Tin mới nhất

EVN: Tiếp tục đổi mới để giữ vững vai trò chủ đạo của nền kinh tế quốc dân

Thứ tư, 14/10/2009 | 16:19 GMT+7

EVN là đơn vị doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên mà Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị tới làm việc về kết quả sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

 

Ảnh: Chinhphu.vn

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 13/10, Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị làm Trưởng đoàn đã  làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhằm kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị TƯ 3, Nghị quyết Hội nghị TƯ 9 (khóa IX) và Nghị quyết Đại hội X của Đảng về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

Trong thời gian tới,  Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị sẽ hướng dẫn các tỉnh ủy, thành ủy, Ban Cán sự đảng của các bộ, ngành, các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước (TCT NN) do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thực hiện tự kiểm tra theo Đề cương kiểm tra; Xây dựng chương trình kiểm tra trực tiếp một số đơn vị; Lựa chọn và xây dựng kế hoạch kiểm tra điểm.

Đoàn sẽ kiểm tra, phát hiện, nhân rộng các điển hình tốt, kịp thời phát hiện các thiếu sót cần bổ sung, nâng cao vai trò các cấp ủy đảng trong chỉ đạo giải quyết các vướng mắc phát sinh trong khi thực hiện Nghị quyết. Từ đó tổng hợp, xây dựng báo cáo trình Bộ Chính trị.

Chuyển biến quan trọng về quản lý và điều hành

Kể từ khi chuyển từ mô hình TCT NN sang hoạt động theo mô hình Tập đoàn (TĐ) kinh tế, EVN có các chuyển biến quan trọng về quản lý, điều hành. Theo ông Đào Văn Hưng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị EVN, về cơ chế điều hành, EVN thực hiện phân cấp mạnh và không trực tiếp can thiệp vào hoạt động của các công ty thành viên  mà định hướng hoạt động của các công ty này thông qua người đại diện phần vốn góp của mình, hạn chế tối đa các can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính.

Việc này đã kích tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và phát huy hết tiềm năng của các đơn vị. Qua đó, góp phần đảm bảo duy trì được tốc độ tăng trưởng cao 14-15%/năm, cơ bản đáp ứng đủ điện cho sản xuất và nhu cầu thiết yếu của nhân dân.

EVN đã chỉ đạo thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết, quyết định trên cũng như các chế độ chính sách trong quá trình sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp NN. Cụ thể, EVN đã xác định giá trị cổ phần hóa (CPH), phương án CPH, sắp xếp và giải quyết các chế độ lao động dôi dư khi CPH, quy chế cử và quản lý người đại diện, ban kiểm soát tại các công ty cổ phần…

Trước giai đoạn chuyển đổi, tính đến ngày 31/12/2001, TCT Điện lực Việt Nam có 49 đơn vị thành viên và trực thuộc bao gồm: 20 đơn vị trực thuộc, 14 công ty thành viên hoạch toán độc lập, 9 Ban quản lý Dự án điện, 6 đơn vị sự nghiệp (với tổng số nhân lực là trên 71.400 người)

Sau khi thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao DNNN từ năm 2002 đến nay, tính đến cuối tháng 6/2009, EVN được cơ cấu thành 71 đơn vị thành viên và trực thuộc bao gồm: 27 đơn vị trực thuộc TĐ (hạch toán phụ thuộc), 8 công ty thành viên hạch toán độc lập chưa chuyển đổi theo Luật Doanh nghiệp, 9 công ty TNHH 1 thành viên do TĐ nắm giữ 100% vốn điều lệ, 22 công ty cổ phần có vốn chi phối của TĐ, 5 đơn vị sự nghiệp, 20 công ty liên kết, (với tổng số nhân lực gần 94.000 người).

Riêng đối với mô hình tổ chức Đảng của các đơn vị thành viên trực thuộc TĐ không có sự biến động, các cấp ủy đảng vẫn giữ được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị; các tổ chức đoàn thể, xã hội vẫn phát huy được vai trò của mình đại diện và mang lại quyền lợi cho các tầng lớp công nhân.

Chủ tịch HĐQT EVN, ông Đào Văn Hưng cho biết thêm, sau 10 năm thực hiện, công tác CPH đã giúp xóa bỏ độc quyền, đa dạng hóa hình thức sở hữu, đầu tư và kinh doanh điện. Huy động các nguồn lực trong xã hội vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện. Huy động được một lượng vốn lớn (gần 2.000 tỷ đồng) của xã hội và các cổ đông bên ngoài tham gia, đồng thời tạo sự minh bạch, khách quan hơn. Đời sống người lao động được cải thiện đáng kể, tăng sự gắn bó của tập thể người lao động các Ban QLDA với công trình (hầu hết ở vùng sâu, vùng xa), qua đó có thể đẩy nhanh quá trình triển khai các dự án để sớm đưa vào vận hành cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thời gian qua, EVN đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống sinh hoạt của nhân dân ở mức tăng trưởng cao, điện thương phẩm năm 2008 đạt trên 65,9 tỷ kWh, tăng trưởng bình quân thời kỳ 1995 – 2008 là 14,6%/năm. Đưa vào vận hành thêm 15 nhà máy điện lớn (tổng công suất trên 6.100 MW). Tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm từ 21,5% năm 1995 xuống 9,21% năm 2008. Tính từ năm 1995 đến nay tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm 12,39%, bình quân mỗi năm giảm được 0,93%, trung bình làm lợi 200 tỷ đồng mỗi năm.

Tính đến 30/6/2009, EVN đã đưa điện về 100% số huyện, trên 97% số xã và gần 95% số hộ nông dân sử dụng điện lưới quốc gia, chỉ tiêu này cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, kể cả các nước có thu nhập đầu người cao hơn nước ta như Indonesia (53%), Ấn Độ (43%), Pakistan (53%)… Từ tháng 6/2008, EVN đã triển khai chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp đến hộ trên toàn quốc.

EVN phải đủ sức giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế quốc dân

Đánh giá những kết quả của EVN sau 7 năm thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN, đa số thành viên trong Đoàn kiểm tra cho rằng, EVN đã tập trung vào việc thực hiện chủ trương này. Theo Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp Phạm Viết Muôn, EVN đã tiến hành sắp xếp tốt, phát triển tương đối mạnh, tuy nhiên đổi mới còn chậm, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, chủ trương sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN của Đảng và Nhà nước là chủ trương đúng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến CPH.  EVN về cơ bản thực hiện nghiêm túc chủ trương này và đã đạt được một số kết quả nhất định.  Vốn của EVN tăng đáng kể; tài sản, đội ngũ công nhân đều lớn mạnh; giải quyết được công ăn việc làm, đời sống công nhân được bảo đảm. EVN vẫn giữ được vai trò chủ lực của ngành điện Việt Nam, chiếm gần 70% thị phần điện cả nước. Bên cạnh đó hệ thống các tổ chức Đảng, đoàn thể, xã hội… đều duy trì ổn định.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng chỉ ra một số nhược điểm mà EVN cần phải khắc phục trong quá trình thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của DNNN. Đó là, EVN  tổ chức quy trình triển khai thực hiện chặt chẽ nhưng vẫn chưa nhanh. Các công ty thành viên vẫn chưa hoàn thành việc sắp xếp lại. Mô hình TĐ đã định hình và đi vào hoạt động nhưng vẫn còn một số vấn đề cần phải giải quyết. Theo Phó Thủ tướng, cần phải tạo ra động lực để tăng năng suất, chất lượng nhằm hiệu quả cao. Trong đó chú ý đến giá điện, các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành điện, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ…

“Sắp xếp và đổi mới không chỉ là đếm số công ty được sắp xếp mà cần phải xem sắp xếp sai hay đúng, nhanh hay chậm, hiệu quả như thế nào. Do đó, cần tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cấp hơn nữa để EVN trở thành TĐ công nghiệp điện đủ sức chi phối, giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế quốc dân, đáp ứng nhu cầu nguồn điện và tạo động lực để thị trường điện phát triển”, Phó Thủ tướng yêu cầu. 

Theo: Cổng TTĐT Chính phủ