Theo Bảng điểm lưới điện thông minh do SP Group công bố, EVNHCMC (đánh dấu sao) xếp thứ 47, đồng hạng với 4 công ty điện lực các nước khác.
Cụ thể, theo kết quả đánh giá lưới điện thông minh năm 2022 của SP Group, EVNHCMC đạt 71,4 điểm, tăng 3,6 điểm so với kết quả đánh giá năm 2021 và bằng điểm với các công ty điện lực Western Power – Úc, Duke Energy - Mỹ, Toronto Hydro – Canada và TNB – Malaysia,.
Với kết quả này, EVN xếp hạng 47/94 công ty điện lực trên thế giới, tăng 6 hạng so với năm 2021. Trong khối ASEAN, EVNHCMC tiếp tục xếp thứ 2, sau Công ty điện lực Singapore (75 điểm, hạng 42/94).
Năm 2022, Công ty điện lực Enedis (Pháp) tiếp tục xếp hạng 1. Trong khu vực châu Á, Công ty Điện lực Đài Loan (TaiPower) tiếp tục đứng đầu và xếp hạng 2 thế giới, Công ty Điện lực Tepco (Nhật Bản) xếp thứ 28, Công ty Điện lực Thượng Hải (Trung Quốc) xếp thứ 31, Công ty Điện lực Kepco (Hàn Quốc) xếp thứ 45.
Bộ chỉ số Lưới điện thông minh - Smart Grid Index (SGI) do Tập đoàn năng lượng Singapore xây dựng và tổ chức đánh giá từ năm 2018. Đến năm 2022, đã có 94 công ty điện lực của 39 quốc gia trên thế giới tham gia, tăng 59 công ty điện lực so với năm 2018. Điều này cho thấy phát triển lưới điện thông minh đang là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các công ty điện lực trên thế giới, đồng thời cũng cho thấy bộ chỉ số SGI do SP Group phát triển đã thể hiện rõ tính minh bạch, hiệu quả, phản ánh đúng mức độ thông minh của lưới điện.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng giám đốc EVNHCMC chia sẻ về lộ trình xây dựng lưới điện thông minh ở EVNHCMC.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Tổng giám đốc EVNHCMC cho biết, dựa trên chuẩn mực quốc tế về lưới điện thông minh, EVNHCMC đã xác định được lộ trình và kế hoạch triển khai phù hợp với hiện trạng lưới điện và nguồn lực cho phép và đạt được những kết quả nổi bật. Đến nay, lưới điện EVNHCMC đã tự động hóa 100% các tuyến trung thế, giúp công tác vận hành hệ thống điện hiệu quả hơn và sẵn sàng chuyển tải nhanh trong vòng 2-3 phút khi xảy ra sự cố điện; đã thay thế, lắp đặt gần 100% công tơ đo xa, giúp ngành Điện và khách hàng có thể giám sát tình hình sử dụng điện hàng ngày; 100% các trạm biến áp 110kV vận hành không người trực, được giám sát và điều khiển từ xa.
Tổng công ty đã xây dựng trung tâm dữ liệu hiện đại; cơ bản số hoá hoàn tất toàn bộ 2 khâu quan trọng là quản lý kỹ thuật và kinh doanh - dịch vụ khách hàng; đưa vào sử dụng hàng loạt các ứng dụng công nghệ thông tin như tự động hoá, quản lý mất điện, quản lý tổn thất điện năng, tổng đài, ứng dụng chăm sóc khách hàng…, qua đó đã xây dựng được cơ sở dữ liệu ngành Điện TP.HCM với quy mô lớn và đầy đủ, ông Nguyễn Văn Thanh cho hay.
Đối với lĩnh vực năng lượng xanh, EVNHCMC đã kết nối và mua điện từ 14.215 hệ thống điện mặt trời mái nhà của khách hàng với tổng công suất đạt 358,677 MWp; sẵn sàng đấu nối và tiếp nhận nguồn điện từ 03 dự án nhà máy đốt rác phát điện (40 MW/nhà máy) sắp xây dựng trên địa bàn TP.HCM. Bên cạnh đó, TP.HCM có 12.000 hộ gia đình đã trang bị máy nước nóng năng lượng mặt trời (tương đương 31 MW và tiết kiệm 16 triệu kWh/năm).
Ngoài ra, trong năm 2022, tổng công ty đã hỗ trợ đảm bảo hạ tầng điện cho khoảng 110 trạm sạc xe điện Vinfast trên địa bàn; trang bị 20 xe máy điện vận hành cho công nhân tại các công ty điện lực trực thuộc (đang tiếp tục phối hợp cải tiến về thiết kế đảm bảo công tác) cũng như ứng dụng mô hình toà nhà xanh (toà nhà Data Center thuộc EVNHCMC).
“Dấu ấn nổi bật trong xây dựng lưới điện thông minh của EVNHCMC là toàn bộ quá trình thiết kế và lắp đặt hệ thống, xây dựng các phần mềm quản lý đều do các kỹ sư EVNHCMC phát triển và vận hành hiệu quả. Qua đó, chất lượng điện năng cung cấp cho khách hàng ngày càng tốt hơn. Cụ thể là chỉ số độ tin cậy cung cấp điện được cải thiện liên tục. Năm 2010, số lần mất điện bình quân 1 khách hàng là 28,85 lần/năm thì năm 2022 đã giảm còn 0,47 lần/năm. Thời gian mất điện bình quân 1 khách hàng năm 2010 là gần 4.000 phút thì đến năm 2022 đã giảm còn 35 phút, ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.
Với kết quả xếp hạng này, EVNHCMC đã hoàn thành sớm 3 năm lộ trình phát triển lưới điện thông minh TPHCM so với mục tiêu đã đề ra. Từ kết quả đánh giá, xếp hạng lưới điện thông minh của SP Group, tổng công ty sẽ xác định được những việc cần làm trong thời gian sắp tới để tiếp tục phát triển lưới điện thông minh TP. HCM, đem lại lợi ích lớn hơn cho khách hàng và góp phần xây dựng đô thị thông minh.
7 cấu phần lưới điện thông minh theo Bộ chỉ số Lưới điện thông minh - Smart Grid Index (SGI) gồm: (1) Giám sát và điều khiển; (2) Phân tích dữ liệu; (3) Độ tin cậy cung cấp điện; (4) Tích hợp nguồn phân tán; (5) Năng lượng xanh; (6) An ninh bảo mật; (7) Trao quyền cho khách hàng và sự hài lòng của khách hàng.
|