Sự kiện

Giá điện giờ cao điểm sáng - Tại sao không?

Thứ ba, 12/5/2009 | 09:58 GMT+7
Thực tế sau khi áp dụng thêm giá điện cao điểm vào 2 tiếng buổi sáng (9h30 - 11h30) từ 1/3/2009, biểu đồ phụ tải ngày đêm trong tháng 3 có những cải thiện rõ rệt. Chênh lệch giữa cao điểm sáng và cao điểm chiều chỉ vào khoảng 100 - 200 MW thay vì 500 - 600 MW như trước kia.

Doanh nghiệp cần có giải pháp tiết giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm cả sáng và tối để giảm chi phí sản xuất.
Tránh đầu tư lãng phí

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu: Từ năm 2007 đến nay, nhu cầu điện cho sản xuất cả nước đã tăng với tốc độ rất cao, chiếm 50% tổng sản lượng điện. Do đó, giờ cao điểm đã không chỉ tập trung vào buổi tối (từ 17h - 20h) mà đã xuất hiện thêm 2 tiếng cao điểm ban ngày (từ 9h30 - 11h30). Hiện nay, công suất điện giờ thấp điểm trên hệ thống vào khoảng 7.000 MW, trong khi công suất giờ cao điểm khoảng 11.500 MW, thậm chí cao hơn vào mùa hè. Vào các giờ cao điểm, để đảm bảo đủ công suất, hệ thống phải huy động các nhà máy điện tuabin khí chạy dầu hoặc nhiệt điện đốt dầu có giá phát điện rất cao. Vì vậy, giá phát điện của hệ thống sẽ là cao nhất vào giờ cao điểm.

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, ông Ðặng Huy Cường – Giám đốc Trung tâm Ðiều độ HTÐ Quốc gia cho biết: Việc tính giá điện theo giờ cao điểm, thấp điểm trong ngày đã được các nước thực hiện từ lâu. Ðối với nước ta, việc tồn tại cao điểm sáng và cao điểm tối là một thực tế cần phải quan tâm đúng mức. Ngoài việc gây khó khăn trong vận hành, để cung ứng điện cho giờ cao điểm từ tháng 2 đến tháng 11 hằng năm, đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư từ 500 - 600 MW nguồn điện chỉ để sử dụng trong khoảng từ 15 - 30 phút (chi phí cho 1 kWh vào phụ tải đỉnh là 5.770 - 8.000 VNÐ/kWh (nếu chạy bằng diezel). Ðây là sự lãng phí lớn trong bối cảnh kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn. Do vậy, việc áp dụng cơ chế giá điện giờ cao điểm sáng bên cạnh cao điểm tối là hoàn toàn đúng đắn, nhằm khuyến khích khách hàng tiêu thụ điện tránh sử dụng vào giờ cao điểm để giảm bớt áp lực đầu tư cho các nguồn điện chạy phủ đỉnh trong tương lai. Ðồng thời, đó cũng là một trong những giải pháp thực hiện chính sách của Chính phủ về chuyển đổi ngành Ðiện sang hoạt động theo cơ chế thị trường, giá điện phản ánh đúng chi phí thực tế sản xuất kinh doanh điện, xóa bỏ bao cấp cho sản xuất thông qua giá điện.

Chủ động tiết kiệm

Theo tính toán của Bộ Công Thương, với việc áp dụng giá điện cao điểm sáng và giảm số giờ áp dụng giá điện cao điểm tối như quy định trong Thông tư 05/2009/TT-BCT, chi phí tiền điện tăng thêm cho doanh nghiệp so với áp dụng giá điện giờ cao điểm cũ (không tính phần tăng giá điện các giờ khác theo cách tính giá điện mới từ 1/3/2009) sẽ là: Với doanh nghiệp sản xuất 3 ca (7 ngày 1 tuần), chi phí tiền điện tăng thêm khoảng 1%; doanh nghiệp sản xuất 2 ca (từ 6h đến 22h), 6 ngày 1 tuần, chi phí tiền điện tăng thêm khoảng 4,6%; doanh nghiệp sản xuất 1 ca, mở rộng (từ 7h đến 17h), 6 ngày 1 tuần, chi phí tăng thêm là 18%. Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho rằng: Các doanh nghiệp sản xuất 1 ca đa số là cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, mua điện từ cấp điện áp trung thế 22 kV trở xuống, nên không bị tác động cao như các doanh nghiệp hoạt động 2 - 3 ca và 7 ngày/tuần.

Lý giải các phản ánh, kiến nghị về việc xem xét điều chỉnh lại việc áp dụng thời gian cao điểm sáng nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho rằng: Sở dĩ doanh nghiệp có phản ứng như vậy, một phần vì chưa quen với việc có giờ cao điểm sáng, phần khác là do lần tăng giá điện này diễn ra trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Ðể có cơ sở gỡ khó cho doanh nghiệp, vừa qua, Cục Ðiều tiết Ðiện lực (Bộ Công Thương) đã tiến hành kiểm tra việc áp dụng giá điện giờ cao điểm tại một số doanh nghiệp ở 3 địa phương gồm Hà Nội, Long An và Tiền Giang. Ðây là 3 tỉnh thành có nhiều doanh nghiệp phản ánh khó khăn nhất. Theo kết quả công bố, chi phí tiền điện phải trả thêm khi áp dụng giá bán mới của các doanh nghiệp trong tháng 3 tăng khoảng 2,26 - 22,6%. Tuy nhiên, mức ảnh hưởng của giá điện giờ cao điểm sáng là không đáng kể, trung bình 0,04 – 0,76%. Ðơn vị cao nhất cũng chỉ lên tới 3,4%. Như vậy là thấp hơn nhiều so với con số 20 – 40% mà doanh nghiệp “kêu” với các cơ quan thông tin đại chúng. Theo Cục Ðiều tiết Ðiện lực, tất cả các doanh nghiệp được kiểm tra đều tạm tính chi phí tiền điện phải trả tăng thêm dựa vào sản lượng điện tiêu thụ của các tháng trước hoặc năm 2008 chứ không phải là chi phí thực tế. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể sắp xếp lại thời gian sản xuất để tiết kiệm chi phí tiền điện hơn. Do thời gian triển khai giá điện mới chưa lâu, các doanh nghiệp vẫn đang sắp xếp lại sản xuất, nên Cục Ðiều tiết Ðiện lực cần có thêm thời gian để đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của cơ chế giá điện giờ cao điểm. Vì vậy, Cục cũng chưa có kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài việc khẳng định việc áp dụng giá điện giờ cao điểm ngày là rất bức thiết, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu còn nhấn mạnh: Các giải pháp tháo gỡ khó khăn (nếu có) cũng phải được cân nhắc kỹ nhằm không làm sai lệch mục đích cuối cùng là đưa ngành Ðiện hoạt động theo cơ chế thị trường, xóa bỏ bao cấp thông qua giá điện và đảm bảo an ninh cung cấp điện của hệ thống. Vì vậy, bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp giảm phụ tải không thiết yếu vào giờ cao điểm để một mặt góp phần hạn chế nhu cầu phụ tải hệ thống điện vào giờ cao điểm, mặt khác giảm chi phí tiền điện trong giá thành sản phẩm, mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp.

Theo Tạp chí Điện lực