Sự kiện

Chương trình Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trên toàn quốc: Sắp đến đích năm 2009

Thứ ba, 26/1/2010 | 09:55 GMT+7

Mặc dù gặp không ít khó khăn, trở ngại  trong công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trên toàn quốc, song các đơn vị thuộc EVN đã nỗ lực hoàn thành được 91,4% kế hoạch trước khi bước vào tháng cuối cùng của năm 2009.

Đến 30/6/2010, EVN sẽ hoàn thành toàn bộ chương trình TNLĐHANT trên toàn quốc
Trong đó đã tiếp nhận được 2.678 xã/KH năm 2009 là 2.930 xã và bán điện trực tiếp tới 2.825.421 hộ dân nông thôn. Mục tiêu hoàn thành kế hoạch tiếp nhận LĐHANT của EVN sẽ sớm về đích, đem lại những lợi ích cho người dân khu vực nông thôn trong công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa nông thôn. Dự kiến từ tháng 1/2010 đến 30/6/2010 sẽ hoàn thành tiếp nhận 2.140 xã còn lại trong cả nước, cơ bản hoàn thành tiếp nhận  LĐHANT, bán điện đến hộ nông thôn trên toàn quốc.

Để đảm bảo công tác tiếp nhận đạt hiệu quả cao trong năm 2010, EVN yêu cầu các đơn vị tích cực phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tạo đồng thuận cao trong công tác tiếp nhận và bàn giao lưới điện cho ngành Điện quản lý, đầu tư đem lại lợi ích cho đa số người dân ở khu vực nông thôn.

Các Công ty Điện lực, các Điện lực đã cơ bản hoàn thành công tác bàn giao, tiếp nhận LĐHANT. Hiện đang tập trung nhân lực, nguồn vốn để sớm hoàn thành công việc cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện mới tiếp nhận, nhằm đảm bảo việc giảm tổn thất điện năng, tăng giá bán bình quân và an toàn cho người dân sử dụng và sinh hoạt. Đồng thời, trong thời gian tới các đơn vị cũng phải chủ động hơn nữa trong việc sắp xếp nhân lực hiện có, đảm bảo yêu cầu quản lý vận hành lưới điện mới tiếp nhận, tiếp tục nghiên cứu đề xuất với EVN về chi phí, lao động tiền lương, nhu cầu vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện… Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về công tác an toàn và dùng điện tiết kiệm hiệu quả trong năm 2010. Trong thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của các Bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn nhằm huy động các nguồn vốn trong nước, tranh thủ nguồn vốn vay ODA ưu đãi để có kinh phí đầu tư cho điện nông thôn. Sắp tới, liên Bộ Công Thương và Tài chính sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn về việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn. Tập đoàn sẽ hướng dẫn các đơn vị lập kế hoạch, phân bổ chi phí tiếp nhận LĐHANT năm 2009-2010 để giảm bớt những khó khăn cho các đơn vị trong công tác này.
 
Đánh giá về Công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn

*  Ông Trịnh Ngọc Khánh - Trưởng Ban Kinh doanh EVN:

Chủ trương tiếp nhận lưới điện để bán trực tiếp tới khách hàng dùng điện nông thôn đã nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của Chính quyền các cấp vì đem lại lợi ích cho khách hàng dùng điện, gắn lợi ích của ngành Điện, lợi ích của Nhà nước và toàn xã hội nói chung. Các đơn vị trực thuộc đã nỗ lực hoàn thành kế hoạch đề ra của năm 2009.

Năm 2010, để hoàn tất công tác này, EVN sẽ cùng với các đơn vị tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong công tác tiếp nhận và bàn giao tại các đơn vị. Tập đoàn sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức quốc tế để thu xếp các nguồn vay ODA dành trực tiếp cho các dự án điện nông thôn.

* Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng:

Công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn được Thành phố quan tâm đặc biệt. Hiện nay còn 41 đơn vị tại các huyện trong Thành phố không đủ điều kiện kinh doanh, quản lý điện nông thôn do không có khả năng tài chính để đầu tư nâng cấp, cải tạo đồng bộ hệ thống lưới điện hạ thế nông thôn. Những đơn vị này cần sớm bàn giao cho ngành Điện quản lý.
Sau khi tiếp nhận, UBND Thành phố mong muốn ngành Điện cần  nhanh chóng đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện hạ thế đồng bộ theo tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm cấp điện ổn định, an toàn theo giá quy định, giảm tổn thất điện năng xuống mức thấp nhất.

Kết quả thực hiện trong công tác TNLĐHANT đến cuối tháng 11/2009 tại các đơn vị:

- Công ty Điện lực 1: 1.916/1.770 xã, đạt 108% KH.

- Công ty Điện lực Hải Dương: 69/72 xã, đạt 95,8% KH;

- Công ty Điện lực Hà Nội: 158/184 xã, đạt 85,87% KH;

- Công ty Điện lực Ninh Bình: 20/26 xã, đạt 76,9% KH;

- Công ty Điện lực 2: 226/338 xã, đạt 66,86% KH;

- Công ty Điện lực 3: 263/464 xã, đạt 56,68% KH;

- Công ty Điện lực Hải Phòng: 26/76 xã, đạt 34,21% KH.

* Khó khăn trong công tác tiếp nhận:

- Cần một lượng vốn lớn để đầu tư thiết bị lưới điện khu vực nông thôn sau nhiều năm xuống cấp nghiêm trọng.

- Nguồn nhân lực trong quản lý và kinh doanh điện nông thôn đối với các đơn vị thiếu, áp lực công việc của CNLĐ tại các đơn vị cao…

- Tỷ lệ tổn thất cao sau khi thực hiện tiếp nhận lưới điện HTNT dẫn đến tỷ lệ tổn thất của chung của EVN tăng.

- Ở một số địa phương vẫn gặp khó khăn về chủ trương của các địa phương trong công tác tiếp nhận.

- Hệ thống lưới điện mới được tiếp nhận  chưa được cải tạo nên các đơn vị gặp khó khăn trong công tác đảm bảo an toàn trong sử dụng và quản lý lưới điện.

* Hiệu quả sau khi ngành Điện TNLĐHANT:

- Người dân được hưởng đúng giá bán điện theo quy định của Chính phủ;

- Chất lượng điện áp cải thiện cao.

- Thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

- Đảm bảo an toàn điện.

- Giảm tổn thất điện năng từ 25 - 30% xuống còn 15 - 18%.

- Nâng cao giá bán bình quân của các đơn vị quản lý và phân phối.

* Những công việc cải tạo cơ bản sau khi ngành Điện tiếp nhận:

- Đảm bảo hành lang tuyến an toàn;

- Thay thế toàn bộ hệ thống tiếp địa lặp lại, công tơ đo đếm, xà sứ…

- Sửa chữa, nâng cấp hệ thống dây dẫn xuống cấp không đảm bảo an toàn;..

- Để đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống lưới điện nông thôn sau tiếp nhận, mỗi xã cần trung bình từ  3 đến 3,5 tỷ đồng.

Theo: Tạp chí Điện lực