Một sự kiện có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đánh đấu bước phát triển của toàn ngành điện nói chung và Công ty Truyền tải điện 2 nói riêng, đó là vào tháng 4-1992 Đảng và Nhà Nước quyết định xây dựng hệ thống truyền tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc – Nam từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình vào thành phố Hồ Chí Minh đi qua 15 tỉnh, thành phố. Bước đầu hình thành lưới điện quốc gia liên kết hệ thống điện ba miền Bắc – Trung - Nam và Tây Nguyên, tạo bước đột phá trong việc cung cấp điện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tạo ra ý nghĩa cho việc phát triển kinh tế của cả nước. Ngày 4-3-1993, Bộ Năng Lượng đã quyết định thành lập Ban Chuẩn bị sản xuất đường dây 500 kV đoạn từ đèo Ngang đến trạm Pleiku, theo đó, giao Công ty Truyền tải điện 2 đảm nhiệm công tác chuẩn bị sản xuất cho 586 km đường dây 500 kV từ vị trí 955 đến vị trí 2307 và 2 trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng và Pleiku.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Công ty đã tập trung cao độ toàn bộ lực lượng cho công tác chuẩn bị sản xuất, nghiệm thu tiếp nhận 586 km đường dây 500 kV; trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng, Pleiku và toàn bộ hệ thống thông tin cáp quang cùng 9 trạm lặp dọc cung đoạn, bảo vệ tốt đường dây - trạm biến áp 500 kV với 121 nhà chốt bảo vệ.
Nếu nói công việc xây dựng đường dây 500 kV đạt kỷ lục thần kỳ thì nhiệm vụ chuẩn bị sản xuất cũng phải theo tiến độ như vậy. Khi nhận nhiệm vụ chuẩn bị sản xuất đường dây 500 kV đoạn Đèo Ngang Pleiku và 2 trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng và Pleiku, Lãnh đạo Công ty điện lực 3 có chủ trương chỉ đạo và hỗ trợ cho đơn vị các điều kiện ban đầu để kịp thời triển khai công việc. Cán bộ công nhân viên của đơn vị bắt tay vào nhiệm vụ được giao với quyết tâm cao và tinh thần khẩn trương. Công tác tuyển chọn kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ, công nhân… được triển khai khẩn trương từ các trường đại học, trung cấp trong cả nước và các địa phương có đường dây đi qua. Vấn đề phức tạp và khó khăn hơn đó là công tác đào tạo. Học ai, học như thế nào, tài liệu ở đâu, vừa phải dạy vừa phải học vừa phải lo sản xuất - truyền tải lưới 220-110 kV. Đơn vị phải hoàn toàn chủ động trong công tác đào tạo. Ngoài số cán bộ đi học tập tham quan ở nước ngoài về, đơn vị đã tổ chức đào tạo các lớp phục vụ cho công tác nghiệm thu và quản lý vận hành đường dây, trạm, cáp quang. Tổ chức và hợp đồng với các trường Đại học bách khoa Hà Nội, Đà Nẵng đào tạo 10 lớp cho 250 cán bộ kỹ thuật, công nhân với các nội dung đáp ứng thực tế công việc. Tất cả các chương trình đào tạo đều phải được thực hiện sao cho kịp thời gian nhưng vẫn phải đảm bảo những kiến thức cơ bản nhất cho công tác quản lý vận hành.
Với số vốn khiêm tốn được Bộ duyệt ban đầu, đơn vị đã tạo được một cơ ngơi để làm việc, ăn ở sinh hoạt lâu dài bảo đảm sức khỏe cho lực lượng vận hành. Các chốt ở vùng núi và Tây Nguyên được triển khai sớm để kịp đưa lực lượng vận hành vào vị trí. Để hỗ trợ cho công tác chỉ huy lực lượng quản lý vận hành đường dây, đơn vị đã lắp đặt mạng thông tin liên lạc vô tuyến cho 10 chốt, bảo đảm chỉ huy trực tiếp từ Công ty đến tất cả các đơn vị vận hành. Ngoài công tác vận hành, đơn vị đã triển khai thực hiện gấp rút công tác bảo vệ trên tuyến khoảng 121 chốt bảo vệ, phối hợp với địa phương, lực lượng quân đội, công an nơi có đường dây đi qua để đưa ra các phương án và lựa chọn lực lượng bảo vệ.
Ngày 27-5-1994 tại trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng, Bộ Năng Lượng đã tổ chức hòa mạng thành công hệ thống điện siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam, kết nối hệ thống điện Việt Nam qua đường dây 500 kV. Tiếp đến vào ngày 19-9-1994 và 12-11-1994 lần lượt tại trạm biến áp 500kV Đà Nẵng và Pleiku cũng chính thức cung cấp dòng điện 500 kV cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Niềm vui rạng rỡ và niềm hạnh phúc lớn lao được thể hiện trên từng gương mặt của những người đã có những năm tháng gắn bó với công trình này. Đường dây 500 kV Bắc - Nam thực sự thống nhất lưới điện quốc gia, đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, đáp ứng nhu cầu phụ tải ở miền Trung với công nghệ thiết bị tiên tiến. Cùng lúc đó các nhà máy thuỷ điện như Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Ialy đã bắt đầu cung cấp điện lên lưới. lúc này truyền tải điện cho miền Trung thực sự bước sang một trang sử mới.
Đường dây 500 kV Bắc - Nam do Công ty quản lý chủ yếu đi dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ cũng là nơi ẩn chứa bao khó khăn không tả xiết, là cung đoạn khó khăn nhất không chỉ về địa hình mà còn về khí hậu, thời tiết, môi trường, an ninh ..... ai đã từng qua đây cũng không thể quên những cơn gió Lào, những trận mưa dầm, ngập lụt, tắc đường thường xuyên và cả câu vè "ruồi vàng, bọ chó, gió Đăkglei" hay " gió Đăkglei, lầy Khâm Đức".... Còn nhớ mùa mưa 1996, một bên móng vị trí 1906 trong cung đoạn của Đội Truyền tải điện Phước Sơn (Quảng Nam) quản lý bị sạt lở nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn thông suốt cho đường dây 500 kV Bắc Nam, lãnh đạo Công ty đã huy động lực lượng ứng cứu. Được sự giúp đỡ của lực lượng Bộ đội thuộc tỉnh đội Kon Tum, cầu phao vượt sông Diên Bình đã được lắp đặt, ưu tiên cho các lực lượng tham gia ứng cứu đường dây 500 kV và sư đoàn không quân 372 sử dụng máy bay trực thăng chuyên chở vật tư, dụng cụ, lương thực để cung cấp kịp thời.
Hầu hết vùng đất có đường dây đi qua đều trải qua bao năm chiến tranh, giờ đây vẫn còn dư âm. Anh em đi kiểm tra tuyến đường dây 500kV đã phát hiện hàng chục thùng chất độc DS - Điôxin (chất độc màu da cam) và đã phối hợp với bộ đội tỉnh Kon Tum xử lý vĩnh cửu số chất độc Điôxin này, đồng thời phối hợp với bộ đội công binh các tỉnh di dời hàng trăm quả bom, đạn đại bác, đạn M79 … ra khỏi hành lang tuyến. Đây là những nguy hiểm tiềm tàng không thể lường trước được, nếu không kịp thời phát hiện và khắc phục sẽ rất nguy hiểm đối với sức khỏe của những người thợ đường dây cũng như đảm bảo an toàn cho đường dây tải điện 500 kV.
Bằng sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm, lần đầu tiên tại Việt Nam, ngày 17-3-1996, Công ty Truyền tải điện 2 đã mạnh dạn áp dụng công nghệ dùng máy bay trực thăng để sửa chữa dây cáp quang tại khoảng cột 2204 – 2205 đường dây 500kV thuộc xã Đăk Uy, huyện Đăk Tô tỉnh Kon Tum mang lại hiểu quả kinh tế cao, bởi lúc bấy giờ việc cắt điện đường dây 500 kV trong thời gian dài để thay dây cáp quang sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Đặc biệt, với chủ trương hạn chế đến mức thấp nhất cắt điện đường dây 500 kV và được Tổng Công ty giao nhiệm vụ, Công ty đã triển khai công tác sửa chữa đường dây 500 kV đang mang điện. Sau khi được Tổng Công ty Điện lực Việt Nam phê duyệt quy trình sửa chữa, quy trình an toàn. Công ty tiến hành sửa chữa đường dây 500 kV đang mang điện vào ngày 9-9-2001 và lần lượt thực hiện sửa chữa với tất cả các loại sơ đồ có bố trí dây dẫn và cách điện khác nhau. Sau những thành công này, Công ty được lãnh đạo Tổng công ty giao nhiệm vụ sửa chữa đường dây 500kV mang điện trên toàn quốc. Năm 2000, Công ty đã tiến hành sửa chữa bộ điều áp dưới tải cho máy biến áp 500kV tại Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng mà không có chuyên gia nước ngoài; ngày 26-3-2004, Công ty đã hoàn thành thay và nâng công suất dàn tụ bụ dọc từ 1.000A lên 2.000A đường dây 500 kV Đà Nẵng – Hà Tĩnh, đến nay đã hoàn thành việc nâng dung lượng tụ bù dọc tại các ngăn xuất tuyến. Năm 2011, Công ty Truyền tải điện 2 đã có đề tài khoa học “Lập Quy trình bảo dưỡng máy biến áp 500 kV tại hiện trường” và đã đạt giải nhất sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2011 – Vifotec và được trao Huy chương Vàng của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới Wipo.
Ngay những ngày đầu tiên khi tiếp nhận quản lý vận hành đường dây siêu cao áp 500kV, lãnh đạo Công ty không chỉ quan tâm đến công tác quản lý vận hành đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam mà còn đặc biệt quan tâm đến đời sống cho các anh em công nhân ở tập thể. Tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của anh em, thường xuyên tổ chức thực hiện tuyên truyền các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước bằng các buổi sinh hoạt chính trị rộng rãi. Công ty trang bị các phương tiện nghe nhìn như: Ăng ten Parabôn, Ti vi , đầu video, âm thanh, đàn ghita…, tổ chức thường xuyên phong trào thể dục thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông ... Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp tổ chức giao lưu sinh hoạt văn nghệ và kết nghĩa với các đơn vị và Đoàn các cơ quan tại địa phương, nhờ đó tạo được sự gần gũi hơn giữa đơn vị và các cơ quan địa phương, tạo được sự hỗ trợ lẫn nhau trong sinh hoạt.
Hai mươi năm qua năm qua, tập thể CBCNV Công ty Truyền tải điện 2 đã có nhiều nỗ lực phấn đấu hoàn thành những nhiệm vụ được EVN và EVNNPT giao. năm 1995 (Thời điểm Công ty Truyền tải điện 2 quản lý cả 2 trạm biến áp 500 kV Pleiku và Đà Nẵng) sản lượng điện nhận đạt 450 triệu kWh, đến năm 2004 (thời điểm Công ty chỉ quản lý một trạm BA 500 kV Đà Nẵng) sản lượng điện nhận đạt 1,5 tỷ kWh, năm 2013 sản lượng điện nhận đạt 5,284 tỷ kWh. Đối với sản lượng điện truyền tải cấp cho hai miền Nam – Bắc trên lưới điện 500 kV, năm 1995 vào sản lượng điện truyền tải đạt 1,808 tỷ kWh, năm 2004 sản lượng điện truyền tải trên lưới 500 kV đạt 2,620 tỷ kWh, hết năm 2014 sản lượng điện truyền tải dự kiến đạt 17 tỷ kWh. Hai mươi năm qua, đường dây 500 kV Bắc – Nam đã mang tải với trên 150 tỷ kWh với sản lượng điện giao nhận, truyền tải trên lưới điện của Công ty Truyền tải điện 2, năm sau luôn cao hơn năm trước. Tỷ lệ tổn thất điện năng ngày càng giảm và thấp hơn chỉ tiêu EVN, EVNNPT giao. Nếu như năm 1994 tỷ lệ tổn thất là 9% thì năm 2003 tỷ lệ tổn thất chỉ còn 3,18%, năm 2014 kế hoạch giao là 1,6%; xuất sự cố luôn đạt hoặc thấp hơn chỉ tiêu cấp trên giao. Hai mươi năm qua, tập thể CBCNV Công ty Truyền tải điện 2 đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Năm 1995 (Thời điểm Công ty Truyền tải điện 2 quản lý cả 2 trạm biến áp 500 kV Pleiku và Đà Nẵng) sản lượng điện nhận đạt 450 triệu kWh, đến năm 2004 (thời điểm Công ty chỉ quản lý một trạm BA 500 kV Đà Nẵng) sản lượng điện nhận đạt 1,5 tỷ kWh, năm 2013 sản lượng điện nhận đạt 5,284 tỷ kWh. Đối với sản lượng điện truyền tải cấp cho hai miền Nam – Bắc trên lưới điện 500 kV, năm 1995 vào sản lượng điện truyền tải đạt 1,808 tỷ kWh, năm 2004 sản lượng điện truyền tải trên lưới 500 kV đạt 2,620 tỷ kWh, hết năm 2014 sản lượng điện truyền tải dự kiến đạt 17 tỷ kWh.
Nhìn chung sản lượng điện giao nhận, truyền tải trên lưới điện của Công ty Truyền tải điện 2, năm sau luôn cao hơn năm trước. Tỷ lệ tổn thất điện năng ngày càng giảm thấp hơn chỉ tiêu EVN và EVNNPT giao, nếu như năm 1994 tỷ lệ tổn thất là 9% thì năm 2003 tỷ lệ tổn thất chỉ còn 3,18%, năm 2014 kế hoạch giao là 1,6%; xuất sự cố luôn đạt hoặc thấp hơn chỉ tiêu cấp trên giao.
Trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa và nhân đạo, Công ty Truyền Tải điện 2 đã nhận phụng dưỡng 15 mẹ VNAH, trong đó, 9 mẹ VNAH đã qua đời do tuổi cao sức yếu, hiện nay còn 6 mẹ. Trong các ngày lễ, tết Công ty thường xuyên tổ chức thăm nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn , Đường 9, Trung tâm thương binh nặng Hội An, xây nhà tình nghĩa tặng mẹ VNAH ... Bên cạnh đó nhiều hoạt động nhân đạo như ủng hộ cho trẻ em bị chất độc màu da cam trên địa bàn các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên, trẻ em nghèo, ủng hộ xây dựng phòng điều trị cho các thương bệnh binh tại Bệnh viện C17 Đà Nẵng, sổ tiết kiệm tình nghĩa để tặng các gia đình chính sách...
Để có được thành quả, những thành công lớn của Công ty như ngày hôm nay là nhờ tinh thần đoàn kết , sự gắn bó chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể, các đơn vị trực thuộc Công ty. Đều mà chúng tôi rất vui mừng đó là các đơn vị đã chủ động trong mọi hoạt động, bằng những việc làm cụ thể do vậy đến nay hầu hết anh em công nhân viên đã bằng sức lao động sáng tạo, tâm huyết với nghề, đều đã an cư lạc nghiệp. Họ đã vượt qua những lo toan vất vả đời thường, cống hiến cả tuổi xuân của mình để gắn bó với dòng điện , vì sự thông suốt, an toàn, hiệu quả của hệ thống tải điện quốc gia.
Hai mươi năm vận hành đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc Nam trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên, tập thể CBCNV Công ty Truyền tải điện 2 vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cùng nhiều danh hiệu thi đua khác. Điều quan trọng hơn đó là Công ty đã góp một phần không nhỏ vào quá trình tham gia phát triển kinh tế khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, những thành công này sẽ là tiền đề tạo đà phát triển của Công ty Truyền tải điện 2 trong những năm tiếp theo./
Nguyễn Hà Đông
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Truyền tải Điện 2 |