối với việc hỗ trợ mô hình sản xuất nông nghiệp, theo thỏa thuận hỗ trợ EVN bố trí hỗ trợ 9 tỷ đồng/3 huyện/3 năm. Đến hết năm 2014, các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ đã triển khai hoàn thành 10/10 mô hình sản xuất nông nghiệp, trong đó huyện Phong Thổ hoàn thành 4/4 mô hình sản xuất nông nghiệp (mô hình nuôi cá, nuôi gà, nuôi thủy cầm, trồng rau vụ đông). Tại huyện Than Uyên hoàn thành 4/4 mô hình sản xuất rau an toàn; sản xuất ngô vụ đông; mô hình chăn nuôi vịt, gà. Ở huyện Tân Uyên hoàn thành 2/2 mô hình sản xuất nông nghiệp (hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp: 40 máy làm đất, mô hình thâm canh sản xuất lúa chất lượng)...
 
Khó có thể nói hết những đóng góp mà EVN, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, hỗ trợ tỉnh Lai Châu mang lại sự đổi thay như thế nào. Nhưng chắc chắn, với những đóng góp này đã mang lại một bệ đỡ vững chắc giúp người dân nơi đây phát triển bền vững. Như ông Trần Bảo Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Phong Thổ đã nhấn mạnh, việc có điện đã giúp thay đổi tư duy sản xuất để phát triển bền vững. Chương trình 30a đã giúp huyện Phong Thổ nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung có điều kiện để tổ chức sản xuất, có nguồn lực để hỗ trợ bà con nông dân phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi đời sống cũng như phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống.
Thanh Hải