Sự kiện

Tiết kiệm để ứng phó với lạm phát và giá xăng dầu tăng cao

Thứ tư, 24/9/2008 | 09:53 GMT+7
“Tiền lương chẳng đủ mua xăng”, câu nói đùa của một nhân viên chi nhánh điện vùng cao nhưng đã phần nào cho thấy những tác động mạnh mẽ của giá xăng dầu tăng cao đến đời sống người lao động ngành Điện sau sự kiện tăng giá xăng dầu vào trung tuần tháng 7 vừa qua.

 Đời sống người lao động ngành Điện ở  vùng cao bị ảnh hưởng nhiều do lạm phát và giá xăng dầu tăng cao

Xăng dầu tăng, tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất và đời sống người lao động

Ông Huỳnh Lin, Giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa cho biết: Trong chu trình vận hành của nhà máy nhiệt điện khí, việc sử dụng dầu để chạy máy thông thường sẽ diễn ra trong trường hợp nguồn khí không ổn định hay áp suất khí thấp. Với mức giá dầu DO chất lượng cao dùng chạy máy tăng hơn 2000 đ/lít (từ 13.984đ lên 16.190đ) trong thời gian qua đã tác động mạnh đến chi phí sản xuất điện tạo gánh nặng bù lỗ cho EVN khi mà giá điện chưa được điều chỉnh. Cũng theo ông Lin thì ở thời điểm hiện tại, khi nguồn khí đồng hành Cửu Long tương đối ổn định (một phần do một số tổ máy của các nhà máy điện khí khác sử dụng nguồn khí Cửu Long đang dừng vận hành để duy tu sửa chữa) thì áp lực phải sử dụng dầu DO để chạy máy không lớn. Nhưng những tháng cuối năm, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, các nhà máy sau khi sửa chữa đi vào vận hành thì nếu có tác động từ nguồn cung cấp khí, áp lực giá dầu tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất.

Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, với hai nhà máy có tổng công suất 1040MW, sản lượng điện chiếm đến 10% sản lượng điện quốc gia, 40% sản lượng điện toàn miền Bắc (trong khi than và dầu đốt lò là hai yếu tố quan trọng nhất trong kết cấu giá thành sản xuất điện), theo giám đốc Nguyễn Khắc Sơn thì giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sản xuất điện của EVN (bởi theo thỏa thuận, phần tăng giá xăng dầu đốt lò và tăng giá vận tải than do biến động giá xăng dầu của Công ty sẽ do EVN chi trả). Ông Sơn cũng cho biết, thời gian qua, trước  biến động của giá cả nguyên vật liệu đầu vào đã có những tác động nhất định đến lợi nhuận của Công ty.

Không chỉ các nhà máy điện chịu tác động của giá xăng dầu tăng cao mà cả các đơn vị phân phối điện cũng cùng cảnh ngộ. “Thực sự khó khăn” là câu nói đầu tiên khi đề cập đến giá xăng dầu tăng của Giám đốc Điện lực Sơn La - Phạm Quang Thái. Không nói ra thì ai cũng biết với các điện lực vùng cao, địa bàn quản lý rộng thì việc chi phí xăng dầu cho vận chuyển vật tư, thiết bị, đi lại của cán bộ, nhân viên nhằm đảm bảo công tác thi công công trình, vận hành an toàn thiết bị, nhanh chóng khắc phục sự cố lưới điện là rất lớn. Giá xăng tăng đồng nghĩa với chi phí sản xuất tăng theo trong khi giá bán điện không đổi, yếu tố này sẽ tác động đến thu nhập của người lao động. Ở góc độ khác, đối với anh em công nhân làm công tác vận hành, thu ngân ở các chi nhánh điện thì giá xăng tăng đã tác động trực tiếp đến đời sống bởi phải tăng chi phí đi lại bằng xe máy cá nhân nhằm đảm đương công việc, trong khi lương không tăng, phụ cấp không tăng.

Biện pháp khắc phục… tiết kiệm tối đa

Đối mặt với thách thức của lạm phát, giá xăng dầu tăng cao, đảm bảo đời sống người lao động ổn định, theo ông Nguyễn Khắc Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại thì biện pháp duy nhất hiện nay là phải tiết kiệm tối đa chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành, điều hành sản xuất và tích cực áp dụng công nghệ tiên tiến. Thời gian qua, căn cứ vào kết quả sản xuất thực hiện hàng ngày được báo cáo trong họp giao ban, lãnh đạo công ty đã chỉ đạo các đơn vị khắc phục nhanh các khiếm khuyết của thiết bị, tăng cường giám sát và điều chỉnh kịp thời đưa ra các thông số vận hành bị sai lệch về giá trị tối ưu. Công tác lập kế hoạch sản xuất phải đi đôi với lập kế hoạch sản lượng điện, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được xác lập trên cơ sở hướng tới tiết giảm tối đa chi phí cho sản xuất mà quan tâm hàng đầu chính là chỉ tiêu than và dầu. Hiện, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại đang tích cực phối hợp với viện nghiên cứu cháy Từ Châu chuẩn bị triển khai dự án thí nghiệm vòi đốt tiết kiệm dầu tăng cường đôi, bộ đốt này đảm bảo cho dầu, than bột cháy nhanh và cháy kiệt ngay trong phạm vi bộ đốt. Quá trình cháy xảy ra mãnh liệt nên dầu và than bột cháy rất kiệt có thể lọc bụi tĩnh điện ngay từ khi đốt lò. Nếu thành công, lượng dầu đốt lò có thể giảm tới 80%.

Với Công ty Nhiệt điện Uông Bí, một chương trình triển khai nhằm hạn chế tác động tăng giá xăng dầu được bắt đầu từ việc tăng cường giám sát và điều chỉnh chế độ cháy của lò luôn ở chế độ tối ưu đảm bảo hiệu suất cao nhất. Bên cạnh đó là tiến hành kiểm tra kho lưu trữ, giảm lượng dầu lưu trữ trên cơ sở vẫn đảm bảo mức an toàn cho nhà máy vận hành hiệu quả. Tiết giảm tối đa chi phí nhằm giảm tác động từ tăng giá xăng dầu đảm bảo đời sống người lao động, thực hiện tốt ca trực an toàn, nâng cao năng suất lao động.

Xoay quanh vấn đề hạn chế tác động tăng giá xăng dầu, ông Dương Quốc Tuân - Trưởng phòng Thi đua tuyên truyền Công ty điện lực Hà Nội chia sẻ: Để hạn chế tối đa chi phí xăng dầu mà vẫn đảm bảo công tác quản lý điều hành, vận hành sản xuất hiệu quả, các buổi họp trực tuyến đã được Công ty triển khai nhằm giảm chi phi đi lại. Cùng với đó là xây dựng các kế hoạch công tác hợp lý trên cơ sở xác định lộ trình để một chuyến xe có thể chở được nhiều đoàn công tác, nhiều đội thi công đến các địa điểm tác nghiệp trên cùng tuyến đường.

Với những biện pháp tiết kiệm trong chi phí sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, các doanh nghiệp ngành Điện đang nỗ lực chung tay với Chính phủ để kiềm chế lạm phát và tìm lời giải cho bài toán tăng giá xăng dầu, tiếp tục đảm bảo đời sống cho người lao động.

Theo TCĐL số 8/2008