Vệ sinh sứ DZ500kV
Địa hình Công ty quản lý rất phức tạp, đa dạng đi qua nhiều vùng rừng rậm, đồi núi cao hiểm trở, cheo leo, có những vị trí trụ nằm trên đỉnh núi cao trên 1.000 mét so với mức nước biển hoặc có những cung đoạn đường dây đi qua vùng sông nước, đầm lầy thuộc khu vực tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau, Kiên Giang... việc quản lý vận hành hết sức phức tạp, khó khăn. Tổng số 1985 CBCNV quản lý vận hành đường dây và trạm, không quản ngại khó khăn với lòng yêu nghề, tận tuỵ với công việc. Do đặc thù quản lý của Công ty nên việc giải quyết các chính sách, chế độ, môi trường làm việc, an toàn lao động được Công ty quan tâm, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Trong đó công tác An toàn – Bảo hộ lao động là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Đặc biệt trong công tác Bảo hộ lao động (BHLĐ) như việc đầu tư trang bị thiết bị, trang cụ kỹ thuật an toàn (KTAT), dụng cụ chuyên dùng phù hợp với công nghệ mới, hiện đại theo định hướng tăng cường các biện pháp KTAT cải thiện điều kiện làm việc bảo đảm cho công nhân làm việc có năng suất cao và tốn ít công sức, tạo đều kiện thuận lợi cho người lao động khi làm việc, đảm bảo an toàn lao động và sức khoẻ cho người lao động. Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, phù hợp với từng đối tượng công việc như: quần áo chống từ trường, bút thử điện, tiếp địa lưu động, dây đai an toàn có dây an toàn phụ chống ngã cao... Ở các trạm 220kV, 500kV hầu hết điều hành viên đều có trình độ kỹ sư, cao đẳng, trung cấp. Các chức danh trưởng trạm, trưởng phiên đều qua huấn luyện và hội đồng kiểm tra. Công tác huấn luyện, sát hạch, bồi huấn cho các đối tượng quản lý trạm và đường dây luôn được Công Ty coi là một lĩnh vực hết sức quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người lao động. Đặc biệt trong mỗi năm đều có bổ sung phân cấp chế độ trách nhiệm cho từng cấp, từng đơn vị trực thuộc về công tác AT-BHLĐ, từ Cty đến đơn vị trực thuộc đều có Hội đồng BHLĐ, màng lưới an toàn vệ sinh viên cùng với hệ thống Công đoàn các cấp tham gia giám sát về chế độ chính sách và xây dựng cải thiện môi trường lao động cho người lao động.
Từ thực tiễn những gì đã thực hiện được về công tác An toàn Bảo hộ lao động của toàn Công ty trong những năm qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây :
- Để đảm bảo thực hiện tốt công tác An toàn Bảo hộ lao động, Công ty và các đơn vị trực thuộc cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác AT-BHLĐ tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác này. Cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm đối với công tác An toàn Bảo hộ lao động. Việc xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức thống nhất đầu mối tập trung làm công tác BHLĐ đặc biệt coi trọng chất lượng cán bộ an toàn tại các đơn vị trực thuộc, mạng lưới an toàn vệ sinh viên phải đảm bảo hoạt động có hiệu quả, có chiều sâu.
- Chú trọng hơn nữa công tác tự kiểm tra, giám sát chấp hành nghiêm pháp luật, tiêu chuẩn KTAT, quy trình, quy phạm liên quan đến công tác BHLĐ.
- Công tác Thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục phổ thông về An toàn Bảo hộ lao động cho mọi người lao động. Huấn luyện, đào tạo sao cho mọi người lao động đều thấm nhuần từ trong tâm thức, hiểu biết và tự giác thực hiện các quy định an toàn với phương châm “An toàn để sản xuất” trên cơ sở đó mới có thể tự phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một cách hiệu quả nhất.
- Vai trò của người lãnh đạo chuyên môn và Công đoàn là rất quan trọng trong việc thực hiện tốt các nội dung công tác AT-VSLĐ-PCCN. Muốn vậy, đòi hỏi phải có tầm nhìn đúng đắn về công tác này để có sự quan tâm chỉ đạo thật sát sao, bố trí cán bộ an toàn có năng lực để thực hiện tốt công tác này.
Nhờ sự phối hợp giữa Chuyên môn và Công đoàn Cty, người lao động có nhận thức đúng đắn với công tác An toàn Bảo hộ lao động và nhất là quan tâm đến điều kiện lao động và quyền lợi của CBCNV nên nhiều năm qua, CBCNV Cty TTĐ4 chưa có trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp.