Sự kiện

Ðiện lực Hà Nội trưởng thành theo lời dạy của Bác

Thứ hai, 20/4/2009 | 13:51 GMT+7
Sau ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954), Bác Hồ đến thăm cán bộ, công nhân viên Nhà máy đèn Bờ Hồ (tiền thân của Công ty Ðiện lực TP Hà Nội). 55 năm qua, những tình cảm thiêng liêng và lời dặn dò của Bác luôn được lớp lớp các thế hệ ngành điện Hà Nội khắc ghi, là động lực giúp họ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

55 năm qua, lớp lớp thợ điện Thủ đô theo lời dạy của Bác đã nỗ lực không ngừng để phát triển nguồn sáng của Hà Nội. Ảnh:Ngọc Hà

Ngày 21-12-1954 là một ngày đặc biệt không chỉ của điện lực Hà Nội mà của toàn ngành điện Việt Nam. Hôm đó, công nhân Nhà máy đèn Bờ Hồ vô cùng phấn khởi khi được đón Bác đến thăm. Trò chuyện với anh chị em công nhân nhà máy, Bác đã biểu dương hành động dũng cảm, kiên quyết bảo vệ nhà máy điện, cơ sở hạ tầng điện lực trước âm mưu phá hoại của địch. Người căn dặn: Nhà máy bây giờ là của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải biết giữ gìn và phát triển nó lên.

55 năm qua, lớp lớp thợ điện Thủ đô theo lời dạy của Người, nỗ lực không ngừng phát triển nguồn sáng của Hà Nội. Ðất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Sở Ðiện lực Hà Nội (nay là Công ty Ðiện lực thành phố Hà Nội) đã kịp thời chuyển đổi cơ cấu tổ chức, hoạt động. Lưới điện Hà Nội được cải tạo với quy mô lớn. Sở đã tổ chức lực lượng để triển khai cải tạo và phát triển lưới điện theo giai đoạn I, xây dựng các đường dây cao thế 35, 10, 6 kV, xuất tuyến các trạm 110 kV mới xây dựng, trạm biến áp phân phối nhằm bảo đảm khả năng truyền tải của lưới, cấp điện an toàn phục vụ các nhu cầu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Thủ đô. Ngày Bác về thăm, Ðiện lực Hà Nội chỉ có 88 trạm biến áp nhỏ bé và một số trạm trung gian cấp điện cho 17 tỉnh, vùng đồng bằng sông Hồng. Ðến nay, Ðiện lực Hà Nội đã có hơn 6.000 trạm biến áp cùng hệ thống lưới điện phủ kín địa bàn, tất cả các xã, phường, thôn ở Hà Nội đều đã có điện lưới quốc gia. Tổng số lao động của công ty tháng 5-2008 so với năm 1998 tăng gấp 1,37 lần, trong đó số cán bộ có trình độ đại học và trên đại học tăng gấp 2,77 lần, số có trình độ trung cấp tăng gấp 1,66 lần. Từ năm 1998 đến 2008, công ty đã có 2.482 sáng kiến kỹ thuật, 16 đề tài nghiên cứu khoa học, nhiều sáng kiến được áp dụng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm hàng tỷ đồng cho Nhà nước. Trong giai đoạn này, vốn kinh doanh của công ty tăng 729,016 tỷ đồng, nguyên giá tài sản cố định năm 2007 so với năm 1999 tăng 2.061 tỷ đồng. Phần lớn quỹ đầu tư phát triển của công ty đã chuyển sang đầu tư xây dựng, giảm bớt nguồn vốn vay và tăng vốn tự có.

Những năm gần đây, Thủ đô Hà Nội có mức tăng trưởng kinh tế cao. Vì vậy, việc bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu về điện phục vụ sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của nhân dân Thủ đô là nhiệm vụ nặng nề. Ðể hoàn thành nhiệm vụ được giao, công ty đẩy mạnh công tác đầu tư cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện, xây dựng các phương án cấp điện hợp lý cho các phụ tải mới... Hiệu quả của công tác đầu tư được khẳng định bằng việc đáp ứng nhu cầu phát triển của phụ tải với mức tăng trưởng 13-15%/năm. Chỉ tiêu suất sự cố lưới điện và thời gian ngừng cấp điện cũng giảm mạnh hằng năm.

Ðiện lực Hà Nội là đơn vị đi đầu trong công tác bán điện trực tiếp đến từng hộ dân, đặc biệt là việc hạ giá thành, bảo đảm chất lượng cấp điện cho khu vực ngoại thành. Tháng 11-2007, công ty hoàn thành việc bán điện đến 100% xã ngoại thành Hà Nội (cũ). Công ty đặt mục tiêu đến năm 2010 sẽ hoàn thành việc bán điện đến 100% hộ dân tại các xã ngoại thành mới hợp nhất về Hà Nội. Trong năm 2009, công ty tiếp nhận và nâng cấp 300 trạm biến áp cho các xã này, củng cố một số trạm biến áp và thay mới toàn bộ công-tơ.

Sau ngày 1-8-2008, địa giới hành chính Thủ đô mở rộng, Ðiện lực Hà Nội khẩn trương làm việc với các địa phương để khảo sát lưới điện, bảo đảm cấp điện cho địa bàn hơn 300 xã mới hợp nhất về Hà Nội. Ðây là những địa bàn có lưới điện cũ nát, tỷ lệ tổn thất điện năng rất cao nhưng chất lượng điện thấp, giá thành cao gấp nhiều lần quy định của Nhà nước, cá biệt một số nơi như thôn Hương (xã Trung, thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình cũ) đã 30 năm nhưng chưa có điện. Ðể đem ánh sáng về cho bà con thôn bản, công ty đề xuất với thành phố lập dự án đầu tư lưới điện trung thế, trạm biến áp, hệ thống công-tơ cho người dân thôn Hương. Chỉ trong vòng 20 ngày, dự án đã hoàn thành, đem lại niềm vui lớn cho người dân nơi đây. Trận mưa gây úng ngập nặng cuối năm 2008, gần 2.000 trạm biến áp trên địa bàn Hà Nội bị ngập chìm trong nước, công ty đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tắt nguồn, theo dõi nước rút đến đâu làm vệ sinh, sục máy, củng cố đường dây, cấp điện lại ngay đến đó, nhờ vậy, đã không xảy ra tai nạn về điện lưới.

Không chỉ phấn đấu đạt hiệu quả cao trong quản lý, sản xuất kinh doanh, công ty tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xác định đây là yếu tố quan trọng cho sự phát triển. Văn hóa doanh nghiệp ở công ty gắn liền với phong trào xây dựng phong cách người thợ điện Thủ đô "Trách nhiệm - Trí tuệ - Thanh lịch" và phong trào xây dựng "Gia đình Thợ điện Thủ đô văn hóa" nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, công nhân viên công ty thực hiện lời dạy của Bác Hồ khi Người về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ và vận động CNVC phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hiện tốt kỷ luật lao động, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng... Năm 2001, Công ty Ðiện lực Hà Nội vinh dự được Ðảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân".

Theo Nhân dân