Sự kiện

Phụ nữ ngành Điện Việt Nam: Những dấu ấn không thể phai mờ

Thứ tư, 22/4/2009 | 09:51 GMT+7

Những ngày đầu chuẩn bị tiếp quản Thủ đô Hà Nội (10/10/1954), cùng với người dân cả nước, phụ nữ ngành Ðiện đã góp phần không nhỏ cùng anh em công nhân đấu tranh để giành lại từng tấn than, cỗ máy; từng kWh điện để phục vụ công cuộc giải phóng Thủ đô, giải phóng hoàn toàn miền Bắc khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp (1954). Có những chị đã bất chấp roi vọt và họng súng của quân thù, mang đơn đấu tranh của công nhân gửi đến bọn chủ Nhà Ðèn, đòi phải có than để sản xuất điện, đòi không được mang máy móc đi Nam, đòi phải có điện, có nước, có cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho đồng bào, đồng chí…

 

Trinh sát viên Lê Thị Huê - thợ điện bậc 3/7 đã bắt mục tiêu chính xác, truyền lệnh kịp thời để đồng đội  bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội

Trong những năm tháng khôi phục sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, nhiều chị em đã không nề hà gian nan vất vả, vật lộn với  bao khó khăn, thiếu thốn của thời kỳ đầu sau tiếp quản (1954 – 1955), nhiều chị em đã tình nguyện xuống xưởng hỗ trợ xúc than, xúc xỉ, giải phóng mặt bằng để mở rộng nhà xưởng phục vụ phát triển sản xuất và phân phối điện năng cho đất nước. Khi máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, hệ thống điện bị tàn phá, nhiều chị em đã vừa sản xuất, vừa sẵn sàng trực ban, trực chiến để bảo vệ dòng điện (ảnh 1 & 2).

Qua nhiều thế hệ, ngành Ðiện có những tấm gương nữ CBCNV-LÐ điển hình - những người đã bằng mồ hôi, máu và nước mắt của mình tạo nên những dấu ấn không thể phai mờ trong mọi lĩnh vực. Trong đó, có chị Trần Thị Xuân Thái, tập kết ra Bắc năm 1954, là công nhân sửa chữa và thí nghiệm các thiết bị điện. Chị là nòng cốt trong lực lượng tự vệ của Nhà máy điện Yên Phụ. Khi giải phóng miền Nam, chị được điều về làm Trưởng phòng thí nghiệm Nhà máy điện Chợ Quán. Tại đây, chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người thợ điện trong những năm đầu tiếp quản miền Nam đầy gian nan, thử thách.

 Ðội tự vệ Nhà máy điện Vinh (Nghệ An) đang chỉnh đốn đội ngũ để đến các vị trí trực chiến (1967)

Chị Bích Thuỷ, từng là nữ sinh của trường Trưng Vương (Hà Nội), khi tốt nghiệp Ðại học Bách Khoa, chị được phân công về làm công nhân quản lý kỹ thuật ở Nhà máy Nhiệt điện Việt Trì. Chị đã gắn bó và có nhiều kỷ niệm sâu sắc với nhà máy điện ở vùng trung du đầy khó khăn, gian khổ này. Suốt những năm tháng chiến tranh, chị đã cùng đồng đội bám sát Nhà máy để sản xuất, bất chấp bom đạn của kẻ thù, giữ vững dòng điện trong mọi tình huống. Sau đó, chị được về lại nơi chôn rau cắt rốn, “trấn ải” mặt trận sản xuất kinh doanh điện năng với cương vị Phó giám đốc Sở Ðiện lực Hà Nội (nay là Công ty Ðiện lực Hà Nội), rồi về làm Trưởng phòng Giám sát điện năng Công ty Ðiện lực 1. Chị Nguyễn Kim Nguyệt cũng đã một thời cầm súng, hành quân trên các nẻo đường chống Pháp. Khi rời quân ngũ, về công tác ở ngành Ðiện (1959), chị từng là Trưởng phòng kinh doanh Công ty Ðiện lực miền Bắc (nay là Công ty Ðiện lực 1).

Ở các đơn vị truyền tải điện (TTÐ), giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới (1986 – 1995) còn có 4 “nữ tướng” nổi tiếng rất tinh thông, sắc sảo về kỹ thuật, có nhiều kinh nghiệm chỉ huy sản xuất và quản lý vận hành lưới điện cao áp. Các trạm 220 kV Hà Ðông, Ðồng Hoà (Hải Phòng), Ninh Bình… từng là những trạm kiểu mẫu về vận hành an toàn, môi trường xanh - sạch - đẹp: Chị Kim Dung - người Trạm trưởng Trạm 220 kV Hà Ðông (trước đây thường gọi là Trạm Ba La) là nữ kỹ sư đầu tiên của Sở Truyền tải 1 (nay là Công ty TTÐ1); Trạm 220 kV Ðồng Hoà có kỹ sư, Trạm trưởng Nguyễn Thị Mai; Trạm 220 kV Ninh Bình có kỹ sư Hồ Thị Hồng - Trạm trưởng (1993). Còn ở Công ty TTÐ4 có kỹ sư Hồ Thị Bích Phượng. Chị Bích Phượng quê gốc ở xứ Nghệ anh hùng, khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị khủng bố trắng (1930 – 1931), gia đình chị chuyển vào miền Nam, tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1954, tập kết ra Bắc, chị Phượng được vào học ở trường miền Nam số 6 Hải Phòng. Khi tốt nghiệp Ðại học Bách Khoa (Khoa phát dẫn điện), chị tình nguyện về lại thành phố Hoa phượng đỏ, nơi tuổi trẻ đầy kỷ niệm thơ mộng của chị, rồi lập nghiệp và xây dựng gia đình ở đó. Chị là một trong những nữ kỹ sư đầu tiên của Ðiện lực Hải Phòng. Thời chống Mỹ, Trạm 110 kV An Lạc (Hải Phòng) có câu chuyện nghe như huyền thoại : Chị Phượng và 8 cô gái ở trạm này bình thường là những công nhân, kỹ sư vận hành và quản lý các thiết bị điện. Các chị cũng đi ca, cũng mắc dây, đặt điện thành thạo như nam giới, khi rảnh rỗi, lại tranh thủ nghiên cứu, học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, tay nghề do chị Bích Phượng hướng dẫn. Lúc có chiến sự, các cô gái này là lực lượng tự vệ chiến đấu, sẵn sàng nhả đạn khi  quân thù đến đánh phá nguồn điện, lưới điện Hải Phòng. Có lần, một khẩu đội pháo cao xạ bị bom Mỹ đánh trúng, các chị đã xông vào trận địa, thay thế những pháo thủ đã hy sinh, chiến đấu quyết liệt với kẻ thù. Số chị em còn lại đã tham gia vác đạn, cứu tải thương hoặc khâm niệm những chiến sỹ đã hy sinh. 8 cô gái dũng cảm, đảm đang của Trạm 110 kV An Lạc đã để lại dấu ấn anh hùng bất tử cho các thế hệ ngành Ðiện hôm nay và mai sau. Ðó cũng là những ấn tượng không phai mờ trong tâm trí của chị Phượng - ngay cả sau khi về tiếp quản điện lực ở miền Nam (sau ngày 30/4/1975). Khi nhận nhiệm vụ Giám đốc Công ty TTÐ4, chị tiếp tục cùng các đồng nghiệp xông pha, lăn lộn khắp các nẻo đường gập ghềnh đến các trạm TTÐ phía Nam để chỉ đạo, điều hành công việc chuyên môn, nhất là những khi sự cố phức tạp xảy ra trên lưới điện…      

Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Ðông Anh có chị Nguyễn Thị Nguyệt – Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Là một kỹ sư cơ khí điện lực, chị đã kinh qua nhiều lĩnh vực công tác trong ngành Ðiện. Chị luôn trăn trở: Phải làm gì để chế tạo được máy biến áp 25 MVA – 110 kV. Và khi đã cho ra đời MBA 110 kV rồi, chị tiếp tục nghiên cứu chế tạo thành công và đưa vào sản xuất MBA 220 kV – 125 MVA. Loại máy này giá thành rẻ, chất lượng tốt không kém thiết bị ngoại nhập. Là một nhà khoa học nữ tài năng, sáng tạo, chị luôn mong muốn tạo ra những sản phẩm có ích phục vụ phát triển ngành Ðiện.

Không thể kể hết những tấm gương nữ CBCNVC-LÐ ngành Ðiện đã, đang và vẫn âm thầm, lặng lẽ ghi những dấu ấn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Ðiện lực Việt Nam. Trên đây chỉ là những phụ nữ tiêu biểu đại diện cho “phái đẹp” của ngành Ðiện vừa đảm đang, dũng cảm, vừa tài giỏi, trong các lĩnh vực: Sản xuất – truyền tải - kinh doanh điện năng và chiến đấu bảo vệ dòng điện của Tổ quốc. Dấu ấn của các chị luôn là niềm tự hào của các thế hệ ngành Ðiện Việt Nam hôm nay và mai sau.

Theo TCĐL số 3/2009