Sự kiện

Việt Nam có thể đảm bảo 100% nhu cầu điện từ năng lượng tái tạo

Thứ hai, 27/4/2009 | 09:44 GMT+7
Đây là chủ đề sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị về Năng lượng tái tạo tổ chức vào ngày 8/5 tới tại Hà Nội với sự tham gia của các đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có những tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản, Canada, Liên minh châu Âu...

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn của phóng viên báo Kinh tế Việt Nam với tiến sĩ Hoàng Văn Huấn (TS.HVH) - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (HHDNĐTNN) – xung quanh vấn đề này.

Thưa ông nguyên nhân nào khiến các doanh nước ngoài lại quan tâm đến vấn đề năng lượng tái tạo ở Việt Nam? Và xin ông cho biết động lực nào  để HHDNĐTNN tổ chức Hội nghị về Năng lượng tái tạo vào ngày 8/5 tới?

Ông Hoàng Văn Huấn
Với sự ưu đãi về điều kiện thiên nhiên và thổ nhưỡng, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khả năng tiềm tàng cho năng lượng tái tạo. Về bức xạ mặt trời, Việt Nam có đến 2000 đến 2500 giờ nắng/năm, với lượng bức xạ mặt trời 150 Cal/cm2/ năm. Đây là một nguồn năng lượng khá dồi dào mà không phải ở đâu cũng có được. Về gió, khu vực miền Trung, nhất là vùng Ninh Thuận, Bình Thuận hay ở khu vực hải đảo có tốc độ gió trung bình 4m/s, ở độ cao 12m có thể lắp đặt các tuabin gió. Về điện địa nhiệt có hơn 300 nguồn nước khoáng nóng có nhiệt độ từ 30 – 1050 oC ở Tây Bắc và Trung bộ. Người ta dự tính đến năm 2025 sẽ sản xuất ra được 200 – 400 MW điện. Ở đây tôi xin nhắc lại lời của ông Roman Ritter, một chuyên gia về năng lượng tái tạo là “Việt Nam có thể đảm bảo 100% điện từ năng lượng tái tạo”. Nếu được quan tâm đầu tư tốt, khi đó, Việt Nam không phải sử dụng đến than, dầu mỏ cũng vẫn đủ nguồn điện để phục vụ các nhu cầu của xã hội.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong số 14 nước trên thế giới giàu tiềm năng thuỷ điện nhất. Việt Nam đã xây dựng nhiều nhà máy thuỷ điện lớn và nhỏ. Tuy vậy, còn rất nhiều điểm có thể xây dựng thuỷ điện nhỏ, nhưng đến nay việc khai thác này vẫn hạn chế. Chưa kể, với những nguồn nguyên liệu khác, như phế thải đồ gỗ, rác thải… ở Việt Nam cũng có rất nhiều, nhưng chúng ta vẫn chưa tận dụng được bao nhiêu. Còn về lâu dài, với trên 300km bờ biển, Việt Nam hoàn toàn có thể thu gom sóng để phục vụ cho năng lượng tái tạo.

Trên thế giới hiện có 43 quốc gia có chương trình phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có những nước phát triển như Mỹ, Đức, Thụy Điển…

Nguồn dầu mỏ và than đá đang cạn kiệt dần và những phát thải từ việc sử dụng chúng đang gây tai hoạ cho con người ngày càng nghiêm trọng. Chúng ta cần phải quan tâm đến những vấn đề liên quan đến khủng hoảng dầu mỏ và than đá trong tương lai, liên quan đến môi trường sinh thái của hàng tỷ con người. Thế giới đang tính đến các bài toán khắc phục hậu quả này, trong đó có một giải pháp khá quan trọng là sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.

Ông có thể cho biết cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư đối với các dự án năng lượng tái tạo hiện nay ở nước ta?

Ngày 2/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 130/2007/QĐ – TTg quy định một số cơ chế chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch (CDM). Theo quyết định này, nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài được quyền đầu tư vốn, công nghệ để xây dựng dự án CDM tại Việt Nam và được hưởng ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, khấu hao tài sản cố định, tín dụng đầu tư của nhà nước. Trong đó đáng chú ý về thuế thu nhập doanh nghiệp, dự án CDM được áp dụng như dự án đặc biệt ưu đãi đầu tư, được miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất như dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư; sản phẩm CDM được trợ giá từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Tuy nhiên trong những dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo vẫn còn khá khiêm tốn?

Để đầu tư cho các dự án này thường tốn kém hơn so với một số hoạt động khác. Ví dụ, để có 1kw điện mất 1.000 USD than hoặc dầu, trong khi đó để làm điện gió chẳng hạn có thể phải mất từ 1.500 USD hoặc 2.000 USD. Nhưng thực tế người ta chưa tính đến mức độ ô nhiễm môi trường, sự hao hụt về tài nguyên, việc xử lý khí CO2… khi sử dụng than, dầu. Hiện nay chúng ta chưa tính đến điều này, nhưng trên thế giới họ đã quan tâm từ lâu.

Do đó, giai đoạn đầu các nhà đầu tư thường phải chi phí cao hơn rất nhiều so với việc sử dụng than, dầu. Nhưng về lâu dài thì việc sử dụng năng lượng tái tạo rất hiệu quả, đó không chỉ tận dụng được những tiềm năng, lợi thế sẵn có, trực tiếp giải quyết  sự thiếu hụt của lượng điện hiện nay mà còn vì nó có thể tiết kiệm được nguồn tài nguyên dầu mỏ, than đá và làm sạch môi trường. Chính vậy để thực hiện được vấn đề này các doanh nghiệp rất cần đến sự hỗ trợ, quan tâm ở tầm vĩ mô từ phía Nhà nước.

Vậy theo ông để khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, chúng ta cần phải làm gì?

Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Tập đoàn Điện lực – nơi được giao nhiệm vụ sản xuất về năng lượng phải có cách tiếp cận mới, giống như các nước tiên tiến. Đối với cơ chế chính sách, thì trong Quyết định 130 cũng đã đề ra những hình thức ưu đãi như thuế, đất đai…, theo tôi nghĩ thì quy định như vậy vẫn chưa đủ. Nhưng thực tế cũng không dễ dàng vì lực của ta còn yếu.

Việc chúng tôi hợp tác với Công ty KV VENTI (một doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo của Séc đã có mặt ở Việt Nam từ 2 năm trước) tổ chức hội nghị này cũng là nhằm góp phần tạo sự chú ý và thu hút các nhà đầu tư khác, đồng thời từng bước làm thay đổi nhận thức để vấn đề năng lượng tái tạo cũng như các tiềm năng sẵn có của Việt Nam ngày càng được quan tâm hơn. Chúng ta lo lắng về tình hình kinh tế hiện nay, nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta không triển khai các dự án cho tương lai, nhất là những dự án liên quan đến sự sống còn của nhân loại.

Xin cám ơn ông!

Chí Trung thực hiện

Theo Kinh tế VN