Sự kiện

Lũ lớn không phải vì các công trình thủy điện xả lũ

Thứ hai, 16/11/2009 | 08:57 GMT+7

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định trong các đợt mưa lũ vừa qua các công trình thủy điện xả lũ không phải là nguyên nhân gây lũ lớn, vấn đề là do mưa lũ bất thường gây ra. Phó Thủ tướng phân tích:

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lũ ở miền Trung - Ảnh: Chinhphu.vn
Rõ ràng hồ thủy điện đã phát huy được khả năng chống lũ. Còn lũ quá khả năng của hồ thì bắt buộc thì phải xả, nếu không gây vỡ đập còn nguy hiểm hơn nhiều.

Vấn đề cần thiết ở đây là phải tăng cường đầu tư mạng lưới quan trắc. Khi mạng lưới quan trắc càng dầy thì càng phát hiện sớm lũ cục bộ phổ biến  hiện nay.

Có một khó khăn là khả năng quan trắc các vùng lưu vực sông không nằm hoàn toàn trên lãnh thổ nước ta vì có 70% lưu vực sông nằm ở nước ngoài. Ở miền Trung, toàn bộ lưu vực sông nằm bên nước bạn .

+ Bài học rút ra sau hai cơn bão lũ lớn vừa qua là gì, thưa Phó Thủ tướng?

- Thứ nhất, công tác dự báo không thể chính xác 100%, nên cần đầu tư phương tiện, công cụ dự báo tốt hơn. Thứ hai là biến đổi khí hậu làm cho công tác dự báo càng khó khăn hơn. 

Vừa qua, khu vực chúng ta thường tập trung chú ý dự báo đề phòng nhất là khoảng nửa triệu ngư dân trên biển chúng ta làm khá tốt và không xảy ra tổn thất lớn. Trong đất liền, những nơi chúng ta lo lắng, sụt lở đất, ngập nước đều sơ tán được dân kịp thời. Chính những nơi chúng ta thường không tính đến vì tương đối ổn định thì nay lại bị thiên tai rất rất nặng nề. Điều đó thể hiện sự bất thường, không lường được của bão lũ.

Ngay như thị trấn La Hai ở huyện miền núi Đồng Xuân ( Phú Yên), nằm trên thế đất rất cao, thường không ngập, vậy mà cơn bão số 11 đã gây ngập nhà dân đến 6m. Người dân bàng hoàng vì chưa bao giờ bị ngập, thiệt hại rất lớn như vậy.

+ Thưa Phó Thủ tướng, có ý kiến cho rằng, việc quy hoạch các nhà máy thủy điện và sự phối hợp giữa các nhà máy hiện nay không tốt, dẫn tới việc điều tiết nước không hợp lý, gây ngập?

-  Lũ lớn không phụ thuộc vào việc có nhà máy thủy điện. Vừa qua, 3 huyện của Phú Yên thiệt hại nặng nhất là Sông Cầu, Đồng Xuân và Tuy An ở phía trên không có nhà máy thủy điện.  Nhà máy thủy điện sông Ba nằm ở phía nam  Tuy Hòa đã xả nước rất nhiều trong những ngày qua không gây lũ chết người .

Cho rằng thủy điện chưa cắt được hết lũ hay gây thêm lũ lớn đều là không đúng. Không một nhà máy thủy điện nào cắt được hết lũ, thủy điện chỉ làm đúng nhiệm vụ của nó. Lúc mưa to, lũ lớn chẳng ai lại mong ngập lụt, nhưng thiên tai phải được nhìn nhận khách quan.

+ Có ý kiến cho rằng, chưa có sự liên lạc, phối hợp chặt chẽ giữa các hồ đập thủy điện và Trung tâm Khí tượng thủy văn trong việc dự báo, thưa Phó Thủ tướng?

- Nước ta có tới 3.500 hồ, hồ thủy điện chỉ là một trong số đó, phần lớn còn lại là hồ thủy lợi, do vậy, khó có thể liên hệ hết với trung tâm dự báo khí tượng thủy văn. Mỗi địa phương đều có một trung tâm dự báo khí tượng thủy văn và hồ thủy lợi, thủy điện  ở cấp độ nào thì liên hệ với Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, cấp độ nào  thì liên hệ với trung tâm của địa phương đều đã có quy định.

Ví như hồ Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà thuộc Trung ương thì khi chuyển sang chế độ chống lũ, đích thân Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương điều hành hồ ấy và xả đúng quy trình.

Cho rằng không nên xây thủy điện là không thực tế và không có các công trình hồ thủy điện này thì lấy nước đâu cho sản xuất nông nghiệp, điều tiết lũ. Bởi sau bão lũ là hạn hán, các hồ phải tích nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát điện. Bất cập hiện nay có chăng là ở chỗ liên hồ chứa, liên lưu vực.  Quy trình liên hồ chứa bắt buộc thủy điện không được vì lợi ích riêng mà phải vì lợi ích tối đa của vùng hạ du.

+ Những giải pháp, kịch bản để khắc phục hạn chế trên là gì, thưa Phó Thủ tướng?

- Thứ nhất vẫn là nhận thức của người dân phải luôn cảnh giác, bão lũ không còn theo quy luật mà luôn luôn bất thường. Tôi cho rằng biến đổi khí hậu đã bắt đầu có tác động. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất. Hiện chúng ta đã đưa ra các kịch bản về biến đổi khí hậu để ứng phó, các kịch bản này sẽ được phổ biến đến các tỉnh, các Bộ ngành, trên cơ sở đó xây dựng chương trình hành động. Thứ hai là quan trắc dự báo phải được tăng cường đầu tư và hợp tác với các nước trong khu vực.

Theo: Chinhphu.vn