Sự kiện

Gập ghềnh cõng nguồn sáng lên non

Thứ năm, 11/2/2010 | 10:08 GMT+7

Do địa chất phức tạp nên móng cột 368 phải đúc trong 3 tháng mới xong, chỉ tính sắt thép đã nặng tới 67 tấn. Tôi nghe mà ù tai. Cái núi này toàn đá tai mèo nhọn hoắt, dựng đứng thế kia, vận chuyển, mang vác nguyên vật liệu bằng cách nào? Đây mới chỉ là cột móng gần đường nhất trong số 600 vị trí móng cột từ Hòa Bình đến Sơn La và từ Sơn La đến Nho Quan.

Tổ giám sát Công trình giao ban tại công trình - Ảnh Chinhphu.vn

Để lại sau lưng mình một Hà Nội rộn ràng không khí tết, nhóm phóng viên chúng tôi – những con người mắc nợ với các tuyến đường dây và nhà máy điện nơi rừng sâu núi thẳm ngược rừng lên Tây Bắc, đến với những người thợ đang thi công công trình thủy điện và tuyến dây tải điện trọng điểm của đất nước: Thủy điện Sơn La và các tuyến đường dây 500KV Sơn La – Hòa Bình và Sơn La- Nho Quan.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là trạm 500KV Hòa Bình - trạm 500KV đầu tiên được xây dựng từ những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước, cùng với tuyến đường dây 500KV Bắc Nam mạch 1 nhận điện từ nhà máy Thủy điện Hòa Bình để phân phối khắp cả nước. Phía dưới kia là nhà máy thủy điện Hòa Bình đang sẵn sàng xả nước để bà con vùng hạ du lấy nước đổ ải.

Nhìn sâu vào khoảng trống của trạm cạnh nhà điều hành thấy một nhóm công nhân đang giăng đèn kết hoa che rạp, ai đó tổ chức đám cưới ở đây? Đoán được sự băn khoăn của tôi - Quang Thắng, cán bộ tuyên truyền của Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia giải thích: Chiều nay Tổng công ty tổ chức Tết cho anh em truyền tải Hòa Bình- những người không về ăn tết với gia đình. Tổng giám đốc Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia Nguyễn Hà Đông cũng có mặt, chung vui cùng cánh thợ.

Giám đốc Công ty truyền tải 1 Phan Văn Cần cho biết, để đón điện nhà máy Thủy điện Sơn La, Chính phủ đã phê duyệt cho Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư xây dựng các tuyến đường dây 500kV từ Sơn La đi Hòa Bình, Sơn La đi Nho Quan.

Như vậy ngoài việc vận hành hệ thống lưới điện từ 220 đến 500KV của miền Bắc, hiện nay công ty đang rải quân trên hơn 600 vị trí móng cột từ Hòa Bình đến Sơn La, Sơn La- Nho Quan để giám sát các đơn vị thi công đúc móng, dựng cột kéo dây.

Ảnh Chinhphu.vn
"Tưởng phải thuê tư vấn giám sát chứ?", một nhà báo hỏi. Giám đốc Cần giãi bày, có thuê đấy nhưng các bạn hãy nhớ khi làm nhà cho mình dẫu đã thuê giám sát vẫn phải để mắt tới từng chi tiết, nếu không sau này sẽ rất khó sửa chữa, hơn nữa ở đây là gần 300km đường dây siêu cao áp với 633 vị trí móng nằm vắt vẻo trên đỉnh núi, có nhiều vị trí nằm sâu trong rừng già, yêu cầu kỹ thuật rất cao, đặc biệt là lúc đúc móng, phải kiểm tra từng mẻ bê tông, cát sỏi cũng phải do một nhà cung cấp được lựa chọn kỹ càng. Rồi công đoạn dựng cột kéo dây, với địa hình hiểm trở, độ dốc lớn nếu không cẩn thận sẽ gây xước dây và đây là điều kỵ nhất trong công tác vận hành sau này.

"Chắc đội ngũ giám sát này phải có trình độ kỹ thuật cao?", tôi tò mò. "Tất nhiên rồi, trên tuyến hiện nay có hơn 200 giám sát viên, họ đều là kỹ sư và thợ bậc cao có chứng chỉ hành nghề giám sát, họ cũng lập lán trại ăn ở tại công trường như bên thi công. Muốn có tư liệu phong phú mời các nhà báo ngày mai vào tuyến, còn bây giờ mời các bạn đón xuân với anh em truyền tải", Giám đốc Cần bày tỏ.

Tiếng cồng chiêng nổi lên, núi rừng Hòa Bình chìm trong màn đêm huyền ảo, cánh thợ truyền tải hát say sưa bên ánh lửa bập bùng, họ hát về mùa xuân, về nỗi nhớ về đường dây của họ mà sao nghe đằm thắm thiết tha. Hôm nay, họ đón xuân để ngày mai vào tuyến và làm việc qua tết mới được thay ca.

Đêm ấy, trời mưa như trút nước. Đây là "cơn mưa vàng" đối với đồng ruộng dưới xuôi đang nứt nẻ mong có nước từng giờ nhưng đối với những người đi tuyến thì quả là tai hại.

Sáng ra, mưa đã ngớt, con đường số 6 dốc cua tay áo, đặc quánh sương mù, cái gạt nước làm việc hết công suất, anh lái xe phải bật đèn sương mù dò dẫm đi. Đến ngã ba Tòng Đậu cách bản Lác 7km là đại bản doanh của tổ tư vấn số 9.

Theo lịch trình chúng tôi sẽ tới vị trí móng 368, vị trí gần đường nhất (cách đường số 6 khoảng 5km) và phải lội bộ cỡ 2km rồi trèo núi tầm 500m mới tới nơi, tại đây người ta đã dựng được 2 phần 3 thân cột.

Kỹ sư tổ trưởng tổ giám sát Trần Hồng Cương cho biết, do địa chất phức tạp nên móng cột này phải đúc trong 3 tháng mới xong, chỉ tính sắt thép đã nặng tới 67 tấn, tôi nghe mà ù tai, cái núi này toàn đá tai mèo nhọn hoắt, dốc dựng đứng thế kia, vận chuyển, mang vác nguyên vật liệu bằng cách nào?

Xi măng đá cát sỏi phải thuê lao động thủ công gùi lên, có nhiều lần phải dùng  ngựa thồ đấy, sắt thép thì bên thi công đã có sáng kiến làm tời đưa lên, Cương giải thích.

"Giám sát thi công giữa rừng sâu núi thẳm này liệu có ai đó mềm lòng cho qua một vài chi tiết cho đỡ mệt?", tôi băn khoăn.

Không đâu chị ơi, Cương trầm giọng, chúng em xác định đường dây này về sau chúng em phải quản lý vận hành, làm cẩn thận hôm nay đỡ khổ ngày mai. Trên toàn tuyến có 633 vị trí móng đều phải được thi công và giám sát chặt chẽ như vậy việc vận hành sau này mới an toàn.

Tết này, Cương cùng cả tổ phải ở lại bám tiến độ, đảm bảo đến tháng 6 đóng điện thông tuyến khi công việc còn nhiều bề bộn.

Tạm biệt các chàng trai truyền tải, chúng tôi lên Sơn La.

Thị trấn Ít Ong giờ đã sầm uất hơn, hàng quán mọc lên như nấm, cái thị trấn sơn cước nhỏ bé của Mường La giờ đang hối hả phục vụ hàng vạn công nhân trên đại công trường Thuỷ điện Sơn La.

Công ty Sông Đà 9 đang làm sạch mặt đập để tiến hành đổ bê tông đầm lăn công trình thủy điện Sơn La - Ảnh Chinhphu.vn

Văn phòng của Ban quản lý dự án khiêm tốn nép mình cạnh công trường. Hoàng Trọng Nam, Phó ban quản lý dự án kiêm Trưởng ban chuẩn bị sản xuất vừa gặp chúng tôi đã khoe: Vừa qua, tranh thủ Hồ Hoà bình chưa xả nước đổ ải, chúng tôi đã vận chuyển thành công  một lô hàng thiết bị siêu nặng trong đó có máy biến áp nặng 282 tấn bằng đường thuỷ.

Chúng tôi chưa kịp đặt câu hỏi, anh đã đưa cho mỗi nhà báo một bản báo cáo dày cộp. "Các anh chị đi đường chắc đã thấm mệt, sắp tối rồi nghỉ ngơi và tranh thủ đọc bản tài liệu này, sáng mai ra công trường tha hồ ghi hình phỏng vấn những người đang trực tiếp làm nên công trình thế kỷ". Lại một chiêu " trốn" các nhà báo đây, tôi nghĩ !

Cửa chặn rác nhà máy Thủy điện Sơn La - Ảnh Chinhphu.vn
Sáng hôm sau, trời vẫn đổ mưa, người già Mường La nói rằng đã 4 tháng ông trời mới cho nước. Công trường lầy lội, chúng tôi đội áo mưa đến nơi mà tháng 5 này sẽ nút cống nắn dòng.

Tôi đang đứng giữa một con đập đã hình thành với độ cao 146m, nhiều nhóm thợ của Công ty Sông Đà 9 đang vớt bùn làm sạch bề mặt đập để cho những chiếc xe ben thực hiện công đoạn đổ bê tông đầm lăn. Mỗi ngày đơn vị thi công phải đổ được 5.000m3, có ngày cao điểm đã đổ tới 8.000m3. Cao trình của con đập này là 228m. Khi nhà máy vào vận hành chỗ tôi đang đứng sẽ chìm trong đất đá.

Tôi chợt nhớ câu thơ của ai đó viết về nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình:

Tuổi trẻ của anh bê tông cùng sắt thép

Sẽ chìm sâu trong bùn tối vĩnh hằng.

Và tôi tin rằng, tháng 12 năm nay tổ máy số 1 sẽ được đưa vào vận hành – Sơn La sẽ không lỗi hẹn.

Bạn đọc thân mến, khi bài viết này tới bạn đọc, tôi nhận được tin từ Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, các đơn vị thi công đã đúc xong 633 vị trí móng và dựng được hơn 600 cột, như vậy đường dây 500kV Sơn La Hoà Bình, Sơn La - Nho Quan sẽ hoàn thành đúng tiến độ và sẵn sàng tải điện từ nhà máy thuỷ điện Sơn La.

Những ngày giáp Tết Canh Dần

Theo: (Chinhphu.vn)