Sự kiện

Đưa điện đến với đồng bào Khmer

Thứ tư, 3/2/2010 | 09:52 GMT+7

Gió chướng. Mọi người như bị hối thúc bởi một năm sắp hết và cái tết đã đến gần. Tôi trở lại miền Tây không phải là một sự ngẫu nhiên, chương trình cấp điện cho các hộ dân đồng bào Khmer ở hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng với 85% vốn đầu tư do Chính phủ vay của Ngân hàng ADB và 15% là của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang được triển khai. Lúc này, bà con nông dân Trà Vinh và Sóc Trăng cũng đã bước vào vụ gặt. Mấy trà lúa chín sớm chờ ngày người nông dân ra đồng mang lúa về. Những con đường nhỏ vương đầy rơm rạ, những mảnh sân phơi ngồn ngộn lúa tươi, mày lúa xon xót bay, hương ngai ngái lan tỏa khắp xóm ấp. Có điện, đồng bào Khmer sẽ có cơ sở để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Có điện, đồng bào Khmer sẽ bớt dần nỗi bấp bênh theo mưa nắng và nhiều vụ mùa bội thu như năm nay sẽ không trông chờ vào  “nắng mưa là chuyện của trời”.

. Một vùng nông thôn đang sáng dần

Cấp điện cho đồng bào Khơ Me - Tỉnh Sóc Trăng
Công ty Điện lực 2 cho biết, đồng bào dân tộc Khmer ở Việt Nam hiện nay có khoảng 1.400.000 người, có lịch sử cư trú lâu đời tại khu vực Nam Bộ, mà chủ yếu là tại hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, chiếm trên 50% tổng số người Khmer tại Việt Nam, trong đó, Trà Vinh có khoảng 350.000 người, chiếm 31% dân số toàn tỉnh; Sóc Trăng có khoảng 400.000 người, chiếm 29% dân số toàn tỉnh.

Đồng bào Khmer đa số sống bằng nghề trồng lúa và đánh bắt thuỷ sản, nhưng do chưa tiếp cận được nhiều với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nên đời sống rất khó khăn, thấp hơn mức sống chung của nhân dân trong khu vực, thậm chí một bộ phận không nhỏ đồng bào Khmer không có đất sản xuất nông nghiệp phải đi làm thuê. Đồng bào Khmer ở Trà Vinh và Sóc Trăng chiếm tỷ lệ hộ nghèo khá cao so với các dân tộc khác. Số hộ Khmer nghèo ở Trà Vinh chiếm 48% hộ nghèo toàn tỉnh và ở Sóc Trăng là 52%. Vì vậy, mặc dù Sóc Trăng đã được ngành Điện tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ thế bán điện trực tiếp đến hộ sử dụng từ cuối năm 2003, có nghĩa là ngay từ năm 2003, người dân khu vực  nông thôn ở Sóc Trăng đã được hưởng giá điện bậc thang như khách hàng khu vực đô thị. Tuy vậy, do đồng bào dân tộc Khmer sống không tập trung và phần đông ở vùng sâu, vùng xa nên số hộ có điện vẫn thấp hơn so với tỷ lệ hộ có điện chung của toàn tỉnh, mặt khác do mức sống bình quân của bà con Khmer rất thấp nên bình quân điện năng tiêu thụ chỉ khoảng 65-75kWh/người/năm so với bình quân toàn quốc là 640kWh/người/năm.

Gia đình chị Lý Thị Sà Phi ở ấp An Nhơn - xã Thới An Hội - huyện Kế Sách- tỉnh Sóc Trăng chưa từng có điện. Gia đình chị sống bằng nghề đi làm thuê, thèm lắm một chút ánh sáng của đèn điện, nhưng ăn không đủ lo thì làm gì có tiền mà lắp điện.

Những gia đình có hoàn cảnh như gia đình chị Sà Phi ở Sóc Trăng có rất nhiều.

Dọc theo những dòng kênh, nhìn những vách hở hai bên bờ, những chùm rễ cây buông thõng vu vơ, không nơi bấu víu. Tôi thoáng buồn khi lướt nhìn những hình ảnh đó, nhưng biết làm sao được. Làm sao không có những khúc sông bên lở bên bồi. Chuyện lo, đói, giàu, nghèo âu cũng thế thôi, đâu làm sao san bằng cùng một lúc.

Giám đốc Điện lực Sóc Trăng Huỳnh Minh Hải nói, dự án đầu tư cung cấp điện cho các hộ chưa có điện, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer sẽ tạo điều kiện để địa phương thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội với các mục tiêu phát triển vững mạnh về kinh tế, ổn định vững chắc về an ninh, thúc đẩy thực hiện xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân người Khmer, nên mặc dù mới ở bước khởi đầu nhưng lãnh đạo của Sóc Trăng có kế hoạch phát triển công nghiệp và dịch vụ nông thôn. Vẫn biết rằng, đối với Sóc Trăng thì vấn đề này không đơn giản. Với 52% hộ Khmer thuộc diện nghèo, thì chương trình đưa điện mới chỉ là một trong những điều kiện để Sóc Trăng giúp cho người nghèo sản xuất. Còn việc, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và tạo cho đồng bào Khmer nhạy bén với thị trường thì vẫn còn là niềm ấp ủ của Sóc Trăng. Song dẫu mới chỉ là thắp sáng những ngọn đèn trong từng ngôi nhà người dân Khmer, nhưng điều thấy rõ là vùng đất này đang sáng dần lên.

. Con đường no ấm…

Đập vào mắt chúng tôi là những đụn rạ trên cánh đồng vừa được thu hoạch. Mấy năm nay Trà Vinh được mùa lúa. Chúng tôi đến ấp Botchech – xã Lương Hòa- huyện Châu Thành- tỉnh Trà Vinh đúng vào lúc xã khánh thành ngôi nhà được Chính phủ hỗ trợ cho các hộ nghèo Khmer theo chương trình 167. Với chất giọng cưng cứng của người đàn ông Khmer, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Lương Hòa Sơn Thái Cang nói, Vụ Thu- Đông năm nay người nông dân vừa được mùa vừa được giá. Giá thu mua tại chỗ đã được từ 4.900đ đến 5.100đ/kg lúa. Tàu bán buôn ngày nào cũng có từ 5-6 chiếc chờ thu mua. Người dân Lương Hòa sống chủ yếu nhờ vào cây lúa, nhưng không chỉ mình Lương Hòa mà cả tỉnh Trà Vinh đều cay đắng trong “sự thuỷ chung” với cây lúa vì phần lớn đất đai ở Trà Vinh nếu không là những giồng cát nóng thì là đất mặn và đất phèn, mà cả ba thứ đất này, chẳng đất nào “yêu thương” cây lúa, vậy mà cây lúa cứ phải sống với sự cam chịu của người trồn gnó. Bởi những nghề truyền thống như đan nát, dệt chiếu của Trà Vinh cứ mai một dân, không gỡ gạc nổi cuộc sống của những người dân nơi đây.

Chị Kim Thị Phuôl ở xã Lương Hòa nói, năm nay Bà con nông dân được mùa, năng suất cũng chỉ 5 tấn/ha, nhưng với Lương Hòa, với Trà Vinh thì đã là vụ mùa hiếm có rồi. Gia đình chị bị cuốn hút vào thành quả lao động với những đụn lúa đang được đóng bao. Ngoài trồng lúa, bây giờ gia đình chị còn chăn nuôi, Chính phủ trợ giá cho 70% mua cá giống, nếu giá thị trường mua 60.000đ thì Chính phủ trợ giá cho 42.000đ. Giống cây trồng cũng vậy. Bây giờ hộ nghèo đồng bào Khmer đã có nhiều cơ hội để không phải đi làm thuê vì Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho các hộ mua đất sản xuất, đất ở. Những chính sách này đã trở thành cứu cánh cho những hộ đói nghèo.

Chủ chương đầu tư cung cấp điện cho các hộ dân Khmer là dấu hiệu đáng mừng. Bởi vì, có điện, người dân Trà Vinh giảm bớt được nỗi nhọc nhằn do nắng hạn từ lâu luôn bức thiết với Trà Vinh.

Khi nghe Phó Chủ tịch xã Lương Hòa Phạm Ngọc Đoàn nói: Trà Vinh nghèo phần lớn tại trời, nhưng cũng tại người. Lâu nay cứ bám theo đường cũ, đương đầu với tự nhiên một cách vô lý. Bây giờ phải nhìn lại để ném đồng tiền đầu tư vào đâu là phải sinh lợi ở đó, để đời sống nhân dân được nâng lên. Tôi đã hình dung ra một Trà Vinh đang từng bước nhận diện lại chính mình.

Không còn cách nào hơn. Trà Vinh sẽ phải hướng theo xu thế tiến bộ của khoa học ngày nay là phát triển kinh tế thích ứng với điều kiện tự nhiên chứ không phải cải tạo tự nhiên để cơ cấu kinh tế. Dẫu điện đã được đưa đến từng gia đình, chắc Trà Vinh vẫn chưa hết khó khăn. Cũng như Sóc Trăng, đồng bào Khmer Trà Vinh đang cần một tổng hợp lực từ nhiều phía để thoát đói nghèo, cho nên quý giá biết bao khi nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, của ngành Điện trong chương trình đưa điện đến với đồng bào Khmer. Đó chính  là con đường đến no ấm./

Thanh Mai