Sự kiện

Đảm bảo nhu cầu điện năm 2010: Các doanh nghiệp sẽ làm gì?

Thứ hai, 25/1/2010 | 10:14 GMT+7

Năm 2010, EVN đặt ra 3 mục tiêu lớn: Đảm bảo nhu cầu điện cho đất nước; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình nguồn và lưới điện; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.


Để thực hiện 3 mục tiêu này, mỗi doanh nghiệp đều có những kế hoạch, giải pháp và những nỗi niềm trăn trở riêng.

Ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN: Quyết tâm đảm bảo cung ứng điện

Năm 2009, EVN đã đảm bảo cung cấp điện trong tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, sụt giảm đáng kể lượng nước về trong và sau mùa lũ ở các hồ thủy điện miền Bắc; nhiều dự án đường dây và trạm biến áp gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng…

Với mục tiêu đảm bảo cung ứng điện và đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VI, trước mắt, những tháng mùa khô năm 2010, sẽ khai thác tối ưu các nguồn điện, kể cả BOT, IPP và nhập khẩu, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống truyền tải 220-500 kV, đặc biệt là đường dây 500 kV Bắc - Nam; đẩy mạnh các chương trình tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng; hoàn thành tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn; tiếp tục giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động từ 7-10% so với năm 2009, tiết kiệm chi phí 5% so với định mức được duyệt, đưa nhiều dự án nguồn vào hoạt động, tập trung thúc đẩy tiến độ các công trình đường dây và trạm biến áp - coi đây là một trọng tâm trong công tác đầu tư xây dựng.

Ông Nguyễn Phúc Vinh - Giám đốc Công ty điện lực I: Đề nghị xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến giá điện

Nhằm đạt kết quả kinh doanh tốt hơn trong năm 2010, Công ty Điện lực I (PC1) đề nghị EVN khi giao giá bán điện bình quân năm 2010 cần xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến giá điện như: sa thải phụ tải giờ cao điểm, phát triển khách hàng ở cấp điện áp 110 kV, khó khăn trong tiếp nhận lưới điện nông thôn do phần lớn các xã còn lại đủ điều kiện kinh doanh điện hoặc thuộc dự án ReII. Đề nghị EVN chỉ đạo các BQLDA đẩy nhanh tiến độ các trạm và đường dây 220kV chống quá tải các khu vực Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa, Bắc Ninh. Đồng thời cải tạo chất lượng điện áp ở các đường dây 220 kV nhận điện từ Trung Quốc vì giờ cao điểm thì điện áp phía 110 kV rất thấp. Đồng thời, có văn bản chính thức hướng dẫn thực hiện chi phí tiếp nhận và kinh doanh bán điện tại các xã tiếp nhận.

Ông Vũ Hữu Hoa - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT):  NPT phải đối mặt với nhiều thách thức

Với dự báo nhu cầu phụ tải tăng cao trong năm 2010, NPT sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức cả trong quản lý vận hành lẫn đầu tư xây dựng lưới truyền tải. Nhất là hiện nay, nhiều nguồn điện đã cận kề nhưng lưới điện đồng bộ vẫn đang chậm tiến độ do thiếu vốn và khó khăn giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, vấn đề tính toán giá truyền tải chưa rõ ràng; hành lang pháp lý về đấu nối vào lưới truyền tải điện còn thiếu. Vì vậy, NPT đề nghị duyệt giá truyền tải bằng 10% giá bán điện bình quân, đồng thời cho phép NPT được vay vốn từ các dự án ODA. Bởi lẽ, trong kế hoạch đầu tư cho lưới truyền tải năm 2010 khoảng 11.700 tỷ đồng, NPT mới bố trí được 10.528 tỷ đồng, còn thiếu 1.172 tỷ đồng và nguồn vốn đối ứng cho đầu tư công trình. Với những công trình dự án lưới điện cấp bách có thời gian thực hiện dưới 1 năm, đề nghị cho phép tiếp tục áp dụng cơ chế đặc biệt đối với các dự án truyền tải trọng điểm, cấp bách.

Ông Nguyễn Hồng Hà - Trưởng ban quản lý dự án Thủy điện Sơn La: Tập trung cao độ cho các đường găng

Năm 2009, các mục tiêu chính của công trình Thủy điện Sơn La đều đạt tiến độ như ngăn sông Đà đợt 2; công tác đổ bê tông đầm lăn, lắp đặt các tổ máy…, công tác di dân tái định cư, thu dọn lòng hồ, bảo vệ di sản văn hóa lòng hồ đáp ứng tiến độ tích nước hồ chứa vào đầu tháng 5/2010. Việc xây dựng lưới điện đồng bộ với Thủy điện Sơn La đang được đẩy nhanh tiến độ. Việc tháo gỡ vướng mắc về công tác GPMB của lưới điện đồng bộ với nhà máy đang được tiến hành để đảm bảo tiến độ thi công phù hợp với tiến độ phát điện. Để đạt mục tiêu tháng 5/2010 sẽ đóng cửa van cống dẫn dòng để tích nước hồ, ngày 25/12/10/2010 sẽ phát điện tổ máy 1, toàn công trường đang tập trung cao độ cho các đường găng, nhất là công tác lắp máy. Đồng thời kiến nghị Chính phủ cho phép toàn bộ vật tư thiết bị nhập khẩu đồng bộ của công trình Thủy điện Sơn La bao gồm các vật tư, vật liệu tiêu hao, sử dụng trong quá trình lắp đặt như: sơn, vật liệu hàn, cáp điện, cáp đo lường, điều khiển… được miễn thuế nhập khẩu

Ông Nguyễn Văn Thành - GĐ Công ty Thủy điện Hòa Bình: Sẵn sàng cho mùa khô năm 2010

Năm 2009, Công ty Thủy điện Hòa Bình hoạt động trong điều kiện lượng nước về chỉ bằng 87% so với mức trung bình nhiều năm. Hệ thống thiết bị hầu hết trong tình trạng già cỗi, công nghệ cũ lạc hậu, kém tin cậy. Công tác sửa chữa của nhà máy cũng không được thực hiện theo đúng tiến độ kế hoạch do yêu cầu phát điện của A0. Tuy nhiên, công ty vẫn đạt sản lượng điện sản xuất trên 8, 5 tỷ KWh, vượt 4,1 % so với thiết kế.

Để có được kết quả đó, khi có lũ về, công ty phải tăng cường huy động khai thác các tổ máy. Đồng thời, duy trì mức nước cuối mùa khô luôn cao hơn 90m để tăng công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện lúc cao điểm. Đảm bảo lưu lượng xả cấp nước chống hạn, cơ bản đáp ứng nhu cầu nước phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp đồng bằng Bắc bộ; đồng thời điều tiết chống lũ, giữ an toàn tuyệt đối cho công trình và không gây đột biến đối với hạ du. Tăng cường kiểm tra giám sát an toàn sản xuất, chấp hành qui trình qui tắc và áp dụng các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ. Để đáp ứng yêu cầu tưới tiêu chống hạn mùa khô năm 2010, công ty sẽ đảm bảo duy trì 8 tổ máy làm việc, đáp ứng lưu lượng xả nước xuống hạ lưu trong 3 đợt (theo thoả thuận giữa EVN và Bộ NN &PTNT). Đến thời điểm này, việc tích nước được tiến hành sớm và kịp thời, cùng với biện pháp tiết giảm sản lượng điện phát (do khô hạn) nên đến 31/12/2009, hồ Hoà Bình vẫn duy trì được mức nước gần 116 m, nhìn chung đã sẵn sàng cho mùa khô năm 2010

Ông Đào Duy Tân - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Thuỷ điện 2:
Phấn đấu đưa Thủy điện Bản Vẽ phát điện vào quý II/2010

Năm 2010, Thủy điện Bản Vẽ sẽ tập trung cao độ thực hiện phát điện hai tổ máy (công suất mỗi tổ máy 160MW) và tập trung chống lũ năm 2010. Để đảm bảo cả hai mục tiêu này, Ban Quản lý Thủy điện II chủ trương triển khai thi công liên tục trong dịp Tết Canh Dần. Ngay từ những ngày đầu năm, trên công trường luôn có hơn 1.000 CBCNV cùng đầy đủ các phương tiện máy móc, đảm bảo thi công đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.

Tính đến thời điểm này, tổ máy số 1 đã sẵn sàng khởi động. Tổ máy số 2 có thể khởi động không tải vào cuối tháng 2. Hiện nay, Tổng công ty Sông Đà đang tích cực điều hành công việc một cách linh hoạt, đảm bảo đủ vật liệu đắp đập vì đường găng hiện nay trên công trình Thủy điện Bản Vẽ là đắp đập. Nếu đủ tất cả điều kiện, Thủy điện Bản Vẽ có thể phát điện vào quý II năm nay.

Ông Nguyễn Khắc Sơn - Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (PPC): Đề nghị EVN sớm thực hiện ký hợp đồng mua bán điện

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, công ty phải bù chênh lệch tỷ giá trên 500 tỷ đồng, các tổ máy phải huy động vượt công suất trong tình trạng cũ nát, nhưng năm 2009 công ty vẫn đáp ứng đủ số lò máy vận hành và dự phòng theo phương thức huy động công suất cao. Là 1 công ty đại chúng nên việc ký hợp đồng mua bán điện trong 4 năm tiếp theo được các nhà đầu tư rất quan tâm và theo dõi để quyết định việc có đầu tư vào PPC hay không. Do vậy, đề nghị EVN sớm thực hiện ký hợp đồng mua bán điện. Đồng thời cho phép PPC ngừng đại tu các tổ máy theo đúng lịch đăng ký để đảm bảo hiệu suất làm việc và tuổi thọ của thiết bị.

Theo: CôngThương