Sự kiện

Năng lượng tái tạo: Tiềm năng sẵn có, cần một hướng đi

Thứ tư, 29/4/2009 | 10:11 GMT+7
Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam rất dồi dào tiềm năng về năng lượng tái tạo (gió, nước, mặt trời...). Nếu đầu tư khai thác đúng hướng, nguồn năng lượng này có thể thay thế 100% năng lượng truyền thống. 

Trong tiến trình phát triển, các quốc gia luôn đặt vấn đề an toàn năng lượng lên hàng đầu. Do tác động của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, nguồn năng lượng không thể khôi phục lại đang dần cạn kiệt, thậm chí đã làm nảy sinh nhiều vấn đề ở nhiều quốc gia, khu vực và quốc tế. Việt Nam là nước được đánh giá có triển vọng về năng lượng tái tạo (gió, nước, mặt trời…), rất cần được quan tâm đầu tư khai thác.

Tiềm năng đáng mơ ước

Theo đại diện của Công ty KV VENTI- nhà phát triển những tổ hợp phát điện từ năng lượng gió uy tín tại châu Âu và đang có dự án nghiên cứu tại Việt Nam, ông David Jozefy, thì “những tiềm năng mà Việt Nam hiện có đối với những người trong nghề như chúng tôi là điều mơ ước”. Cũng chính vì lẽ đó mà Công ty này quyết định mở văn phòng làm việc tại Việt Nam và đã tiến hành đo đạc, nghiên cứu để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng gió với 100% vốn hiện có. Thậm chí, theo đánh giá của ông Roman Ritter, một chuyên gia về năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể đảm bảo 100% điện từ năng lượng tái tạo.

 

 Quạt gió trên huyện đảo Bạch Long Vĩ
Tuy nhiên, nói như TS Hoàng Văn Huấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, từ tiềm năng đến ứng dụng là cả một quá trình mà nếu không có sự đầu tư thích hợp thì tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển thủy điện, phong điện, địa nhiệt, điện mặt trời… Do cấu trúc địa lý, Việt Nam là một trong số 14 nước trên thế giới đứng đầu về tiềm năng thuỷ điện. Hiện nay Việt Nam có trên 120.000 trạm thủy điện, với tổng công suất ước tính khoảng 300MW. Khoảng 200 nguồn suối nước nóng nhiệt độ từ 40-150 độ C tập trung ở khu vực miền Trung cũng sẽ là nguồn địa nhiệt lý tưởng xây dựng các trạm phát điện.

Hàng nghìn nhà máy xay xát lúa gạo thải ra trấu; mà từ trấu đó có thể xây dựng các nhà máy điện chạy bằng vỏ trấu với tổng công suất có thể lên tới 70MW. Bã mía do các nhà máy đường thải ra hiện nay cũng thể cung cấp để sản sinh điện với tổng công suất khoảng 250MW. Thậm chí, các hệ thống biogas hiện đang được các hộ gia đình ở nông thôn sử dụng để nấu nướng, thắp sáng và chạy các động cơ công suất nhỏ cũng là nguồn năng lượng hiện hữu có thể khai thác mạnh.

Riêng với nguồn nhiệt mặt trời, nhiều nước trên thế giới đã khai thác khá hiệu quả, còn tại Việt Nam vẫn chỉ nằm ở dạng… thử nghiệm. Cũng theo ông David Jozefy, các tài liệu nghiên cứu đều cho thấy Việt Nam là nước có mức độ bức xạ nhiệt khá cao và là một thuận lợi rất lớn trong việc khai thác nguồn năng lượng sạch này. Nằm trong vùng nhiệt đới, số giờ nắng trung bình ở nước ta khoảng 2.000- 2.500 giờ/năm, mức độ bức xạ nhiệt ở nước ta vào mùa đông đạt từ 3 - 4,5 kWh/m2/ngày và 4,5 - 6,5 kWh/m2/ngày vào mùa hè.

Với năng lượng gió, ông David Jozefy nhấn mạnh, trong tương lai, sẽ đem lại nguồn điện góp phần đáp ứng nhu cầu về năng lượng ở một nước đang có tốc độ phát triển mạnh như Việt Nam. Đường bờ biển trải dài, khiến lưu lượng gió ở nước ta cũng khá lớn: Tại hải đảo là 860 – 1.410 kWh/m2/năm; khu vực duyên hải là 800 – 1.000 kWh/m2/năm; một số khu vực trong nội địa: 500 – 800 kWh/m2/năm.

Điều đó chứng tỏ, rất cần một định hướng phát triển để khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo này.

Chính sách đã có, nhưng chưa đủ để tạo sức hút

Thực tế, Chính phủ đã có những định hướng để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, mà mới nhất là quyết định số 130/2007/QĐ – TTg quy định một số cơ chế chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch (CDM). Theo đó, nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài đến được quyền đầu tư vốn, công nghệ để xây dựng dự án CDM tại Việt Nam đi kèm với việc được hưởng ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, tín dụng đầu tư của nhà nước, sản phẩm CDM được trợ giá từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt  Nam…

Với mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2010 năng lượng tái tạo chiếm 3% tổng công suất điện thương mại và đạt 5% vào năm 2020, Bộ Công Thương đang tiến hành xây dựng quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo với các dự án năng lượng không nối lưới, các chương trình nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

 

Cuộc thi nấu ăn bằng bếp parabol thu năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng (Ảnh:VNN)

Bên cạnh đó, Bộ cũng khuyến khích sản xuất, giảm thuế nhập khẩu các thiết bị năng lượng tái tạo như hầm ủ biogas, tuốc bin gió; xây dựng quỹ hỗ trợ đầu tư nghiên cứu khảo sát phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, nếu xét một cách tổng thể, hành lang pháp lý nhằm quy định rõ và định hướng cụ thể để phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn còn rất thiếu.

Điều này cũng được TS Hoàng Văn Huấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chỉ rõ, quy định trên thể hiện sự khuyến khích trong việc đầu tư vào năng lượng sạch, nhưng chưa thật sự cụ thể. Bên cạnh đó, trong nhiều văn bản pháp luật khác, cũng chưa thấy đề cập hoặc mới chỉ quy định chung chung. Do đó, rất cần có sự nghiên cứu ban hành các quy định cụ thể để thu hút các nhà đầu tư.

Một yếu tố khách quan là đầu tư sản xuất các nguồn năng lượng như điện gió, nhiệt điện đòi hỏi kinh phí lớn, kỹ thuật cao. Hơn nữa, cơ chế khuyến khích vẫn chưa đủ hấp dẫn để lôi kéo các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư nước ngoài. Sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại trung ương và địa phương, sự hạn chế trong nhận thức cộng đồng cũng là rào cản kìm hãm phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta.

Năng lượng tái tạo có thể tạo ra nguồn điện ngoài lưới tại chỗ, rẻ tiền, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Tốc độ phát triển kinh tế nhanh cũng đòi hỏi phải bền vững, trong đó, giải quyết vấn đề năng lượng, đặc biệt là khai thác nguồn năng lượng tái tạo sẽ là một trong những yếu tố góp phần đảm bảo sự phát triển của Việt Nam./.

Ngày 8/5 tới, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị về Năng lượng tái tạo với sự tham gia của hơn 50 đơn vị, trong đó các các tập đoàn của Canada, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu và Việt Nam. Hội thảo cung cấp những thông tin mới nhất từ thế giới về phát triển năng lượng tái tạo, ý nghĩa của việc khai thác nguồn năng lượng này và khả năng ứng dụng ở Việt Nam./.

 
Theo VOV