Sự kiện

Gian nan vận hành Thủy điện Hòa Bình

Thứ hai, 21/9/2009 | 15:14 GMT+7

Theo sự chỉ dẫn của anh Đặng Trần Công – chánh văn phòng công ty Thủy điện Hòa Bình, chúng tôi đi sâu hút vào trong lòng núi, nơi đặt 8 tổ máy thủy điện mỗi năm cung cấp 8,16 tỷ KWh điện cho đất nước.

Đường vào nhà máy đẹp như một cung điện. Những đoàn khách du lịch đến tham quan Nhà máy đang nhộn nhịp vào ra. Ngoài chức năng quan trọng là phát điện; chống lũ; cấp nước tưới cho vùng hạ du; đảm bảo giao thông thủy trên sông Đà, Thủy điện Hòa Bình còn là một trong những điểm thu hút khách du lịch lên thăm Hòa Bình.

Nỗi bận rộn của thợ vận hành

Tại phòng trực vận hành của nhà máy, ca trực do trưởng ca Trương Đình Thịnh điều hành đang chăm chú theo dõi mọi biến đổi trên màn hình các thông số về công suất, điện áp, tần số…, tai nghe điện thoại, tay cầm bút ghi chép lia lịa. Thỉnh thoảng họ lại trao đổi vài câu ngắn gọn về những từ chuyên môn mà những kẻ ngoại đạo như tôi nghe cứ như ... vịt nghe sấm.

Thú thật là dù trong phòng có điều hòa, quạt thông gió nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy cứ như... thiếu không khí. Khi tôi rụt rè nói ra nhận xét đó thì anh Thịnh cười: Nơi đây thừa điện trường và tiếng ồn nhưng thiếu ánh sáng và khí trời. Bằng chứng là hầu hết thợ thủy điện đều có nước da mai mái, còn cây xanh cứ đưa vào chỉ một thời gian là héo rũ.

Thấy tôi khen “nhàn hạ như thợ vận hành”, anh Thịnh chữa ngay: Công việc của thợ vận hành không phải nặng nhọc bằng cơ bắp mà căng thẳng đầu óc. Lúc bình thường trông họ rất nhàn nhưng đè trên vai họ là trách nhiệm trước cả hệ thống điện quốc gia, chỉ một sự cố nhỏ không được phát hiện kịp thời cũng có thể gây tai họa lớn cho toàn hệ thống.

Anh Thịnh cho biết, mỗi ca có 22 người trực toàn Nhà máy, trong đó có 2 người trực vận hành theo dõi toàn bộ hệ thống điện. Nhiệm vụ của họ là phát hiện những biến đổi dù nhỏ nhất của các tổ máy, phân tích tình huống, phán đoán nhanh để trong vài phút là phải đưa ra ngay phương án xử lý chính xác. Làm được như vậy không chỉ cần kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao mà người thợ phải có sự bình tĩnh cần thiết. Bởi vì thời gian cho phép để xử lý chỉ tính từng phút, không phải khi nào cũng bàn bạc xin ý kiến lãnh đạo được.

Tôi nhớ lại câu chuyện của anh Nguyễn Tuấn Phương, một trưởng ca vận hành của Nhà máy về sự cố mùa khô 2005. Do nước hồ Hoà Bình xuống dưới mực nước chết, nhà máy không thể phát hết công suất nên EVN quyết định đưa điện từ miền Nam ra. Trong quá trình chuyển tải đã xảy ra cắt điện sự cố làm cả miền Bắc mất điện hoàn toàn, kể cả nhà máy Thủy điện Hoà Bình. Mất 1 phút để trấn tĩnh và suy đoán, anh quyết định cho chạy 1 tổ máy để cấp điện tự dùng cho nhà máy sau đó mới khôi phục các tổ máy khác theo lệnh điều độ của A0. Mọi việc chỉ diễn ra trong vòng 3 phút. Nghe thì đơn giản nhưng đó là kinh nghiệm được đúc kết từ mấy chục năm làm thợ của anh. Gần đây nhất là sự cố cháy cáp điều khiển và cáp lực ở gian máy xảy ra ở ca trực của anh Thịnh đêm 3/2/2009.

Anh Thịnh kể: Tự nhiên anh em phát hiện thấy khói bốc mù mịt trong đường hầm. Các tổ máy vẫn cứ chạy đều trong khi toàn bộ thông tin liên lạc nhà máy bị tê liệt. Rất nhanh chóng, anh cho người chạy ra cửa hầm gọi điện thoại di động về A0 báo cáo sự cố và đề nghị giữ công suất ổn định cho nhà máy, một mặt báo cáo lãnh đạo huy động toàn bộ lực lượng tham gia chữa cháy. 28 bình chữa cháy hoạt động hết công suất nhưng đám khói cứ như ngày càng bốc cao. Cuối cùng, các anh phải dùng vòi nước phun thẳng vào đám cháy mới dập được lửa. “Về nguyên tắc không được dùng nước để chữa cháy điện nhưng nếu không liều thì không biết hậu quả sẽ ra sao”.

Cũng theo anh Thịnh, thợ thủy điện rất nhàn hạ trong mùa mưa nhưng cực kỳ vất vả vào mùa khô. Bởi vì, mùa mưa nước thoải mái thì máy hoạt động theo chế độ tự động nên thợ chỉ việc nhập lệnh vào máy tính. Còn mùa khô, nước thiếu, nhất là khi ở mực nước 80 mét trở xuống, các anh phải vận hành “bẻ khóa” tăng giảm đồng hồ bằng tay, lại luôn phải nghe ngóng mực nước lên xuống để điều chỉnh máy rất căng thẳng.

Thợ sửa chữa - hối hả mùa bảo dưỡng

Câu đầu tiên khi gặp chúng tôi, Giám đốc Nguyễn Văn Thành “khoe” ngay: Hơn hai chục năm qua, Thuỷ điện Hoà Bình đã sản xuất được khoảng 140 tỷ KWh điện. Đặc biệt, năm 2007, nhà máy đã phát điện đạt trên 9 tỷ KWh, vượt công suất thiết kế 1 tỷ kWh, năm 2008 vượt 2 tỷ kWh.

Khi tôi hỏi bí quyết thành công, ông Thành cười: "Công tác chuẩn bị tốt sẽ quyết định 80% thắng lợi". Theo ông Thành, để phát điện đạt và vượt công suất trong điều kiện máy móc thiết bị đã già cỗi, hư hỏng nhiều như Thủy điện Hòa Bình thì vấn đề quan trọng nhất là phải làm tốt công tác bảo dưỡng, đại tu các tổ máy (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau) để đảm bảo máy vận hành liên tục 24/24h trong mùa mưa. Đây là mùa xả lũ, nếu không tranh thủ phát điện thì lãng phí lắm. Chỉ cần ngừng 1 tổ máy là bị thất thu rất nhiều.

Cũng như thợ vận hành, mùa lũ máy cứ chạy đều thì thợ sửa chữa chỉ phải trực sự cố bất thường, còn mùa khô thợ máy vừa trực sự cố, vừa lần lượt bảo dưỡng đại tu các tổ máy. Ông Trần Mạnh Quang, đốc công sửa chữa tuốc bin cho biết, theo tiêu chuẩn thiết kế nhà máy sẽ có tuổi thọ 50 năm nhưng các anh phải có nhiệm vụ kéo dài tuổi thọ khoảng 70- 100 năm. Muốn thế, mỗi kỹ sư sữa chữa phải như một bác sỹ riêng của máy. Mỗi tổ máy có hàng ngàn chi tiết, nếu không phát hiện kịp thời những biến đổi dù nhỏ nhất thì sự cố sẽ không lường trước được.

Theo ông Quang, khó nhất là phải phán đoán nguyên nhân gây sự cố trong khi thời gian cho phép chỉ tính từng phút. Như nếu bỗng nhiên mực nước lắp tuốcbin dâng cao, hệ thống cảnh báo phát tín hiệu báo động. Nguyên nhân của hiện tượng này thường là bơm êzectơ bị tắc hoặc vòi phun bị hỏng hoặc bật zoăng chân trục. Vấn đề là phải phát hiện và sửa chữa thật nhanh, nếu không nước sẽ dâng lên ngập các tổ máy khiến các đường điện bị chập và hậu quả không thể tính trước được. Nguy hiểm nhất với thợ sửa chữa là làm trong tổ máy trơn đầy dầu mỡ, vừa dễ tai nạn vừa dễ gây cháy nổ. Chỉ một chút sơ sẩy là có thể rơi trên độ cao 22 m. Vì vậy, nhiệm vụ của thợ sửa chữa không chỉ giữ an toàn cho máy mà còn phải đảm bảo an toàn cháy nổ và giữ an toàn cho cho chính bản thân mình.

Tham gia phát hiện và khắc phục sự cố máy móc dưới độ sâu hàng chục đến vài ba chục mét còn có đội thợ lặn của nhà máy. Năm 2006, một tổ máy của thủy điện Hòa Bình bất ngờ bị sự cố không hoạt động được. Các anh đã lặn xuống và phát hiện được tầng lưới thép chắn rác kiên cố trước tổ máy đã bị hổng một lỗ to khiến một gốc cây rừng khá lớn chui lọt vào lòng tổ máy. Nguyên nhân được xác định do những cơn mưa lũ tràn về cuốn theo một lượng củi gỗ khổng lồ chắn dòng nước vào tổ máy khiến máy phải hoạt động trong tình trạng thiếu nước, tạo nên sức ép phá thủng tấm lưới. Các anh đã phải cưa nhỏ gốc cây mới đưa được ra ngoài và xử lý lại lưới thép chắn rác.

Giành giật với thiên nhiên

Một trong những nỗi trăn trở lớn nhất của giám đốc Nguyễn Văn Thành là Thuỷ điện Hoà Bình vừa phải làm tốt nhiệm vụ chống lũ, chống hạn, vừa phải đảm bảo sản lượng điện. Các nhiệm vụ nghe có vẻ mâu thuẫn, nhất là trong điều kiện nguồn nước còn phải “trăm sự nhờ trời” như hiện nay.

Ông Thành kể, có một khách du lịch nước ngoài đã thốt lên đầy tiếc nuối khi thấy hồ Hòa Bình đang xã lũ một cách “lãng phí”, bởi vì bên họ nước phải được chảy qua các tua bin phát điện trước khi đổ xuống hạ lưu. “Không phải chỉ họ tiếc đâu, mình còn tiếc đứt ruột hơn họ ấy chứ - ông Thành nói. Chỉ có điều, bảo vệ an toàn hồ Hòa Bình là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Những khi cần có thể phải tiết kiệm từng khối nước để phát điện hoặc hồ Hòa Bình phải gồng mình lên để giữ nước cắt lũ nhưng cũng có khi phải xã một lượng nước lớn để chống hạn cứu lúa hoặc giữ an toàn cho đập”. Vấn đề khó nhất là quyết định thời gian đóng, mở cửa xả cho hợp lý.

Ông Thành nhớ lại, trận bão năm 2007 tràn qua biến thành phố Hòa Bình thành biển nước. Nước lũ ào áo tràn về tới trên 14.500 m3/giây. Đập hồ Hòa Bình trong nguy cơ “ngàn cân treo sợi tóc”. Giải pháp khôn ngoan nhất lúc này là mở cửa xả số 7 để cứu đập nhưng điều đó cũng có nghĩa là cả thành phố Hòa Bình sẽ chìm trong biển nước. Một bên là số phận của nhà máy với nhiệm vụ điều tần cho hệ thống điện quốc gia, một bên là cuộc sống của hàng vạn người dân. Chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể gây hậu quả khôn lường. Vận dụng tất cả kiến thức, kinh nghiệm và cả sự quyết đoán, anh quyết định: phát lệnh sơ tán dân, đồng thời cố gắng cầm cự thêm 15 phút nữa. Cả thành phố trong tình trạng báo động, cửa xả số 7 đã sẵn sang chờ lệnh. May quá, 10 phút sau lượng mưa giảm dần, mực nước hồ cũng không dâng lên nữa. Mọi người thở phào, còn anh thì đứng như trời trồng, toát mồ hôi vì mừng và… hú vía vì nếu anh chỉ quyết định mở cửa xả sớm 10 phút thì cuộc sống của hàng vạn người dân sẽ ra sao. Nhưng để có quyết định này anh đã đặt cược cả sinh mạng chính trị của mình lên bờ đập. Thế mới biết, trong chiến thắng đôi khi cũng cần có chút “máu liều”.

Tính đến nay, công trình đã cắt lũ an toàn và hiệu quả gần 100 trận lũ với tổng lượng nước trên 300 tỷ m3 (trung bình mỗi năm, công trình đã cắt từ 4-6 trận lũ lớn, với lưu lượng cắt từ 10.000-22.650 m3/s). Năm nay lũ lại về ít quá, hồ Hòa Bình lấy gì để tích nước đây, ông Thành lại thở dài. Tôi có cảm giác như với ông quan trọng nhất là chuyện nước lũ và... nước lũ.

Theo: Công Thương