Sự kiện

Triển khai Dự án Nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam: Thuận lợi hơn khi có Luật

Thứ năm, 16/4/2009 | 09:55 GMT+7
Một trong những khó khăn lớn nhất của việc triển khai xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước ta là Việt Nam chưa có tiền lệ, Luật Năng lượng nguyên tử (NLNT) mới được xây dựng và bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2009. Theo  các chuyên gia, vì lý do đó trong quá trình áp dụng Luật chắc chắn sẽ còn nhiều vướng mắc và sẽ phải từng bước sửa đổi. Tuy nhiên, với nhu cầu bức thiết về việc cần phải có nguồn điện sạch, rẻ, an toàn và ổn định cho tương lai, thì sự ra đời kịp thời của Luật NLNT là hành lang pháp lý vững chắc và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai Dự án.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu điện sản xuất ở Việt Nam đến năm 2020 vào khoảng 294 tỷ kWh và đến năm 2030 khoảng 562 tỷ kWh. Trong khi đó, khả năng cung cấp nhiên liệu từ các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện năng chỉ đáp ứng được khoảng 230 tỷ kWh vào năm 2020 và 293 tỷ kWh vào năm 2030. Có nhiều chuyên gia năng lượng cho rằng, khoảng năm 2015 Việt Nam sẽ chuyển từ nước xuất khẩu sang nhập khẩu các nguồn năng lượng, đặc biệt là phải nhập khẩu nhiên liệu để sản xuất điện. Vì vậy, điện hạt nhân sẽ trở thành một trong các nguồn cung cấp điện năng chủ yếu giúp giải quyết tình trạng thiếu điện trước mắt và tăng cường an ninh năng lượng quốc gia về lâu dài.

Ðiện hạt nhân (ÐHN) là giải pháp không chỉ cung cấp điện giá thấp (chỉ bằng khoảng 60 - 65% so với các giải pháp khác) mà còn hạn chế tác động về môi trường. Các nhà máy điện hạt nhân có ưu điểm là hoạt động hầu như liên tục, có khi 2 năm mới phải dừng để thay nhiên liệu, trong khi thủy điện có thể phải dừng hoặc giảm công suất hoạt động vào mùa khô. Ðồng thời, công suất của nhà máy điện hạt nhân cũng rất lớn. Vì vậy, việc phát triển điện hạt nhân được các quốc gia trên thế giới rất quan tâm. Nhà máy điện hạt nhân (NMÐHN) được xây tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tính đến giữa năm 2008, ở Mỹ có 32 nhà máy, Nga có 7 NMÐHN, Trung Quốc có 6 NMÐHN, Hàn Quốc có 4 NMÐHN... Tại Việt Nam, Dự án Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên do Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam làm chủ đầu tư sẽ gồm 2 nhà máy đặt tại tỉnh Ninh Thuận, mỗi nhà máy có công suất 2.000 MW, với 2 tổ máy. Dự kiến, đến năm 2020, tổ máy đầu tiên được đưa vào vận hành sẽ cung cấp khoảng 1% tổng lượng điện tiêu thụ trong cả nước và đến khi hoàn thành toàn bộ, 2 nhà máy này sẽ cung cấp lượng điện tăng dần, từ 6% tổng lượng điện cả nước vào năm 2030 lên 20 - 25% vào năm 2050.

Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam nên mọi công tác liên quan đến Dự án đều phải rất cẩn trọng, tuân theo những quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn và môi trường của nhà máy. EVN đã giao cho Ban Chuẩn bị đầu tư Dự án Ðiện hạt nhân và Năng lượng tái tạo (NRPB) đại diện EVN quản lý, điều hành toàn bộ công tác triển khai Dự án, thực hiện các chỉ đạo của Bộ Công Thương và Hội đồng Thẩm định Nhà nước về việc triển khai các công việc cụ thể như: Ðánh giá và lựa chọn địa điểm xây dựng các NMÐHN, quy hoạch địa điểm xây dựng các NMÐHN, quy hoạch phát triển Ðiện hạt nhân ở Việt Nam, báo cáo đầu tư Dự án NMÐHN Ninh Thuận 1 và 2, báo cáo đánh giá tác động môi trường các địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải, chuẩn bị nguồn nhân lực… Triển khai công tác tuyên truyền cho Dự án, NRPB đã tiến hành nhiều cuộc hội thảo, triển lãm để cung cấp  thông tin về sự cần thiết của điện hạt nhân, dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân, các công nghệ lò phản ứng hạt nhân trên thế giới… từ đó, giúp công chúng có cái nhìn khái quát nhất về dự án này. Thành công của công tác tuyên truyền chính là sự ủng hộ của dự luận đối với việc triển khai dự án. Hiện, Dự án đã được thực hiện đến giai đoạn thẩm định báo cáo đầu tư. Sau khi Quốc hội thông qua vào tháng 5/2009 thì sẽ lập dự án đầu tư. Giai đoạn này dự kiến kéo dài 2 năm, sau đó tiến hành đấu thầu quốc tế hoặc chỉ định thầu và đảm bảo tiến độ đến năm 2015 có thể khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Có một điểm rất thuận lợi cho việc triển khai Dự án là Luật Năng lượng Nguyên tử của nước ta có hiệu lực từ ngày 01/01/2009, vừa tạo hành lang pháp lý, đồng thời đưa công tác quản lý giám sát của Nhà nước về an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân lên một mức cao hơn, trách nhiệm của các đơn vị triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử và các cơ quan quản lý Nhà nước được xác định rõ ràng và cụ thể hơn. Hiện tại, các cơ quan liên quan đang khẩn trương hoàn thành việc soạn thảo một số nghị định và văn bản dưới luật để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó có Nghị định riêng về ÐHN. Ðể Luật được triển khai nhanh vào thực tế, ngay khi Luật có hiệu lực, EVN đã chỉ đạo phổ biến văn bản Luật đến các cán bộ công nhân viên của NRPB, các hoạt động phải chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của các cấp trên. NRPB chính là đầu mối của EVN tham gia cùng với các cơ quan nhà nước có chức năng pháp quy hạt nhân soạn thảo các nghị định, văn bản dưới luật; thường xuyên liên hệ chặt chẽ với các bên liên quan để đề xuất với cơ quan hữu quan phương hướng giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án ÐHN cũng như thực thi Luật Năng lượng nguyên tử.

Thực tế, trong bối cảnh điện hạt nhân đang trở thành giải pháp thích hợp để thế giới giải quyết khủng hoảng về năng lượng và giảm tải phát thải khí ô nhiễm thì việc triển khai xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam là hợp lý. Cùng với những mục tiêu như đảm bảo an toàn, an ninh trong các hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử; quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử như phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân… thì Luật NLNT ra đời cũng không nằm ngoài mục đích đưa các hoạt động của Dự án NMÐHN vào khuôn khổ pháp lý, tạo cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện thuận lợi hơn, đáp ứng mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia. Chẳng hạn, Luật quy định rất rõ ràng về những điều kiện và trình tự để một đơn vị đăng ký xin cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử. Hoặc đối với Nhà máy điện hạt nhân, Luật có những quy định cụ thể từ công tác lập dự án, thông tin đại chúng… đến quá trình xây dựng và đưa nhà máy vào vận hành…, từ đó công tác triển khai Dự án NMDDHN sẽ theo từng quy định cụ thể để tiến hành một các nhanh chóng. Hy vọng, Dự án NMÐHN Ninh Thuận sẽ được triển khai theo đúng tiến độ để sớm hòa vào hệ thống lưới điện, đồng thời khẳng định được một bước phát triển của ngành năng lượng nước nhà.

Một số thông tin về Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

* Nhà máy Ðiện hạt nhân Ninh Thuận 1:

- Nằm ven biển xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

- Tổng diện tích kỹ thuật toàn nhà máy: 161 ha.

- Khu vực cách ly an toàn nhà máy bán kính 1km từ hàng rào trên đất liền: 379 ha.

- Diện tích mặt nước ngoài biển: 310 ha.

- Các tổ máy sẽ được vận hành thương mại lần lượt vào các năm 2020 và 2021

* Nhà máy Ðiện hạt nhân Ninh Thuận 2:

- Nằm ven biển tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận

- Tổng diện tích kỹ thuật toàn nhà máy: 155 ha

- Khu vực cách ly an toàn: 401 ha.

- Các tổ máy sẽ được vận hành thương mại lần lượt vào các năm 2021 và 2022.

Theo TCĐL số 3/2009