Sự kiện

Kỳ 3: Hình mẫu thế giới về điện khí hóa nông thôn

Thứ ba, 12/4/2016 | 09:15 GMT+7
Sau ngày giải phóng đất nước, cả nước chỉ có 2,5% hộ dân nông thôn có điện, 10 năm sau (đến năm 1986) tỉ lệ này mới đạt 9,3%.  
 

Công nhân Công ty Điện lực Sóc Sơn (EVNHANOI) kéo điện về từng hộ dân. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Đến cuối năm 2015, cả nước có 100% số huyện; 99,8% số xã với 98,76% số hộ dân nông thôn có điện. Với thành công này, Việt Nam được quốc tế đánh giá là hình mẫu về điện khí hóa nông thôn và xem là bài học lớn cho nhiều quốc gia trên thế giới. 
 
Thành công vượt bậc sau 15 năm điện khí hóa nông thôn
 
Là một trong những địa phương điển hình về điện khí hóa nông thôn, những ngày đầu tái thành lập (tháng 8/1991), hệ thống điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum chỉ gồm 19,8km đường dây 15 kV, 19 trạm biến áp với tổng dung lượng 2.403 kVA và 26,2 km đường dây hạ áp, sản lượng đạt 3,7 triệu kWh/năm. Thời gian cấp điện hạn chế, một ngày có ba ngày không, chất lượng điện năng kém. Kéo theo đó là sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân khó khăn thiếu thốn về nhiều mặt, tỷ lệ hộ nghèo trên 60%. Từ năm 1998, Kon Tum bắt đầu thực hiện điện khí hóa nông thôn  theo “công thức”: EVN chịu trách nhiệm đầu tư lưới điện trung áp; UBND tỉnh đầu tư lưới điện hạ áp và các hộ dân chịu chi phí nhánh rẽ đấu nối sau công tơ. Kết quả, đến cuối năm 2013, Kon Tum đã có 100% xã, phường; 96,62% thôn, buôn; 98,90% số hộ dân có điện (trong đó số hộ dân nông thôn đạt 98,36%). 
 
Không riêng Kon Tum, tất cả các tỉnh, thành trên cả nước đều được hưởng lợi từ chương trình điện khí hóa nông thôn, nhất là khu vực vùng sâu vùng xa, miền núi và hải đảo. Với phương châm, Nhà nước và nhân dân, Trung ương và địa phương cùng làm, tỉ lệ điện khí hóa nông thôn Việt Nam đã có bước tiến lớn. Tổng số vốn cả nước đầu tư cho lưới điện nông thôn là hơn 49 nghìn tỷ đồng (Ngân hàng Thế giới tài trợ 12 dự án, tổng số vốn đầu tư khoảng 2 tỉ USD; Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ 4 dự án với tổng số vốn khoảng 250 triệu USD, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản 152 triệu USD, Ngân hàng Tái thiết Đức 125,96 triệu USD... 
 
Phát biểu tại Lễ tổng kết 15 năm điện khí hóa nông thôn năm 2013 do Bộ Công Thương tổ chức, nguyên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chia sẻ: những năm 1990-1995, ở miền Tây Nam Bộ chỉ có tuyến đường dây độc đạo, điện yếu như đom đóm. Nhờ phong trào “Người có điện trước rước người có điện sau”, hộ đã có điện tiếp tục đóng góp để những hộ chưa có điện kéo được dây về, đến năm 1998,  ánh điện đã về từng thôn ấp. Những người thợ kéo từng đường dây, thanh thép; bê, gùi từng gầu nước, từng bao xi măng leo lên vùng cao, những làng bản xa xôi để đưa điện về mọi nơi. Từ đó, mỗi ngày ta đưa vào một xã có điện, điện khí hóa đã đóng góp đến 30-40% vào việc phát triển kinh tế xã hội nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân. Việt Nam là một trong số ít quốc gia làm được như vậy cho điện nông thôn. Nếu như từ sau giải phóng, điện chỉ cung cấp cho các trung tâm thành phố và khu công nghiệp thì nay đã đủ cung cấp cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, sau một thời gian dài cả nước luôn phải cắt điện luân phiên thì nay đã có nguồn điện  dự phòng. Với kỳ tích này, ngành Điện đã đóng góp to lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Để bảo đảm mục tiêu “điện đi trước 1 bước để chuẩn bị tốt nhất cho "đầu vào" phục vụ nền kinh tế với yêu cầu ngày càng cao hơn từ khách hàng. EVN đã vượt qua nhiều khó khăn, huy động nguồn vốn khổng lồ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng dưới nhiều hình thức khác nhau cả trong và ngoài nước. Nếu như năm 1965, chỉ số điện năng tính trên đầu người của nước ta mới chỉ đạt 30 kWh/người/năm thì nay đã đạt hơn 1,54 triệu kWh/người/năm. 
 
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, mặc dù gặp nhiều khó khăn về vốn, cơ sở vật chất yếu kém, mô hình quản lý cũ, nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự ủng hộ của người dân, EVN đã hoàn thành xuất sắc vai trò chủ đạo trong việc đầu tư lưới điện quốc gia cho khu vực nông thôn, hải đảo. Điển hình là các Dự án “Cấp điện cho các thôn bản chưa có điện 5 tỉnh Tây Nguyên”;  Dự án “Cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer” ở  các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang; Dự án “Cấp điện cho các hộ dân chưa có điện” các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La; Dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang) … Nhờ đó, đến cuối năm 2015, cả nước có 100% số huyện có điện lưới và điện tại chỗ; 99,8% số xã với 98,76% số hộ dân nông thôn có điện lưới. Trong đó, khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc đạt 96,62% về số xã và 83,76% số hộ dân nông thôn có điện; khu vực các tỉnh Tây Nguyên là 99,83% và 95,8%; khu vực Tây Nam bộ là 98,85% và 97,27%. 
 
Người dân hưởng lợi 
 

Có điện, kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng hiện đại. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Thành công lớn trong thực hiện điện khí hóa nông thôn là đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, bảo đảm trật tự an ninh quốc phòng, tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nông dân. Góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tập quán và quy mô canh tác, chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế các địa phương và tăng thu nhập cho các hộ dân. Tạo tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và ngành nghề dịch vụ nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được cải thiện, nhiều công trình được đầu tư, xây dựng mới, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, điện, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế xã, chợ khu vực.
 
Bên cạnh đó, người dân còn được hưởng lợi từ việc xóa khoảng cách giá điện phụ trội, tiết kiệm nhiều tỷ đồng mỗi năm. Để làm được việc này, EVN phải nỗ lực thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý bán điện nông thôn trong nhiều năm ròng. Nếu như năm 2001, EVN mới quản lý bán điện trực tiếp đến khoảng 25% số hộ dân nông thôn, 75% còn lại là do các tổ chức, cá nhân địa phương quản lý thì đến nay, EVN đã bán điện trực tiếp 23,7 triệu khách hàng. Hiện chỉ còn khoảng 1.500 xã do các tổ chức ngoài  EVN quản lý và đang  tiếp tục được bàn giao trong thời gian tới. Riêng  hai năm 2014-2015, hàng nghìn hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã được sử dụng điện, dù chi phí đầu tư kéo điện lên tới vài chục triệu đồng/hộ. Ngoài việc thực hiện chính sách giá điện hợp lý, giá điện cho nông nghiệp bằng 50% chi phí sản xuất điện, áp chung một biểu giá điện thống nhất trên toàn quốc… EVN  còn hỗ trợ tiền cho 30 kWh đầu tiên cho hộ nghèo, gia đình chính sách, giá bán điện bậc 1 bằng 75% chi phí giá thành…. Đây là những hành động có giá trị nhân văn cao cả.
 
Công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đánh giá điều tra của đơn vị tư vấn độc lập, năm 2015, mức độ hài lòng của khách hàng sử dụng điện đạt bình quân 7,5/10; thời gian phục hồi điện sau sự cố trong vòng 2 giờ; lắp đặt công tơ mới cho khách hàng khu vực đô thị dưới 3 ngày đạt 83,17% số trường hợp; khu vực nông thôn dưới 5 ngày đạt 88,61% số trường hợp. Chỉ tiêu độ tin cậy cung ứng điện ngày càng được cải thiện rõ rệt. Sản lượng điện tiết kiệm hàng năm đạt từ 1,7-2,5% sản lượng điện thương phẩm. Bằng việc thực hiện nhiều giải pháp đột phá, tổn thất điện năng giảm được từ 10,15% (năm 2010) xuống còn 8,0% ( năm 2015). Như vậy, tổn thất điện năng của EVN tương đương với tổn thất của các công ty điện lực cùng mô hình tổ chức ở các nước trong khu vực (năm 2014 tổn thất của Công ty TNB- Malaysia là 8,33%, Công ty PT PNL - Indonesia là 9,92%...).
 
Không chỉ đưa điện về nông thôn, EVN còn là doanh nghiệp rất tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, đền ơn đáp nghĩa. Điển hình nhất là Chương trình Hỗ trợ 3 huyện nghèo Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ tỉnh Lai Châu theo Nghị quyết 30a của Chính phủ với các mục tiêu chính là: Giảm hộ nghèo xuống 15%-30% so với yêu cầu ngang bằng với mức trung bình của tỉnh. Đến năm 2010 không còn nhà tạm; phấn đấu 100% xã có điện và đến cuối năm 2015 có trên 90% hộ dân có điện, đến năm 2020 cơ bản 100% hộ dân có điện sử dụng. Theo đó, EVN tập trung vào việc xây dựng mạng lưới điện cho các xã, thôn, bản và hộ dân chưa có điện; xóa nhà tạm; xây dựng trung tâm đào tạo nghề, trường học nội trú, xây dựng “Nhà bán trú dân nuôi”; đào tạo cho các sinh viên được cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường, đào tạo khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng mô hình sản xuất, cùng các hỗ trợ khác như: Đồ dùng học tập, sách vở, quẩn áo, mua bảo hiểm y tế... Cùng với Chương trình 167 của Chính phủ, EVN đã hỗ trợ 16 hộ thuộc diện chính sách xây dựng được 1 căn nhà có diện tích sử dụng tối thiểu là 24m2, tuổi thọ 10 năm trở lên với chi phí bình quân khoảng 40 triệu đồng/nhà; hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ cho 1.400 hộ dân cần xóa nhà tạm; hỗ trợ xây dựng 43 “nhà bán trú dân nuôi”. Mở 3 lớp đào tạo nghề cho 59 học sinh là con em các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; hỗ trợ xây dựng 2 trường học tại huyện Tân Uyên, với tổng kinh phí 18 tỷ đồng; mua Bảo hiểm y tế cho 4.278 học sinh trong 3 năm học từ 2009-2011. Trong năm 2015, triển khai chương trình cấp thiết bị xe đạp phát điện cho 51 hộ dân chưa có điện sống tại các khu vực vùng sâu, vùng xa hẻo lánh tại 3 huyện Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ. Với sự hỗ trợ tích cực của EVN, tỷ lệ hộ nghèo tại 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ giảm 6,76%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 30a đề ra (bình quân giảm 5%/năm).
 
Phấn đấu đến năm 2020, hầu hết số hộ dân nông thôn có điện 
 

Công nhân Công ty Điện lực Điện Biên (EVNNPC) lắp đặt công tơ cho các hộ dân tại huyện Mường Nhé, Điện Biên. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
“Điện đi trước một bước” vẫn là mục tiêu hàng đầu của Việt Nam. Theo quyết định phê duyệt các dự án cấp điện nông thôn, hải đảo giai đoạn 2015 - 2020 vừa được Bộ Công Thương phê duyệt, trong số 22 dự án mà EVN được giao đảm trách, có 21 dự án cấp điện nông thôn, hải đảo từ lưới điện quốc gia và 1 dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) từ hệ thống điện lai ghép gió, mặt trời, diesel và lưu trữ năng lượng. Mục tiêu của các dự án nhằm tiếp tục  cung cấp điện cho 57 xã, 12.140 thôn, bản và 1.288.900 hộ gia đình sinh sống tại các bản, làng cực kỳ khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo, góp phần đảm bảo đến năm 2020, hầu hết số hộ dân nông thôn có điện cũng như được hưởng lợi từ chính sách giá điện của Chính phủ. Mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh là điện thương phẩm, điện sản xuất tăng trưởng lần lượt là 10,4%-10,1%/năm trong giai đoạn 2016-2020 và 8%/năm cho giai đoạn từ 2021-2030 phục vụ mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 7%/năm giai đoạn 2016-2030. Nghĩa là điện thương phẩm năm 2020 đạt 228-245 tỷ kWh, năm 2025 đạt 337-379 tỷ kWh và đạt 456-506 tỷ kWh vào năm 2030.
 
Theo ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, 22 dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 11.730,8 tỷ đồng, ngoài 85% vốn do ngân sách Trung ương cấp, EVN sẽ phải tự lo 15% vốn đối ứng, tương đương với 1.759,6 tỷ đồng.  Đây là áp lực lớn về tài chính. Để giảm áp lực cho Chính phủ, EVN đang nỗ lực huy động các nguồn lực ngoài nhà nước tham gia công tác nghiên cứu, đầu tư về năng lượng, kể cả các giải pháp tại chỗ như thủy điện nhỏ, sinh khối, biogas, điện gió, điện mặt trời...để tránh lãnh phí nguồn lực và tính hiệu quả kinh tế của dự án. Ông Thành khẳng định: với những nỗ lực trong việc đầu tư và cải tạo các công trình điện, chắc chắn đến năm 2020, mục tiêu hầu hết số hộ dân nông thôn có điện hoàn toàn có thể đạt được.

Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc WB  tại Việt Nam: Thành tựu của Việt Nam sau 15 năm điện khí hóa nông thôn là rất lớn. Rất ít quốc gia trên thế giới với điều kiện kinh tế tương tự như Việt Nam đảm bảo được tốc độ tăng trưởng điện năng từ 10-15%/năm, giảm tổn thất từ 30% xuống còn 10%, tỉ lệ số xã, hộ dân nông thôn có điện cũng là con số gây sửng sốt. Việc mở rộng cung cấp điện cho những khu vực chưa có điện từ nay đến năm 2020 là thách thức rất lớn đối. Vì vậy, WB sẽ tiếp tục hỗ trợ VN về vốn để thực hiện chương trình điện khí hóa những năm tiếp theo.

(Còn tiếp)
 
Kỳ IV: Khoa học công nghệ ngành Điện: Hướng tới chuyên môn hóa, hiệu quả, bền vững
 
 
Ngọc Loan/Icon.com.vn