Bài 1: Những người dám làm và biết giành thắng lợi
Trong công cuộc đổi mới của đất nước, nền kinh tế được cơ cấu lại, do nhiều nguyên nhân, phân bố nguồn điện không tương ứng với nhu cầu điện ở từng miền. Sự mất cân bằng ngày càng lớn hơn khi ở Miền Bắc nhu cầu sử dụng điện thấp, thì mỗi năm lại có thêm một vài tổ máy của Nhà máy thủy điện Hòa Bình đi vào vận hành. Trước tình hình đó, một số tổ chức hữu quan có văn bản trình Chính phủ xin xuất khẩu điện sang Trung Quốc mỗi năm khoảng 2 tỷ kWh, cũng có ý kiến đề xuất nên hoãn lắp đặt một số tổ máy của Thủy điện Hòa Bình để tăng cường nguồn điện cho Miền Nam.
Tình trạng thiếu điện ở Miền Nam ngày càng gay gắt, ngay tại TP Hồ Chí Minh, vào mùa khô phải luân phiên cắt điện tới 5 lần mỗi tuần. Miền Trung cũng rơi vào tình trạng “đói điện”. Toàn miền chủ yếu được cấp điện bằng các nguồn điện nhỏ, rải rác; một phần được cấp điện từ các hệ thống điện Bắc và Nam bằng những đường dây dài quá tiêu chuẩn nên chất lượng điện áp rất thấp.
Để giải quyết điện cho Miền Nam và Miền Trung lúc đó chỉ có 2 giải pháp, một là, xây lắp gấp những tổ máy tuabin khí chu trình đơn, dùng dầu DO, giá thành không dưới 1100đ/kWh, trong đó chủ yếu là chi phí nhiên liệu. Với nhu cầu vài ba tỷ kWh một năm, khoản lỗ của ngành điện sẽ rất lớn. Điều không thể chấp nhận trong cơ chế kinh tế mới. Hai là, xây dựng hệ thống tải điện 500kV Bắc-Nam tận dụng nguồn thủy điện và nhiệt điện than ở Miền Bắc. Giải pháp này chỉ có ý nghĩa nếu “cướp” được thời gian, khi phụ tải điện Miền Bắc còn thấp hơn khả năng nguồn điện. Thời cơ này là có hạn vì nhu cầu điện của Miền Bắc cũng ngày càng tăng trong khi nguồn điện không được bổ sung thêm.
Hai mươi năm qua, Hệ thống tải điện 500kV Bắc-Nam đã âm thầm làm việc, ngày càng bộc lộ khả năng to lớn và mang lại nhiều hiệu quả. Ảnh: Ngọc Hà
Xuất phát từ hoàn cảnh trên và căn cứ vào những tính toán của Bộ Năng lượng, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã quyết định xây dựng hệ thống tải điện 500kV Bắc-Nam trong thời gian 2 năm. Quyết định táo bạo này đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Bên cạnh niềm phấn khởi về sự phát triển vượt bậc của ngành điện, niềm hy vọng về thoát khỏi cảnh thiếu điện là những mối hoài nghi về phương tiện kỹ thuật, sự mạo hiểm về thời gian và nguồn vốn…
Không chờ cho sự ngổn ngang của dư luận lắng xuống, công trình đã được khởi công vào ngày 5-4-1992.
Dư luận dù khác nhau nhưng tính tất yếu của công trình khá rõ ràng qua những yêu cầu: Với quyết định xây dựng Nhà máy thủy điện Yaly, việc xây dựng đoạn đường dây 500kV Pleiku-Phú Lâm cũng là điều đương nhiên trong tương lai. Ở đây, công trình này đã được đưa vào vận hành sớm khoảng 4 năm so với thời điểm Yaly chạy tổ máy đầu tiên. Nếu so với độ dài đoạn Hòa Bình-Đà Nẵng-Pleiku dài 259km để tạo được mối liên hệ Bắc-Nam là chi phí xứng đáng phải trả. Mặt khác, như một thông lệ của nhiều nước, hệ thống điện hợp nhất là một trong những cơ sở hạ tầng thường tạo ra điều kiện phát huy tối ưu các nguồn năng lượng của một quốc gia.
Song hành với dư luận xã hội theo những chiều hướng khác nhau, công trình đã được tiến hành với nhịp độ chưa từng có ở mọi địa điểm, mọi công đoạn, từ những công việc sử dụng nhiều lao động cơ bắp đến những công việc kỹ thuật phức tạp và tỉ mỉ.
Chính xác 2 năm sau ngày khởi công, vào ngày 5-4-1994, toàn bộ đường dây, phần 1 của các trạm biến áp 500kV, phần lớn thiết bị của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và của hệ thống thông tin đã được giao cho bên vận hành thực hiện các thí nghiệm dưới điện áp, chuẩn bị cho công việc khởi động toàn Hệ thống tải điện 500kV. Công việc được tiến hành khẩn trương và chính xác, thí nghiệm hòa điện đã thành công vào ngày 27-5-1994 trước sự chứng kiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đúng như kế hoạch dự định.
Hệ thống tải điện 500kV Bắc-Nam đã phát huy ngay vai trò của mình trong hệ thống điện lực. Điện năng cung cấp cho Miền Nam và Miền Trung đã được truyền tải qua hệ thống này, theo đó, năm 1994 là 988GWh; năm 1995 là 2.813 GWh. Riêng trạm biến áp 500kV Phú Lâm, năm 1995 đã nhận 2005 GWh, nhiều hơn điện năng phát trong cùng năm của hai nhà máy thủy điện Trị An và Thác Mơ cộng lại.
Tình trạng đói điện đã được chấm dứt. Điện năng cung cấp cho Miền Trung tăng thêm 43%, chất lượng điện áp được cải thiện rõ rệt. Hệ thống tải điện 500kV Bắc-Nam đã đáp ứng 30% nhu cầu điện năng của Miền Nam. Vào mùa khô, tỉ trọng này lên tới 40%. Nhờ có Hệ thống tải điện 500kV, ngành điện lực đã có khả năng đáp ứng được tốc độ tăng trưởng phụ tải nhanh chóng của Hệ thống điện Miền Nam bằng nguồn điện có giá thành thấp hơn.
Ở nước ta, cơ cấu nguồn các miền rất khác nhau. Ở Miền Nam, các nhà máy nhiệt điện dùng dầu FO và các nhà máy tuabin khí dùng dầu DO và khí chiếm tỷ lệ quan trọng đặc biệt trong mùa khô. Nguồn điện ở Miền Bắc gồm các nhà máy thủy điện và các nhà máy nhiệt điện than có giá thành thấp hơn các nguồn điện dùng dầu. Mặc dù, các nhà máy thủy điện có ở cả 3 miền nhưng cao điểm lũ lại khác nhau từ 4 đến 8 tuần. Hệ thống tải điện 500kV Bắc-Nam đã tạo điều kiện khai thác các nhà máy điện với hiệu quả kinh tế toàn hệ thống cao hơn hẳn so với các hệ thống điện miền riêng biệt trước đây. Tổng chi phí nhiên liệu đã giảm rõ rệt so với giai đoạn chưa có hệ thống điện hợp nhất. Tỷ lệ nguồn điện dùng nhiên liệu lỏng so với tổng sản lượng điện nhận của Miền Nam và Miền Trung đã giảm từ 37% năm 1993 xuống 16,6% năm 1995.
Nhờ có hệ thống tải điện 500kV Bắc-Nam, năng lực của các nhà máy điện Miền Bắc lúc bấy giờ đã sớm được phát huy. So sánh sản lượng điện năm 1995 và năm 1993 cho thấy, các nhà máy nhiệt điện than tăng 2,62 lần; Thủy điện Hòa Bình tăng 1,35 lần. Có nhiều yếu tố tác động vào sự gia tăng trên nhưng trong đó yếu tố có Hệ thống tải điện 500kV là quan trọng nhất.
Nhìn nhận một cách khách quan, cho thấy, việc đưa Hệ thống tải điện 500kV Bắc-Nam vào vận hành không chỉ tiếp thêm sức mạnh phát triển kinh tế-xã hội cho Miền Trung và Miền Nam mà còn thổi một luồng sinh khí mới cho các nhà máy điện ở Miền Bắc và các mỏ cung cấp than thời bấy giờ. Việc xây dựng và đưa vào vận hành thành công Hệ thống tải điện 500kV Bắc-Nam còn là một bước trưởng thành quan trọng của ngành Điện lực Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành và hợp tác quốc tế.
Sau 782 ngày đêm lao động cần cù sáng tạo của cán bộ và công nhân Việt Nam, 1.487km đường dây với kích cỡ chưa hề có trước đây ở nước ta, 5 trạm biến áp 500kV với 18 máy biến áp tự ngẫu 1 pha cỡ lớn, các dàn tụ bù dọc, các cuộn kháng bù ngang, rơle và thiết bị điều khiển dùng kỹ thuật số, khoảng 1.500km cáp quang với 20 trạm lặp trên toàn tuyến đường dây…tất cả đều là những thiết bị hiện đại lần đầu tiên được lắp đặt và sử dụng ở Việt Nam.
Hệ thống tải điện 500kV Bắc-Nam xứng đáng là một bản anh hùng ca về tinh thần lao động, sáng tạo và dám chịu trách nhiệm trong thời kỳ đổi mới của đất nước ta./