Kỷ niệm 20 năm Đường dây 500kV Bắc Nam

Từ một quyết định lịch sử (bài 2): Thêm một cơ hội “thử lửa”

Thứ ba, 13/5/2014 | 14:10 GMT+7
Lại một lần nữa, ngành điện ghi thêm vào sổ vàng những công trình thế kỷ khi đường điện “xuyên Việt” thứ 2 được hoàn thành trong thời gian chưa đầy 3 năm. Nếu như mục tiêu của đường dây 500kV mạch 1 được xây dựng trước đó 10 năm là truyền tải điện từ Miền Bắc vào giải quyết tình trạng thiếu điện cho Miền Trung và Miền Nam thì đường dây 500kV mạch 2 xây dựng lại truyền tải năng lượng điện ngược lại từ Miền Nam và Miền Trung ra Miền Bắc.


Ảnh: Ngọc Hà
 
Theo dự báo, nhu cầu sử dụng điện của các tỉnh Miền Bắc từ năm 2005 tăng trưởng rất cao, thời điểm cao nhất, Miền Bắc sẽ thiếu khoảng 600MW. Việc gấp rút xây dựng và đưa vào vận hành đường dây 500kV mạch 2 là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ mà người đứng đầu lúc bấy giờ là Thủ tướng Phan Văn Khải, bởi không chỉ khắc phục tình trạng thiếu điện cho Miền Bắc mà còn tăng cường độ an toàn và tin cậy của hệ thống điện quốc gia.

Với chiều dài 1.596,3km, đường dây 500kV mạch 2 kéo dài từ Pleiku tới Thường Tín, đi qua 15 tỉnh với tổng mức đầu tư gần 8.000 ti đồng. Khác với hệ thống đường dây 500kV mạch 1 trước đây được triển khai là 1 dự án, nhưng ở đường dây 500kV mạch 2 được chia thành 4 dự án độc lập: Pleiku-Phú Lâm, Pleiku-Dốc Sỏi-Đà Nẵng, Đà Nẵng-Hà Tĩnh và Hà Tĩnh-Nho Quan-Thường Tín, đóng điện vận hành với những thời điểm khác nhau để nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả trong khai thác vận hành và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Do cần đẩy nhanh tiến độ, Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt về cung cấp vật tư đối với những loại vật tư chưa sản xuất được trong nước và đã sản xuất được trong nước, chỉ định nhà thầu xây lắp. Chủ đầu tư và các đơn vị thi công được thực hiện theo cơ chế đặc biệt, thiết kế đến đâu, trình duyệt thi công đến đó. Cơ chế này thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên, sự việc nào cũng có hai mặt của một vấn đề, vì vậy, đây cũng là khó khăn đối với các đơn vị tư vấn và thi công phải tính toán kỹ để tránh sai sót về kỹ thuật sẽ khó sửa chữa lại gây tốn kém về tiền bạc và thời gian. Nếu như, xây dựng đường dây 500kV mạch 1 có chuyên gia nước ngoài thực hiện khâu tư vấn thiết kế, giám sát kỹ thuật, trực tiếp nghiệm thu, thì ở mạch 2, Chính phủ  yêu cầu các đơn vị trong nước tự  giám sát, nghiệm thu và đóng điện vận hành. Nếu như ở mạch 1, 80% cột điện có thiết kế phức tạp, toàn bộ cột đỡ và cột vượt đều do nước ngoài thiết kế, chế tạo và cung cấp, dây dẫn, dây chống sét cũng được sản xuất ở nước ngoài, thì ở mạch 2 toàn bộ phần này các doanh nghiệp trong nước đã phải tự thiết kế, gia công.

Mặc dù đã có kinh nghiệm từ xây dựng đường dây 500kV mạch 1, nhưng ở vào mỗi giai đoạn đều có những khó khăn riêng.  Ở vào thời điểm xây dựng đường dây mạch 1, chỉ có 4 Công ty xây lắp làm trụ cột, nhưng lúc bấy giờ không có nhiều đường dây cấp điện áp 110kV, 220kV phải xây dựng, đến khi xây dựng mạch 2 cũng vẫn chỉ có 4 đơn vị xây lắp, nhưng cùng thời gian đó, các đơn vị xây lắp phải dàn quân thi công hàng trăm công trình lưới điện 110kV và 220kV khắp cả nước. Hầu hết các đơn vị bị “sa lầy” ở đường dây 220kV Phả Lại-Quảng Ninh, Ninh Bình-Thanh Hóa… mà nguyên nhân đều là do khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Tiến độ thi công đường dây 500kV Phú Mỹ-Nhà Bè-Phú Lâm thì không tiến triển do không giải phóng mặt bằng được ở TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, các nhà thầu  khí và cung cấp điện Phú Mỹ 2-2, Phú Mỹ 3 đòi phạt 15 triệu USD/tháng nếu công trình vào chậm tiến độ. Cũng vào thời điểm đó, hàng loạt công trình lưới điện ở Miền Nam đòi hỏi phải cải tạo lưới điện để đáp ứng những đoạn “thắt cổ chai” do có khu vực tăng trưởng phụ tải lên tới 40%, như đường dây 220kV Thủ Đức-Hóc Môn, Tân Định-Trảng Bàng, Cai Lậy-Vĩnh Long, Cà Mau-Ô môn…

Đường dây 500kV mạch 1 được xây dựng khi chưa có Luật Đất đai, lại được Chính phủ chỉ đạo trực tiếp nên các Tỉnh, các Bộ đồng bộ vào cuộc. “Mạch 2” triển khai trong điều kiện Luật Đất đai bắt đầu có hiệu lực, do đó, không thể dùng biện pháp hành chính để giải phóng mặt bằng như “mạch 1”. Lãnh đạo EVN nhận thức hết các khó khăn và lần lượt tháo gỡ. Việc đầu tiên là tranh thủ sự đồng lòng ủng hộ của lãnh đạo và nhân dân các tỉnh có đường dây đi qua, bằng các làm việc trực tiếp với lãnh đạo 15 tỉnh và đi đến thống nhất: Cho phép kiểm đếm tài sản hoa màu của dân và tạm ứng cho dân 70% giá trị khi chưa có quyết định thu hồi đất; cho phép sử dụng đường liên thôn, liên xã, hư hỏng đến đâu đền bù đến đó. EVN cũng tổ chức cho cả 4 Công ty Tư vấn điện vào cuộc đồng bộ, dàn hàng ngang, từ khảo sát khoan lấy mẫu, thiết kế, cung cấp bản vẽ thi công kịp thời.

Vì chạy song song với “mạch 1” nên những vị trí có địa hình đẹp, “mạch 1” với lợi thế đi trước đã “chiếm” từ 10 năm nay rồi. “Mạch 2” phải vào sâu hơn. Để kiểm soát tốt hơn chất lượng công trình, EVN đã giao cho 4 Công ty Truyền tải điện, những đơn vị sẽ tiếp nhận vận hành sau khi công trình hoàn thành. Những người vận hành được giao giám sát kỹ thuật thi công, họ xác định làm là làm cho mình, cho công tác vận hành của chính họ sau này, nên các công đoạn đào, đúc, trộn bê tông, buộc cốt thép, chất lượng vật liệu…đều được anh em giám sát chặt chẽ.

Có thể nói, công trình đường dây 500kV mạch 2 về đích sớm với chất lượng cao là kết quả từ sự nỗ lực vượt bậc của các đơn vị tham gia dự án, trong đó phải kể đến công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo của EVN và cơ chế mềm dẻo của Chính phủ. Đường dây 500kV mạch 2 thực sự là một cơ hội thử thách tài năng, trí tuệ của những người thợ điện Việt Nam. “Trục xương sống” thứ 2 trong hệ thống điện Việt Nam ra đời không chỉ có ý nghĩa kinh tế xã hội to lớn, khẳng định “thương hiệu Việt” trong xây dựng công trình điện, tuy nhiên, phần hiệu quả to lớn hơn nhiều, khó qui đổi ra tiền bạc đó là những kinh nghiệm, những bài học đã được áp dụng cho các công trình phát triển của Điện lực Việt Nam. Đường dây 500kV mạch 2 được Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng, Hệ thống truyền tải điện Việt Nam có 2 trục đường dây 500kV Bắc-Nam đã khẳng định những hiệu quả mà Hệ thống truyền tải điện 500kV mang lại, là lời giải đáp những nỗi băn khoăn khi xây dựng đường dây 500kV mạch 1 và đang  cổ vũ chúng ta trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./
 
Thanh Mai / ICON.com.vn