Sự kiện

Xây dựng văn hoá EVN Tạo bản sắc cho sự phát triển bền vững

Thứ ba, 19/1/2010 | 10:19 GMT+7

Trong quá trình 55 năm xây dựng và phát triển của ngành Điện, nét văn hóa ngành Điện thực tế đã từng bước được hình thành. Song để biến thứ tài sản vô hình đó thành một phong cách, bản sắc văn hoá riêng biệt thể hiện hình ảnh, thương hiệu EVN và mang lại những giá trị thực sự cho sự phát triển bền vững của Điện lực Việt Nam, EVN đã và đang làm thế nào? Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng ban Tổ chức và Nhân sự EVN – Ban chủ trì xây dựng Đề án Văn hoá doanh nghiệp EVN, thành viên Ban chỉ đạo Xây dựng Văn hoá doanh nghiệp EVN đã có cuộc trao đổi cùng phóng viên Tạp chí Điện lực.

PV: EVN với vai trò là doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế quốc dân, có lịch sử phát triển qua hơn nửa thế kỷ. Ông cho biết, văn hóa EVN xuất hiện từ bao giờ và được hình thành như thế nào?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Trong quá trình phát triển, VHDN từng bước đã hình thành và tồn tại trong EVN, mặc dù việc xây dựng và củng cố một cách có chủ ý, có hệ thống trước đây chưa được EVN nghiên cứu. Bản sắc văn hóa EVN cũng chưa được xác định một cách rõ ràng. Văn hoá EVN ở khía cạnh nào đó có thể hiểu chính là những chuẩn mực, những giá trị văn hóa được thể hiện thông qua quan hệ ứng xử trong công việc với khách hàng, giữa cấp trên với cấp dưới, giữa các đồng nghiệp với nhau, cũng như giữa các thế hệ CBCNV EVN. Những quy chuẩn này được thể hiện qua các quy chế quản lý nội bộ mà EVN đã xây dựng, áp dụng nhiều năm qua và đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, điều chỉnh phong cách làm việc của CBCNV EVN.

Từ những nền tảng căn bản đó, đồng thời để thực hiện chủ trương hướng tới xây dựng phong cách làm việc tuân thủ theo pháp luật, công bằng, minh bạch và có hiệu quả trong EVN, Tập đoàn đã xác định năm 2009 là năm văn hoá doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu EVN. Ngay từ giữa năm 2008, EVN đã lập Tổ công tác xây dựng VHDN và bắt tay vào nghiên cứu về VHDN, tìm hiểu nhiều tài liệu trong - ngoài nước, từ các định nghĩa cơ bản mang tính học thuật đến những tài liệu về VHDN của các doanh nghiệp lớn trong nước và trên thế giới. Đến đầu năm 2009, Ban chỉ đạo xây dựng VHDN EVN đã chính thức được thành lập do Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh làm Trưởng ban. Có thể nói, đây chính là bước khởi đầu cho một hành trình dài của “công cuộc” xây dựng VHDN EVN một cách hệ thống và theo đúng chuẩn mực.

PV: Như vậy trong điều kiện hiện tại, EVN đã xác định điều cốt yếu nhất trong việc củng cố, xây dựng và nâng tầm VHDN EVN là gì? 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Ban chỉ đạo xây dựng VHDN đã đề ra bốn mục tiêu lớn:

Thứ nhất là, xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp, thái độ làm việc có trách nhiệm, tận tình, hoà nhã của CBCNV khi tiếp xúc với khách hàng. Từ trước đến nay, EVN vẫn tập trung chủ yếu vào việc giải quyết khối lượng công việc mang tính kỹ thuật, phần dịch vụ chưa được quan tâm đúng mức, nên những công tác tiếp xúc khách hàng của EVN vẫn còn một số tồn tại chưa được khắc phục. Vì thế, EVN sẽ nỗ lực từng bước cải thiện hiệu quả công tác này với mục tiêu tạo ra sự gần gũi, tin tưởng và chia sẻ đối với khách hàng.

Thứ hai là, xây dựng VHDN nhằm tạo động lực làm việc cho người lao động, xây dựng và phát triển doanh nghiệp bền vững. Trong khuôn khổ những quy định của Nhà nước, EVN đã và sẽ tiếp tục xây dựng những chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp, những quy định về ứng xử trong nội bộ giữa người lao động, giữa cấp trên với cấp dưới v.v... để người lao động được đào tạo, có cơ hội và được tạo điều kiện sáng tạo, cống hiến và phát triển năng lực cá nhân.

Thứ ba là, xây dựng ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, ý thức về truyền thống lâu đời của ngành Điện. Những tấm gương sáng về đạo đức, lòng yêu nghề, sự hy sinh của thế hệ trước luôn là bài học quý giá đối với thế hệ sau, giúp thế hệ sau hiểu hơn ý nghĩa, lý tưởng của con đường mà họ đã chọn. Bên cạnh đó, EVN là một doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ công ích, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, đem lại điều kiện sống thuận lợi, niềm hạnh phúc và tri thức cho mọi người dân, bất kể thành thị hay nông thôn, miền núi, hải đảo. Chương trình VHDN sẽ hướng tới việc truyền bá ý nghĩa lớn lao trong việc thực hiện những trọng trách mà Đảng và Chính phủ đã giao phó cho EVN. Khi đó, mỗi CBCNV của EVN sẽ tự hào khi được đóng góp công sức của mình vào sự phát triển chung của cộng đồng, tạo dựng một xã hội tươi đẹp hơn cho thế hệ con cháu tương lai.

Và cuối cùng là, xây dựng VHDN có tầm ảnh hưởng mạnh, tác động và dẫn hướng hành vi ứng xử của cá nhân, tạo niềm tin và ý nghĩa trong công việc.

PV: Để có thể tạo dựng bản sắc văn hóa, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức. Thậm chí, còn cần đến sự bồi đắp, không ngừng củng cố những giá trị chuẩn mực của nhiều thế hệ người lao động. Với EVN, những thách thức còn ở phía trước trên con đường hoàn thiện VHDN là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Lãnh đạo EVN đã xác định rằng xây dựng VHDN có điểm khởi đầu, nhưng sẽ luôn tiếp tục và không bao giờ có điểm kết thúc chừng nào doanh nghiệp còn tồn tại và mong muốn phát triển.

Trong bước đi đầu tiên này, điều thuận lợi lớn nhất EVN có được là sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là của Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc. Trong tổ chức, lãnh đạo là những người có ảnh hưởng quyết định nhiều nhất đến các cá nhân và cả tập thể. Tiếp theo, nỗ lực tạo nên bản sắc văn hoá EVN đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình từ các đơn vị và toàn thể CBCNV Tập đoàn.

Tuy nhiên, VHDN là một khái niệm rất trừu tượng, nên ngay cả Ban chỉ đạo và Tổ công tác đều phải dày công nghiên cứu, tham vấn, chọn lọc, “vừa học, vừa làm” để xác định rõ ràng hướng đi cho chương trình xây dựng văn hoá này. Bên cạnh đó là những khó khăn khách quan khác như: Sự đa dạng văn hoá cả về khái niệm và thực tế; tính chất không ổn định về tổ chức. Tùy thuộc vào yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn kéo theo sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức của EVN. Điều đó dẫn đến có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng một thương hiệu, một nền VHDN nhất quán có thể chưa được quan tâm đúng mức và quán triệt thống nhất đến từng  CBCNV; trở ngại nữa là thời gian thực hiện cũng như yêu cầu thay đổi thói quen ứng xử của con người. Để làm thay đổi hay củng cố một nét văn hoá sẽ phải triển khai kéo dài hàng năm, thậm chí nhiều năm sau khi đã có tác động nhiều chiều. Sự kéo dài này dễ gây nản lòng những người tổ chức thực hiện khiến việc tạo dựng hay thay đổi VHDN dễ bị làm nửa vời, chưa kể đến những mối quan hệ phức tạp trong các tổ chức khiến việc thực thi có thể sẽ không thể quyết liệt đến cùng để đẩy nhanh tiến độ công việc. Khi sự tác động chỉ là nửa vời, những thói quen cũ dễ có xu hướng quay trở lại

PV: Tài liệu văn hoá EVN sẽ được ban hành nhân dịp kỷ niệm 55 ngày Truyền thống ngành Điện. Kế hoạch triển khai những nội dung trong văn kiện này vào thực tế hoạt động của EVN là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Tài liệu này sẽ là thước đo để CBCNV EVN điều chỉnh hành vi, phong cách của mình trong các mối quan hệ, đồng thời cũng chính là những tiêu chuẩn rõ ràng để người dân có thể đánh giá và phản ảnh về văn hoá trong ứng xử của mỗi CBCNV EVN.

Để các nội dung trong văn kiện này đi vào thực tiễn và thực sự đóng góp cho sự phát triển bền vững của EVN, Ban chỉ đạo và Tổ công tác cũng đã phối hợp với đội ngũ Tư vấn dự thảo kế hoạch thực hiện trong năm 2010 và các năm tiếp theo, đó là: Quán triệt và hướng dẫn triển khai tài liệu Văn hoá EVN tại các đơn vị (sau khi đã được HĐQT thông qua và chính thức ban hành) nhằm thiết lập hình ảnh văn hoá đồng nhất trong toàn EVN. Xây dựng phương pháp biên soạn các tài liệu liên quan hướng dẫn việc thực thi văn hoá (tiêu chuẩn giao ước) như giao tiếp khách hàng, trang phục, cư xử, giải quyết công việc, ứng xử với môi trường... Xây dựng và thực thi các chương trình hoạt động về văn hoá, những hoạt động này nhằm quảng bá, tuyên truyền, quán triệt về hình ảnh văn hoá của EVN. Xây dựng hệ thống giúp duy trì và kiểm soát các hành vi của cá nhân trong tổ chức tuân thủ đúng những giá trị cốt lõi và chuẩn mực đạo đức đã được thiết lập.

Chương trình hành động cụ thể sẽ được xem xét để tác động dần vào từng mảng công việc hay lĩnh vực hoạt động. Ví dụ như với khu vực hành chính văn phòng để giảm bớt tính quan liêu, trì trệ, tăng hiệu quả giải quyết công việc; hay nhóm dịch vụ khách hàng để tạo hình ảnh người cán bộ ngành Điện tận tâm, vui vẻ, hoà nhã, có tinh thần làm việc vì dân vì nước, vì dân. Chương trình hành động này sẽ cho phép EVN vừa thực hiện, vừa rút kinh nghiệm để đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN, từng bước xây dựng hình ảnh và thương hiệu của EVN ngày càng hoàn thiện hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tài liệu VHDN của EVN bao gồm 3 phần chính:

Phần 1: Giá trị cốt lõi - kim chỉ nam cho các hoạt động văn hoá, thương hiệu của doanh nghiệp.

Phần 2: Nguyên tắc đạo đức - nhằm định hướng hành vi của các cá nhân trong tổ chức

Phần 3: Thực thi văn hoá - đưa ra quy định cụ thể hơn trong quan hệ với các bên có liên quan tới EVN.!

Theo: Tạp chí Điện lực