Sự kiện

Chấn chỉnh "mạng nhện" trên cột điện: Cần sự hợp lực của nhiều phía

Thứ hai, 1/2/2010 | 11:21 GMT+7

Khoảng 5 năm trở lại đây, các dịch vụ viễn thông phát triển nhanh dẫn đến việc treo cáp viễn thông tràn lan trên cột điện tạo thành những hệ thống "mạng nhện" chằng chịt, làm mất mỹ quan đô thị cũng như gây mất an toàn nghiêm trọng cho người và hệ thống điện quốc gia. Báo chí đã đề cập nhiều lần về vấn đề này. Việc không chỉ dừng lại trong câu chuyện về giá thuê giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đơn vị cho thuê cột điện với các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông mà tính đến lợi ích quốc gia, nhất thiết cần có sự hợp lực của chính quyền địa phương và các ngành chức năng mới hy vọng giải quyết một cách rốt ráo cuộc tranh cãi chưa đến hồi kết này.

Chằng chịt là "mạng nhện"

Có lẽ người dân các thành phố lớn đã quá quen thuộc với hình ảnh nhiều tuyến đường điện có số dây cáp thông tin treo quá nhiều so với tải trọng của đường dây điện, gây mất mỹ quan đô thị ở hầu hết các thành phố, thị xã. Việc treo cáp thông tin cũng trở lên tuỳ tiện khi nhiều dây cáp thông tin bị hỏng nhưng một số công ty viễn thông không thu hồi mà tiếp tục treo cáp mới thay thế khiến nhiều cột điện phải "oằn lưng" gánh, thậm chí đổ gục vì tải trọng búi dây kia lớn hàng chục lần tải trọng của đường dây điện. Đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn cho người dân, làm gián đoạn việc cung cấp điện cũng như tuổi thọ của cột điện giảm nhanh. Khi xảy ra các sự cố gây đứt cáp viễn thông, do treo lộn xộn nên nhiều doanh nghiệp viễn thông đã không xác định nổi đường cáp của mình nên thay thế bằng cáp mới mà không tháo cáp cũ xuống khiến búi mạng nhện ngày càng nhiều thêm. Chỉ riêng thống kê của Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh khi chỉnh trang hệ thống cáp viễn thông trên cột điện cho thấy số lượng cáp vô chủ chiếm từ 40-50% nhưng chẳng đơn vị nào dỡ xuống cả mà chính EVN phải làm việc này.

Trên thực tế, khi thiết kế chức năng ban đầu của cột điện người ta chỉ tính đến tải trọng treo dây điện để cung cấp điện cho xã hội chứ chưa có thêm chức năng phải treo cáp thông tin. Việc treo cáp thông tin chỉ trong điều kiện tải trọng còn cho phép, đặc biệt là vấn đề an toàn điện. Qua tìm hiểu ý kiến nhiều chuyên gia vận hành hệ thống điện thì họ đều mong muốn không treo cáp viễn thông trên cột điện. Bên cạnh đó, việc treo cáp thông tin trên cột điện cũng đặt ra vấn đề rất khó tháo dỡ mỗi khi có sự cố hoặc cải tạo lưới điện. Xuất phát từ sự mất an toàn trên, về phía EVN đang cho dừng việc treo cáp thông tin mới trên cột điện để đánh giá lại tải trọng của cột điện. Sau khi hoàn thành việc đánh giá này, có những tuyến cột nếu còn tải trọng EVN sẽ cho phép treo thêm nhưng có tuyến cột sẽ không được treo tiếp mà phải dỡ bớt cáp xuống để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện và người dân.

Phải mất nhiều năm mới "dọn" xong

Hiện tại 2 thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, EVN đang triển khai bó gọn, treo thẻ cáp có ghi tên đơn vị chủ sở hữu cáp viễn thông trên cột điện. Tuy nhiên chi phí để thực hiện việc này rất lớn. Theo tính toán của Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh là khoảng 140 triệu đồng/km (chi phí này chưa được phân bổ trong giá thuê cột điện). Riêng năm 2009 công ty này mới dọn được 225/5.000 km cáp phải thực hiện, tức là bình quân 5 ngày mới dọn được 1km cáp. Với tốc độ như hiện nay, phải mất gần 7 năm mới dọn hết số rác này với tổng chi phí khoảng 700 tỷ đồng. Thống kê của UBND thành phố Hà Nội cũng cho thấy số rác viễn thông phải dọn của thành phố lên tới khoảng 4.000km nhưng hiện nay Hà Nội mới chỉ bó số rác này trên một số tuyến phố chính. Việc ban hành đơn giá cho thuê cột điện mới như EVN lý giải là một trong những biện pháp quyết liệt và đồng bộ để chấn chỉnh tình trạng treo cáp thông tin lộn xộn trên cột điện.

Phó Tổng Giám đốc EVN Đặng Hoàng An cho biết: đến nay, ngoại trừ Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), tất cả các doanh nghiệp viễn thông khác đã ký hợp đồng và thanh toán đủ chi phí thuê cột điện theo đơn giá mới do EVN ban hành. Trong đó, Viettel, FPT, S-phone là các đơn vị mới tham gia kinh doanh viễn thông không được sử dụng miễn phí cột điện nhiều năm như VNPT nhưng đã sẵn sàng đàm phán để tận dụng sử dụng chung hạ tầng cơ sở, giảm chi phí đầu tư cho xã hội. Hiện 60/63 VNPT địa phương đã ký hợp đồng với EVN chỉ còn 3 tỉnh còn lại là VNPT Hải Phòng, An Giang và Cà Mau. Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc VNPT khác như các công ty viễn thông liên tỉnh, công ty điện toán và truyền số liệu, Mobifone... cũng thực hiện ký hợp đồng với EVN. Trong đó, một số địa phương đã thanh toán 100% giá trị hợp đồng theo đơn giá mới như VNPT tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Nam Định, Vĩnh Phúc, Sơn La, Hưng Yên, Hoà Bình, Thái Nguyên và Thanh Hoá. Nhiều VNPT địa phương đã thanh toán từ hơn 80% đến trên 90% giá trị hợp đồng.

Chấn chỉnh bằng sự "hợp lực"

Thực tế triển khai cho thấy nếu chính quyền địa phương và các ngành chức năng không sẵn sàng vào cuộc, không biết đến bao giờ tình trạng treo cáp viễn thông lộn xộn trên cột điện mới được chấn chỉnh để lập lại trật tự mỹ quan đô thị. Hiện EVN đã kiên quyết không cho các doanh nghiệp viễn thông sử dụng cột điện để treo cáp thông tin nếu không đảm bảo an toàn cho các tuyến cột điện. Bên cạnh đó, EVN yêu cầu các đơn vị viễn thông khi treo cáp phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, tuân thủ các quy trình, quy phạm về an toàn điện và phải phù hợp với quy hoạch và mỹ quan đô thị. Mặt khác, các doanh nghiệp treo cáp phải gắn thẻ nhận diện cáp của mình thông qua đó có thể kiểm soát được số lượng cáp treo của từng doanh nghiệp. Đồng thời EVN cử cán bộ ngành điện giám sát chặt chẽ quá trình treo cáp. Trường hợp treo trộm cáp thông tin cần được chính quyền địa phương, các sở, ban ngành có liên quan ra chế tài xử phạt nghiêm minh.

EVN đang nghiên cứu phương án tính đơn giá cho thuê cột điện mới theo số lượng sợi cáp thông tin để báo cáo các Bộ, ngành theo chỉ đạo của Bộ Tài chính nhằm tạo sự công bằng giữa các đơn vị treo ít và treo nhiều cáp. Về phía VNPT đang sở hữu một số lượng lớn hệ thống bể cáp thông tin ngầm tại các thành phố lớn, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có ý kiến chỉ đạo để các doanh nghiệp viễn thông khác cùng được sử dụng hệ thống này nhằm giảm tải cho cột điện. Việc dùng chung hạ tầng các mạng thông tin di động là một xu thế mà nhiều nơi trên thế giới đang tích cực triển khai nhằm giảm chi phí đầu tư. Nếu các doanh nghiệp viễn thông được roaming các mạng di động với nhau sẽ tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông được thuận lợi cũng như tăng cường hệ số sử dụng cơ sở hạ tầng và giảm chi phí đầu tư cho xã hội. Theo số liệu của các doanh nghiệp khi dự thi tuyển cấp phép 3G, tổng vốn đầu tư của 4 doanh nghiệp viễn thông là 33.400 tỷ đồng. Nếu dùng chung hạ tầng thì khả năng có thể tiết kiệm đầu tư ít nhất khoảng 1/3 số vốn trên.

Thiết nghĩ, nếu mọi hành vi làm ảnh hưởng đến các tuyến cáp thông tin đều bị ngăn cấm thì hệ thống cột điện có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng cần được bảo vệ. Vì vậy, Bộ Công Thương cần xây dựng và ban hành quy trình, quy phạm kỹ thuật về việc treo cáp viễn thông trên hệ thống cột điện để các doanh nghiệp viễn thông phải triệt để tuân thủ các quy định kỹ thuật về an toàn điện. Đặc biệt phải có quy trình, thủ tục chặt chẽ về thoả thuận thống nhất phương án kỹ thuật, thiết kế khi treo cáp trên cột điện, bắt buộc các đơn vị phải đeo thẻ cáp để xác định được chủ sở hữu của tuyến cáp thông tin. Mặt khác, Bộ cũng hướng dẫn về chế tài xử lý đối với các đơn vị treo cáp thông tin không có thoả thuận, xây dựng chế tài xử lý các trường hợp treo chộm, hay như các thủ tục pháp lý đối với việc tháo dỡ, xử lý cáp không xác định được chủ sở hữu...; các hình thức xử lý đối với các doanh nghiệp viễn thông không tuân thủ các quy định kỹ thuật, an toàn điện.../.

Mai Phương