Kỷ niệm 20 năm Đường dây 500kV Bắc Nam

Hiệu quả từ 20 năm quản lý và vận hành (kỳ cuối)

Chủ nhật, 11/5/2014 | 18:03 GMT+7
Đến nay, cùng với đường dây 500kV Bắc-Nam mạch 2 đã đi vào vận hành từ năm 2005, lượng công suất truyền tải trên 2 mạch đường dây luôn đảm bảo vận hành từ 1.600-1.800MW với sản lượng truyền tải trên 12 tỷ kWh/năm, cao gấp 6 lần so với thiết kế ban đầu khi đường dây mạch 1 đưa vào vận hành. 

Đường dây 500kV mạch 1 qua địa bàn tỉnh Kon Tum. Ảnh: Ngọc Hà

Các chuyên gia ngành năng lượng đều thừa nhận, việc đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 đã giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện của miền Nam và miền Trung sau năm 1994. Các chuyên gia cũng cho rằng, với mức tăng trưởng điện thương phẩm của toàn quốc đỉnh điểm là 21% vào năm 1995 đã góp phần không nhỏ để kinh tế đất nước đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 5,1% vào năm 1990 lên 9,5% vào năm 1995; trong đó tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân đạt từ 12-14% trong giai đoạn 1990-1995, vượt các chỉ tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã đề ra.    
Ông Trần Quốc Cương, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam chia sẻ, như vậy, việc tính toán bài toán cấp điện cho miền Nam bằng đường dây 500kV Bắc-Nam mạch 1 đã theo đúng thực tế.     

Phân tích ý nghĩa kinh tế, khoa học công nghệ của công trình đường dây 500kV mạch 1, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long cho rằng, đây là công trình đặt mốc lịch sử trong ngành truyền tải điện Việt Nam nói riêng và ngành điện nói chung. Bởi đường dây này kéo theo nhiều thành tựu quan trọng khác; trong đó, 3 hệ thống điện hoạt động riêng lẻ Bắc-Trung-Nam 18 năm sau ngày giải phóng miền Nam mới được hợp nhất thành một hệ thống điện toàn quốc như sự hợp nhất 3 miền Bắc-Trung-Nam.     

Theo Giáo sư Trần Đình Long, so với hiện nay có nhiều thiết bị sử dụng trên hệ thống điện tốt hơn nhưng khi xây dựng đường dây, lần đầu tiên chúng ta sử dụng các công nghệ như cáp quang, là tiền đề hợp nhất hệ thống công nghệ thông tin toàn quốc; các thiết bị kỹ thuật số, các thiết bị bảo vệ song song với nhau. Đặc biệt là chất lượng kỹ thuật công trình; trong đó có hệ thống bảo vệ sự cố và hệ thống tự động hóa được đặt lên hàng đầu. “Những kinh nghiệm và bài học từ thi công công trình này sẽ được truyền lại để thi công những công trình đường dây siêu cao áp về sau”, Giáo sư khẳng định.    

Song hành với lực lượng xây lắp đường dây mạch 1, những người công nhân Công ty Truyền tải điện 1 cũng chuẩn bị mọi điều kiện để tiếp nhận, đưa công trình vào vận hành. Đây là đơn vị quản lý vận hành đầu nguồn của đường dây, từ Đèo Ngang trở ra. Đặc thù của đường dây là đi qua hầu hết khu vực núi cao, rừng sâu, đường sá khó khăn, dân cư thưa thớt, cây cối trong và ngoài hành lang rậm rạp, tái sinh rất nhanh nên luôn tiềm ẩn nguy cơ sự cố. Do vậy, Công ty đã tìm các giải pháp từng bước làm chủ thiết bị và tổ chức quản lý vận hành an toàn, cung cấp điện ổn định cho các tỉnh miền Bắc. Trong đó, tập trung tuyên truyền, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong hành lang, đặc biệt xã hội hóa công tác bảo vệ đường dây, cùng với sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên công trình lịch sử này.    

Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 Phạm Lê Phú cho biết, sau 20 năm vận hành, đường dây với công suất đặt cho phép mang tải ban đầu chỉ với 1000A, nay đã được nâng lên gấp rưỡi và tiếp tục tăng lên gấp đôi trong thời gian không xa. Thời gian qua cũng ghi nhận sự thay đổi đáng kể của lực lượng quản lý vận hành, từ khả năng nắm bắt, làm chủ trang thiết bị mới hiện đại, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tới cách thức tổ chức bộ máy quản lý, điều hành sản xuất để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành.     

Ông Phú phân tích, chừng ấy thời gian vận hành cũng khiến nhiều thiết bị được đầu tư năm xưa nay đã xuống cấp hoặc không còn phù hợp với điều kiện kỹ thuật hiện nay làm cho lực lượng vận hành khó khăn hơn. Do đó, đang có nhiều dự án được triển khai để nâng cấp cho công trình tiếp tục phát huy hiệu quả hơn. Trong đó, dự án cải tạo thay thế dàn tụ 500kV tại Nho Quan, Hà Tĩnh mà đội ngũ cán bộ kỹ thuật Công ty đảm nhiệm thành công hoàn toàn phần việc mà 20 năm trước phải lệ thuộc vào chuyên gia nước ngoài là những kỳ tích đáng ghi nhận.    

TBA 500kV Đà Nẵng vinh dự là điểm đóng điện đường dây của hai miền Bắc-Nam. Trạm trưởng Lê Tuấn Anh cho biết, hiện nay, trạm là nguồn cung cấp khoảng 90% phụ tải cho thành phố Đà Nẵng và là nguồn cung cấp điện năng chính cho các tỉnh thành từ Quảng Bình trở vào đến Quảng Ngãi. Trong những năm gần đây, trạm còn làm nhiệm vụ giải tỏa công suất khá lớn của các nhà máy thủy điện phía Tây Quảng Nam với công suất cao điểm lên đến 1.200 MVA. Đi vào vận hành từ năm 1994,    qua 20 năm vận hành đường dây mạch 1, tổng sản lượng truyền tải qua trạm đạt khoảng 250 tỷ kWh.     

“Đây là những con số biết nói, phản ánh chân thực và sống động hiệu quả mà TBA 500kV Đà Nẵng đã mang lại trong việc cung ứng điện an toàn, ổn định, liên tục, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng khu vực miền Trung và cả nước”, ông Nguyễn Hà Đông, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 nhấn mạnh.    

Công tác bảo vệ an ninh đường dây cũng được đặt ra ngay từ khi đóng điện vận hành dựa trên sự phối hợp giữa các   Bộ  :   Năng   l  ượng  ,   Bộ Nội   v  ụ       và   Bộ Quốc   p  hòng   với các Ban chỉ đạo bảo vệ đường dây tại các tỉnh có đường dây đi qua. Dọc tuyến đường dây có bố trí 342 chốt gác, mỗi chốt cách nhau từ 5 km đến 10 km tùy theo địa hình với khoảng 1  .  500 người ở các địa phương tham gia.    

Truyền tải điện Thừa Thiên Huế (Công ty Truyền tải điện 2) quản lý 104km đường dây mạch 1. Đây là cung đoạn gian khó vì đi qua đèo Phước Tượng. “Không quản ngại khó khăn, những người công nhân truyền tải đã cố gắng quản lý, vận hành và khai thác hiệu quả nhất của đường dây mang lại. Đơn vị còn phối hợp với địa phương có đường dây đi qua thành lập 17 chốt bảo vệ, vì vậy, thời gian qua, không để xảy ra sự cố trên đường dây”, Giám đốc Trần Dương Nghĩa cho biết.     

Công ty Truyền tải điện 3 được giao nhiệm vụ quản lý vận hành cung đoạn Pleiku-Bình Phước, đi qua nhiều địa hình khó khăn và hiểm trở với khối lượng 314,5km và trạm biến áp (TBA) 500kV Pleiku. Ông Hoàng Xuân Phong, Giám đốc Công ty cho hay, từ khi tiếp nhận quản lý vận hành đường dây 500kV Bắc Nam, Công ty đã tìm ra các nguyên nhân gây sự cố đối với đường dây, từ đó có biện pháp ngăn chặn. Chỉ sau 1 năm quản lý vận hành, số lần sự cố giảm hẳn qua các năm, đến năm 2013 chỉ có 1 sự cố thoáng qua và từ đầu năm 2014 đến nay chưa có sự cố nào xảy ra đối với đường dây 500kV, kể cả hai mạch. Sự cố kéo dài gây mất điện và thời gian ngừng cung cấp điện ở mức thấp so với kế hoạch được giao.    

Cùng thời điểm đóng điện đường dây mạch 1, TBA 500kV Pleiku cũng được đưa vào vận hành. Theo Trưởng trạm Đinh Văn Cường, trong suốt 20 năm qua, sản lượng truyền tải qua trạm năm sau luôn cao hơn năm trước và trở thành điểm nút quan trọng nhất trong hệ thống truyền tải điện với vai trò điều tiết cung cấp điện cho khu vực có phạm vi rộng và kết nối với các nhà máy thủy điện khu vực Bắc Tây Nguyên, qua đó nâng cao tính ổn định của hệ thống điện quốc gia.    

Phân tích tính hiệu quả của công trình, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải Điện 4, Phạm Đình Thủy cho hay ngay sau khi đưa vào vận hành, đường dây 500kV Bắc-Nam mạch 1 đã phát huy ngay tính hiệu quả của nó là cung cấp một sản lượng điện lớn cho miền Nam, nhưng đồng thời khi miền Bắc phát công suất thấp thì đường dây cũng tải một sản lượng điện cấp ngược ra cho miền Trung, miền Bắc. 20 năm qua, tính tại trạm Phú Lâm, đường dây này đã truyền tải với tổng sản lượng khoảng 53,8 tỷ kWh. Bình quân hàng năm gần 2,7 tỷ kWh; trong đó nhận từ miền Bắc, miền Trung là 45,5 tỷ kWh và giao cho miền Bắc, miền Trung là 8,3 tỷ kWh.    

Sau 20 năm đưa vào vận hành, đường dây 500 kV Bắc Nam đã mang lại hiệu quả to lớn cho đất nước, luôn là phần tử quan trọng nhất của lưới truyền tải điện Quốc gia, đồng thời khẳng định tính tất yếu, tầm nhìn vĩ mô của Đảng và Nhà nước khi quyết định mang tính chiến lược đầu tư hệ thống siêu cao áp. Việc thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành thành công đường dây trong thời gian qua cũng thể hiện sự phát triển vượt bậc của ngành Điện Việt Nam trong khoa học, công nghệ cũng như quản lý, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.    
 
Mai Phương